Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo của ngành du lịch Quảng Nam đã bàn tính đến văn hóa ẩm thực xứ Quảng. Đến nay, có thể nói, Quảng Nam đã phần nào khẳng định được thương hiệu du lịch của mình, trong đó có văn hóa ẩm thực rất phong phú.
Quảng Nam là vùng đất nằm ở trung điểm miền Trung với địa hình phong phú đa dạng, có đồng bằng, trung du, miền núi, miền biển. Vì vậy, mỗi vùng có những “sản vật” với có nét văn hóa ẩm thực đặc sắc riêng, độc đáo. Đây được xem như một lợi thế để phục vụ phát triển ngành du lịch của tỉnh. Nhắc đến ẩm thực xứ Quảng, món đầu tiên nhiều người phải nhớ đến có lẽ là mì Quảng, là món bình dân, ăn “no” chứ không phải ăn “cảnh”, song mì Quảng có sức hấp dẫn kỳ lạ bởi hương vị rất đặc trưng. Để có được món mì Quảng là cả một quá trình thao tác hoàn hảo, tuân theo những nguyên tắc chặt chẽ từ khâu lựa chọn nguyên liệu, gia vị, chế biến…để khi bưng tô mì Quảng lên ăn, hương vị đậm đà quyện nhau từ cọng mì gạo, đến nhưn mì bằng tôm, thịt, hay cá, rồi đến rau sống, đậu phụng rang, trái ớt xanh sực nồng... làm du khách sẽ rất thích thú. Mì Quảng trộn ăn với bánh tráng mới “đúng bài”. Hương vị béo ngọt của tôm thịt, mùi thơm của hành, âm thanh rôm rốp của bánh tráng nướng giòn, tất cả làm nên một món ăn đậm đà hương vị. Là món ăn dân giã, mì Quảng không còn thuần túy là món ăn nữa, mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất, là cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực có mặt khắp nơi trên vùng đất Quảng Nam. Tại không gian nhà cổ Vinahouse (xã Điện Minh, huyện Điện Bàn), hay quán mì Quý (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) nằm ngay trên con đường đến khu di sản Mỹ Sơn, du khách được thưởng thức món ăn mì Quảng đúng “chất Quảng” nên luôn luôn thu hút du khách.
Bên cạnh mì Quảng, ẩm thực xứ Quảng còn phải kể đến món cao lầu (ở Hội An), bê thui Cầu Mống (Điện Bàn), cơm gà (Tam Kỳ), gà đèo Le (Quế Sơn – Nông Sơn), phở sắn (Quế Sơn)..., các món bình dân khác như các loại bánh: xèo, bèo, bánh in..., món mít trộn, thịt heo cuốn bánh tráng, hến trộn... Tại các huyện miền núi, các món ăn của bà con đồng bào vùng cao trên dải đất đại ngàn Trường Sơn cũng rất hấp dẫn với du khách như cơm lam, bánh sừng trâu, mối đất, chà rá... Ngoài ra khi đến xứ Quảng, các món ẩm thực mà du khách có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè như: bánh in đậu xanh (Hội An), bánh tráng (Đại Lộc), chuối sấy khô (Tiên Phước), rượu tà vạt (các huyện vùng núi phía Tây của Quảng Nam)... sau khi đã thưởng thức một số món ẩm thực đặc trưng. Có như vậy, trên hành trình khám phá tìm hiểu, văn hóa ẩm thực xứ Quảng sẽ đọng lại ấn tượng trong lòng du khách.
Du lịch là sự khám phá, trải nghiệm tuyệt vời. Xu thế hiện nay, khi đi du lịch, ngoài việc tham quan, ngắm cảnh... thì ẩm thực cũng là một trong những vấn đề quan tâm của du khách. Vì vậy, ẩm thực hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu ăn uống và trở thành mục đích chính trong chuyến du lịch của hầu hết du khách. Trong thời gian qua, ngành du lịch Quảng Nam đã chú trọng đến những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc trong hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm thu hút khách du lịch. Đặc biệt, trong dịp Festival di sản Quảng Nam lần thứ V năm 2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập mì Quảng là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt tiêu chí "Giá trị ẩm thực châu Á" và công nhận bê thui Cầu Mống (Điện Bàn) vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Đây là một cơ hội lớn để tỉnh Quảng Nam nâng cao thương hiệu du lịch trong nước và quốc tế. Từ thực trang việc giới thiệu các sản phẩm ẩm thực đặc trưng, cần có sự định hướng của Nhà nước để xây dựng văn hóa ẩm thực góp phần vào việc quảng bá thương hiệu du lịch xứ Quảng. Trước hết, cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động kết hợp phát triển giữa ẩm thực và du lịch, đưa nội dung văn hóa ẩm thực vào các hoạt động xúc tiến, quảng bá; xây dựng các điểm giới thiệu, bán hàng tin cậy phục vụ du khách. Khai thác văn hóa ẩm thực không chỉ góp phần vào việc thu hút du khách, hướng tới việc xây dựng thương hiệu du lịch mà đây còn là con đường để xứ Quảng có thể phổ biến các yếu tố văn hóa ẩm thực đến du khách trong và ngoài nước. Đành rằng, du khách đến với Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ để ăn, nhưng với nhiều người, ẩm thực là một nét văn hóa có sức hút khó cưỡng khi họ đặt chân đến đây. Có thể mỗi lần đến Hà Nội thì du khách thích ăn phở, còn đến Huế thì thích ăn bún bò, đến Quảng Nam thì không thể bỏ qua món mì xứ Quảng... Như vậy, những món ăn ở mỗi vùng miền luôn tạo cho du khách những dư vị khó quên. Trong không gian của khách sạn, nhà hàng sang trọng hay một quán bình dân ven đường nào đó, người dân xứ Quảng niềm nở, nhiệt thành đón những du khách bằng chất giọng quê rất “Quảng” và sự đôn hậu vốn có thì có lẽ, du khách sẽ có “cái” để thưởng thức, khám phá các hương vị đặc trưng của món ăn xứ Quảng và để nhớ, để hoài niệm về vùng đất di sản này. Với một nền văn hóa ẩm thực phong phú, độc đáo, hấp dẫn khách du lịch như vậy thì có lẽ, lấy ẩm thực để quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Nam là một “cú hích” cho sự phát triển của “ngành công nghiệp không khói”. Đây cũng là một trong nhiều biện pháp gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa địa phương thông qua văn hóa ẩm thực phong phú, độc đáo của xứ Quảng.
LINH CHI