Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn quan tâm và dành nhiều tình thương yêu sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.Để hoàn thiện nhân cách người thanh niên xã hội chủ nghĩa, theo Hồ Chí Minh, phải đưa giáo dục đạo đức cách mạng lên hàng đầu. Đối với mỗi thanh niên, Người yêu cầu phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải học tập trau dồi đạo đức cách mạng, bởi vì: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
(Lễ phát động thi đua chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12)
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội và phải có phương pháp đúng đắn, sáng tạo. Bác Hồ luôn nhấn mạnh phải kết hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, gắn liền với thực tiễn cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Nhận thấy rõ vai trò to lớn của thế hệ trẻ, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong ngày khai trường đầu tiên, Bác đã gửi gắm niềm tin yêu mình vào thế hệ trẻ: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Ngày 17-8-1947, trong "Thư gửi các bạn thanh niên", Bác viết: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị tương lai đó". Đến thăm đơn vị thanh niên xung phong làm đường trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã khuyên thanh niên:
"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên".
Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, muốn xứng đáng vai trò làm chủ thì phải học tập. Vì vậy, Bác rất quan tâm đến việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ của thanh niên. Đây là vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể tham gia hoạt động cách mạng. Bác chỉ rõ: "Nhiệm vụ chính của thanh niên, học sinh là học. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh tức là để làm trọn nhiệm vụ người làm chủ nước nhà". Và, "Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà, phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên".
Bác Hồ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta và Bác cũng là người sáng lập và rèn luyện Đoàn. Bác không những quan tâm chăm lo cho thế hệ trẻ mà Bác còn là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ noi gương học tập. Khi bắt đầu truyền bá tư tưởng cách mạng cho dân tộc, Bác đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên - lực lượng trẻ đầy lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh cho cách mạng. Tháng 6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã thành lập tổ chức "Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội", xuất bản tờ báo Thanh Niên. Năm 1926-1927, Bác trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo hơn 200 thanh niên Việt Nam yêu nước, rồi đưa trở về nước xây dựng phát triển phong trào cách mạng, trong số đó nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta như: Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lưu Quốc Long, Trương Văn Lĩnh, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ...
Huyện Phước Sơn 45 năm qua đã giáo dục bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau: Nhiều con em của người Bhnong, Ca dong ...được Đảng, chính quyền cho ra miền Bắc học tập ở các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, chăm lo bồi dưỡng, đào tạo thành những đảng viên kiên trung, những cán bộ nòng cốt của huyện, có đủ năng lực và bản lĩnh chính trị lãnh đạo phong trào. Nhiều đồng chí ngay từ trong những năm tháng chiến tranh và cho đến hôm nay đã trở thành cán bộ chủ chốt của huyện, của tỉnh như đồng chí Hồ Văn Điều, Hồ Văn Noa, Nguyễn Thanh Minh, Ing Văn Dúi, Hồ Văn Nhun, Vũ Đình Bảo, Đỗ Văn Xuân...đây là những lớp thanh niên tiêu biểu của huyện Phước Sơn trong thời kỳ ấy.
Từ sau năm 1975 cho đến nay công tác giáo dục, bồi dưỡng cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, hằng năm đưa thanh niên, học sinh đi đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trường Thanh niên dân tộc huyện, Trường Thanh niên dân tộc, Trường thiếu Sinh Quân...Các thế hệ thanh niên Phước Sơn nối tiếp nhau viết nên truyền thống vẻ vang; đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, gắn bó thiết tha, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, đó là truyền thống của đội quân xung kích cách mạng, dám đón lấy nhiệm vụ nặng nề, dám đi đến những nơi khó khăn, dám suy nghĩ sáng tao...để hoàn thành nhiệm vụ được giao; đó là truyền thống đoàn kết; đó là truyền thống hiếu học, ham hiểu biết để tự mình nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, say mê sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, cống hiến sức trẻ cho quê hương, đất nước. Hiện nay trên địa bàn huyên Phước Sơn, trong đó số đoàn viên thanh niên của cơ sở là: 1096, Đoàn viên chi đoàn trực thuộc: 208, số đoàn viên thanh niên trong trường học: 458, đoàn viên là giáo viên 50, đoàn viên là lực lượng vũ trang: 44, có tổng số chi đoàn trực thuộc: 13 số chi đoàn cơ sở xã, thị trấn là: 12. Trong những năm qua, tuổi trẻ Phước Sơn luôn là lực lượng xung kích trong sự nghiệp cách mạng, được các cấp Ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tin tưởng. luôn hăng hái xung kích, đi đầu trong thực hiện các chương trình, mục tiêu của sự nghiệp đổi mới quê hương thông qua việc phát động các phong trào lớn của Đoàn “Xung kích tham gia phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc”“ Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, hiện nay dưới tác động của những mặt trái kinh tế thị trường cũng đã xuất hiện một bộ phận thanh niên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; có lối sống thực dụng, đua đòi, vi phạm đạo đức, sa vào các tệ nạn xã hội.
