Thời gian qua, Hội LHPN huyện Phước Sơn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức và hành vi về bình đẳng giới, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các nhóm tín dụng có lồng ghép giới và các câu lạc bộ (CLB) phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình, do Hội LHPN huyện phối hợp xây dựng, góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức và hành vi về bình đẳng giới, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặc dù địa bàn miền núi đi lại khó khăn, nhưng các gia đình thành viên trong nhóm tín dụng phụ nữ xã Phước Đức vẫn duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Nhóm tín dụng phụ nữ xã Phước Đức được thành lập từ năm 2012, với gần 20 gia đình hội viên là đồng bào Bhnoong trong xã tham gia. Tại các buổi sinh hoạt định kỳ, các gia đình thành viên trong nhóm được trang bị kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; phát huy vai trò và quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình... Nhờ đó, nhận thức về Luật Bình đẳng giới, thái độ, trách nhiệm của người chồng về sự quan tâm chia sẻ công việc gia đình với người vợ và sự quan tâm của nam giới đối với phụ nữ và trẻ em gái trong mỗi gia đình và trong cộng đồng đã có những chuyển biến rõ rệt, vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng ngày càng được nâng cao. Anh Đặng Văn Đình, người dân thôn 1, xã Phước Đức chia sẻ: “Trong gia đình tôi thì mọi công việc đều chia sẻ với nhau. Mỗi người chung tay làm thì sẽ thành công, nếu mình cứ để một người lo thì cũng khó. Việc gì có khả năng mình làm được thì làm, còn thấy nặng nhọc quá mà vợ mình không làm được thì mình cũng phải làm. Mình làm đúng theo việc của gia đình nghĩa là như nhau, không phân biệt nam hay nữ”.
Bên cạnh các nhóm tín dụng phụ nữ có lồng ghép giới được thành lập tại Phước Đức, Phước Xuân..., Hội LHPN huyện Phước Sơn còn phối hợp với hội phụ nữ các xã cùng chính quyền địa phương thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 7 CLB phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình. Các CLB này trở thành “mái nhà chung” để chị em sinh hoạt, chia sẻ những khó khăn trong gia đình, nhất là những chị gia đình có mâu thuẩn, xung đột... Qua đó, hội phụ nữ cùng với chính quyền địa phương kịp thời can thiệp khi xảy ra bạo lực, xô xát trong gia đình, giúp cả chồng và vợ hiểu để cùng nhau xây dựng gia đình hòa thuận. Bà Hồ Thị Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Đức, cho biết: “Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức được điều này rất là khó. Khi gặp gỡ tại nhà hay mọi lúc mọi nơi, cán bộ phụ nữ phải tuyên truyền thường xuyên để người dân có nhận thức và hành vi đúng về giới, bình đẳng giới và bình đẳng nam nữ. Nhờ tác động tích cực của cán bộ hội phụ nữ huyện, xã cùng với chính quyền địa phương nên các gia đình hội viên đã có chuyển biến tích cực về bình đẳng giới.”.
Hội LHPN huyện Phước Sơn cũng tổ chức hiệu quả hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình qua hình ảnh, pano; tập trung ở các gia đình thường xảy ra mâu thuẩn, xung đột. Cùng với những hình ảnh đời thường như người chồng, người cha chăm sóc con, nấu ăn, quét dọn, rửa chén, cho heo ăn…, cán bộ phụ nữ tuyên truyền, vận động người chồng trong các gia đình tham gia thực hành với vợ, để họ thấy công việc đó không phải của riêng người phụ nữ, mà nam giới cũng phải tự giác chia sẻ công việc gia đình với vợ.
Theo Hội LHPN huyện Phước Sơn, nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là kinh tế khó khăn, bất đồng, mâu thuẫn trong lối sống, người chồng gia trưởng, không tin tưởng nhau. Chính vì thế, bên cạnh thành lập các CLB phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình, các cấp hội còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ thông qua phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Bà Phạm Thị Lượng, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN cho biết: “Người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có nhận thức tốt hơn về bình đẳng giới, giới, các vai trò giới và thể hiện sự bình đẳng này trong gia đình. Thông qua nhận thức này, họ thay đổi hành vi. Cụ thể nhất là chia sẻ của phụ nữ và nam giới trong xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế, các vấn đề ra quyết định, tham gia các hoạt động cộng đồng. Chị em cũng có kỹ năng trong bảo vệ bản thân, bảo vệ hạnh phúc gia đình, họ mạnh dạn tìm đến hội nhờ can thiệp, giúp đỡ và hội phụ nữ các cấp đã thể hiện tốt vai trò thành viên hòa giải, đề nghị xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật”.
Bài, ảnh: PHƯỚC LÊ