Lời ru lá cỏ là tập thơ thứ 2 của nhà thơ Nguyễn Hải Triều, do NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 3-2012. Tất cả 53 bài thơ trong Lời ru lá cỏ là những cảm hứng về cuộc đời, về quê hương, về dòng sông, về tình yêu… đầy suy tư và chiêm nghiệm. “Chếnh choáng với đời đôi chén rượu/ ta còn lưng túi mấy câu thơ/ nợ áo cơm đi cầm bớt tuổi/ nên tóc xanh sớm bạc đến bây giờ” (Chùm thơ bốn câu 7). Đó không phải là nét bứt phá, là cách tân thơ, nhưng cho ta cảm nhận về cái chất “tráng sỹ hề” (chữ của nhà thơ Huỳnh Minh Tâm) dấn thân của thi nhân với những cảm xúc dâng tràn về quê xưa chốn cũ, về dòng sông lở bồi, về những nỗi niềm hơn thua, được mất.
Nguyễn Hải Triều đã đi đến tận cùng những phức cảm và chiều kích của thơ. Anh “nương tựa” vào dòng sông để trải lòng mình với quê hương: “Nhặt lá ghi thơ thả xuôi dòng sông mẹ/ Gửi làng xưa mây trắng vắt ngang trời” (Nghe phôi pha), hay “Lưng chừng nắng với mênh mông/ lặng im sông chảy mà không nói gì/ hình như lau cũng gầy đi/ lơ thơ tóc muối người đi sông buồn/ tháng năm chớp bể mưa nguồn/ mây còn trắng để trời buông nắng ngàn” (Bài lục bát gửi sông). Chính vì thế mà có một “dòng sông” cứ chảy tràn cùng những câu thơ của anh giữa cõi thực và mơ, cụ thể và trừu tượng, trùng lai miên viễn… “Ngược sông về gặp chiêm bao/ nợ nần chi nữa giấu vào đa mang/ câu thơ gửi cánh chim ngàn/ yêu thương khéo bọc ngổn ngang tình đời” (Chuyện xưa), “Ngày sông trôi mất câu thề/ Tròng trành gánh nhớ quảy về phù sa” (Lục bát nhớ), “Từ ngày sông chảy đôi dòng/ Em xa xôi quá đợi mong bến nào” (Lục bát đợi), “Mỏi mòn thời gian dâu bể vô thường/ Bữa trăng ăn nằm cùng sông câu thề góa bụa” (Trăng),… Cứ thế, “dòng sông” trong thơ Nguyễn Hải Triều dẫn dụ ta về miền ký ức xa thẳm, giữa đôi bờ hư thực, giữa mênh mông khuất nẻo đi về, giữa những nỗi niềm tha hương bất ly xứ, như câu chuyện ngãi nhân giữa cuộc đời phù sinh…
Đọc thơ Nguyễn Hải Triều, nhà thơ Huỳnh Minh Tâm - thi hữu quê Đại Lộc - nhận xét: “Nét đẹp tự do trong thơ anh là nét đẹp của cách nói, cách nhìn cuộc đời của anh. Dường như anh “ít ý tứ”, ít “nói vòng vo”, mà bập ngay vào sự kiện, bỗ bã, đã đời”. Thạc sỹ văn học Nguyễn Hữu Vĩnh viết: “Từ Rơm rạ mùa đến Lời ru lá cỏ vẫn là mạch cảm xúc liên tục trong cảm thức, suy tưởng của anh về cuộc đời, về thân phận con người. Thơ anh có những hình ảnh đậm chất làng quê, đồng chiều gốc rạ. Tuy nhiên, đọc kỹ sẽ thấy dưới làng quê, gốc rạ đồng chiều ấy những lớp lá vàng đầy suy tư, trăn trở. Đọc thơ anh người ta sẽ bị dẫn dụ bởi những dòng sông, nhưng nếu biết trải lòng trên những dòng sông ấy, ta vỡ vạc ra nhiều điều về cuộc sống, tình yêu, những nỗi niềm của anh dành cho quê hương, bạn bè. Điều ấy giữ cho thơ anh nét riêng, không lẫn lộn vào ai”.
Nguyễn Hải Triều là hội viên Chi hội Văn học thuộc Hội VH-NT tỉnh Quảng Nam. Anh từng đoạt giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam 10 năm (1997-2007) với tập thơ Rơm rạ mùa (in năm 2007). Tập thơ Lời ru lá cỏ của nhà thơ Nguyễn Hải Triều được Liên hiệp các hội VH-NT Việt Nam tặng giải B về văn học năm 2012.
Trịnh Ly Lan