Sáng ngày 24/9, đơn vị thi công đã tiến hành bàn giao tuyến đường vào khu sản xuất thôn tái định cư thủy điện Đăk my 4 cho UBND xã P/Xuân và người dân thôn Nước Lang sử dụng, quản lý. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các tuyến đường vào khu sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Phước Xuân là xã vùng thấp với hơn 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế chủ yếu làm nông, quanh năm bám cái nương, cái rẫy. Để giải quyết bài toán phá rừng làm rẫy trái pháp luật, những năm qua, cùng với quan tâm đến việc khảo sát quy hoạch khu sản xuất, tuyên truyền cho bà con hiểu và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong sản xuất, xã còn ưu tiên nhiều nguồn kinh phí đầu tư xây dựng đường vào khu sản xuất cho bà con. Chỉ tính riêng trong năm 2014 này, từ nguồn ngân sách huyện phân bổ và vốn hỗ trợ của ban quản lý thủy điện Đăkmy 4, , xã Phước Xuân đã triển khai làm 2 tuyến đường vào khu sản xuất cho người dân thôn Lao Đu và thôn Nước Lang. Với tổng kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Chí Sâm, chủ tịch UBND xã cho biết: những năm qua, được sự quan tâm của cấp trên, nhiều công trình xây dựng được đầu tư, trong đó có đường giao thông. Hiện trên địa bàn các tuyến đường liên thôn đã được bê tông hóa, một số tuyến đường vào khu sản xuất được đưa vào sử dụng đã hạn chế tình trạng phát rừng già làm rẫy, khích lệ người dân chú trọng phát triển lúa nước-một cây trồng chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh lương thực và quan trọng hơn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Đi trên con đường đất vừa mở rộng với mặt đường 3,5m, xe máy có thể chạy đến tận khu sản xuất vừa đưa vào trồng trọt cách đây chưa lâu, anh Đinh Văn Sửu cũng như 37 hộ dân thôn Nước Lang không tả xiết niềm phấn khởi. Nhớ lại thời điểm chuyển về nơi ở mới, chỉ trồng lúa rẫy. Cuối năm 2013, khi diện tích nương rẫy bị thu hẹp dần do dân số gia tăng và các khu rừng trở thành khu vực giao khoán bảo vệ, chính quyền xã đã vận động người dân bắt tay vào khai hoang những khoảnh ruộng nước nằm cách làng gần 3 cây số đường rừng. Những mùa vụ đầu đã mang về cho bà con lượng nông sản đáng kể giúp tránh đói lúc giáp hạt, song khâu vận chuyển nông sản về thôn lúc bấy giờ là cả một hành trình đầy khó khăn... Được chia ruộng, có thủy lợi, nay có đường lớn, bà con ai cũng mừng. Đặt những bước chân đầu tiên trên con đường mới, chứng kiến những chiếc xe chở lúa về làng, chúng tôi mới thấy hết được niềm vui của bà con khi có con đường mới.
Xây dựng các tuyến đường nối vào khu sản xuất, người dân sẽ yên tâm canh tác, hạn chế diện tích đất bỏ hoang và tình trạng phát đốt rừng già làm rẫy. Có đường, những vùng đất màu mỡ được bà con đánh thức, không khí lao động nhộn nhịp, tấp nập, cuộc sống của người dân xã P/Xuân ngày càng khởi sắc.
Hồng Năm – Thanh Thúy