Không chỉ biết đến là nơi xa nhất huyện, thôn 6 xã P/Lộc còn để lại nhiều ấn tượng đẹp cho những ai đã từng đặt chân đến vùng đất này. Đó là nơi ngút ngàn màu xanh của những vườn rau trái, thóc lúa đầy nhà, mật ong rừng…những sản vật có được từ chính bàn tay lao động của những con người nơi đây. Bằng tinh thần lao động cần cù trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua cuộc sống của 29 hộ dân thôn 6 xã Phước Lộc đã có nhiều khởi sắc. Đáng khen hơn, họ ý thức “chỉ sức lao động mới có cái ăn, cái mặc, thoát nghèo”, người dân thôn 6 đã tự nuôi sống bản thân bằng nguồn lương thực, thực phẩm tự cung tự cấp.
Được thiên nhiên ưu đãi, đất đai giữa núi rừng thôn 6 rất màu mỡ phù hợp với nhiều loại cây trồng, ông Hồ Văn Eo ham làm lắm. Là người P/Năng, sau khi về ở rể tại thôn 6, P/Lộc ông Eo cũng hòa mình cùng với nhịp sống chăm chỉ, siêng năng của những người dân bản địa nơi đây. Ông cho biết: Ban đầu, người dân chủ yếu tự cung tự cấp lương thực nuôi sống gia đình, sau khi những thứ mình trồng được ăn không hết, họ mang đến các bãi vàng trong vùng bán. Khác với những năm trước, bây giờ được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường đến tận thôn, việc trao đổi, vận chuyển rau xanh, thóc lúa đi bán cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Thậm chí các con buôn vào tận vườn mua. Riêng tiền bán rau mỗi năm giúp ông cũng như bà con trong thôn mua được đồ dùng và nhu yếu phẩm, cuộc sống của gia đình vì thế mà khấm khá, không còn cảnh thiếu ăn từng bữa như trước.
Không chỉ vườn đầy rau, ao đầy cá mà nhà ông Hồ Văn Yên còn đầy thóc. Nhờ bản tính siêng năng cần cù nên ruộng, rẫy nhà ông rộng dần và các oong lúa cứ đầy mãi không biết vơi. Mỗi mùa gặt xong được cả hơn trăm bao lúa. Ông dành hẳn ngôi nhà khang trang nhất nhì thôn để làm nơi cất lúa. Con cái đi học xa, nhà chỉ có hai vợ chồng nhưng ông Yên luôn đứng đầu thôn về diện tích trồng lúa, trồng rau. Với ông có làm thì mới có ăn, con cái mới có áo mặc, học hành đầy đủ. Ông Yên cho biết: Tinh thần lao động của người dân không biết có từ đâu, nhưng có lẽ chính sự cách trở về không gian địa lý đã hun đúc tinh thần siêng năng, cần cù của bà con. Và nó đã thấm vào máu thịt bao thế hệ người dân Bhnong cư trú ở nơi xa xôi hẻo lánh như thôn 6.
Trong khi không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số trông chờ, ỷ lại vào các chương trình hỗ trợ của nhà nước thì người dân thôn 6 xã P/Lộc đã làm chủ được cuộc sống của mình. Minh chứng là nơi đây không có tình trạng tụ tập uống rượu, lười biếng, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Hơn ai hết họ hiểu rằng bên cạnh sự ưu đãi của thiên nhiên thì chăm chỉ lao động sẽ giúp họ vượt qua đói nghèo, cuộc sống no đủ.
Theo ông Lưu Huyền Thoại, PCT UBND xã P/Lộc cho biết, Phước Lộc nói chung, thôn 6 nói riêng địa hình cách trở, được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết ôn hòa cộng với bản tính vốn có, người dân sớm thích nghi và rất chịu khó lao động, chính vì vậy, hầu hết lượng nông sản do người dân trồng đã giúp họ tự cung tự cấp mà nhiều nơi khác không thể có, dù không dư giả nhưng no đủ quanh năm. Đáng chú ý nhất là ông Hồ Văn Yên, Hồ Văn Eo, Hồ Văn Thước…sản lượng rau su su, mật ong rừng, lúa luôn đứng đầu xã. Làm chủ cuộc sống của mình cũng đồng nghĩa với việc họ biết tự giác chấp hành các đường lối chủ trương của nhà nước.Điều đáng nói nữa là tỷ lệ học sinh ra lớp của thôn 6 luôn đạt tỷ lệ cao nhất xã. Hiện nay, cùng với dành nguồn vốn đầu tư, nâng cấp tuyến đường dẫn vào thôn 6, xã P/Lộc đang tích cực khuyến khích người dân tăng sản lượng các loại rau xanh, cây lương thực và mật ong, giúp họ tiếp cận với thị trường tiêu thụ, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ ý thức tự đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, giờ đây 26 hộ dân thôn 6 xã P/Lộc đang dần thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Họ như những con ong cần mẫn ngày đêm lấy phấn để lại cho đời những giọt mật thơm.
Rời Phước Lộc, trong tôi nảy sinh nhiều thắc mắc khi anh bạn đi cùng đặt ra một giả thuyết, khi tuyến đường giao thông đến Phước Lộc hoàn thành, đi lại thuận tiện, ô tô vào tận nơi như các xã vùng cao vừa đi qua, liệu người dân xã vùng cao này có chuyển đổi từ trồng cây nông nghiệp sang trồng cây nguyên liệu lâu năm với nguồn lợi kinh tế khá hơn, ít tốn công sức hơn hay vẫn giữ thói quen sản xuất nương rẫy, khai thác lợi thế do thiên nhiên ban tặng, bà con có còn giữ được ý thức cần cù lao động, lấy sản xuất nông nghiệp làm ngành kinh tế mũi nhọn góp phần cùng với toàn huyện đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Mong rằng, trước những biến động khách quan và chủ quan, người dân thôn 6 xã P/Lộc vẫn giữ thói quen sản xuất nương rẫy, khai thác lợi thế do thiên nhiên ban tặng, cần cù lao động và lấy sản xuất nông nghiệp làm ngành kinh tế mũi nhọn góp phần cùng với cả huyện đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Thanh Thúy