Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, kinh tế - xã hội huyện Phước Sơn đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, diện mạo Phước Sơn có nhiều khởi sắc.
45 năm qua, Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một di sản vô giá, nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, vượt qua thử thách, giành những thắng lợi vẻ vang, đưa cả nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người viết: Nhân dân lao động Việt Nam ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp lực bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân Việt Nam rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Thực hiện di chúc của Người, trải qua 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phước Sơn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Từ một huyện miền núi nghèo, cuộc sống của đồng bào còn du canh - du cư, phần lớn dân số mù chữ; cảnh đói, đau, bệnh tật đe dọa từng ngày... Song, với truyền thống đoàn kết, yêu quê hương đất nước và một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phước Sơn đã không ngừng phấn đấu vươn lên, từng bước ổn định định canh - đinh cư; khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, phát triển chăn nuôi; xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển công nghiệp; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; tập trung phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Những thành tựu về phát triển KT-XH
Có thể khẳng định, những thành tựu nổi bật, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phát triển KT-XH, đó là kể từ sau Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ 18 và 19, với định hướng phát triển nền kinh tế theo cơ cấu “Lâm, nông - công nghiệp - thương mại, dịch vụ”. Xác định phát triển kinh tế “Lâm, nông nghiệp” đóng vai trò quan trọng được đặt lên hàng đầu, phát huy lợi thế của huyện miền núi với diện tích rừng sản xuất khá lớn, phù hợp phát triển cây nguyên liệu; cùng với đó hệ thống sông, suối phân bố khá đều tạo thuận cho xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, phát triển diện tích lúa nước. Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, xác định quy hoạch vùng sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng trong huyện. Đến nay, đã dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, có quy mô, mang tính hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: Trồng cây keo lai, sắn ở các xã vùng trung, vùng thấp; cây Bời Lời ở các xã Phước Năng, Phước Mỹ và một số xã vùng cao; cao su tại các xã Phước Hiệp, Phước Xuân, Phước Hòa, Phước Đức...; bên cạnh đó phong trào gieo ươm cây giống phục vụ cho trồng rừng sản xuất đang phát triển mạnh ở các xã Phước Hiệp, Phước Hòa, thị trấn Khâm Đức... đáp ứng nhu cầu cung cấp cây giống phục vụ trồng rừng, đây sẽ là hướng phát triển chính trong những năm đến.
Cùng với phát triển trồng cây nguyên liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đã phát triển khá toàn diện, từng bước chuyển dịch cơ cấu theo hướng có giá trị kinh tế. Các mô hình chăn nuôi như phát triển đàn bò lai sind, heo đen, dê... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Công tác khai hoang, phục hóa ruộng nước được tập trung chỉ đạo đạt kết quả, hàng năm khai hoang, phục hóa trên 10 ha, nâng diện tích sản xuất lúa nước lên 806ha, tăng 50ha so với năm 2010; giảm dần diện tích lúa rẩy để chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi được triển khai rộng khắp, từng bước làm chuyển biến về nhận thức trong nhân dân. Nhiều mô hình khuyến nông được áp dụng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo bước đột phá thu hút nhiều người dân tham gia. Điển hình như mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI ở một số xã, thị trấn, mô hình làm phân hữu cơ vi sinh ở xã Phước Năng, Phước Chánh; triển khai thực hiện biện pháp sạ thẳng, bón phân, sử dụng thuốc phòng, trừ sâu bệnh ở hầu hết các xã... Vì vậy, đến nay năng xuất cây trồng, nhất là lúa nước tăng lên, bình quân toàn huyện trên 40ta/ha (năm 2010: 38 tạ/ha).
Xác định phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sẽ tạo nguồn lực lớn cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động. Trong những năm qua, huyện đã phối hợp chặt chẽ và tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản. Từ khi Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 hoàn thành (năm 2012) đưa vào vận hành với công suất 208 MW, sản lượng sản xuất điện trung bình đạt trên 700 triệu KWh, đã nộp ngân sách cho Nhà nước bình quân 80 tỷ đồng/năm. Từ nguồn thu phát sinh khá lớn từ thủy điện, Công ty Vàng Phước Sơn, các doanh nghiệp trên địa bàn…, ngân sách huyện đã chủ động bố trí chi đảm bảo được các nhu cầu hoạt động thường xuyên của huyện. Ngoài ra, ưu tiên dành một phần ngân sách để đầu tư phát triển, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng an ninh. Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các Chương trình 30a, 135, nông thôn mới,… huyện đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi… Đặc biệt, đã hoàn thành các tuyến đường đi các xã vùng cao, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao lưu hàng hóa, thúc đẩy phát triển KT-XH. Hoạt động thương mại-dịch vụ phát triển khá đa dạng và phong phú, nhất là trên địa bàn thị trấn Khâm Đức. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạng đầu tư vốn xây dựng nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí, nhằm thu hút khách vãng lai; thống kê trên địa bàn thị trấn Khâm Đức có khoảng 400 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi, gần 100 nhà hàng, quán ăn phục vụ du khách và nhân dân trong huyện. Hoạt động tín dụng ngày càng được mở rộng với nhiều hình thức, thu hút được nguồn vốn nhàn rổi trong nhân dân. Hoạt động cho vay ưu đãi ngân hàng CSXH huyện hàng năm tăng trưởng khá, đến nay tổng dư nợ trên 93 tỷ đồng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Đi đôi với phát triển kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã được nhiều kết quả quan trọng. Về GD&ĐT: Quy mô mạng lưới trường, lớp và đội ngũ giáo viên tiếp tục được củng cố; đến nay 100% các trường học được kiên cố hóa; việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục, tạo thuận lợi cho con em đến trường, tỷ lệ học sinh ra lớp hàng năm đạt cao (mẫu giáo 80%, tiểu học 100%, trung học cơ sở 98%, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông duy trì trên 70%); chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Huyện Phước Sơn đã hoàn thành và giữ vững thành quả phổ cập giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở; có 06 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XIX đề ra. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Đến nay, 12/12 trạm y tế được xây dựng kiên cố; 07/12 xã, thị trấn có Bác sĩ; toàn huyện có 27 Bác sĩ, bình quân chưa đến 1000 dân có 01 Bác sĩ; Trung tâm y tế huyện được đầu tư nâng cấp lên bệnh viện hạng 3 với qui mô 57 giường. Các chương trình quốc gia về y tế được triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu. Công tác y tế dự phòng được chú trọng, đặc biệt đã khống chế tối đa các loại dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi; phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” dần đi vào thực chất hơn, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa, thôn, khối đạt chuẩn văn hóa tăng hàng năm. Đã hoàn thành xây dựng nhà làng truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng 66/66 thôn; các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư; nét đặc trưng văn hóa truyền thống của người địa phương được bảo tồn và phát huy, góp phần đẩy lùi các tập tục lạc hậu.
