Vào ngày 30 tháng 9 năm 2014, Huyện ủy Phước Sơn đã tổ chức Hội nghị Huyện ủy (mở rộng) để tiến hành đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn huyện Phước Sơn, tại Hội nghị UBND huyện đã khen thưởng cho 05 tập thể, 15 cá nhân và đề nghị UBND Tỉnh tặng Bằng khen 01 tập thể, 01 cá nhân có thành tích xuất sắc 10 năm thực hiện Nghị quyết 41- NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn huyện.
Đ/c Phạm Thế Quyền – CT UBND huyện trao thưởng cho tập thể và cá nhân được khen thưởng
có thành tích xuất sắc 10 năm thực hiện Nghị quyết 41 – NQ/TW trên địa bàn huyện Phước Sơn
Trong báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 41- NQ/TW trên địa bàn huyện Phước Sơn có bước chuyển biến đáng kể: Nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở và trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về môi trường được thường xuyên và chặt chẽ hơn; các ngành, mặt trận, đoàn thể có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường ở huyện Phước Sơn vẫn tồn tại nhiều mặt hạn chế, như: Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có nguy cơ bị xuống cấp nhanh; diện tích rừng tự nhiên bị xâm hại ngày càng nhiều; đất đai bị phân hóa, xói mòn; chất lượng các nguồn nước đều bị suy giảm và ô nhiễm; tài nguyên thiên nhiên (lâm, khoáng sản) bị khai thác trái phép ngăn chặn chưa có hiệu quả; khối lượng chất thải, rác thải ở địa bàn thị trấn Khâm Đức, những nơi khai thác vàng và các công trường xây dựng ngày càng gia tăng; điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở một số xã, thôn chưa đảm bảo... Ngoài ra, những diễn biến xấu về thời tiết, khí hậu; mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường chưa thể dự lường được. Từ những nguyên nhân những tồn tại hạn chế, yếu kém là do:
- Một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể chưa thực sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Công tác phối hợp của các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa thường xuyên; Năng lực cán bộ quản lý môi trường ở cấp huyện, xã còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về bảo vệ môi trường; công tác thanh tra môi trường còn hạn chế..
- Công tác phối hợp giữa các binh chủng tuyên truyền với phòng Tài nguyên - Môi trường huyện chưa thường xuyên, nên công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Lực lượng cán bộ thanh tra môi trường còn quá mỏng; hành lang pháp lý vẫn còn nhiều bất cập nên các hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn chưa thực sự chủ động; chế tài xử phạt chưa đầy đủ, tính răn đe chưa cao.
- Đời sống của nhân dân còn khó khăn, trình độ còn hạn chế nên chưa tiếp cận các tiến bộ khoa học và sản xuất. Cuộc sống của người dân địa phương còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng; diện tích đất sản xuất bị thu hẹp sẽ không tránh khỏi người dân tác động đến rừng để lấy đất sản xuất nên xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, phá rừng làm nương rẫy trái phép đang diễn ra phức tạp chưa ngăn chặn xử lý kịp thời. Tỉnh, huyện chưa lập quy hoạch và bản đồ tài nguyên để phục vụ công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Đối với huyện Phước Sơn, môi trường đã và đang là điều kiện quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Vấn đề môi trường nếu không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến cả vấn đề an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đại bộ phận nhân dân. Do đó, trong thời gian tới chúng ta cần tích cực và tập trung thực hiện các giải pháp Bảo vệ môi trường, như sau:
1- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tiếp tục triển khai, xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU, ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh;
2- Tăng cường, đổi mới về cả nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT; biên soạn tài liệu tuyên truyền dưới nhiều loại hình phong phú, đa dạng, dễ hiểu; tổ chức đội ngũ báo cáo viên, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền các cấp.
3- Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn với UBMTTQ huyện, xã, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh về ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường.
4- Bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ huyện đến xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản vàng trái phép, phát rừng làm nương rẫy trái phép và các hành vi có liên quan ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên rừng, nước, đất…
5- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực nội thị thị trấn Khâm Đức và các xã vùng trung, vùng thấp; xây dựng Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm xử lý chất thải trong hoạt động giết mổ đảm bảo theo quy định. Tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải và thực hiện Đề án quản lý chất thải rắn vùng nông thôn theo lộ trình đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt.
6- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác giao đất giao rừng; khoán quản lý bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a, chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ; Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các đối tượng khai thác khoáng sản, rừng trái phép.
7- Phân bổ và sử dụng hiệu quả thực hiện chi 1% ngân sách sự nghiệp môi trường tại các Bộ, ngành, địa phương. Tăng mức kinh phí đầu tư cho các hoạt động BVMT.
8- Đẩy nhanh việc thực hiện và nâng cao hiệu quả các chương trình, đề án BVMT thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; xử lý triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ.
Lê Văn Thực – PTB TG Huyện ủy