Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
“BẢO TÀNG” TƠ LỤA XỨ QUẢNG…
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 29/08/2014 .Lượt xem: 634 lượt.

Khai trương từ tháng 8.2012, đến nay, Làng lụa Hội An (Hoi An Silk Village) đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Dự án du lịch làng nghề này đã tái hiện thực sự không gian làng dệt cổ xứ Quảng và nối tiếp lịch sử 300 năm của "Con đường tơ lụa trên biển" từ thương cảng Hội An…

Nằm cách trung tâm phố cổ Hội An hơn 1 km tại phường Tân An (T.p Hội An), khu làng lụa được ví như một “bảo tàng sống” với một không gian lưu giữ, tái tạo nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Có lẽ ai đến với Làng Lụa Hội An cũng khá bất ngờ với một không gian xanh ngắt của vườn dâu như những biền dâu đôi bờ sông Thu Bồn thuở nào. Những nong tằm, nong kén, hiên nhà thấp thoáng dáng lụa thôn nữ, tiếng khung đệt đang chuyển động nhịp nhàng, những kén tằm tơ vàng óng…, tất cả tạo nên một làng lụa xứ Quảng đang hội tụ về  đây cùng hồi sinh nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Anh Lê Thái Vũ – Giám đốc Hoi An Silk Village cho biết ý tưởng về một “làng lụa trong lòng di sản” đã manh nha, ấp ủ trong anh từ cách đây nhiều năm, với mong ước được bảo tồn và phát huy nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của quê hương được tiếp nối từ quá khứ. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn làng nghề được xem là một bước đi hợp lý và mang lại hiệu quả bền vững của ngành du lịch ngay trên vùng đất di sản là điểm đến hấp dẫn của du khách…


Với diện tích gần 2 hecta, Làng lụa Hội An mang dáng dấp của một ngôi làng cổ với những con đường quanh co, thoáng mát. Anh Vũ chia sẻ: Đựợc sự tư vấn của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính về kiến trúc làng Việt, không gian này đã được hình thành với sự giao thoa hài hòa giữa nhưng nếp nhà rường cổ xưa, vườn dâu, hồ sen, cây cổ thụ… Làng được thiết kế theo phong cách kiến trúc một ngôi làng cổ với nhiều cổ vật giá trị và thấm đẫm nét văn hóa đặc trưng của nghề này. Đến đây, du khách sẽ ấn tượng với vườn dâu xanh cho lá tằm ăn hàng ngày và 40 cây dâu cổ thụ mà anh Lê Thái Vũ đã dày công kiếm tìm ở vùng trung du dọc đôi bờ sông Thu Bồn, Vu Gia… còn sót lại đem về trồng, chăm sóc công phu. Đến đây, du khách sẽ được nhìn những thôn nữ hái dâu, cho tằm ăn, thể hiện kỹ thuật ươm tơ, se tơ, kéo sợi, dệt lụa bằng các thiết bị thủ công, đồng thời nghe kể về vòng đời, quá trình nhả tơ làm kén của con tằm hay câu chuyện thi vị khác về bà chúa tàm tang Đoàn Quý Phi, chuyện ông Cửu Diễn - người có công lớn trong việc phát triển nghề dệt lụa ở xứ Quảng đầu thế kỷ XX… Đặc biệt, nơi đây có trưng bày bộ sưu tập 100 trang phục cổ của 54 dân tộc Việt Nam và các sản phẩm bằng lụa như quần áo, túi xách, mũ, khăn choàng… phục vụ việc may đo, bán cho du khách. Từ đó, chắc hẳn mỗi du khách sẽ có sự trải nghiệm thực tế, chiêm ngưỡng những đường nét, hoa văn, màu sắc độc đáo của tơ lụa một thời vang bóng. Kết thúc hành trình trải nghiệm làng nghề, du khách được thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà phong vị như cao lầu, mì Quảng, bánh xèo, các loại chè hay nước uống từ lá dâu tằm..., được hòa mình vào giữa không gian nhà vườn xanh tươi… Chị Lưu Thị Hoa – người Duy Xuyên đã một thời gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm ở quê nhà, giờ đang làm công việc trình diễn cho du khách xem về khâu ươm tơ đã chia sẻ: “Từ khi làm việc ở đây, tôi như được sống lại với quá khứ một thời vàng son của quê mình. Cây dâu, con tằm, con kén, sợi lụa… luôn làm cho du khách thích thú, khám phá thêm một nét văn hóa đặc trưng độc đáo của xứ Quảng”. Bên bếp nước luộc kén khỏi tỏa nghi ngút, cùng trò chuyện với chị Hoa, mới hay rằng chị đã tham gia Festival nghề truyền thống Huế năm 2013. Làng lụa Hội An đã mang theo tất cả các dụng cụ thủ công, nhằm tái hiện quy trình sản xuất khép kín về lụa, từ ủ tằm, nhả tơ, kéo sợi đến dệt lụa, để cho ra những sợi lụa mịn màng, mềm mại và bóng loáng. Chị nói đó là kỷ niệm nhớ nhất khi “mang chuông đi đánh xứ người”, giới thiệu với du khách gần xa về những tinh hoa nghề truyền thống của quê hương.  

