Nắng nóng kéo dài liên tục hơn 2 tuần qua làm cho số trẻ em mắc bệnh tăng đột biến, dẫn đến quá tải tại Bệnh viện (BV) Nhi Quảng Nam và các khoa, phòng chuyên nhi tại các BV, trung tâm y tế các địa phương trong tỉnh.
BV Nhi Quảng Nam những ngày qua luôn đông đúc bệnh nhân đến khám và điều trị. Ngay từ sớm, các bậc phụ huynh đã xếp hàng dài chờ đợi đến lượt khám của con mình. Các khoa phòng điều trị của BV cũng chật kín, thậm chí bệnh nhi phải nằm ghép giường với nhau. Đến giờ cao điểm, người nhà bệnh nhi phải đứng trên hành lang. BV Nhi Quảng Nam cho biết: Trong 2 tuần trở lại đây, mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 200 lượt bệnh nhân đến khám, số ca nhập viện điều trị mỗi ngày trên 50 ca. Thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhiều trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa. Ngoài ra, còn có những trẻ em sốt phát ban nghi sở, mắc sởi và bệnh tay chân miệng.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, đến cuối tuần qua, toàn tỉnh có 69 trường hợp sốt phát ban nghi sởi được phát hiện điều tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm; trong đó có 28 trường hợp dương tính với sởi. Bệnh xảy ra rãi rác tại 12 huyện, thành phố. Nhiều nhất là Điện Bàn 6 ca, Duy Xuyên 4 ca, Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành mỗi địa phương 3 ca; Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình, Hội An và Đại Lộc mỗi địa phương 2 ca... Về bệnh chân tay miệng, tính đến ngày 14-5, toàn tỉnh có 148 ca (giảm 45,4% so với cùng kỳ năm 2013), chủ yếu trẻ dưới 3 tuổi tại 13 huyện, thành phố tập trung ở các huyện phía nam.
Bệnh nhân nhi tăng đột biến (từ 1,5 - 2 lần so với ngày bình thường) hơn nửa tháng qua khiến nhiều BV ở Quảng Nam quá tải. BV Nhi Quảng Nam có 100 giường bệnh nhưng mỗi ngày có trên 200 trẻ em điều trị nội trú nên 2-3 em phải nằm chung một giường. Chị Hoàng Thị Thọ (ở P. An Sơn, TP Tam Kỳ) có con đang điều trị nội trú tại BV Nhi Quảng Nam, cho biết: “Khi con tôi mới vào BV thì cháu bị sốt siêu vi. Điều trị chưa khỏi hẳn thì bị tiêu chảy. Nay lại mắc thêm bệnh sởi, gia đình tôi rất lo cho bệnh tình của cháu”.
Theo BS Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc BV Nhi Quảng Nam, tình trạng trẻ em mắc bệnh tăng đột biến dẫn đến quá tải là bất khả kháng. BV Nhi Quảng Nam đã tích cực triển khai các biện pháp nhưng tình trạng lây chéo là không tránh khỏi. “Các phụ huynh nên đưa con em đến các cơ sở y tế ở địa phương để khám, phân loại và điều trị bệnh. Không nhất thiết phải lên tuyến trên mà tăng thêm áp lực quá tải, đồng thời tránh các trường hợp bệnh lây chéo” - BS Thoại khuyến cáo.
Tình hình nắng nóng vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em nói riêng, người dân nói chung và tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là tay chân miệng và sốt xuất huyết. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn tihnr. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện quyết liệt công tác cấp cứu, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, cũng như ngăn ngừa lây lan dịch bệnh tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế; khoanh vùng ổ dịch và xử lý triệt để không để lan rộng; triển khai các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; kiểm soát không để dịch bùng phát; bảo đảm việc cấp đủ phương tiện, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Chủ động tuyên truyền cách phát hiện và các biện pháp phòng ngừa bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống dịch bệnh, cập nhật về tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố có kế hoạch triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trong trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo không để xảy ra ổ dịch trong nhà trường; thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp và xử lý kịp thời; tổ chức đợt tổng vệ sinh môi trường tại các trường học.
Bài và ảnh: PHƯỚC LÊ