Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
LÀNG LỤA QUẢNG NAM “BẢO TÀNG SỐNG” NGHỀ TẰM TANG XỨ QUẢNG
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 24/09/2013 .Lượt xem: 1065 lượt.

Làng lụa Quảng Nam (số 28 Nguyễn Tất Thành, TP. Hội An) nằm cách trung tâm đô thị cổ Hội An gần 1km, được xem là “bảo tàng sống” với một không gian bảo tàng về lụa của vùng đất di sản, nơi có nghề trồng dâu, nuôi tằm - ươm tơ, dệt vải, thêu thùa... Tại đây lưu giữ các nguồn gen cây dâu, giống tằm, quy trình sản xuất lụa truyền thống, và là “điểm đến” hấp dẫn du khách muôn phương.

Trải nghiệm làng lụa

Doanh nhân trẻ Lê Thái Vũ - Giám đốc Công ty Quảng Nam Silk, chủ nhân của khu “Làng lụa Quảng Nam” - đưa chúng tôi tham quan một vòng làng lụa, nơi mà anh đã ấp ủ ý tưởng và khai sinh ra nó trong hơn 20 năm! Làng lụa ra đời từ tháng 7-2012, nằm trên khu đất rộng 2ha, thiết kế theo kiểu nhà vườn, với những ngôi nhà cổ (kiến trúc nhà rường truyền thống), những con đường nhỏ quanh co qua những “biền dâu” xanh mát với hơn 40 gốc dâu cổ thụ, cùng những gian trưng bày, tái hiện không gian của một làng nghề dệt lụa thuần Việt trong tiếng thoi đưa lách cách...  

Một vòng làng lụa, du khách được chiêm ngưỡng những gốc dâu cổ thụ có nguồn gốc Chăm gần bằng vòng tay người ôm. Đó là những gốc dâu mà ông chủ họ Lê lặn lội nhiều năm ở vùng thượng nguồn Thu Bồn tìm kiếm, mua về trồng. Rời những vườn dâu xanh mướt, du khách có dịp thấy cảnh các cô gái áo bà ba xinh tươi thao diễn cảnh cho tằm ăn, đưa tằm lên đuỗi để nhả tơ đan kén hay cảnh tái hiện nghề ươm tơ, dệt lụa nền nã trong không gian nhà cổ. Tất cả như một bức tranh quê êm ả, thanh bình.

Trong không gian làng lụa còn có phòng trưng bày nhiều loại khung dệt cổ Chăm, Việt và hơn 100 bộ trang phục Việt cổ. Điểm nhấn ngay giữa làng lụa là khu thờ bà Chúa Tằm tang. Truyền thuyết kể rằng, vào một đêm trăng đẹp năm 1615, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong một chiến tuần du Quảng Nam, cùng Hoàng tử Nguyễn Phúc Lan dạo thuyền trên sông Thu Bồn thì nghe giọng hát trong ngần và quyến rũ của cô thôn nữ từ một nương dâu bên bờ sông vọng tới: “Tai nghe Chúa Ngự thuyền rồng/ thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa…/ Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/ Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình…”. Tiếng hát của cô gái chuyên nghề canh cửi tằm tang Đoàn Thị Ngọc ở vùng quê Duy Xuyên bên dòng sông Thu thơ mộng đã làm xao xuyến trái tim đa cảm của Nguyễn Phúc Lan. Sau khi bén duyên và về với Nguyễn Phúc Lan, cô thôn nữ họ Đoàn được Chúa Nguyễn phong tước là Đoàn Quý Phi hay còn gọi là Bà Chúa Tằm Tang.

Trải nghiệm làng lụa, du khách được tham gia vào các hoạt động trong quy trình sản xuất, từ việc hái lá dâu, cho tằm ăn, đến việc quay tơ, dệt lụa, rồi mặc những bộ trang phục làm bằng lụa, nghe tiếng hát của các thôn nữ, thưởng thức những món ăn ngon của xứ Quảng và mua sắm những sản phẩm lụa... Đó là sự trải nghiệm rất thú vị bởi nét văn hóa làng nghề xứ Quảng vừa gần gụi, thân thuộc vừa huyền ảo lung linh...

