Đã khuya lắm rồi mà Ba vẫn chưa về, trong xóm pháo lác đác nổ, đó là những đợt đốt chơi của những người lắm tiền chớ giờ này thì không mấy nhà còn phải cúng tất niên, bởi có túng quẩn hoặc bận bịu gì thì họ cũng đã hoàn tất cái lệ cuối cùng trong năm từ trưa ba mươi tết này để buổi chiều còn dọn dẹp cổ bàn rồi nghỉ ngơi lấy sức đón giao thừa. Vậy mà con đường làng hun hút bóng tre ở ngoại ô thành phố lớn này vẫn hiu quạnh một dáng về liêu xiêu quen thuộc, mấy đứa em tôi cứ ngồi mà ngóng, chẳng riêng gì chúng nó, tôi cũng nóng lòng trông đợi. trên mảnh ván ép kê làm bàn thờ ở giữa nhà, tấm hình của mẹ tôi cứ nhìn xuống mấy đứa con bằng đôi mắt ngạc nhiên như không hiểu được sao đến bây giờ rồi mà cha con tôi chẳng thấy chuẩn bị gì cả, để một nơi thiêng liêng nhất của ngôi nhà lạnh vắng đến vậy.
Thường thì giờ này anh em tôi còn đang coi nhờ truyền hình bên nhà hàng xóm nếu gặp đêm có chương trình cải lương, hát bội hoặc kịch, nhưng hôm nay không được, người ta dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tường vôi mới quét còn thơm nức, trong phòng khách nơi bà con vẫn hay ngồi coi ké chủ nhà đã bày ra bộ bàn ghế được đánh vẹc ni sáng bóng và sang trọng, mấy chậu cây cảnh đã bày biện từ ngoài hiên vào tận trong phòng khách ấy thì chưa nói họ đuổi ra mình cũng tự thấy tủi thân mà không dám vào, huống gì anh em tôi lôi thôi mấy bộ quần áo cũ nát không khéo lại làm chướng mắt họ. Trên chiếc giường cũ kỹ mà khi thuê ngôi nhà ọp ẹp, tuềnh toàng gió và lỗ chỗ những bóng nắng xiên khoai này, thấy cha con tôi chẳng có của nả gì nên người chủ thương tình để lại cho mấy đứa nhỏ có chỗ mà nằm, đó là chủ nhà nói vậy, thắng út ngồi ngáp vặt khóc èo uột một chặp rồi cũng gà gật, tội nghiệp, nó chẳng có sữa mà cũng không có bột ăn như mấy đứa trẻ cùng chạng, nên khi mẹ sinh ra nó trắng trẻo và bụ bẫm sổ sữa bao nhiêu thì giờ xanh xao ốm yếu bấy nhiêu, Ba thương nó nhứt nhà mà Ba đành chịu, mẹ mất khi nó vừa mới được mấy tháng, bồng xin sữa quanh hàng xóm cũng chẳng được mấy bữa rồi khi thì Ba mua cho nó hộp sữa Ông Thọ, khi thì nấu cơm chắc lấy nước pha vào mấy muổng đường vậy mà nó mút cái bình coi bộ ngon ghê lắm, bữa nào không nấu cơm nó phải bú nước rau mà anh em tôi đi ngắt mót sau khi người ta đã đào khoai xong còn sót lại mấy cái mụt nứt đọt ở ngoài mấy đám ruộng sau mưa. Anh ba ơi, sao giờ Ba chưa về, Ba có sắm quần áo tết cho tụi em không? Con em tôi hỏi.Chắc không có đâu anh hỉ! Nó lại tự trả lời. Chín tuổi rồi nên nó cũng lờ mờ nhận biết cái túng thiếu của nhà mình, tôi im lặng bước ra ngoài sân nhìn về phía cuối đường, trời đêm ba mươi tối thiệt, nếu không nhờ ánh sáng hắt ra từ mấy nhà hai bên trong ngõ xóm thì chẳng biết lần mò như thế nào mà đi cho được, chó thi thoảng sủa vu vơ vì giựt mình bởi những tiếng pháo nổ lớn của mấy anh thanh niên chơi ngẳng.
