BHO - PHƯỚC LÊ
Nền văn hóa truyền thống thể hiện sinh động nét đẹp đời thường trong phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian và những tri thức có giá trị tích cực của cuộc sống. Những giá trị truyền thống của đồng bào người Cơ Tu được thể hiện trong các di sản văn hóa, các hành vi và cách thức sinh hoạt hằng ngày của mỗi cá nhân, trong đời sống tâm linh, trong triết lý sống, đặc biệt là những giá trị nói lên tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Người CơTu có nhiều tập tục hay và đẹp. Khi nói về tập tục nhiều người nghĩ đến các tập tục như tục cưới hỏi, tục ma chay v.v... Tuy nhiên, những tập tục đó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Nhưng với người Cơ Tu một tập tục còn đặc biệt hơn, có ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc đó là tục Rơ Ving. Tức là tục vòng công hay đổi công của người CơTu. Tục RơVing đã có từ lâu đời và không rõ nguồn gốc. Với họ, đây là tập tục đẹp và góp phần quan trọng không chỉ trong lao động sản xuất mà còn góp phần vào đời sống sinh hoạt thường ngày của họ.
Mọi năm, cứ đến mùa phát nương làm rẫy, công việc lại trở nên bận rộn hơn và đây cũng chính là lúc người nông dân thường tìm đến nhau để cùng nhau bàn bạc, chia sẻ những khó khăn trong lao động sản xuất. Ngày xưa, tục vòng công hay đổi công cũng có những quy định mang tính truyền thống, phải có sự trao đổi rõ ràng, họ quy định ngày công lao động, số lượng người tham gia lao động và thời gian. Những ngày công lao động sẽ được đổi bằng những ngày công lao động tiếp theo. Người Cơ Tu đổi công cho nhau để mà tồn tại, để cùng nhau phát triển và đó cũng là phương pháp hữu hiệu nhất để hoàn thành một công việc và tiết kiệm thời gian. Chị Bhling Thị Đẹp Chủ tịch HLHPN xã Ch’ơm, huyện Tây Giang cho hay: Sống nơi biên giới xa xôi, đường giao thông đi lại cách trở, chúng tôi sống rất đoàn kết, làm gì chúng tôi đều góp sức chung để hoàn thành công việc. Hầu như làm công việc gì, chúng tôi đều Rơ Ving, vòng công hay đổi công dường như nó đã trở thành phong trào đối với người nông dân trên địa bàn xã. Tôi sợ sau này chúng tôi cũng giống như các xã vùng thấp không còn duy trì tục này nữa…
Có thể nói, tục vòng công hay đổi công là một tập tục đẹp và không chỉ diễn ra trong lao động sản xuất, mà còn được người Cơ Tu dùng đến trong các hoạt động sinh hoạt hay cưới hỏi. Trước kia, do tập quán canh tác của người Cơ Tu chủ yếu là tự cung tự cấp, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, họ không quan tâm đến tiền nhân công lao động, chỉ mong công việc sẽ sớm hoàn thành, đó mới là quan trọng. Đối với người dân lao động sống giữa núi rừng hoang sơ, cộng thêm sự cơ cực, tục Rơ Ving luôn gắn liền với đời sống thường ngày của họ. Nhờ đó, mà cộng đồng người Cơ Tu luôn có tính đoàn kết, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, tục RơVing đang ngày càng mai một và mất dần. Trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đã làm thay đổi một số tập tục đẹp của các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và dân tộc Cơ Tu nói riêng. Một bộ phận người Cơ Tu chạy theo lối sống thực dụng, buông thả, suy thoái về đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến sự đoàn kết của dân tộc rồi chạy theo những đồng tiền có giá trị. Sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền ngày càng nhiều, nhiều người không còn lưu luyến mấy đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình nữa nhất là thế hệ trẻ bây giờ. Thậm chí nông dân lao động cũng không hề quan tâm đến tục này nữa. Thay vào đó, ngày công được trả lại bằng những đồng tiền có giá trị. Người có tiền, có thể dùng tiền thuê nhân công lao động, cũng chính vì lẽ đó mà con người cũng trở nên xa lạ với nhau hơn.
Việc bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu nhất là những tập tục đẹp cần phải kết hợp các giải pháp về kinh tế, chính trị và văn hóa. Phát triển kinh tế miền núi trước hết phải xóa đói giảm nghèo, đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thực hiện chiến lược phát triển văn hóa truyền thống cũng như văn hóa hiện đại. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về kinh tế, giáo dục, để từ đó xây dựng ý thức của từng cá nhân và cộng đồng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình ngày càng phát triển hơn.