“Tự soi bóng mình trong mắt biển/ Tìm cội nguồn đảo xa/Đã muôn thuở gồng lưng sóng gió/ Vẫn vang ngân tiếng mẹ/ - Hoàng Sa._ Hoàng Sa / Không thể nào khác được/ Những đứa con cùng một bọc sinh ra/ Dòng máu Âu Cơ nhuộm vàng bãi cát/ Sóng miên man vẫn hướng quê nhà._ Như đứa con địu trên lưng mẹ/ Biển mặn rừng sâu khắc tạc dáng hình/ Hồn cốt cha ông hóa thân bờ cõi/ Chọn màu cờ làm giấy khai sinh._ “Âm linh tự” xưa đây/ Cùng “hùng binh” thuở trước/ Cây tre buột theo thuyền từ ngày mở nước/ Vẫn tươi xanh đau đáu sắc trời Nam…/ Hào khí ngàn năm: Sơn hà Nam quốc/ Gối biển Đông vọng mãi đến muôn đời!” (ĐỘC THOẠI HOÀNG SA)
Đó không chỉ là những vần thơ “viết bằng máu” của nhà thơ Ngô Phú Thiện (Hội VHNT Quảng Nam), trước mỗi tấc nước Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đang từng giờ bị bọn giặc nước ngoài lăm le xâm lấn. Ở Quảng Nam, anh em văn nghệ thường đùa rằng nhà thơ Ngô Phú Thiện là người chống hải tặc số 1. Nghe đọc Độc thoại Hoàng Sa bằng chất giọng trầm ấm tôi có cảm giác như hồn thiêng của Hịch tướng sĩ vọng về thôi thúc lòng yêu nước đến tột cùng. Có lần ghé vào sạp báo ven đường, tìm mua và đọc những thông tin nóng về tàu nước ngoài bắt bớ đánh đập vô cớ ngư dân Việt Nam, phá hoại tài sản dầu mỏ Việt Nam, anh trung niên chủ sạp báo tức giận trước những dòng tin ấy, nói: “Nói thiệt với anh, tôi đã từng là bộ đội chiến đấu ở biên giới phía Bắc sau ngày đất nước mới hòa bình. Chừ tuổi tui tuy nhiều rồi nhưng cần thiết tui đăng ký đi bộ đội tiếp để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mình. Thấy tụi giặc nước ngoài làm tàn mà tức lắm anh ạ!”. Tôi hỏi cô bé bán báo kề bên là cháu có sẵn sàng đi bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa không. Cô bé trả lời “Có!”. Cậu con trai, bạn cô bé bảo cô bé đừng nói trạng. Cô bé tự ái nói ngay, tui không chiến đấu được thì tui nấu cơm cho bộ đội! Cô bé cười vô tư xen lẫn vẻ tự hào.
Rẽ sang vài mẫu chuyện đầy ý nghĩa như thế để thấy rằng không phải một mình nhà thơ Ngô Phú Thiện Độc thoại với Hoàng Sa. Thậm chí khi bài thơ mới ráo mực hồn vía cha ông đã nhập vào và lập tức có nhiều “điềm lành”. Nhạc sĩ Trần Cao Vân (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) tâm sự: “Có lần tôi đến nhà anh Ngô Phú Thiện thăm chơi, anh đọc cho tôi nghe bài thơ anh vừa sáng tác, bài “Độc thoại Trường Sa” (đầu đề đầu tiên của bài thơ). Tôi như bị cuốn hút theo từng lời từng chữ khi anh Thiện đọc. Cảm xúc trong tôi cứ dâng trào theo tiếng gươm khua, tiếng sóng gào, tiếng thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của cha ông trong những tháng năm giữ nước. Anh Ngô Phú Thiện đọc xong, tôi đề nghị anh đọc lại lần nữa. Tôi xúc động nói với anh Thiện rằng tôi sẽ phổ bài thơ này, chất liệu âm nhạc sẽ là chất liệu Hát bộ. Gần một năm sau tôi nung