Phát huy giá trị làng nghề ươm tơ - dệt lụa

Doanh nhân Lê Thái Vũ cho biết, dự án làng lụa là nơi lưu giữ các nguồn gien quý về dâu tằm, giống tằm, là nơi có bộ sưu tập nhà rường đúng kiến trúc Quảng Nam, tổ chức các hoạt động thao tác nghề, hướng nghiệp dạy nghề, đồng thời là điểm du lịch với những dịch vụ nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc nhất, nhiều sức hút nhất. Nơi đây cũng tổ chức các sự kiện văn hóa, tụ hội, gặp gỡ giữa các nhà văn hóa, văn nghệ, văn học và những ai yêu nghề tơ lụa truyền thống Quảng Nam. “Dự án mong ước hội tụ trí tuệ của các nhà nghiên cứu văn hóa Đàng Trong, một tụ điểm văn hóa nghề truyền thống để mọi người đến đây tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của nghề tơ lụa truyền thống, về “văn hóa mặc” ở di sản văn hóa Hội An” - Lê Thái Vũ nói.

Hướng đến mục tiêu ấy, Làng lụa Quảng Nam không chỉ đầu tư có sở vật chất, sưu tầm, phục dựng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, thêu thùa, nghề dệt vải cùng các truyền thuyết dân gian, thơ ca, hò vè... về nghề tằm tang, mà tập trung đầu tư vào nhân lực - những ngươi tham gia vào mỗi công đoạn sản xuất lụa truyền thống. Chị Phạm Thị Hường (quê ở Duy Xuyên, nhân viên làng lụa) cho biết, truyền thống của gia đình trước đây là trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ - dệt lụa. Khi nghề ươm tơ dệt lụa ở quê bị mai một, chị đã bon chen với nhiều nghề khác nhau, nhưng không lúc nào nguôi nhớ tiếng thoi đưa. Được vào làm việc tại làng lụa, được sống lại với niềm đam mê của mình là hạnh phúc rất lớn trong cuộc đời chị Hường.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Làng lụa Quảng Nam đã làm sống lại một không gian văn hóa làng nghề truyền thống ngay tại mảnh đất Hội An - thương cảng đã từng là nơi khởi đầu con đường tơ lụa trên biển của xứ Đàng Trong cách đây hơn 300 năm trước. Dự án văn hóa của Làng lụa Quảng Nam có nhiều lợi thế khi nằm trong cái nôi của mảnh đất tơ lụa, có sẵn tầng tầng lớp lớp văn hóa dân gian, được bao bọc bởi đô thị cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới. Làng lụa một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa lịch sử đã đọng lại trong nghề truyền thống xứ Quảng. Và, Hội An từ nay có thêm một “điểm đến” hấp dẫn để du khách tham quan tìm hiểu về nghề cổ truyền, về lịch sử văn hóa. Làng lụa cũng là nơi để những ai muốn trải lòng trước một không gian yên bình, gợi nhớ những phiên chợ phồn vinh, những tấm lụa óng ánh sắc màu, bền đẹp của xứ Quảng một thời vang bóng.

                                                                                                                Bài và ảnh: Trịnh Ly Lan

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Ký ức tuổi thơ với những ống thụt bời lời
Quảng Nam : Hội thảo “Đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam : kỷ niệm 33 năm ngày Du lịch thế giới
“KHÔNG CÓ ĐẠO ĐỨC THÌ ĐỪNG LÀM BÁO ! ”
Phúc tra các danh hiệu văn hóa
Ở nơi phụ nữ sống vị tình
Mở lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng trang thông tin điện tử, mạng xã hội về nông nghiệp, nông thôn, miền núi.
Hội thảo khoa học lần 1 về đề tài lịch sử LLVT huyện
QUẢNG NAM: TIẾP NHẬN TRÊN 1.600 HIỆN VẬT VĂN HÓA ĐÔNG SƠN, GỐM SỨ CHU ĐẬU.
HỘI THẢO BÀN GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, VĂN NGHỆ, THÊ DỤC THỂ THAO TRÊN ĐỊA BÀN XÃ
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Phước Sơn ngày tôi về
Mùa xuân – “Mùa kể chuyện” của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam
Ký ức về những ngày tráng bánh Tết …
Kết quả thực hiện Chỉ thị 03- CT/TW của Bộ chính trị trên địa bàn P/Sơn
Bác Hồ trong trái tim bạn bè năm châu
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Ghi nhận ở một tờ báo huyện
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Phong tục ăn tết nương rẫy của người Bhnoong
“Vấn đề đầu tiên phải là miệng nói tay làm”
    
1   2   3   4  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO