Buổi chiều đầu tháng tư, trời sắp ngả hoàng hôn nhưng nắng vẫn còn vươn những vệt dài trên hè phố. Nắng gió miền Trung bao giờ cũng khắc nghiệt. Tôi vừa chạy xe trên phố đông người lao xao, vừa suy nghĩ đến việc nhỏ bạn đồng nghiệp vừa gọi điện nhờ tôi bày cho con bé nó đang học lớp hai về bài văn tả con gà trống gáy... Bất chợt bao nhiêu ý nghĩ lại hiện lên trong sâu thẳm ký ức ngày xưa yêu dấu đã qua. Tôi hình dung tôi sẽ khuyến khích con bé miêu tả con gà trống gáy là thế này thế nọ, hãy từ sự quan sát và bằng con tim bé bỏng của thế giới tuổi thơ thần tiên, rằng con ơi, hãy viết đi, viết những gì con đã nghe, đã thấy...
Chao ôi, con bé thổ lộ chân thành: “Cô ơi, cháu chưa nhìn thấy gà trống gáy bao giờ ạ!”. Tôi rối bời, thế này thì coi như hỏng bài văn rồi... Tôi nhìn lại căn hộ chung cư của nhỏ bạn, vuông vức, sáng loáng, giữa trung tâm thành phố. Rồi bất chợt, nhận ra: Những đứa trẻ lớn lên trong không gian như thế, sáng chiều đi học, hối hả ngồi sau xe ba mẹ đón đưa từng ngày. Có được về quê, cũng chỉ những ngày lễ, tết ngắn ngủi, cả năm cũng chỉ một, hai lần. Họa chăng, chỉ thấy con gà qua trang sách, phim hoạt hình, huống chi là con gà trống gáy thì khó quá, biết con gà trống khi cất tiếng gáy ra sao, tiếng gáy nó thế nào... Mới học lớp hai, bảy, tám tuổi đầu, sao con bé sẽ hình dung, tưởng tượng ra được cái dáng mạnh mẽ, vươn vai, rướn cổ, vỗ cánh phành phạch gáy lanh lảnh mỗi sớm mai bắt đầu ngày mới...
Tôi trở về với ký ức của riêng mình, với những tháng năm đồng đất quê nhà. Tôi nhớ lại tuổi thơ tôi đã đồng hành với nắng mưa nhọc nhắn, với con đường sụt sùi bùn đất, với biết bao kỷ niệm thời thơ ấu ngày nào. Đặc biệt hơn, tuổi thơ tôi đã trôi qua cũng những buổi sáng tinh mơ với dàn đồng ca ồn ả của những chú gà trống của xóm làng bình yên xanh mướt đồng lúa, nương dâu. Nhớ lại, càng thấy ấm áp, nao lòng. Thường bắt đầu từ tiếng một con gá gáy vỗ cánh gáy trước như báo hiệu ngày mới, tiếp đó đồng lạo các con gà khác cũng gáy râm ran thôi. Tiếng gà gáy vọng gần, vọng xa... Tôi nhớ từng buổi sáng tinh sương, nhất là vào mùa thu hoạch lúa, nghe tiếng gà gáy thì ánh lửa hồng đã bập bùng ở các bếp, ngoài đường đã có tiếng í ới gọi nhau của bà con chòm xóm ra đồng. Tôi lại nhớ những sáng mùa đông lành lạnh, nghe tiếng gà gáy mẹ đã dậy thổi cơm, nhóm bếp, chuẩn bị cho chị em tôi bữa cơm sáng đến trường... Tiếng gà gáy đã đi qua bao năm tháng tuổi thơ với những lần giật mình tỉnh giấc, dậy sớm học bài vào mùa thi... Suốt những năm tháng sống giữa quê nhà, tôi nhận ra nhiều điều thú vị về …tiếng gà gáy. Thường những chú gà trống “trưởng thành” hầu như gáy suốt bốn mùa, mùa xuân nghe trong trẻo, có chút tất bật, mùa hạ nghe khan hơn, mùa thu thì tiếng gáy có vẻ mơ hồ và mùa đông thì hơi buồn… Hình như tiếng gà gáy cũng đi theo thanh sắc của trời đất trong những mùa khác nhau của năm, có khi theo thời khắc khác nhau trong ngày nữa. Ví như vào buổi sang, tiếng gà gáy thường hối hả báo hiệu ngày mới bắt đầu, buổi trưa thì xa xôi, quạnh vắng như lời nhạc rất hay của Trịnh Công Sơn “Tiếng gà trưa gáy khan trên đồi” và đến chiều thì chợt nghe đã xao lòng...
Rồi xa quê nhà đến giảng đường đại học, trong ký ức sâu thẳm ấy tôi vẫn dành riêng cho...tiếng gà gáy ở quê nhà. Mẹ mua cho chiếc đồng hồ báo thức, dặn cố mà nhớ đúng giờ giấc học hành. Tiếng “ren ren” báo thức ấy, tôi càng nhớ tiếng gáy “ò ó o..” của chú gà trồng của mẹ, có cái mào đỏ tía và bô lông bóng mượt, cũng đôi chân rắn rỏi, cứng cáp lắm. Những tháng ngày đầu tiên như thế, tôi nhận ra tiếng gà gáy cùng với nhiều thứ khác nữa của quê nhà da diết biết nhường nào...
Thời gian cứ thế đồng hành trên lối rẽ cuộc đời mỗi người. Tạm biệt giảng đường đại học, tôi rong ruổi tìm việc. Lại phải xa quê nhà yêu dấu, theo công việc và lập nghiệp ở thành phố. Cứ thế, những tất bật của công việc, gia đình, thời gian cuốn lại nhau theo nhịp đời, rồi những lần về quê cũng ít hơn, chủ yếu những ngày lễ, tết, kỵ giỗ... Rồi tôi cũng quen dần với việc không còn được nghe nhiều tiếng gà gáy sáng, không còn thấy nhiều những hình ảnh quê nhà như lũy tre xanh, dòng sông, con đò, giếng nước… Trái lại, tôi quen dần với dòng người hối hả trên phố, những ngôi nhà cao tầng… và mỗi sáng mai đã nghe inh ỏi tiếng xe cộ ngoài đường. Thú thật, có đôi lúc tôi dường như quên những nét bình di, đáng yêu ấy ở quê nhà đã thuộc về một miền ký ức xa xôi, đã bỏ quên trong góc nhỏ sâu thẳm rất riêng trong tâm hồn mình…
Chỉ là một bài văn tả tiếng gà trống thôi, rất đơn giản, gần gũi, bình dị vốn có nhưng với con bé là một “bài toán” khó, với tôi là khung trời kỷ niệm ngọt ngào nhưng sao lúc ấy có chút gì nghẹn đắng trong sâu thẳm tâm hồn. Âm thanh tiếng gà ấy, bản hòa ca của làng quê mình tôi đã nghe, đã thấm, đã mang đi trong hành trình cuộc đời có bóng dáng tần tảo của mẹ cha, hương đất đồng, có sân nhà, có những ngày lụt bão hay nắng hạn… Tôi cho đó là ngăn kéo ký ức về quê hương. Bây giờ, giữa chốn thị thành, buổi sáng thức dậy với chuông reo từ chiếc điện thoại di động hay đồng hồ báo thức, và ngoài phố đã inh ỏi tiếng còi xe. Bấy nhiêu thôi cũng đã làm lòng tôi, hoặc ai đó, lòng se sắt lại, níu chân về và cuộn trong nỗi nhớ yêu thương những tiếng gà gáy – thanh âm chốn quê nhà...
T.N