Ba về ! Ba về rồi! Cả mấy anh em mừng rỡ reo lên, mừng vì cuối cùng Ba cũng đã về nhà với chúng tôi chớ không mọng gì đến chuyện tết nhứt, bởi biết rằng tết đã không còn là của mình từ ngày mẹ qua đời và Ba bị tai nạn phải nằm bệnh viện đến gần nửa năm mới tạm lại người. Ba khệ nệ vác một bọc to tướng trên lưng. Em ngủ rồi hả? Ba hỏi, không đợi chúng tôi trả lời, Ba nói, nhanh lên mấy đứa, xúm vô mà làm để cúng giao thừa rồi ăn. Ba đưa hộp sữa Ông Thọ còn nguyên cái nhãn giấy mới cứng rồi hối tôi nấu nước sôi pha sữa cho em uống chớ để nó ngủ đói tội nghiệp. Thằng út đang ngủ thớ mớ nghe xôn xao trở mình ngồi dậy lấy tay dụi mắt rồi lon ton sà tới ôm vào lưng Ba ngọng nghịu đòi được vỗ về. Ba bồng nó vào lòng rồi từ từ lấy trong bao ra cả một gia tài, hai đòn bánh tét, một gói bánh quy, một xâu bánh ú, gói mứt thập cẩm. cả khổ thịt heo cỡ được hơn ký lô. Bác gái bay cho đó! Còn cái này là Ba sắm đây nề, hôm nay chạy được ghê, khách nhiều, trả xong tiền nợ của bác gái mấy bữa trước mượn mua thuốc cho em rồi mà còn được như ri nề, Ba mừng vui vừa kể vừa tiếp tục lấy thêm ra mấy cây đèn bạch lạp nhỏ xíu loại thắp đèn trung thu, vài xấp vàng bạc áo giấy, mấy thẻ hương và một số lễ vật để cúng kiến, quả là nhiều thiệt. A! có đường, có đường bát nữa nề, nếp nữa, đậu nữa, sướng quá ! Ngon quá ! Mấy đứa em tôi tíu tít reo lên lẹt đẹt vỗ tay, Ba giãn ra một nụ cười hiếm hoi kể tự hồi gia đình lâm vào cảnh cơ hàn này. Cuối cùng là đùm gạo, một bó rau muống, chai mắm và bọc cá đuối, thứ cá mà trước đây ít ai mặn mà vì nó không ngon, chỉ dành cho giới lao động chạy ăn từng bữa, khuôn mặt Ba hân hoan thấy rõ. Mấy cha con vừa xúm nhau mỗi người một tay vừa nhỏ to chuyện trò vui sướng, căn nhà quen cảnh hắt hiu tự nhiên bừng sáng và rộn rã tiếng cười nói. Xùy! Ba đặt một ngón tay lên miệng rồi nhíu mày nhìn chúng tôi. Nhỏ nhỏ miệng chớ đừng làm ồn hàng xóm họ quở, Ba nhắc. Cái ông kiềng lạnh lẽo đã reo vui một ngọn lửa tí tách, ánh sáng của góc bếp nghèo hắt lên mấy khuôn mặt cha con tôi nhảy múa trên những khóe miệng cố mà kìm giữ một nụ cười, con em tôi thì thào. Rứa là nhà mình cũng có tết Ba hè, nó nhe răng rạng rỡ làm cả nhà chẳng thể nín được òa ra một trận cười, niềm vui sướng cứ lâng lâng một cảm giác hả hê và thổn thức.
Chỗ nhà chúng tôi ở đây là xóm sâu trong khu vực chợ Hòa Phát, một ngôi làng thuần nông, đường làng quanh co và hai bên từng hàng tre dày nghiêng đổ bóng xuống con đường đất lồi lõm dấu chưn trâu, ổ gà ổ vịt. Ba nhớ quê lắm mà không thể về được, Gò Nổi đang còn trong tầm lửa đạn bời bời, Ba cứ đem chuyện ngày xưa ra kể với chúng tôi mỗi khi rãnh rổi, đôi mắt Ba nhìn vào xa xăm ngỡ như mình đang sống, đang chạy nhảy vui chơi sau buổi theo trâu ra đồng, Ba kể về những người bạn nghèo thân thiết của Ba, những buổi ngụp lặn ở bến đò Tư Phú ấy không biết nó có cái gì níu kéo rủ rê mà Ba cứ mãi mơ màng tơ tưởng, Ba nhắc hoài đến một người bạn Mười Mai nào đó mà Ba nói hai đứa chơi thân với nhau như hình với bóng và cuối những lần kể lể kỷ niệm thương mến vời xa ấy thế nào Ba cũng dừng lại bằng một tiếng thở dài.
Cứ mỗi sáng khi trời còn mờ mịt tối và đầy sương đêm, Ba thức dậy rửa mặt rồi dặn mấy anh em ở nhà trông nhau xong Ba lách tấm cửa chống sơ sài đi ra ngoài đường, từ đó, Ba phải mải mốt một thôi đường tít tắp đến tận Tam Tòa nào nghe nói xa lắm, phải sáng bạch và nắng đã tưới lên người rồi mới đến nơi kìa, rồi Ba chạy nhờ chiếc xe xích lô của bác trai trong những lúc bác nghỉ giải lao lấy sức sau những cuốc chở mối hàng nặng nhọc, Ba chạy dặm dặm được chừng nào hay chừng nấy, những lúc chờ đợi, Ba ra chợ giúp bác gái hoặc làm khuân vác thuê cho mấy bà bán rau bán cá ở chợ kiếm thêm, kể ra nghe thì nhiều chớ cuối ngày thường kiếm không được mấy nổi, cái miếng ăn nuôi miệng và nuôi con nó cứ bèo bọt và đánh đố, vì sức khỏe của Ba đã mỏi mòn sau bao bươn chải ở đời, lại như được tái sinh sau cái tai nạn khủng khiếp ấy nên cố gắng mấy cũng chẳng thấm đâu vào đâu. Ngày nào cũng vậy, cứ chừng cỡ mười giờ khuya thì Ba mới về được tới nhà, hôm nào bác trai cho mượn chiếc xích lô ấy chạy cho đỡ phải đi bộ đường xa may ra sớm hơn đôi chút. Cứ thế, như con chim tận tụy chăm chút tha mồi về nuôi đàn con nhỏ dại chỏng chơ và xanh xao ở nhà trông ngóng, Ba cứ đi, cứ đi không nệ nắng mưa, như một người mẫn cán với công việc chẳng thể nào có phút giây ngơi nghỉ. Thường thì mỗi khuya như vậy theo về với Ba trên tay là cái bao ni lông nhỏ quen thuộc, trong đó túm mấy lon gạo đỏ và đùm mắm cái, bó rau đã queo quắt héo, thi thoảng gặp bữa có thời đắt khách nhiều hàng thế nào Ba cũng mua đùm trong nắm lá chuối một phần cá đuối, đôi lúc đổi món cá nhám cho nó lạ miệng. mươi bữa nửa tháng dành dụm lắm mới thấy Ba mua được lon sữa bò quý báu cho đứa con út át khổ sở của mình, lúc đó Ba vui lắm, cứ nâng niu ve vuốt cái bình bú bằng nhựa sóng sánh và ấm nóng thứ chất lỏng trăng trắng ấy như thuốc tiên vậy. Xúm xít với nhau mấy cha con bên cái bếp mỗi ngày một lần đỏ lửa giữa đêm khuya khoắt Ba hay kể chuyện quê nhà, lâu lâu Ba lại nhắc đến mẹ, những lúc ấy Ba chợt già đi như một cái xác khô giòn, chớ không phải của người đàn ông vừa qua tuổi bốn mươi góa vợ. Vậy mà những bữa cơm khuya ấy vẫn xì xụp ngon miệng với một nỗi lòng quyến luyến cha con máu mủ đùm túm không hề thua kém bất cứ một tình thâm phụ tử nào, và chúng tôi thương Ba vô hạn. Có những bữa vừa ăn vừa thút thít chuyện trò, những giọt nước mắt mặn đắng phận người không biết ở đâu cứ bất chợt lăn dài trên mấy gò má xanh xao rồi chan lẩn vào chén cơm ít ỏi và muộn mằn của cha con tôi. Đó là những giọt nước mắt hàm ơn nhứt mà cũng đang tâm nhứt, nó cho chúng tôi biết thêm một mùi vị ân tình của người cha vắt sức lực cuối cùng của mình để chăm bẵm đàn con, và nó cũng đành đoạn cợt đùa người cha hiền lành tốt bụng và rất mực quý con, cả một đời chỉ biết lặng thầm hy sinh và một cách sống thiệt thà giản dị.
Khi mâm cúng đã tươm tất ngoài sân và trên bàn thờ bày biện lễ vật đạm bạc mà vui mắt, lung linh mấy ngọn đèn bạch lạp đáng yêu, mấy cha con khúm núm quỳ lạy sì sụp một cách cung kính trong làn khói hương lan tỏa và ngào ngạt thơm thì buổi giao thừa đã qua đi lâu rồi, ngoài trời kia đã chìm vào yên tĩnh, cái yên tĩnh của đêm xuân vẫn cứ đầy đặn một niềm thiêng liêng trong tâm khảm của cha con chúng tôi. Lúc này, trong đôi mắt của mẹ từ trên bàn thờ hình như đã ấm áp một ánh nhìn âu yếm.
Tam Kỳ trọng đông Nhâm Thìn
Nguyễn Đức Dũng