Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã khẳng định: Dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tại miền Trung Việt Nam” sau hơn một năm thực hiện tại hai tỉnh Quảng Nam đã tạo ra nhiều biến chuyển trong việc gắn du lịch với cộng đồng dân cư và cải thiện sinh kế cho người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa. Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch xanh và thân thiện với môi trường. Thông qua triển khai các hoạt động của dự án đã nâng cao kỹ năng, hỗ trợ việc làm cho lao động địa phương và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy nguồn lực văn hóa cho thị trường du lịch; nâng cao nhận thức của người dân và du khách về du lịch trách nhiệm, bền vững.
Dự án “Du lịch bền vững và có trách nhiệm” tại miền Trung có tổng kinh phí hơn 900 nghìn USD; trong đó Quỹ Liên hiệp quốc tài trợ 244.680 USD và Chính phủ Luxembourg tài trợ 676.000 USD. Dự án do ILO và Văn phòng UNESCO phối hợp thực hiện nhằm cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân cư địa phương tại hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế. Dự án được triển khai trong thời gian hai năm (từ tháng 01.2014 đến 12.2015) với mục đích là nâng cao sinh kế, cải thiện đời sống của cộng đồng khu vực lân cận các khu Di sản văn hóa thế giới, phát triển thêm những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường và tập trung nâng cao năng lực, tạo cơ hội cho chính quyền và người dân địa phương tham gia tích cực và dẫn dắt thực hiện dự án. Trong năm 2014, trên cơ sở tập trung vào việc hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy đối thoại cũng như cơ chế hoạt động khuyến khích du lịch có trách nhiệm với sự tham gia của khối tư nhân, đồng thời xây dựng các cộng đồng địa phương, đưa họ tham gia sâu hơn vào việc phát triển và quản lý sản phẩm và điểm đến du lịch. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án, một số địa phương như huyện Điện Bàn, Đông Giang, Tây Giang... (Quảng Nam) đã tích cực huy động thêm nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Với sự quan tâm hỗ trợ của chính phủ Luxembourg, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, các dự án về du lịch bền vững và có trách nhiệm được triển khai bước đầu tại hai địa phương qua hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch; công tác khảo sát nguồn nhân lực và những khởi động cho họat động du lịch di sản. Ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH,TT&DL cho rằng: Ngành du lịch Quảng Nam đang có những “cú hích” trong việc quảng bá, xúc tiến thị trường du lịch trong và ngoài nước nên các hoạt động của dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tại miền Trung Việt Nam” đã góp phần hiệu quả trong việc nâng cao kỹ năng, hỗ trợ việc làm cho lao động địa phương và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy nguồn lực văn hóa cho thị trường du lịch; nâng cao nhận thức của người dân và du khách về du lịch bền vững và trách nhiệm.
Qua khảo sát một số mô hình du lịch homestay tại Cù Lao Chàm, làng Triêm Tây, làng Đhơ Rôồng, Dự án đã đánh giá kết quả và lấy ý kiến tham vấn từ các tổ chức, đơn vị liên quan đối với một số mô hình du lịch này, từ đó có kế hoạch hành động thực hiện các bước tiếp theo để triển khai dự án. Qua một năm triển khai, có 25 doanh nghiệp và 11 trường học đã ký cam kết hợp tác về các chương trình tự đào tạo đã được thảo luận ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, ba huyện Đông Giang, Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam) đã ký biên bản hợp tác về liên kết quảng bá và phát triển du lịch phía Tây của hai tỉnh dọc đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Từ đó, môi trường kinh doanh trong ngành du lịch được nâng cao quan hệ đối tác công – tư (PPP) và đối thoại công – tư (PPD). Dự án tham gia đào tạo tập huấn kỹ năng thuyết minh viên địa phương và quản lý kinh doanh lưu trú nhà dân nên làng du lịch cộng đồng như Bhơ Hôồng, Đhơ Rôồng, Triêm Tây, Mỹ Sơn, Trà Nhiêu, Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh... ngày càng thu hút du khách. Đồng thời thành lập Tổ đề án xây dựng đề xuất cải cách hệ thống vé tham quan đô thị cổ Hội An; hỗ trợ phát triển cơ chế quản lý thương hiệu đối với các sản phẩm thủ công tại Quảng Nam, sắp xếp lại cơ cấu hoạt động của các tổ, nhóm tại các làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, Bhơ Hôồng, Đhrôồng, hỗ trợ phát triển tại làng du lịch cộng đồng Triêm Tây trong việc xây dựng bản đồ du lịch, cải tạo cảnh quan, xây dựng hàng rào xanh trong làng; hỗ trợ địa điểm xây dựng bến thuyền; lập dự án chống xói lở... Bà Dương Bích Hạnh - Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Hiệu quả của dự án là đã đưa ra những mô hình và cách làm cụ thể tại nhiều điểm đến trên địa bàn hai tỉnh, trách áp lực cho các di sản văn hóa thế giới như Huế, Mỹ Sơn, Hội An, đồng thời quảng bá trong và ngoài nước về điểm đến mang dấu ấn đặc sắc hương sắc làng quê nông thôn thuần Việt. Và quá trình triển khai dư án đã tạo nên sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền địa phương về những mục tiêu mà dự án hướng đến...
Đánh giá lại những hoạt động của dự án trong thời gian qua, vẫn một một số khó khăn như chậm giải ngân từ nhà tài trợ và đối tác, chậm trễ trong quá trình thông qua kế hoạch hoạt động, kinh phí hỗ trợ chưa nhiều. Đây là những vấn đề được phân tích, tìm giải pháp khắc phục để dự án mang lại hiệu ứng tích cực cho cộng đồng. Trong đó, ngoài các giải pháp về kỹ thuật, dự án cũng cần sự hỗ trợ đắc lực về cơ chế tín dụng và việc huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư… nhằm phát triển một số mô hình du lịch bền vững đang triển khai tại Quảng Nam. Từ đó, chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh việc quản lý thương hiệu, chứng nhận sản phẩm du lịch, quảng bá thị trường trong nước và quốc tế về những giá trị văn hóa đặc trưng, tạo dấu ấn và niềm tin cho du khách để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Dự án sẽ tiếp tục phát triển du lịch dựa trên cơ sở bảo tồn và phát huy tài nguyên di sản văn hóa chủ yếu vùng sâu vùng xa hai tỉnh, hướng tới sự thu hút từ cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích từ du lịch cho cộng đồng và phát triển các điểm đến có chất lượng cao, bền vững. Trong thời gian đến, tỉnh Quảng Nam sẽ tạo điều kiện về hạ tầng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc tại các điểm đến, quảng bá và xúc tiến thương hiệu, lựa chọn những tuor du khách du lịch cộng đồng văn hóa... trong chuỗi hoạt động của dự án này nhằm hướng tới du lịch bền vững và trách nhiệm. Từ đó tạo được sự lan tỏa thúc đẩy quảng bá mạnh mẽ các điểm đến, tăng doanh thu cho người dân, giảm nghèo thông qua sinh kế du lịch cho các cộng đồng nông thôn, miền núi, bảo tồn và phát huy tài nguyên văn hóa cho thị trường du lịch, nhận thức của cộng đồng về du lịch có trách nhiệm được cải thiện vững chắc. Chúng tôi cho rằng phát triển du lịch bền vững và trách nhiệm là, hướng đến con người gắn kết với con người, gắn du lịch với bảo tồn văn hóa. Và ngành du lịch Quảng Nam đang phát triển theo hướng bền vững và trách nhiệm...
LINH CHI