Đến nay, Làng lụa Hội An đã được đầu tư hơn 40 tỷ đồng, có 70 nhân viên làm việc và đã đón các đoàn khách đến từ các công ty lữ hành lớn như Diethelm, Vitours, Saigon tourist, Hồ Gươm… Bình quân mỗi ngày có gần 400 - 500 khách đến đây. Một hướng mới mở ra, Làng lụa Hội An phối hợp với Nhà hát biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An mời nhiều diễn viên biểu diễn các làn điệu dân ca, múa Apsara, hô hát bài chòi và hướng du khách vào trò chơi bài chòi độc đáo của xứ Quảng. Hiện tại, Làng lụa đang xây dựng thêm 35 phòng, hướng tới việc du khách sẽ lưu trú qua đêm, mở dịch vụ dạng homestay để trải nghiệm về nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa… Anh Lê Thái Vũ cho biết: Việc hướng đến một môi trường du lịch chuyên nghiệp, vừa bảo tồn vừa phát huy nghề truyền thống này tại đây chính là tính hệ thống và cách thức bố trí, sắp xếp tour tham quan phải khoa học, hiệu quả. Từ khi bước chân vào và tạm biệt làng, du khách sẽ được “khép kín” trong chuỗi hoạt động đa dạng, phong phú và như vậy mới có sức hấp dẫn đối với du khách bởi du lịch luôn là sự khám phá… Hơn ba năm nay, ngành du lịch Quảng Nam có thêm một điểm đến tham quan, trải nghiệm văn hóa làng nghề và đã trở thành điểm đến quen thuộc, hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Với lợi thế nằm ven khu phố cổ Hội An, trên tuyến đường Đà Nẵng – Hội An, Làng lụa Hội An là một dự án văn hóa bước đầu đã có những thành công nhất định, hướng đến du khách có được những trải nghiệm về một làng nghề truyền thống độc đáo.

Từ làng nghề đến làng Việt, Làng lụa Hội An được tái hiện gần như nguyên vẹn những nét riêng có trong quá khứ từ những gian nhà rường, vườn dâu, tiếng lách cách của thoi đưa, làn khói tỏa nhẹ từ nước luộc kén ươm tơ… Trên vùng đất xứ Quảng tưởng chừng đã phôi pha một nghề truyền thống này, nay được hồi sinh tại Làng lụa Hội An. Cảm xúc nhẹ nhàng, thư thái khi bước đi giữa không gian làng bình yên nơi đây, để tìm hiểu về một nghề truyền thống làm nên những tấm lụa óng ả chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

                                                                                                              LINH CHI

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Nhạc cụ đinhtúk của người Tàriềng
KỶ NIỆM NGÀY ÂM NHẠC VIỆT NAM
THI ĐẤU 7 BỘ MÔN TẠI ĐẠI HỘI TD-TT TOÀN QUỐC LẦN THỨ VII – 2014
Chỉ thị về tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2015
THU NHẬP XÃ HỘI TỪ DU LỊCH ƯỚC ĐẠT 3.500 TỶ ĐỒNG
TỔ CHỨC HƠN 1.600 BUỔI CHIẾU PHIM PHỤC VỤ NHÂN DÂN
THƯ VIỆN TỈNH PHỤC VỤ HƠN 25 NGHÌN LƯỢT BẠN ĐỌC
Đoàn từ thiện Tịnh xá Tam Kỳ tặng quà xã Phước Kim
KHƠI NGUỒN TIỀM NĂNG DU LỊCH XỨ QUẢNG
HỘI THẢO GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH NHÃN BÔNG SEN XANH VIỆT NAM
    
1   2   3   4   5   6   7  
    
Các tin cũ hơn:
Phước Sơn ngày tôi về
Mùa xuân – “Mùa kể chuyện” của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam
Ký ức về những ngày tráng bánh Tết …
Kết quả thực hiện Chỉ thị 03- CT/TW của Bộ chính trị trên địa bàn P/Sơn
Bác Hồ trong trái tim bạn bè năm châu
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Ghi nhận ở một tờ báo huyện
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Phong tục ăn tết nương rẫy của người Bhnoong
“Vấn đề đầu tiên phải là miệng nói tay làm”
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO