Hơn 30 năm kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên trên Thế giới vào năm 1981 tại Hoa Kỳ, dịch HIV/AIDS đã lan ra hầu hết các quốc gia, tộc người, gây tổn thất to lớn về sức khoẻ, kinh tế, xã hội và kể cả việc duy trì nòi giống. Đến nay dịch đã gây ra và để lại những hậu quả nặng nề, nhất là các nước ở khu vực Châu phi. Mỗi ngày vẫn còn có hàng nghìn người nhiễm mới HIV trên thế giới.
Năm 1990, lần đầu tiên Việt Nam phát hiện trường hợp nhiễm HIV, đến nay đã có hơn 60.000 người tử vong do AIDS và hơn 200.000 người nhiễm HIV đang còn sống. Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS từ ngày 10-11 đến ngày 10-12 năm nay, thể hiện quyết tâm và cam kết hành động ngày một thiết thực và hiệu quả hơn cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 808 người nhiễm HIV, trong đó có 395 bệnh nhân AIDS và 310 người đã tử vong do AIDS. Riêng huyện Quế Sơn có 78 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 23 bệnh nhân chuyển sang AIDS. Dù cả ba chỉ số mắc mới, bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS đều giảm so với năm 2012, nhưng nguy cơ đối tượng nhiễm mới HIV/AIDS vẫn còn cao. Vì thế, các cấp lãnh đạo cần quan tâm thực hiện các cam kết hành động phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó nhấn mạnh sự tham gia và trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Về chủ đề Tháng hành động phòng chống AIDS (10/11 đến 10/12/2013), ông Đặng Văn Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Nam cho biết: “Đây là năm thứ 2 chúng ta tiếp tục với chủ đề do Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS phát động là “Getting to Zero” nghĩa là hướng tới mục tiêu ba không: không có người nhiễm mới HIV, không có người tử vong do AIDS và không còn tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” trong đó năm 2013 tập trung vào cái “Không” thứ nhất là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.
Theo chiến lược phấn đấu đến năm 2015, chúng ta phải đạt được các chỉ tiêu sau: Thứ nhất, giảm 50% các ca nhiễm mới do lây truyền HIV quan hệ tình dục không an toàn cho tất cả các đối tượng như nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm. Thứ hai, tiến tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS. Thứ ba, giảm 50% các ca lây truyền HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy và tất cả người nghiện ma túy nhiễm mới HIV đều được dự phòng đúng. “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” với mong muốn một lần nữa khẳng định chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo cho mọi người đều được tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS. Nó cũng khẳng định rằng chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là một biện pháp phòng, chống HIV/AIDS và đảm bảo quyền của mỗi con người tiến tới thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam
Để thực hiện được những điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp lãnh đạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các cam kết hành động phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó nhấn mạnh sự tham gia và trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Chúng ta cần cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ và điều trị, cần lồng ghép hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS với chương trình phòng, chống các tệ nạn ma tuý, mại dâm.
Đã đến lúc chúng ta cam kết hành động để tiếp tục hỗ trợ ngày một thiết thực và hiệu quả hơn cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng và đảm bảo rằng mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS chắc chắn sẽ thành công.
Trịnh Ly Lan