Để tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau đạt được kết quả:
- Thứ nhất: Đổi mới phương pháp giáo dục đối với thanh niên trên cơ sở nguyên lý giáo dục khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận gắn với thực tiễn, “Học” đi đôi với “Hành”; xác định rõ việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đời sau là nhiệm vụ quan trọng, Đoàn thanh niên huyện Phước Sơn chú trọng xây dựng mẫu hình thanh niên nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng đạo đức cách mạng của Đảng, của dân tộc, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. truyền thống của quê hương đất Quảng, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần chỉ thị 03 của Bộ Chính Trị.
- Thứ hai: Tập trung giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, ý thức về cội nguồn. Định hướng cho thanh niên việc xây dựng hoài bão lớn phải dựa trên tinh thần độc lập và tự chủ cao, phải thực tiễn và thiết thực phải hướng tới việc tạo ra giá trị lớn lao và bền vững thông qua các chương trình thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Phước Sơn theo từng đối tượng cụ thể, tuyên dương các gương điển hình tiêu biểu, trên các lĩnh vực, tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, tọa đàm, đối thoại với cấp ủy Đảng, chính quyền như: tham gia các hoạt động về nguồn, tổ chức lễ thắp nến tri ân, tuyên truyền những bài ca cách mạng, thăm tặng quà, khám chữa bệnh cho các gia đình có công với cách mạng
- Thứ ba: Đề cao yếu tố tự giáo dục, tự rèn luyện, coi trọng quá trình đoàn viên thanh niên tự trao đổi, tự tranh luận và trình bày cảm xúc của mình để phấn đấu, rèn luyện, hướng đến mục tiêu xây dựng một thế hệ trẻ nhân ái, sống có văn hóa, trung thực, hết lòng vì cộng đồng, vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với phương châm hành động của mỗi thanh niên là “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” tăng cường chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, các chương trình vì biên cương Tổ quốc, vì biển đảo quê hương. Thanh niên hăng hái lên đường làm nghĩa vụ, thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường, tình nguyện vì cuộc sống của cộng đồng giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, già nêu đơn, gia đình chính sách, tình nguyện làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng, khai hoang, phục hóa ruộng lúa nước, tổ chức chương trình “ Ấm áp mùa đông” và xuân tình nguyện...và chúng ta đã thấy được sức mạnh của tuổi trẻ thể hiện qua các hoạt động mang đầy dấu ấn và ý nghĩa to lớn.
45 năm năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế hệ trẻ hôm nay càng trân trọng và tự hào hơn vì được làm con cháu của thời đại Hồ Chí Minh, càng thấy trách nhiệm phấn đấu nặng nề hơn để xứng đáng với vinh quang ấy, nhất là đối với cán bộ đoàn thì sự phấn đấu phải tích cực, sâu sắc hơn ai hết và hơn bao giờ hết. Phải ra sức học tập, học mọi lúc, mọi nơi, học một cách toàn diện và lẽ đương nhiên phải xác định rõ động cơ học tập là học để làm người, học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, đem hết sức lực và tài năng, quyết tâm góp phần xây dựng đất nước ta “Ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” xứng đáng sánh vai cùng bạn bè năm Châu như Bác Hồ hằng mong ước./. Lê Văn Thực – PTB TG Huyện ủy