Thực hiện Kế hoạch 56 -KH/HU, ngày 24/12/2014 của Huyện ủy Phước Sơn về việc việc thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát của Huyện ủy năm 2014. Tổ giám sát Huyện ủy đã tiến hành xây dựng kế hoạch, đề cương, lịch làm việc và đi khảo sát thực tế ở một số đơn vị, kết quả đạt được như sau:
Qua 02 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy, UBND huyện, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục được đầu tư, mạng lưới trường lớp được phát triển đồng bộ ở các cấp học, ngành học. Giáo dục Mầm non, tiểu học và THCS đang phát triển ổn định, giáo dục thường xuyên được duy trì, các điều kiện như cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế chính sách ưu tiên đối với đội ngũ nhà giáo… ngày một đáp ứng yêu cầu dạy và học. Để hoàn thành mục tiêu phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2014, theo Quyết định 1517/QĐ-UBND, ngày 13/05/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam, Chi bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu sắp xếp và phát triển mạng lưới giáo dục mầm non phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi đến lớp, đặc biệt ưu tiên trẻ 5 tuổi để thực hiện công tác phổ cập và chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng được yêu cầu, hiện có 582/585 trẻ 5 tuổi (không tính trẻ khuyết tật) được học 2 buổi/ngày và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, đạt tỉ lệ 99,5%; có 32/589 trẻ 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, chiếm tỉ lệ 5,4%; 34/589 trẻ 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, chiếm tỉ lệ 5,8%. Đến nay 12/12 xã, thị trấn, đạt chuẩn công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt tỉ lệ 100%; Công tác phổ cập giáo dục tiểu học hoàn thành vào năm 2000 và phổ cập Trung học cơ sở hoàn thành vào năm 2007 (tổng số 12 trường, có 8 trường phổ thông có nhiều cấp học, tổng số lớp 135 lợp/2749 học sinh, có 169 giáo viên và cán bộ quản lý). Đến nay, phát triển 16 trường (6 trường tiểu học, 10 trường THCS, trường bán trú và trung tâm GDTX); công tác đào tạo, bố trí cán bộ, giáo viên được quan tâm, hiện Tiểu học: CBQL: 23; GV: 181 (bình quân 1,32GV/lớp); TPTĐ: 5; Nhân viên: 32; Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn: 99,45%; trên chuẩn: 88,7%; Trung học cơ sở: CBQL: 17; GV:128 (bình quân 2,08 GV/lớp) ; TPTĐ: 10. Nhân viên: 40; nhân viên y tế trường học: 3 ; Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn: 52,8%. Đối với tiểu học bình quân tỉ lệ giáo viên trong toàn ngành 1,33 giáo viên/lớp; THCS bình quân 1,98 giáo viên/lớp. Trong thời gian qua việc củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được quan tâm, mạng lưới trường lớp tiểu học và THCS ổn định, có kế hoạch tham mưu sắp xếp mạng lưới trường lớp phù hợp với tình hình thực tế địa phương; Công tác Phân luồng học sinh sau THCS, Chi bộ phòng Giáo dục – Đào tạo trong thời gian qua đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên phối hợp với các đơn vị trường học để giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông; Thực hiện công tác xóa mù chữ cho người lớn, huyện Phước Sơn đã hoàn thành xóa mù chữ vào năm 1998. Trong 2 năm qua Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ cho Hội liên Hiệp phụ nữ huyện tổ chức các lớp học cộng đồng cho độ tuổi từ 26-45 tuổi về tăng cường năng lực, kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, tổng số học viên tham gia trên 300 người.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 10- CT/TW trên địa bàn huyện còn những tồn tại, hạn chế, như: Một số cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục các xã chưa nhận thức tầm quan trọng của công tác Giáo dục- Đào tạo, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 10- CT/TW ở cơ sở chưa sấu sắc, chưa xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW; sự phối kết hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, còn có tư tưởng khoán trắng cho ngành giáo dục, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các xã, thị trấn chưa tham mưu được cho cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW; chưa tổ chức kiểm tra, đánh giá sơ kết tại địa phương; mạng lưới trường lớp tuy được quan tâm phát triển song nhà trẻ không phát triển được, một số thôn chưa có lớp học mẫu giáo 5 tuổi; một số xã phải thực hiện mẫu giáo liên xã hoặc do trường phổ thông quản lý, chưa có điều kiện bố trí cho các em ăn bán trú (cấp tiền chế độ cho cha mẹ) dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao; lớp ghép ở cấp tiểu học còn nhiều (14 lớp/135 lớp); xã Phước Hòa, Phước Công không có trường THCS; cơ sở vật chất tuy được đầu tư song còn thiếu đồng bộ, các phòng chức năng, hiệu bộ, nhà ở giáo viên và học sinh còn thiếu; công trình nước sạch, vệ sinh đa số các trường học xuống cấp và thiếu nước sinh hoạt; đội ngũ nhà giáo các cấp học tuy đủ về số lượng, đạt trình độ đào tạo chuẩn sông vẫn còn bố trí trái ngành đào tạo, đa số giáo viên trẻ mới ra trường năng lực giảng dạy còn yếu; công tác phổ cập giáo dục các cấp tuy đã hoàn thành song có nguy cơ thiếu bền vững ở một số xã (Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim). Chất lượng phổ cập giáo dục vẫn còn bất cập, còn tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết; công tác phân luồng học sinh sau THCS chưa thực hiện được, Chi bộ Phòng giáo dục – Đào tạo chưa chú trọng trong việc lãnh đạo chỉ đạo, có định hướng tham mưu để giải quyết tình trạng trên; công tác xoá mù chữ cho người lớn chưa được quan tâm, tỷ lệ tái mù chữ vẫn còn cao.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức, thực hiện Chỉ thị 10 – CT/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn huyện:
Thứ nhất: phải nêu cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở;
Thứ hai: Đảng ủy các xã, thị trấn đưa nội dung kiểm tra, giám sát nội dung Chỉ thị 10-CT/TW để có cơ sở đánh giá cụ thể hơn; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị ở địa phương.
Thứ ba: Đối với cấp ủy, UBND các xã, thị trấn phải kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo phổ cập các xã, thị trấn; quan tâm thành lập các chi bộ trường học, hạn chế chi bộ ghép, thường xuyên coi trọng công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên, để tiến tới mỗi trường học đều có chi bộ độc lập.
Thứ tư: Chi bộ và các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện phải tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, ban hành Nghị quyết của chi bộ để lãnh đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị 10 – CT/TW; đề xuất các giải pháp cụ thể trong việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn. Nghiêm túc tiếp thu ý kiến Kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế khuyết điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Chỉ thị 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị trên địa bàn huyện./.
Lê Văn Thực
PTBTG Huyện ủy Phước Sơn