? Bài & ảnh: MAI HỒNG LÂM
Hát bả trạo (hay hò bả trạo) là một hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian gắn với tục thờ cúng cá Ông của những ngư dân vùng biển duyên hải miền Trung, một hình thức diễn xướng nghi lễ tổng hợp gồm các yếu tố múa và hát với đạo cụ là mái chèo. Theo cách lý giải của những người am hiểu và những ngư dân cao tuổi thì bả có nghĩa là bạn; còn trạo có nghĩa là chèo; bả trạo có nghĩa là bạn chèo. Cũng có một cách lý giải khác, đó là: bả tức là cầm chắc, còn trạo có nghĩa là mái chèo; bả trạo có nghĩa là cầm chắc mái chèo để giong buồm ra khơi... Nhưng cho dù cách gọi như thế nào thì nghệ thuật diễn xướng hát múa bả trạo vẫn là một hình thức sân khấu hoá, trong đó âm nhạc sử dụng các làn điệu, các kiểu “Hát – nói - kể...” kết hợp động tác “chèo thuyền” rập ràng đều đặn theo tiết nhịp âm nhạc do tập thể các con Trạo thể hiện và vũ điệu (nghệ thuật Tuồng truyền thống) của các ông Tổng nhằm mục đích chuyển tải nội dung nghệ thuật đến với công chúng.
“...Mùa đến rồi anh em ơi
Ta xuống thuyền cùng nhau ra khơi
Trời thanh thanh, biển bao la
Nước xanh xanh ô hô hô, sóng nhấp nhô
Thuyền trông khơi lướt nhanh, ô hô hô...”
Ở Quảng Nam, hát bả trạo chỉ được diễn xướng, tái hiện trong những buổi Lễ hội Cầu ngư (hay còn gọi là Lễ tế cá Ông, Lễ hội nghinh Ông...). Đây là một trong những lễ hội lớn của những ngư dân ven biển Quảng Nam, nó hàm chứa tất cả những niềm khát khao, mộc mạc, chân thành của những con người làm nghề sông nước đối với biển nói chung và với cá ông nói riêng. Chủ thể văn hóa thực hành diễn xướng hát múa bả trạo trong các lễ hội cầu ngư là cộng đồng dân cư các xã, phường ven biển Quảng Nam như: Bình Dương, Bình Hải, Bình Minh, Bình Nam (huyện Thăng Bình); Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Hà, Cửa Đại, Thanh Hà (thành phố Hội An); Tam Tiến, Tam Quang, Tam Hòa, Tam Giang, Tam Hải, Tam Nghĩa (huyện Núi Thành); Điện Dương (huyện Điện Bàn); Tam Thanh, Tam Thăng (thành phố Tam Kỳ)...
Lễ hội cầu Ngư ở Quảng Nam thường được tổ chức ở hầu hết các xã ven biển với ý nghĩa gần giống nhau nhưng quy mô tổ chức và thời gian tổ chức (lấy theo ngày âm lịch) lại tuỳ thuộc vào từng địa phương. Ví dụ như ở xã Cẩm An (thị xã Hội An) thì Lễ hội cầu Ngư được tổ chức hai lần trong năm vào các ngày 16/2 và 16/8, xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) là vào các ngày 20/2 và 20/7, xã Bình Hải (huyện Thăng Bình) là vào các ngày 15/3 và 20/12, xã Tam Quang (huyện Núi Thành) là vào ngày 1/6, xã Điện Dương (huyện Điện Bàn) là vào ngày 24/4, xã Tam Thanh (Thành phố Tam Kỳ) là vào ngày 1/4...
