Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) có diện tích khoảng 235 km2 . Đây là nơi sinh sống của hơn 300 loài san hô, trong đó có những loài lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam. Thực tế, sự đa dạng về các hệ sinh thái đã đem lại cho Cù Lao Chàm tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế dựa vào biển đảo, đặc biệt là khai thác, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Trong bối cảnh này, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tiến hành triển khai thực hiện nhiều dự án để bảo vệ, phục hồi các rạng san hô của Cù Lao Chàm, trong đó có Dự án phục hồi rạng san hô cứng tại vùng biển thôn Bãi Hương của Tổ chức Rừng ngập mặn cho tương lai (gọi tắt là tổ chức MFF) hướng đến mục tiêu kết hợp hài hòa việc khai thác với bảo tồn tài nguyên biển.
Theo các nhà nghiên cứu, san hô Cù Lao Chàm rất nhiều chủng loại, phát triển theo nhiều dạng khác nhau có thể phân mảnh. Do đó, việc xây dựng vườn ươm san hô hay khu phục hồi đều phải tuân thủ theo quy trình công nghệ đã lựa chọn để tránh những lãng phí về nguồn giống và mang lại giá trị tích cực trong bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển tại đây. Do vậy, sự chung tay của cộng đồng dân cư địa phương, mà trực tiếp nhất là những ngư dân lặn biển giàu kinh nghiệm giúp công tác này hiệu quả hơn. Vì thế, dự án này đã tiến hành tập huấn kỹ thuật phục hồi rạn san hô cho ngư dân địa phương. Được triển khai thực hiện từ tháng 12/2013 đến tháng 5/2015 với sự tài trợ của tổ chức MFF tại tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương, dự án này đã tổ chức đào tạo cho một số ngư dân tại thôn Bãi Hương kỹ năng lặn biển với đồ lặn Scuba, kỹ thuật trồng và tái tạo rạn san hô. BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - đơn vị điều phối dự án đã tiến hành tập huấn kỹ thuật phục hồi san hô cứng cho 10 cộng đồng là những ngư dân tham gia tốt các hoạt động tuần tra, kiểm soát, truyền thông tại Bãi Hương, với sự giúp đỡ kỹ thuật của các thành viên Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm, những người dân đã được tham gia tập huấn sẽ trồng, tái tạo rạn san hô khu vực này với diện tích là 4.000 m2 và hơn 7.000 tập đoàn san hô. Ông Lê Vĩnh Thuận – thành viên Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: Hầu hết các giống san hô được chọn trồng ở đây đã được thử nghiệm. Tính đến hết năm 2013, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phát triển được 30 khung ươm trồng san hô để trồng phục hồi thành công 165 ha diện tích rạn san hô bị hư hại. Đến nay đã tiến hành trồng mới 146 ha diện tích rạn san hô ở khu vực biển Cù Lao Chàm, nâng tổng diện tích các rạn san hô ở đây lên 311 ha diện tích mặt nước. Chương trình “Rừng ngập mặn cho tương lai” (MFF) giai đoạn II - 2010-2015 của Bộ Tài nguyên – Môi trường đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế khu vực châu Á thực hiện vừa hỗ trợ 350 triệu đồng cho Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm để thực hiện dự án trồng và tái tạo các rạng san hô.
Một số giống san hô được trồng phục hồi
tại Cù Lao Chàm với sự tham gia của người dân
Ông Huỳnh Văn Đức – Người dân thôn Bãi Hương tham gia hoạt động này, cho biết: “Lâu nay, người dân chúng tôi luôn đề cao ý thức bảo vệ môi trường thủy sinh của biển, nhất là các khu vực có rạn san hô. Tuy vậy, việc bảo vệ như thế nào để không ảnh hưởng đến hoạt động mưu sinh của người dân thì chưa có ai nắm được. Từ viêc tham gia tập huấn để biết các kiến thức, kỹ năng đến việc tham gia trực tiếp vào việc trồng phục hồi san hô, chắc chắn người dân càng hiểu hơn về ý thức bảo vệ hệ sinh thái của biển đảo Cù Lao Chàm. Hơn nữa, việc phục hồi và nhân rộng rạng san hô đã tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loài thủy sản sinh trưởng và phát triển, trong đó có nhiều loài quý hiếm như bào ngư, tôm hùm xanh…”.
Rõ ràng, Dự án phục hồi rạng san hô cứng tại vùng biển thôn Bãi Hương đã góp phần quan trọng và có nhiều hiệu quả rõ rệt trong việc tái tạo, bảo tồn rạn san hô, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, bảo toàn sự đa dạng sinh học của khu bảo tồn Sinh quyển thế giới này. Đồng thời, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương thông qua việc phát triển du lịch theo hướng bền vững, đặc biệt là loại hình du lịch lặn biển vốn được du khách ưa chuộng, đã trở thành một sản phẩm du lịch riêng có và độc đáo của điểm đến Cù Lao Chàm.
Cùng với việc thực hiện phong trào “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lon” đã được thực hiện từ năm 2009, đến việc bảo vệ, phục hồi các rạn san hô từ dự án này và nhiều hoạt động thiết thực khác nữa cho thấy nỗ lực của chính quyền và từ chính người dân địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư và khách du lịch về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên quý báu, bảo vệ môi trường sinh thái Cù Lao Chàm đang là một việc làm cấp thiết. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn bảo vệ môi trường thiên nhiên, góp phần phát triển bền vững môi trường du lịch và Cù Lao Chàm luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
LINH CHI