Miền núi tỉnh Quảng Nam có 25 thành phần dân tộc, với hơn 117.000 đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, tập trung ở 6 huyện miền núi cao gồm: Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Dù còn những tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, nhất là khu vực giáp ranh, giáp biên nhưng khu vực miền núi Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đóng góp vào thành quả chung đó có vai trò, uy tín của các già làng, trưởng bản, các vị có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Toàn huyện Phước Sơn hiện có 150 già làng, trưởng bản tiêu biểu đại diện cho 12 xã, thị trấn và 16 thành phần dân tộc anh em của huyện. Trong những năm qua, già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các địa phương huyện Phước Sơn là những tấm gương tận tụy tích cực trên các lĩnh vực, từ định canh định cư đến hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột lợi ích trong cộng đồng dân cư. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiếp tục tích cực tham gia công tác vận động người dân thực hiện nếp sống mới, cụ thể là 5 nội dung trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện cục bộ, chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc; là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo trong đời sống hàng ngày và lớp trẻ sau này sẽ là lực lượng xung kích, nòng cốt trong phong trào cách mạng ở địa phương. Trong 5 năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Phước Sơn đã đoàn kết một lòng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân mỗi năm đạt từ 7%-8%; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng 5%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 8 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân gần 5%/ năm. Đồng bào đã tập trung khai hoang cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích trồng lúa nước đưa tổng diện tích trồng lúa nước toàn huyện lên 803 ha; 100% trường học, trạm y tế xã được kiên cố hóa; 93% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.
Theo báo cáo của Công an Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 716 người có uy tín trong lĩnh vực an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam. Từ năm 2011 đến nay, các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam đã tham gia cùng lực lượng chức năng tổ chức hơn 700 buổi tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong giảm nghèo, định canh, định cư, làm đường giao thông, chăm lo cho sức khỏe cộng đồng. Đồng thời tham gia quản lý, giáo dục, tạo điều kiện cho 86 người lầm lỗi ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng; tham gia giải quyết 256 vụ mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong nhân dân; vận động nhân dân giao nộp 207 vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ các loại; cung cấp cho lực lượng công an hàng nghìn nguồn tin có giá trị; phối hợp với chính quyền xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về an ninh trật tự như “Tổ tự quản về an ninh trật tự”, “Dòng tộc tự quản”, “Tộc họ văn hóa”, “Khu dân cư không có tội phạm”… Với sự đóng góp tích cực của các già làng, trưởng bản và người có uy tín, năm 2013 có 374/385 thôn, 62/73 xã miền núi đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự; có 59/73 xã đạt tiêu chí thứ 19 xây dựng NTM về giữ vững an ninh trật tự. Trong 3 năm qua, có 4 xã được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc; 5 cá nhân được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc; 56 tập thể, cá nhân được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng bằng khen; 120 tập thể, cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh và UBND huyện tặng giấy khen. Đại tá Vũ Minh Sơn, Trưởng phòng PV28 Công an Quảng Nam cho biết: “Đội ngũ người có uy tín là lực lượng nòng cốt, đi đầu vận động đồng bào thực hiện tốt các phong trào cách mạng, chấp hành pháp luật, giữ gìn truyền thống đoàn kết, cảnh giác phòng chống tội phạm, gương mẫu xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư và làm giảm dần tập tục lạc hậu. Những đóng góp của đội ngũ những người có uy tín là rất quan trọng góp phần giữ vững tình hình chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn miền núi của tỉnh”.
PHƯỚC LÊ