* Một số chỉ tiêu chủ yếu đạt được như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm; thu nhập bình quân đầu người 9,2 triệu đồng/năm (năm 2010: 4,8 triệu đồng/người/năm); thu do kinh tế phát sinh tăng bình quân 30%/năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng bình quân trên 12%/năm.
Công tác chăm lo đời sống nhân dân
Thực hiện lời dặn của Bác về chăm lo đời sống nhân dân, công tác xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong huyện. Những năm qua, nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và nguồn thu do kinh tế phát sinh trên địa bàn, huyện tập trung ưu tiên, nỗ lực trong thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đã đạt được những kết quả quan trọng, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 5%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra đối với các huyện nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Có được những thành tựu trên chính là nhờ sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với các huyện nghèo sát với thực tiễn huyện Phước Sơn. Trong đó, nổi bật là việc triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc và định canh định cư; đến nay, phần lớn các xã đã ổn định định canh, định cư, các điểm dân cư tập trung cơ bản có đủ các công trình hạ tầng thiết yếu; 95% thôn, cụm dân cư có công trình nước sinh hoạt; trên 93% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 75% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Các chính sách hỗ trợ đối với vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo như chính sách hỗ trợ về giáo dục, bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ phát triển sản xuất tăng thu nhập, cho vay ưu đãi, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động… được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 48,94%. Các chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội, như hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn theo Chương trình 167, 134… cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch; mặc dù trong điều kiện ngân sách huyện còn khó khăn, nhưng vẫn ưu tiên dành một phần ngân sách để cùng với Trung ương, Tỉnh và đóng góp của cộng đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 4080 ngôi nhà (CT 134: 1947; CT 167: 862; nhà ĐĐK: 1.047; QĐ 22: 224) cho hộ gia đình nghèo, khó khăn, người có công với cách mạng, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được các cấp, các ngành quan tâm, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi, khuyết tật; hàng năm, từ nguồn ngân sách Nhà nước, Quỹ bảo trợ trẻ em và các chương trình từ thiện, đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em được học tập, vui chơi, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Kinh tế tuy có phát triển nhưng chưa thật sự bền vững, người dân chưa phát huy được lợi thế từ rừng để phát triển kinh tế; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thể hiện ý chí tự lực, tự cường để phấn đấu vươn lên thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn những mặt hạn chế; các thiết chế văn hóa cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu trong nhân dân… Nguyên nhân chủ yếu là do điểm xuất phát của nền kinh tế huyện thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém; đời sống nhân dân còn khó khăn, phong tục tập quán còn nặng nề; nguồn lực đầu tư cho phát triển chưa đáp ứng nhu cầu; việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH của Đảng và Nhà nước đôi lúc chưa kịp thời; nguồn nhân lực vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng; sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của một số cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp có mặt còn hạn chế, đôi lúc thiếu kiên quyết.
Những bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, như sau:
Một là: Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; giữ vững và phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng và cả hệ thống chính trị; phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, sâu sát, quyết liệt của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt sẽ là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, chăm lo đời sống nhân dân.
Hai là: Phải tập trung thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; cần chọn vấn đề bức xúc, nổi cộm đã chỉ ra sau kiểm điểm, những vấn đề mới phát sinh để tập trung giải quyết sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, kịp thời.
Ba là: Sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với huyện nghèo, huy động tốt các nguồn lực, phát huy nội lực để đầu tư phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất; tập trung rà soát các nguồn lực tránh dàn trải để đầu tư hạ tầng thiết yếu, giải quyết các vấn đề cấp thiết của nhân dân.
Bốn là: Phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội và các nhu cầu dân sinh, trước hết là tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc như xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Năm là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải chú ý đến những yếu tố đặc thù như: phong tục, tập quán, uy tín trong cộng đồng, lòng tự trọng dân tộc. Trên cơ sở đó kiên trì, thận trọng, cân nhắc xử sự các mối quan hệ xã hội một cách hài hòa, hợp lý.
Lê Đình Tài
Văn phòng HĐND-UBND huyện