nấu ý định viết, khi bài thơ của anh Thiện được đăng trên tạp chí Đất Quảng và đổi tên là “Độc thoại Hoàng Sa” cũng là lúc cảm xúc tôi đã chín. Tôi bắt tay vào phổ nhạc bài thơ “Độc thoại Hoàng Sa”. Bao cảm xúc ấp ủ, dồn nén sau một năm chừ tuôn ra dào dạt, cái khí khái, hào sảng của lời ca được khắc đậm hơn khi tôi đưa chất liệu và lối hát bộ là những âm “ư, hử…” vào giai điệu. Tôi viết rất nhanh, ngồi một mình viết, viết gần xong bài, tôi phôn cho anh Thiện và hát qua điện thoại để anh Thiện nghe. Tuy ca khúc phổ xong nhưng tôi cảm thấy có gì đó chưa ổn, chưa thỏa mãn cái đầu đề. Tôi bàn và cũng xin phép anh Thiện cho tôi sửa tên bài thơ. Nhưng nghĩ mãi vẫn chưa ra tên gọi nào thật hay cho đứa con tinh thần của chúng tôi. Và rồi vào một buổi sáng ngồi uống cà phê tại quán Trầm cùng nhóm các anh bạn thân trong giới văn nghệ sĩ Quảng Nam: Huỳnh Trương Phát, Phan Chí Anh, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Bá Hòa,…có cả các em sinh viên Đại học Quảng Nam: Nguyễn Thành Giang, Bùi Hữu Cường, Nguyễn Thị Cẩm Giang cũng là những cây bút trẻ của đất Quảng và anh Ngô Phú Thiện. Tôi đưa ý nguyện của mình ra, tự dưng câu chuyện Hoàng Sa, Trường Sa được chúng tôi chia sẻ sâu sắc. Mỗi người mỗi chữ, mỗi câu, mỗi ý, mỗi tứ, … Cuối cùng tiếng sóng đã lan tỏa trong mỗi chúng tôi và vọng mãi ngàn sau. Ca khúc “Sóng vọng ngàn sau” là tên gọi bắt đầu từ đó!. Chon được tên gọi là lúc tôi nhận được thông báo của Chi hội Âm nhạc Quảng Nam nộp tác phẩm tham dự xét “Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật đất Quảng năm 2010”. Tôi quyết định gửi “Sóng vọng ngàn sau” tham dự. Theo tôi biết, có 3 vị Giám khảo là các nhạc sĩ nổi tiếng, có uy tín của Hội Nhạc sĩ Việt Nam được mời tham gia Hội đồng xét chọn. Ca khúc “Sóng vọng ngàn sau” của tôi phổ thơ của anh Ngô Phú Thiện đạt điểm cao nhất, xếp loại A1, ca khúc “Chuyện trái bóng” của anh Phước Đại Lộc xếp loại A2, nhưng không hiểu sao khi chuyển về Hội VHNT tỉnh “Sóng vọng ngàn sau” lại bị hạ xuống thành giải B (!?). Tôi chỉ biết vậy và chúng tôi cũng biết mừng đến mức vậy.”
Thôi thì chuyện giải thưởng ABCD không phải là điều quan tâm. Quan trọng hơn cả là lương tâm của người nghệ sĩ. Như thế mới đáng để người đời tôn trọng và thừa nhận. Các anh Trần Cao Vân- nhạc sĩ, Ngô Phú Thiện- nhà thơ thân mến, các anh đã để lại cho đời Tiếng sóng quê hương, đêm đêm ngày ngày vỗ vào hình hài Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc Việt Nam như là hồn cốt của cha ông giữ biển, giữ đảo ngày xưa và hôm nay là vật báu vô giá dễ gì ai có. Dẫu sao nó cũng được những nhà chuyên môn có tầm đánh giá đúng giá trị nghệ thuật, công sức của các anh không phải uổng phí. Từ Độc thoại Trường Sa, Độc thoại Hoàng Sa đến Sóng vọng ngàn sau chỉ là một nhịp đập của con tim./.
Huỳnh Trương Phát