Bắt đầu buổi Lễ Cầu Ngư, vị chủ xướng tuyên bố khởi lễ. Sau phần giới thiệu là bài văn tế kể về quá trình hình thành vùng đất quê hương và ý nghĩa thiêng liêng của tục lệ Cầu ngư. Tất cả mọi người dự Lễ đều thành kính dâng trọn niềm tin sâu sắc và lòng biết ơn đối với biển. Phần tiếp theo là Lễ cúng, dâng lên bàn thờ mâm lễ vật gồm hoa quả và một số món chay (tuyệt nhiên không bao giờ có bất kỳ loại hải sản nào). Khi vị chủ lễ lên chủ trì phần cúng thì có một vị đọc bài văn cúng gồm có ba phần: mở đầu là cúng Ông Nam Hải (cá Ông), tiếp theo là Lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, những bậc tiền nhân có công lập nên làng xã và cuối cùng là cúng cô bác (cô hồn, âm hồn). Lễ Chánh tế tiếp theo sau đó, mọi người trong ban tế lễ đều vào lạy. Lễ cúng kéo dài gần một giờ, sau đó là phần Hội Cầu Ngư...
Trong Lễ hội cầu Ngư, nếu phần Lễ diễn ra long trọng, trang nghiêm, thành kính thì phần Hội lại diễn ra vui vẻ, náo nhiệt và lôi cuốn rất nhiều người tham gia. Trong phần Hội cuốn hút nhất là màn diễn xướng dân gian hết sức độc đáo là hát múa bả trạo. Hát bả trạo ở Quảng Nam là một hình thức diễn xướng tập thể trên cạn. Trên sàn diễn dựng ngay tại bãi biển là mô hình một chiếc thuyền rồng được trang trí rực rỡ bởi cờ hội và cờ đuôi nheo. Màn múa hát bả trạo được được trình diễn và khởi xướng bởi ba người được chọn lựa rất kỷ, đó là ba ông Tổng: Tổng Mũi (còn gọi là Tổng Tiền), Tổng Khoang (còn gọi là Tổng Thương) và Tổng Lái (người chỉ huy con thuyền). Tổng Lái thông thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng Mũi cũng ăn mặc giống như Tổng Lái, nhưng cũng có khi Tổng Mũi mặc một bộ đồ màu sắc rực rỡ như một diễn viên Tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển. Còn Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Những người tham gia còn lại gọi là bạn chèo lập thành đội chèo. Tuỳ từng địa phương, mỗi đội chèo thường có từ 12 đến 16 người, cũng có khi lên đến 18 hoặc tối đa là 20 người và đặc biệt là số người tham gia đội chèo bao giờ cũng là số chẵn để cho cân xứng và trình diễn dễ dàng hơn. Các bạn chèo đầu chít khăn đỏ, lưng thắt vải đỏ, tay cầm chèo được phết sơn đủ màu...
Dẫn đầu đoàn chèo hát bả trạo trên chiếc thuyền rồng là Tổng Mũi, tiếp đến là Tổng Khoang và Tổng Lái sau cùng, còn bạn chèo thì sắp hai hàng ngăn nắp phía sau Tổng Mũi. Sau khi hàng ngũ đã chỉnh tề, vị chủ xướng ra lệnh bắt đầu thì tiếng trống tiếng chiêng vang lên rộn rã báo hiệu cuộc diễn xướng bắt đầu. Lúc này Tổng Mũi bắt đầu hô to: “Bớ bả trạo”, lập tức các bạn chèo đồng thanh hô vang: “Dạ” và Tổng Mũi mở đầu phần hát bả trạo:
“Hôm nay là ngày Lễ ông cuối vụ
Con cháu ta tụ họp về đây
Chỉnh đốn xiêm y trang phục đủ đầy
Để tưởng niệm và tôn kính thần linh Nam Hải... đó nghe.”
Hoà theo lời hát của Tổng Mũi, các Tổng Khoang và Tổng Lái nhún nhảy theo nhịp trống phách, làm điệu bộ cổ vũ cho các bạn chèo nhanh nhanh tay chèo cho thuyền vượt sóng. Các bạn chèo làm động tác khua mái chèo, lúc thì chồm về phía trước, lúc thì ngả người ra sau như thể họ đang cận lực, căng sức để đưa con thuyền tiến về phía trước. Tất cả mọi hành động diễn ra rất nhịp nhàng, sống động và đẹp mắt: “... neo đồm kia đã lên ngọn thì chèo nọ ta gay, anh em ta hợp sức đều tay, thấy sóng cả chớ ngả tay chèo đó nghe...”. Người xem phía dưới cũng nhiệt tình tán thưởng và hưởng ứng mỗi khi đến đoạn đồng thanh như : “dạ”, “ô hô hô”, “ri hố rị”... Cả một vùng bãi biển rộn ràng, khí thế với những tiếng đồng thanh vang như sóng dội. Thật là một khung cảnh hết sức vui tươi và tưng bừng.
