Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
MUÔN NẺO PHÙ VÂN
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 29/08/2014 .Lượt xem: 639 lượt.

                                                                     Hoàng Chương

            Trong cuộc đời mỗi con người từ lúc sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi vĩnh biệt cõi đời là một hành trình mang tính qui luật nghiệt ngã của sự sinh tồn.

            Cuộc đời mỗi người không hoàn toàn giống nhau là do “cái” gọi là hành trình: SINH-LÃO-BỆNH-TỬ nó đi tới đâu, lúc nào mà thôi. Nhiều lúc suy tư, mới thấy ở đời không phải dễ. Nhớ lại mấy câu thơ: “Ở sao cho vừa lòng người. Ở rộng người cười, ở hẹp người chê. Cao chê ngổng, thấp chê lùn. Béo chê béo trục béo tròn. Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra” hồi còn học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ), mới thấy ở đời khó thật. Tuy ở đời thật khó, nhưng chúng ta phải sống với đời. Vấn đề ở đây là phải sống như thế nào, sống với ai, sống sao cho trọn nghĩa trọn tình.

            Triết học phương Đông đã đúc kết thành các chuỗi giai đoạn của đời người, kể từ khi trưởng thành đến khi nhắm mắt xuôi tay: Nhị thập nhi học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập tùng tâm sở ý nhi bất cụ, thất thập cổ lai hy…Ta có thể tạm hiểu là: Tuổi hai mươi nên tập trung vào việc học; ba mươi tuổi nên lập thân, lập đời, lập nghiệp; bốn mươi tuổi là phải chọn cho mình một chí hướng nhất định; năm mươi tuổi là tuân theo mệnh trời sắp đặt; tuổi sáu mươi là làm theo ý mình và tuổi bảy mươi trở lên là thuộc lớp “người xưa nay hiếm”. (Tất nhiên có người sống thọ hơn: Bát thập đắc hi hỉ, cửu thập siêu thọ, bách thập niên giai lão)

            Vậy nên, mỗi người nên xác định bổn phận của bản thân trong từng giai đoạn mình đang sống. Điều cốt yếu là đừng để thời gian dần trôi đi một cách vô nghĩa và đừng hối tiếc khi nhìn lại những ngày đã qua. Bởi vì “Không ai có thể hai lần tắm trong một dòng sông” (triết gia Héraclite).

            Xã hội bây giờ ít nhiều bị chi phối bởi lối sống thực dụng. Nhất là lớp trẻ. Theo đó, các giá trị truyền thống chuẩn mực bị xem nhẹ, đôi khi bị lãng quên đi một cách oan uổng. Tất nhiên, không phải là hầu hết! Suy cho cùng, hiện tại tất cả chúng ta- những người đang sống ở thế kỷ 21; theo cách nói của những nhà nghiên cứu là “Thế kỷ của sự phát triển về văn hóa”, “…xu thế hiện nay người ta đang cạnh tranh về văn hóa, phát triển văn hóa để hướng tới sự bền vững cho đất nước”…cần phải vững vàng trong “cuộc chiến” chuyển giao thế hệ này.

Ở đời, mỗi người đều phải đối mặt với nhiều sự thật đôi khi buộc ta phải suy ngẫm. Và những người hay bâng quơ suy nghĩ, phần lớn là những người luống tuổi. Mà làm sao có thể bàng quang với thế sự được chứ khi hàng ngày chúng ta được nghe những điều chướng tai, phải chứng kiến những điều gai mắt. Nào là: thế hệ mấy người bây giờ đã quá lạc hậu vì đã trải qua nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp trì trệ hơn một thập kỷ; quá cách mạng, quá lý tưởng, không thức thời, chậm chạp, an phận…

Ôi sao mà phủ phàng đến thế! Không trải qua thời kỳ gian khó ấy làm sao có ngày hôm nay. Và những con người trẻ tuổi có được cuộc sống an bình hiện tại, được thụ hưởng tất cả những điều tốt đẹp mà bao thế hệ cha ông hằng mơ ước là sản phẩm của thời kỳ gian khó ấy chứ? Đừng phủ nhận tất cả và đừng phỉ báng quá khứ một cách phiến diện, chủ quan, ác cảm. Đừng phán xét cực đoan khi nhìn thấy những khiếm khuyết của cơ chế thị trường, vì đó là qui luật tất yếu. Hãy bình tĩnh mà nhìn nhận cuộc sống hiện tại một cách khách quan, trung thực, biện chứng. Hãy chắt chiu những giá trị vĩnh hằng Ích- Chân- Thiện- Mỹ để yêu hơn cuộc sống mình đang sống, đã cầm nắm trên tay chứ không phải một thiên đường hão huyền, viển vông, xa lạ.

            Nhớ lại quãng thời gian trẻ tuổi, lớp thanh niên ngày ấy sao mà dễ thương quá đỗi. Tất cả đều hăng say lao động, sẵn sàng “đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc đang cần”, sẵn sàng cống hiến hết mình, hiểm nguy không sờn lòng, khó khăn không chùn bước; đôi chân hăm hở vượt hàng trăm cây số để đem con chữ đến với các em thơ nơi biên cương hẻo lánh, xa xôi. Khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng niềm vui tràn ngập. Tất cả đều vô tư cống hiến để tự hào, để góp công cho đất nước hồi sinh.

            Cũng ngần ấy tuổi, nhưng lớp trẻ bây giờ có nhiều khác lạ. Điều dễ thấy nhất là sự tính toán được-mất-hơn-thua, và họ cho rằng, đó là thức thời!

Một số các bạn trẻ quan niệm “có tiền là có tất cả”. Vì thế họ lao vào làm bất cứ việc gì để kiếm tiền càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Ý thức cạnh tranh quyết liệt đang âm thầm gặm nhấm, len lỏi vào tâm trí của các “cụ non”. Thật ra ai cũng muốn lao động để tạo ra của cải vật chất, nhưng hãy nhớ một điều là làm gì, ở đâu; tài sản, tiền bạc có được là từ bàn tay lao động chân chính của mình và phải dành dụm, tích cóp từng li từng tí, chứ không phải nhờ bổng lộc hay vụ lợi, lạm dụng, vơ vét, tước đoạt của người khác.

            Chúng ta vẫn thường nghe rằng đồng tiền dễ làm tha hóa con người, rằng hãy tránh xa những người xem đồng tiền là trọng. Nhưng tôi chưa từng thấy ai kiếm tiền bằng trí lực của mình một cách chính đáng mà không xem trọng đồng tiền, dù họ giàu hay nghèo.

Đồng tiền là nguồn gốc của tội lỗi vì chúng ta đã làm “méo mó” khuôn mặt giản dị của nó: một công cụ dùng để trao đổi các giá trị tương ứng. Đừng khoác cho nó uy lực mà nó không có, cũng đừng gán cho nó tội lỗi mà nó không phạm. Cái làm cho con người sa ngã không phải là sức mạnh của đồng tiền, mà là do bản tính ích kỷ và những tham vọng không chính đáng của mỗi con người!

Thực tế hiện nay, những kẻ lắm tiền là những người có nhiều quyền lực. Họ dùng đồng tiền để mua chuộc, chạy chọt, luồn lách để đạt mục đích cho cá nhân mình, bất chấp dư luận. Họ không quan tâm nhiều đến lĩnh vực tình cảm, đối nhân xử thế. Họ lại mong sở hữu những thứ vượt xa khả năng của mình. Đó là điều vô cùng tệ hại. Tương lai của họ sẽ ra sao chúng ta chẳng cần quan tâm làm gì, nhưng chắc chắn là sẽ không bền vững, vì nó không có một nền tảng vững chắc, đó là cái gốc của con người: đạo đức. Và chúng ta càng đau lòng hơn khi những hành vi của những kẻ thiếu lương tâm ấy đã tác động rất tiêu cực đến lớp trẻ; làm cho họ dần mất niềm tin, sống vô cảm, kiêu căng, tự phụ...

Cụ Nguyễn Khuyến đã nói: “Sống không để tiếng đời ta thán. Chết lại về quê quán hương thôn”. Và xin hãy nhớ lời ông bà ta đã dạy: “Tiền tài như phấn thổ, nghĩa trọng tợ thiên kim” để sống cho phải đạo, để xứng đáng làm người! Hãy biết dừng lại đúng lúc. Đừng như những ánh sao băng!

                                                                                                                        7/2014
[Trở về]
Các tin mới hơn:
CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT “TÌNH YÊU CUỘC SỐNG”
GIỌNG QUẢNG
HỘI VH-NT QUẢNG NAM TỌA ĐÀM 4 TẬP THƠ CỦA HỘI VIÊN
Các tin cũ hơn:
Thơ trào phúng : Loanh quanh chữ “Vàng”
Em gái Bhnoong - Huỳnh Đức Trung
Sắc Xuân (Thơ Lê Lam Giang)
Chí làm trai (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Khâm Đức xuân về (Thơ Huỳnh Đức Trung)
Suy ngẫm cuộc đời (Thơ Colchichine)
Tết quê (Hoàng Chương)
Xuân về "Nghe em hát còn duyên" (Hoàng Chương)
Đọc Gia huấn ca, suy ngẫm về giáo dục con cái hiện nay (Hoàng Chương)
Nghĩa tình Phước Sơn (Thơ Lê Lam Giang)
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO