Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
“KHÔNG CÓ ĐẠO ĐỨC THÌ ĐỪNG LÀM BÁO ! ”
Người đăng: Ngô Thị Hiền .Ngày đăng: 07/10/2013 .Lượt xem: 1991 lượt.

Ngày 27/ 9/ 2013, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam diễn ra Hội thảo báo chí với chủ đề: “Đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”, do Hội Nhà báo Quảng Nam phối hợp với Cụm thi đua Hội Nhà báo Trung -Nam Trung bộ tổ chức. Gần 20 tham luận của các Hội Nhà báo Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, các Chi hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh như: báo Quảng Nam, đài PTTH Quảng Nam, Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Nam, các tạp chí, các đài truyền thanh - truyền hình huyện, thành phố, ... đã nói lên nhiều điều vui buồn về đạo đức người làm báo hôm nay.

         Nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm. Tuy nhiên khi nói đến “Đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”, tôi xin được đề cập đến 2 khía cạnh. Về nghĩa đen, cái sự nguy hiểm luôn luôn rình rập nhà báo ở mọi nơi mọi lúc trong khi tác nghiệp. Còn nghĩa bóng thì cái sự nguy hiểm luôn luôn ẩn nấp trong ngòi bút của nhà báo. Vì vậy khi đã chấp nhận dấn thân vào nghề làm báo, thì bất luận người đó là ai cũng phải xác định tiêu chí đạo đức của con người nói chung, của chính nhà báo nói riêng, nằm ở đâu. Theo tôi nó phải nằm hàng đầu.

        

         Thời gian qua trong làng báo của chúng ta có không ít đồng nghiệp đã biến mình thành những con sâu và làm rầu cũng không ít nồi canh. Trong từng tòa soạn của các loại hình báo chí ở địa phương, kể cả văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí trung ương, cơ quan báo chí của các tỉnh bạn không phải không có những con sâu như thế. Nhẹ thì bị nhắc nhở về thái độ khiếm nhã khi tiếp cận với nhân dân để tìm hiểu sự việc, thu thập số liệu không chính xác dẫn đến việc xin lỗi, cáo lỗi nhân vật, bạn đọc, bạn nghe đài phát thanh, bạn xem truyền hình; nặng thì bị kỹ luật cảnh cáo khi để xảy ra hậu quả, làm mất uy tín tòa báo. Ở Quảng Nam, báo chí địa phương thỉnh thoảng cũng rơi rớt một vài trường hợp bị nhắc nhở. Riêng đối với phóng viên của các báo ngoài tỉnh, báo ngành thường trú ở Quảng Nam, đã không ít lần bị những cá nhân, tập thể nói chung là người cung cấp thông tin phàn nàn, thậm chí có thái độ gay gắt. Còn nhớ, cách đây vài năm, ở thành phố Tam Kỳ có chủ trương trồng cây hoa sữa trên các đường phố. Đến mùa trổ hoa, hoa rụng, mùi của hoa nghe khó chịu, có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến đề nghị chặt bỏ đi. Trước dư luận này, nhiều tờ báo đưa tin. Đó là điều bình thường. Tuy nhiên, phóng viên của một tờ báo tỉnh bạn (xin không nêu tên) đã tranh thủ lúc đi nhờ xe, ngồi ghế sau, nghe lóm vài câu trò chuyện của đồng chí phó chủ tịch tỉnh về dư luận cây hoa sữa nói trên. Thế là hôm sau đăng lên một bài báo có cái box tóm tắt mấy câu trò chuyện của đồng chí phó chủ tịch tỉnh như là nội dung chính thức của một cuộc phỏng vấn! Kết quả việc làm cẩu thả này, là bài báo làm cho dư luận hiểu sai quan điểm của người lãnh đạo.

         

         Nhắc lại câu chuyện trên đây để thấy rằng, việc khai thác và xử lý nguồn tin là hết sức quan trọng đối với người làm báo. Hay nói cách khác là rất cần ở nhà báo sự nhạy cảm có lý trí dựa trên cơ sở khoa học. Đây là một tố chất quí giá, là điều kiện tiên quyết của người làm báo đích thực. Đôi khi do sự bất cẩn hoặc bị choáng ngợp trước những nguồn tư liệu hấp dẫn, phức tạp mà phóng viên khai thác được, dẫn đến việc chọn lựa, sử dụng nguồn tin làm chất liệu cho tác phẩm báo chí không có hiệu quả. Cũng chính cái hấp dẫn, phức tạp đó đôi khi làm cho cái ngòi bút cong lệch, trang giấy nhàu nát nếu nhà báo đã bị mua chuộc hoặc cố tình làm tiền, để cho ra một thứ sản phẩm kém chất lượng, tác hại đến môi trường văn hóa, ô nhiễm đời sống tinh thần trong cộng đồng. Thực tế, bấy lâu nay chúng ta đã từng xót xa khi nghe tin một vài đồng nghiệp bị khởi tố, đứng trước vành móng ngựa bởi những con chữ nghiêng ngã vì đồng tiền. Chúng ta càng xấu hổ trước quần chúng nhân dân khi họ biết ta là người làm báo. Rất may là bên cạnh những con sâu, trong làng báo của chúng ta vẫn còn nhiều nhà báo có lương tâm, giữ được đạo nhà. Chẳng hạn như Quảng Nam chúng tôi cách đây không lâu, có một chánh án cấp huyện bị lộ tẩy chuyện chạy án. Báo chí trung ương, địa phương vào cuộc và tình huống xãy ra khi ông ta mang hai, ba chục triệu đồng đến tận nhà phóng viên để hối lộ. Ông ta vừa mở miệng nhỏ to, lập tức bị phóng viên cảnh cáo, buộc ông ta đem tiền về, nếu không sẽ điện thoại báo công an. Sau lần ấy, ông ta không dám hó hé nữa và công việc của người làm báo vẫn tiếp tục. Kết cuộc ông chánh án đó đã bị sa thải.

