VỚI BẠN TÔI ƠI
Vết mực học trò nhỏ xuống còn đọng ba mươi năm
Ngày ta bỏ lớp
Tóc đã nhuộm sương màu sương dĩ vãng
Giật mình còn gọi tên nhau
Ba mươi năm dài chưa lâu chưa mà bày dâu bể
Mà bày hợp tan, mà bày trần thế
Mà bày sơn khê, mà bày lận đận
Lớp lớp mù khơi trường cũ níu ta về
Ba mươi năm rồi chưa tỉnh cơn mê
Thuở làm học trò mông mênh kỷ niệm
Mộng đèn sách mơ những điều huyền nhiệm
Mà hay đâu dâu bể lá trên dòng
Nhưng vẫn mãi còn trên nẻo trăm năm
Mái trường xưa bạn bè và tuổi lớn
Những chớp giật hồn nhiên như sóng dợn
Cứ lăn tăn ru vỗ giấc mơ đầu
Kỷ niệm ơi giờ gió thổi về đâu
Ngày theo bạn ăn đường non Quế Hiệp
Quế Lộc mùa thơm,đèo Le gió mát
Thơm thảo khoai chà nhớ phở sắn Quế Long
Muôn nẻo đường đời lận đận long đong
Vẫn còn kịp về bên nhau gọi tên nhau để nhớ
Vẫn tìm thấy trong mắt nhau một thuở
Nét hồn nhiên kiêu hãnh của một thời
Thì còn gì hơn nữa bạn tôi ơi!
Viết đêm trước ngày hội trường2014
Thái Bảo-Dương Đỳnh
Cựu 12c
CẠN LÒNG CHẲNG NGẠI KHEN CHÊ
(Nhân đọc tập thơ “Khúc hát lưu dân” của Nguyễn Đức Dũng)
Phải nói tôi là người may mắn!Dẫu xa nhưng vẫn luôn kịp về có mặt trong những giờ khắc quan trọng của anh em văn nghệTam Kỳ.Tôi nghĩ trong giới văn nghệ được vui với cái vui của bạn mình cũng là điều hạnh phúc.Với anh Nguyễn Đức Dũng từ “Áo giấy cho sông”,đến “Nắm níu” và bây chừ là “Khúc hát lưu dân”sự thành công nối tiếp của anh không những anh khẳng định được mình trong vai trò của người cầm bút mà còn cho chúng ta những phút giây hạnh ngộ:
“ Kìa bạn bè con đến thế gian này ca hát rồi đi
những cánh sao nhỏ nhoi tự cháy hết mình qua trời xa thẩm
Con tự cháy một nốt trầm thưa mẹ
Nốt trầm đáng yêu vừa đẹp vừa buồn
Xin được chúc mừng anh với đứa con tinh thần xinh xắn “Khúc hát lưu dân” mà như nhà thơ Phan Chín đã nói: “Không phải là một khúc ca buồn của những xa lạc,chia ly mà là khúc hát nhớ thương miên man và ngọt ngào của một trái tim luôn khao khát tìm về”
Đúng vậy!Với 35 bài thơ trong “Khúc hát lưu dân”vẫn với cách viết không lẫn vào đâu được của Nguyễn Đức Dũng.Ta vẫn tìm thấy những trở trăn đầy trách nhiệm của anh về quê hương đất nước,về thế thái nhân tình về những đổi thay nhân tâm rất đau của người thi sĩ
Mộng nhầm một giấc sính linh
Nhắm đôi tròng lệ nhân tình nhói lên
(Không đề)
Và bởi:
Tố Như cảnh báo sự nhỏ nhen ghen ghét của trời
Chảy máu mắt khóc Kiều nhưng không làm sao khác được
Trong mỗi hoài theo sẵn tị hiềm tài mệnh tương đố
Nghiệp dĩ riêng dành cho nhân loại yêu thơ
(Tác phẩm)
Vẫn với mạch chủ đạo thường thấy khi anh viết về quê hương với lung linh kỷ niệm về những người thân và bè bạn.Những nét đẹp bình dị từ con sông ngọn núi cánh đồng đã ám vào tuổi thơ anh mang cốt hồn quê xứ, về tình yêu không trọn vẹn để xa xót một đời:
“ Trăng hè gió xóm chê tôi
Tréo hai đầu võng mà ngồi ngó khan”
(Ghi ở cổng An Trung)
Nhưng theo tôi thành công nhất trong”Khúc hát lưu dân” của anh là đề tài đất nước.Với lối diễn đạt phóng khoàng đậm chất sử thi,hùng tráng trong trầm tích cội nguồn văn hóa và lịch sử dân tộc đã cho ta những cảm nhận tự hào kiêu hãnh về quê hương và nòi giống Việt:
Có đất nước nào như đất nước ta
Lưng gánh mưa nguồn ngực phơi giông bão
Mỗi góc ruộng bờ cây là mỗi niềm xương máu
Mỗi tên người tên đất cứ rưng rưng
(Cương Thổ)
Và anh khẳng định:
Mỗi thế hệ hóa phù sa lắng xuống
Mỗi cuộc đời bổi hổi rướn lên xanh
(Khúc hát lưu dân)
Trong một lần chuyện trò bên ly café nơi quán Trầm anh đau đáu nói cùng tôi về biển đảo vào những ngày tháng 5/2014 anh bảo: anh vừa viết xong bài khúc hát lưu dân trong ý nghĩa thương đau về dân tộc.Có dân tộc nào như dân tộc mình không Người Mẹ đã đẻ ra cả một bọc 100 con mà không đủ cho những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.Tôi thật sự thán phục và đồng cảm với anh ở ý nghĩ này,nên rất hiểu điều anh viết trong khúc hát lưu dân:
Ta cúi xuống lạy lời nguyền mẫu hệ
Bọc Âu Cơ nở trăm họ Rồng Tiên
Thương giọt mồ hôi đầm đìa trán mẹ
Xẻ thịt banh da vượt cạn một mình
Ta cúi xuống ruột gan không chịu thấu
Từng lá xanh cứ khắc khoải lìa cành
Con trai mẹ như củ khoai củ đậu
Nghìn năm âm thầm hôn hết áo khăn
(Khúc hát lưu dân)
Có thế nói tập thơ “Khúc hát lưu dân”đã tiếp nối sự thành công trong cách viết mang đặc thù Nguyễn Đức Dũng.Anh viết không mới mà rất lạ Đậm chất phương ngữ quê kiểng Quảng Nam với những hình ảnh gần gụi mà ám ảnh .Anh là một trong những người sử dụng hiệu quả và hợp lý vốn văn hóa và lịch sử dân tộc cho từng tác phẩm của mình.
Dẫu chỉ nhận là người “lặng im ngồi đây chờ đến phiên mình”để ra sân khấu đời “với kịch bản siêu thời gian- siêu không gian vô tiền khoáng hậu”.Nhưng Nguyễn Đức Dũng đã ra sấn khấu đời từ lâu và sự chân thành tài hoa nghiêm túc trong thi ca của anh đã ở trong lòng bè bạn từ lâu lắm rồi.Anh cháy hết mình trên từng trang viết và cho anh, cho chúng ta những nỗi niềm hạnh phúc.Xin được lần nữa chúc mừng anh và xin mược 4 câu thơ trong bài bài “Về ngồi bên suối” để nói với nhau:
Cạn lòng chẳng ngại khen chê
Sâu si tôi hỏi đi về những đâu
…Lẫn tôi trong biếc xanh nào
Lòng như lá nọ rụng vào trôi kia
Tân an,tháng 7.2014 Thái Bảo-Dương Đỳnh