Nội dung và ý nghĩa của những cuộc diễn xướng, hát múa bả trạo ở Quảng Nam đều xoay quanh việc ca ngợi và bày tỏ niềm tiếc thương đối với cá Ông. Lòng thành kính đối với cá Ông được thể hiện rõ nét trên khuôn mặt của những người tham gia diễn xướng (các Tổng và bạn chèo). Tất cả họ đều nghiêm trang, nhịp nhàng chèo chiếc thuyền linh thiêng, đưa cá Ông về miền Cực lạc:
“... ơn ngài như biển rộng trời cao
Chúng con ghi tâm tạc dạ
Đời nào lãng quên!”
Ngoài nghi thức dân gian đối với cá ông ra, hát bả trạo còn thể hiện những tâm tư, tình cảm mộc mạc, chân thành của những ngư dân vùng biển đối với thiên nhiên, đối với đại dương bao la mênh mông sóng nước:
“Mây giăng mù mịt
Giông chớp sáng loà
Từ ải Vân cho đến Sơn Chà
Trông bốn phía ngàn trùng sóng nước...”
Cũng như cầu mong cho trời yên, bể lặng, sóng nước hiền hoà, những chuyến ra khơi thật sự thanh bình, cá tôm đầy ắp:
“Thuyền trôi một chiếc giữa trời
Gió trăng bãng lãng nước trời mênh mông...”
Có thể nói, hình thức diễn xướng, hát múa bả trạo ở Quảng Nam luôn gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, tuy mang đậm màu sắc đượm buồn, bi ai nhưng không hề bi luỵ. Mà thông qua đó, những người dân sông nước thể hiện những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng trước cảnh đẹp, sự trù phú của biển cả, trước tấm lòng cứu nhân độ thế của cá Ông. Qua những câu hò, điệu hát trong diễn xướng ta cũng có thể cảm nhận được tinh thần lạc quan,tin yêu cuộc sống, yêu nghề của những ngư dân vùng biển mặc dầu mỗi chuyến ra khơi họ phải luôn đối đầu với bao gian khó, rũi ro như sóng to gió lớn, bảo bùng... Bao trùm lên trên hết, hát múa bả trạo trong Lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Nam là một hình thức diễn xướng dân gian hết sức độc đáo và đặc sắc, thể hiện ước vọng an lành, may mắn trong những chuyến giong buồm ra đi tìm những nguồn tôm cá; thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong lao động và sản xuất của những ngư dân sông nước đêm ngày đương đầu với mênh mông sóng gió giữa đại dương bao la.
Lễ hội Cầu Ngư - hát múa Bả Trạo không những đáp ứng, thoả mãn một phần nào về nhu cầu tâm linh của ngư dân vùng sông nước; mà lễ hội là nơi chuyển tải, trao truyền những giá trị văn hoá truyền thống qua phương thức diễn xướng dân gian nhằm mục đích giáo dục, hướng đích cho sự phát triển của từng con người và cả cộng đồng luôn hướng tìm đến cái đích vĩnh hằng: Chân - Thiện - Mỹ. Chính vì những yếu tố nhân văn, sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư và là một trong những nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu, thể hiện được bản sắc của cộng đồng, phản ánh được sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của con người cùng với sự kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài... mà nghệ thuật diễn xướng hát múa bả trạo của các cộng đồng dân cư ven biển Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào tháng 9/2013 (theo Quyết định số 3084/QĐ-BVHTTDL ngày 09/9/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)./.