Trên tinh thần Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25/12/2014, với vị trí, vai trò của MTTQ đã được Hiến pháp hiến định trong việc tham gia xây dựng luật, pháp luật, các văn bản qui phạm pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phước Sơn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Sáng ngày 05/03/2015, tại Hội trường Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện, đồng chí Nguyễn Văn Bằng – chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì Hội nghị.
Mục tiêu mà Hội nghị hướng đến là phát huy tối đa quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy định pháp luật do chính quyền các cấp ban hành góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân,cơ quan, tổ chức đơn vị trong hệ thống Mặt trận đối với việc tham gia xây dựng pháp luật, Hội nghị có sự tham gia của các đồng chí Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam 12 xã, thị trấn và các đồng chí phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình huyện đến đưa tin.
Hội nghị gồm hai phần: Phần thứ nhất thảo luận, lấy ý kiến về từng Điều, khoản của Dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi), phần thứ hai lấy ý kiến biểu quyết về 10 vấn đề trọng tâm ở Phụ lục III (các vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)). Ở cả hai phần Hội nghị, các ý kiến đóng góp đều đi sát vào tình hình địa phương, nhiều cá nhân đưa ra những thắc mắc với những câu hỏi cụ thể qua thực tiễn đời sống nhân dân. Chẳng hạn như ý kiến đóng góp của đồng chí Nguyễn Thị Bích Diễm (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam) về việc đặt tên Con (ở Chương III- Quyền Nhân thân, điều 31, khoản 3): cần tránh hiện tượng lệch lạc theo tên người nước ngoài như ở một số địa phương, một phần đã làm xóa nhòa truyền thống dân tộc ta. Hay ý kiến của đồng chí Hồ Văn Nhun (Chủ tịch Hội từ thiện Huyện) và đồng chí Trương Văn Nam (Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện về tên dân tộc tại địa bàn Huyện nhà, thay vì để tên Giẻ Triêng (Bhnoong) thì nên để là Bhnoong (Giẻ Triêng), bởi tên dân tộc Bhnoong đã đi vào tiềm thức người dân, việc giữ lại tên đó cũng là để có sự thống nhất chung trong giấy tờ cũng như tâm lý tình cảm người dân tại địa phương. Nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh nhiều lĩnh vực đời sống nhân dân cho thấy sự quan tâm, nhiệt huyết của những thành viên đại diện cho tiếng nói về nguyện vọng của nhân dân như ý kiến về việc vay vốn; việc sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở làm việc tư nhân; các quyền sở hữu; quyền nhân thân hay sự tham gia của Nhà nước Việt Nam, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và ở địa phương vào các quan hệ dân sự … Ở phần thứ hai, đa số ý kiến biểu quyết đồng ý với các 10 vấn đề trọng tâm dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Hội nghị diễn ra khá sôi nổi với nhiều ý kiến góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) sâu sát, thiết thực và kết thúc thành công, đạt được mục tiêu đề ra.
Kim Sa