Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
Nằm lại với đất lành Quảng Nam
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 01/04/2014 .Lượt xem: 940 lượt.

Nhiều nhà báo - chiến sỹ, văn nghệ sỹ là con em quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng và khắp mọi miền tổ quốc, đã sống, chiến đấu, viết báo và sáng tác văn học... đã anh dũng hi sinh trên những vùng đất dọc sông Mẹ Thu Bồn. Không ít nhà báo trong số đó đã nằm lại với đất lành Quảng Nam.


Đoàn văn nghệ sỹ, báo chí chiến trường Khu 5 dâng hương tại nghĩa trang Liệt sỹ huyện Bắc Trà My

 

Mỗi dịp đi thực tế sáng tác hay hàn huyên tâm sự, nhà văn - nhà báo Nguyễn Bá Thâm - nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng, thường “trở lại chiến trường xưa” với những câu chuyện về đồng đội, đồng nghiệp đã hi sinh trên đất mẹ Quảng Nam. Trong câu chuyện của ông, có rất nhiều nhà báo - văn nghệ sỹ rất nổi tiếng, nhưng cũng có những người thầm lặng hi sinh dọc những vùng đất bên dòng sông Mẹ Thu Bồn khi bút lực và tài năng đang độ chín.

Nằm lại ở thượng nguồn sông Thu là nhà thơ - nhà báo Nguyễn Mỹ, phóng viên Báo Cờ Giải phóng Khu V. Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Mỹ đã để lại cho đời những câu thơ có “lửa” nhưng dạt dào tình yêu quê hương đất nước. Những tác phẩm chính của ông gồm: Trận Quán Cau (ký), Sắc cầu vồng (thơ) và Thơ Nguyễn Mỹ. Đặc biệt, bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ được nhiều người biết đến. Nguyễn Mỹ hy sinh ngày 16-5-1971, kẻ thù hèn hạ cài mìn dưới xác ông nên đồng đội ứa nước mắt đứng từ xa ném từng viên đá để “đắp mộ”. Sau giải phóng, người thân, đồng đội - đồng nghiệp và chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhưng thân xác ông vẫn còn đâu đó dưới bóng rừng già tại khu vực đồi Dơn bên con suối Tăk Răng, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Mỹ hi sinh nhưng chưa hề có cuộc chia ly, như trong thơ ông: “Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/ Tươi như cánh nhạn lai hồng/ Trưa một ngày sắp ngả sang đông/ Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ...”.

Theo dòng Thu Bồn xuôi về Xuyên Phú (nay là xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) là nơi hi sinh của nhà báo Võ Công Thu và nhà văn - nhà báo Chu Cẩm Phong. Nhà báo Võ Công Thu quê ở Đại Lộc, là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đứng điểm tại những nơi ác liệt nhất trên chiến trường Quảng Nam. Ngày 22-5-1972, trong chuyến công tác tại xã Duy Tân, nhà báo Võ Công Thu đã hi sinh. Còn nhà văn - nhà báo Chu Cẩm Phong, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Nhật ký chiến tranh”, quê ở phường Minh Hương, TP Hội An. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, được chọn đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng Chu Cẩm Phong đã xin về Nam chiến đấu. Thời gian đầu ông làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, sau đó chuyển sang làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Chu Cẩm Phong bắt đầu viết các trang nhật ký "Nhật ký chiến tranh" từ ngày 11-7-1967 và kết thúc vào ngày 24-4-1971, bảy ngày trước khi ông hy sinh hi sinh tại thôn Vinh Cường, xã Duy Tân (Duy Xuyên) trong một cuộc chiến không cân sức với kẻ thù vào ngày 1-5-1971. Năm 2007, tác phẩm “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong được tặng thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam.

Quê hương Gò Nổi huyện Điện Bàn là nơi thắm màu đào của các nhà báo - liệt sỹ  Đỗ Nhung và Trần Văn Anh. Cả hai cùng quê ở Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Nhà báo Đỗ Nhung tham gia cách mạng năm 1963, học báo chí do Ban Tuyên huấn Khu V mở, sau đó về làm phóng viên Báo Quảng Đà. Ông hi sinh tại Gò Nổi vào tháng 7-1967. Nhà báo - nhà văn Trần Văn Anh tập kết ra Bắc làm phóng viên Báo Đường sắt Việt Nam. Chiến trường vẫy gọi, ông đã xung phong vào Nam viết báo, viết văn với vai trò phụ trách Báo Quảng Đà. Ông là tác giả bút ký “Đêm Gò Nổi” xúc động lòng người. Ngày 20-12-1968, nhà báo Trần Văn Anh đã hi sinh trên đất Điện Quang. Vùng đất Điện Bàn cũng là nơi nằm lại của nhà báo - nhà thơ Nguyễn Trọng Định, phóng viên Báo Nhân dân. Ông hi sinh tại xã Điện Phước vào năm 1968.