         

           Hai câu chuyện kể trên đây trong nhiều câu chuyện buồn vui về đạo đức người làm báo hôm nay mà chúng ta đã và đang chứng kiến, cũng đủ để chúng ta suy ngẫm về đạo đức người làm báo cách mạng. Hội viên - nhà báo nào vi phạm đạo đức thì cần phải lên án. Những ai giữ được đạo nhà thì cần phải tôn trọng, khen thưởng, biểu dương. Nói như thế có nghĩa là các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, dù có muộn cũng phải kiên quyết khai trừ ra khỏi Hội những hội viên - nhà báo vi phạm 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam được thông qua tại Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam ngày 13/8/ 2005 và điều 36, chương IX của Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX. Tại hội thảo này, thêm một lần các cấp Hội Nhà báo Việt Nam nói chung, các Hội Nhà báo khu vực Trung -Nam Trung Bộ của chúng ta nói riêng, phải thừa nhận rằng thời gian qua,  hơn 17 nghìn hội viên đã giữ được đạo nhà, số trường hợp bị thu hồi thẻ hội viên không nhiều. Tuy nhiên ưu điểm ấy chưa phải là tất cả. Thiết nghĩ, chúng ta cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh đóng chân trên địa bàn để khen thưởng hoặc xử lý kịp thời những hội viên - nhà báo có công hoặc có tội.  Tại Đại hội IX Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng đã biểu dương, chúc mừng, cám ơn những đóng góp to lớn của giới báo chí nước nhà và của Hội Nhà báo Việt Nam. Tuy nhiên theo Tổng Bí thư, vẫn còn “nhiều tổ chức Hội hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu. Việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam chưa đạt hiệu quả như mong muốn”.

         Hội thảo như là nhịp cầu để các nhà báo tâm huyết nói hết những gì mà mình muốn nói. Quan điểm của nhà báo Võ Xuân Phụng, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Bình Định là: “Bản lĩnh và đạo đức  nhà báo là sự kết hợp hài hoà giữa phẩm chất trí tuệ và phẩm chất tư cách đạo đức nghề nghiệp. Ở Bình Định chưa có nhà báo nào phải ra tòa vì những hành vi lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, nhưng vẫn có dư luận râm ran về một vài nhà báo uốn cong ngòi bút vì lợi ích cá nhân. Gần đây, xung quanh phóng sự truyền hình “Ai chắp cánh cho thần chết” của phóng viên Dũng Chinh (Đài Phát thanh và truyền hình Bình Định) được cho là có yếu tố dàn dựng, đã được Ban Kiểm tra Hội Nhà báo tỉnh Bình Định xem xét về đạo đức trong tác nghiệp và xử lý thông tin”. Theo đó, vào chiều ngày 01.10. 2013 phóng viên Dũng Chinh nhận kỹ luật khiển trách và bị thu hôi các giải thưởng đã trao tặng cho phóng sự truyền hình nói trên. Nhà báo Phan Thị Thủy, Hội Nhà báo Đà Nẵng bức xúc trước những trường hợp phóng viên thiếu tôn trọng với cả bản thân mình khi được các đơn vị địa phương mời tham dự bất cứ cuộc gì. Nhận tài liệu, nhận “bì” xong là chuồng ngay. Chính cớ sự ấy mà tin bài của họ không chính xác vì nguồn tin thiếu kiểm chứng. Các nhà báo nên nhớ rằng, tài liệu chúng ta nhận đôi khi chỉ là dự thảo. Vì vậy nếu không tôn trọng thời gian quy định của cuộc họp, thì làm sao nghe được những ý kiến khác nhau để đi đến kết luận một vấn đề. Đó là một trong nhiều ví dụ ! . Nhà báo Phan Thị Thủy nói: “Thực tế cũng cho thấy, có không ít doanh nghiệp, đơn vị khi nghe tên của một số nhà báo ấy đã kinh hãi, tìm cách né tránh không muốn tiếp chuyện. Hiện tượng một số nhà báo suốt ngày chỉ biết đi “đánh hơi” các sai phạm của một đơn vị, doanh nghiệp nào đó để đến hù dọa hòng kiếm chác, hay mượn danh nhà báo để xin xỏ trong giới báo chí xem ra không còn hiếm…Chính những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức của nhà báo trong quá trình tác nghiệp đã làm “mất điểm”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nghề báo…”. Với nhà báo Nguyễn Sơn, Trưởng Phân xã - Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Nam thì: Để ra đời một tác phẩm báo chí phải qua nhiều công đoạn, không chỉ cánh phóng viên - người trực tiếp viết tin, bài phải chuẩn mực về mặt đạo đức mà lực lượng biên tập viên cũng cần phải nghiêm chỉnh chấp hành vấn đề này. Có phóng viên miệt mài điều tra để làm ra tác phẩm báo chí mang tính chiến đấu cao, tuy nhiên khi đến tay biên tập, vì nể nang lãnh đạo của đơn vị  nào đó đã “hạ” xuống thành bài báo phản ánh vô thưởng vô phạt (che dấu sự thật)…” . Ngoài những điều trao đổi ở trên, rất nhiều ý kiến nói thẳng tại hội thảo cũng cần quan tâm như việc ăn cắp bài viết lẫn nhau để cắt ghép làm thành bài báo của mình, lợi dụng trang mạng cá nhân làm nhiễu loạn thông tin, các trang mạng không phải báo chí nhưng hoạt động như cơ quan báo chí. Nhà báo Lê Văn Nhi, Chủ  tịch Hội Nhà báo Quảng Nam nêu rõ: “Đó là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật về báo chí, nhất là việc cung cấp thông tin kịp thời, chính thống cho báo chí; giải đáp kịp thời những vấn đề mà báo chí đặt ra trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân. Là vai trò, trách nhiệm của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí và các Hội, Chi hội nhà báo cấp cơ sở trong công tác quản lý, xử lý sai phạm và bồi dưỡng, giáo dục về tư cách đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ đối với hội viên cũng như vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí (bộ phận lãnh đạo, chỉ đạo tác nghiệp, biên tập, kiểm duyệt quyết định xuất bản) và lực lượng trực tiếp khai thác, xử lý nguồn tin (chủ yếu là phóng viên, cộng tác viên).”

