Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 11 trường hợp sốt phát ban nghi sởi/rubella được được phát hiện điều tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, tất cả đều âm tính với sởi, chỉ có một trường hợp ở huyện Phú Ninh dương tính với rubella. Riêng trong những ngày đầu năm 2014, tỉnh ta ghi nhận một trường hợp trẻ em ở huyện Thăng Bình bị sốt phát ban nghi sởi, được điều trị tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam (trường hợp này được sinh và sống tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, trẻ không được tiêm văc xin sởi) và một trẻ sốt phát ban ở huyện Phú Ninh nghi rubella. Cả 2 trường hợp đều được điều tra giám sát và lấy mẫu và gửi xét nghiệm. Để hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2015, trong đó tất cả trường hợp sốt phát ban nghi sởi/rubella phải được giám sát và điều tra.
Báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM cho biết: Từ đầu năm đến ngày 05/02/2014, đã ghi nhận các trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi và có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi tại TP. Hà Nôi (30 trường hợp), TP.HCMHồ Chí Minh (138 trường hợp), tỉnh Yên Bái (253 trường hợp, 1 tử vong), tỉnh Lào Cai (120 trường hợp) và tỉnh Sơn La (80 trường hợp). Nguyên nhân chủ yếu là do các trẻ chưa được tiêm văc xin phòng sởi mũi 1 hoặc chưa được tiêm đủ 2 liều văc xin sởi. Hiện nay, dịch sở đang có nguy cơ lan rộng và có xu hướng diễn biến phức tạp vì đang là mùa đông xuân với thời tiết lạnh ẩm thuận lợi cho sự phát triển của dịch bệnh.
Để triển khai hiệu quả công tác giám sát và phòng chống bệnh sởi/rubella, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đề nghị các đơn vị triển khai các hoạt động theo Quyết định số 4845/QĐ-BYT, ngày 05/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella”, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng về bệnh sốt sởi/ rubella. Tăng cường các hoạt động giám sát tất cả các trường hợp sốt phát ban được điều trị tại bệnh viện hoặc những trường hợp sốt phát ban tản phát trong cộng đồng phải được báo cáo về Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để phối hợp điều tra theo mẫu và lấy mẫu máu gởi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định. Tiêm vắc xin phòng bệnh đảm bảo trên 95% đối tượng được tiêm vắc xin sởi trong chương trình (triển khai chiến lược tiêm 2 mũi, mũi thứ nhất cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 12 tháng; mũi 2 cho trẻ từ 18 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi). Riêng đối với vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, các vùng khu công nghiệp nơi có nhiều biến động cơ học về dân số cần có kế hoạch tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh và rà soát những đối tượng bỏ sót để có kế hoạch tiêm chủng bổ sung vào các ngày trong tiêm chủng nhằm nâng cao tỉ lệ tiêm sởi tại các vùng nhạy cảm, không để dịch có cơ hội bùng phát. PHƯỚC LÊ