Ở cuối dòng sông Mẹ Thu Bồn, tại thôn Thi Thại xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên là nơi nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý hi sinh và mãi mãi “nằm lại với đất lành Duy Xuyên”. Dương Thị Xuân Quý sinh năm 1941, trong một gia đình trí thức yêu nước tại Hà Nội. Đang là phóng viên xông xáo của Báo Phụ Nữ Việt Nam, đứa con gái đầu lòng mới 16 tháng tuổi, nhưng chị vẫn quyết tâm vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 7-1968, sau hơn 3 tháng rõng rã vượt Trường Sơn, chị về làm phóng viên tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng Trung Trung bộ. Tháng 12-1968, chị đi công tác xuống vùng khói lửa ác liệt đông Duy Xuyên để viết và đã anh dũng hi sinh, ngôi mộ của chị hiện nằm trong vườn nhà, dân dưới bóng cây xanh mát. Cùng với nhà thơ - nhà báo Nguyễn Mỹ, nhà văn - nhà báo Chu Cẩm Phong, nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý được Tặng thưởng Nhà nước về văn học. 


Văn nghệ sỹ-Báo chí QNam cùng gia đình viếng hương  nhà thơ-nhà báo Nguyễn Mỹ hi sinh

Những nhà báo nằm lại trên đất Mẹ Quảng Nam còn có Phạm Hồ, quê ở Hương Sơn - Hà Tĩnh, hi sinh ngày 12-7-1969; Trịnh Đình Hy, quê Tam Kỳ, hi sinh năm 1971;  Hoàng Kim Tùng, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Đà, hi sinh năm 1972; Phạm Thị Đệ, quê Hà Tây, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Khu V, hi sinh tháng 4-1973; Phạm Thị Kim Anh, quê Thái Nguyên cùng công tác tại Thông tấn xã Giải phóng Khu V, hi sinh tháng 11-1973...

Về thăm lại chiến trường xưa, đại tá - nhà văn Nguyễn Bảo, nguyên phóng viên chiến trường Khu V thời chống Mỹ, chia sẻ: “Thế hệ những nhà báo - văn nghệ sỹ chiến trường Khu V trong kháng chiến chống Mỹ đã đồng cam cộng khổ cùng quân và dân khu V nói chung, Quảng Nam nói riêng, đã sống và viết ở những nơi ác liệt nhất. Những bài báo, phóng sự, bút ký, truyện, thơ... của họ có tính thời sự cao, phản ánh sinh động cuộc sống và chiến đấu nơi tuyến đầu khói lửa. Chính sự xông xáo và hi sinh quên mình ấy mà nhiều anh chị đã nằm lại khi tuổi đời còn khá trẻ. Những người cầm bút hôm nay phải tự hào và luôn phấn đấu để xứng đáng với những hi sinh to lớn ấy”.

                                                                              Bài, ảnh: PHƯỚC LÊ 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
NGƯỢC NGÀN SÔNG MẸ THU BỒN XỨ QUẢNG...
THANH ÂM CHỐN QUÊ NHÀ...
“LỤC BÁT 60” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN BÁ HÒA
Thơ tác giả Lê Phước Trịnh
UỐNG RƯỢU VỚI KONTUM
ĐÊM NGỌC HỒI
RIÊNG DÀNH TỪ MẸ
CHIỀU MƯA LẠNG SƠN
VỀ ĐÂY MÌNH Ạ
Canh rau gianh cá chuồn
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
Thơ trào phúng : Loanh quanh chữ “Vàng”
Em gái Bhnoong - Huỳnh Đức Trung
Sắc Xuân (Thơ Lê Lam Giang)
Chí làm trai (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Khâm Đức xuân về (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Suy ngẫm cuộc đời (Thơ Colchichine)
Tết quê (Hoàng Chương)
Xuân về "Nghe em hát còn duyên" (Hoàng Chương)
Đọc Gia huấn ca, suy ngẫm về giáo dục con cái hiện nay (Hoàng Chương)
Nghĩa tình Phước Sơn (Thơ Lê Lam Giang)
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO