Ngày 29-10, Viện Âm nhạc phối hợp cùng Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm “Nghệ thuật bài chòi Quảng Nam” nhằm xây dựng và hoàn thiện hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam” đệ trình UNESCO đề nghị ghi danh vào danh sách di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại.
Hội thảo tập trung bàn về các vấn đề: Lịch sử văn hóa nghệ thuật của Nghệ thuật bài chòi dân gian; Âm nhạc trong nghệ thuật bài hòi dân gian (hô bài thai, bài chòi độc diễn); Hiện trạng của di sản bài chòi ở các địa phương; Chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị của lịch sử bài chòi trong 5 năm, 10 năm tới và xa hơn nữa tại những địa phương có di sản. Hội thảo cũng tập trung giải quyết một số yêu cầu có tính nguyên tắc của UNESCO khi xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại; Công tác xây dựng, đào tạo, thu hút tài năng để nâng cao chất lượng trình diễn, hô hát, đệm nhạc bài chòi. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng: Muốn tồn tại, phát triển, sống lâu bền trong công chúng, phải có giải pháp giữ cho được tinh túy và phần hồn của dân ca bài chòi nhưng phải thích nghi và hòa nhập cùng hơi thở của đương đại và không được biến tướng. Để làm được điều này cần tranh thủ sự phát triển của thành tựu kỹ thuật (âm thanh, hình ảnh, thiết kế sân khấu) để hỗ trợ cho nghệ thuật; Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách là người nước ngoài, các vùng miền khác nhau thông qua hướng dẫn, phiên dịch…
PHƯỚC LÊ