         Có lẽ điều mong muốn nhất của chúng ta, những người làm báo, sau hội thảo này, phải tiếp tục thể hiện vai trò của mình có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương như đã từng được Đảng chỉ huấn trong Chỉ thị 37-CT/TW ngày 18 tháng 3 năm 2004 và Thông báo số 221 - TB/TW ngày 12/02/2009 về việc tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam. Và nên chăng, Cụm thi đua Hội Nhà báo Trung - Nam Trung Bộ của chúng ta trước hết phải thường xuyên giữ mối liên kết, vượt qua khó khăn, vận dụng những điều kiện có được của mỗi địa phương, hằng năm, trong khuôn khổ các hoạt động thi đua của Cụm nên tổ chức Hội nghị biểu dương những hội viên - nhà báo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp báo chí Việt Nam và thực hiện tốt Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam. Thông qua việc làm này, chúng ta sẽ có được những tác phẩm báo chí chất lượng cao, thể hiện tính nhân văn của dân tộc Việt Nam qua lăng kính của báo chí cách mạng. Để mỗi hội viên - nhà báo nhìn lại mình và ý thức rằng đạo đức người làm báo luôn luôn là yếu tố quyết định sự sống còn của báo chí cách mạng Việt Nam.

 Nhà báo Huỳnh Trương Phát

                                                                      Ủy viên BCH Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam





 





Nguồn tin: CTV
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Phúc tra các danh hiệu văn hóa
Ở nơi phụ nữ sống vị tình
Mở lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng trang thông tin điện tử, mạng xã hội về nông nghiệp, nông thôn, miền núi.
Hội thảo khoa học lần 1 về đề tài lịch sử LLVT huyện
QUẢNG NAM: TIẾP NHẬN TRÊN 1.600 HIỆN VẬT VĂN HÓA ĐÔNG SƠN, GỐM SỨ CHU ĐẬU.
HỘI THẢO BÀN GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, VĂN NGHỆ, THÊ DỤC THỂ THAO TRÊN ĐỊA BÀN XÃ
TỔNG KẾT CÔNG TÁC THI ĐUA – KHEN THƯỞNG CỤM 6 TỈNH NAM TRUNG BỘ NĂM 2013
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam : Tập huấn kiến thức phòng chống HIV/AIDS năm 2013
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra dự án Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng
Phước Sơn sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 80 Chính phủ
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Phước Sơn ngày tôi về
Mùa xuân – “Mùa kể chuyện” của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam
Ký ức về những ngày tráng bánh Tết …
Kết quả thực hiện Chỉ thị 03- CT/TW của Bộ chính trị trên địa bàn P/Sơn
Bác Hồ trong trái tim bạn bè năm châu
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Ghi nhận ở một tờ báo huyện
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Phong tục ăn tết nương rẫy của người Bhnoong
“Vấn đề đầu tiên phải là miệng nói tay làm”
    
1   2   3   4  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO