Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra tốc độ nhanh, làm thay đổi quy mô, cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Hiện nay, toàn tỉnh có 02 thành phố (Hội An, Tam Kỳ) với 18 phường; 01 thị xã Điện Bàn, 12/18 thành phố, thị xã, huyện có thị trấn và các thị tứ… Từ thực tiễn tất yếu của quá trình đô thị hóa, đòi hỏi việc tăng cường xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị cần được quan tâm, phối hợp chỉ đạo kịp thời của các ngành, các cấp và thực sự bắt đầu phải từ ý thức của người dân....
Thực tế, để xây dựng nếp sống văn minh đô thị trước hết cần tập trung vào thực trạng và giải pháp của việc xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị trên nhiều lĩnh vực như môi trường, trật tự an toàn giao thông - trật tự đô thị, bảo vệ môi trường cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng tiện ích và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, giao tiếp ứng xử văn minh, lịch sự… để diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, khang trang. Quá trình đô thị hóa là một xu hướng quan trọng mang tính quy luật lịch sử từ xã hội nông nghiệp cổ truyền sang xã hội công nghiệp hiện đại nên tất yếu đòi hỏi một nền văn minh đô thị tương ứng, đó là “lý luận cơ bản về sự phát triển của bất kỳ địa phương nào trong tiến trình đô thị hóa. Như vậy, việc xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị tại Quảng Nam diễn ra ở những “không gian” vốn trong lịch sử đã mang tính “phố’ hay có quá trình đô thị hóa, kiểu như hành trình “từ quê lên phố” như các vùng ven thành phố, trung tâm các huyện...
Là địa phương đầu tiên thực hiện vấn đề này trên địa bàn tỉnh, thành phố Hội An đã triển khai đồng bộ, bền bỉ và trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, góp phần tạo nên hình ảnh Hội An vừa giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của di sản. Vì vậy, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục được đưa lên hàng đầu để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng người dân, từ đó mới có hành động đúng. Đồng thời, phối hợp tăng cường thực thi pháp luật về trật tự văn minh đô thị, tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tốt hơn để thực hiên nếp sống văn minh, mỹ quan đô thi... Hằng năm, Hội An đều tập trung triển khai kế hoạch “Xây dựng Hội An - Thành phố văn hóa, du lịch và sinh thái” với việc xác định việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị là nội dung cốt lõi theo từng chủ điểm, mô hình như “Đường thông, hè thoáng, sạch - đẹp - an toàn” , xây dựng gia đình “Năm không ba sạch”, “Tuyến đường văn mình”, “Tuyến đường tự quản”... Không chỉ tập trung ở thành phố, hiện nay, các tuyến phố, trục đường chính tại trung tâm các huyện huyện như Duy Xuyên, Phước Sơn, Tiên Phước... đều có hệ thống cây xanh, chiếu sáng, xây dựng bó vỉa và lát gạch vỉa hè, có điểm nhấn được nhân dân chăm sóc, bảo quản; ý thức trong việc giữ gìn an ninh trật tự, lòng, lề đường được duy trì đảm bảo đường thông hè thoáng. Cũng tại các tuyến phố này, lối sống thân thiện được duy trì và phát huy, đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh. Nhiều huyện cũng đã gắn bảng tên đường với tên gọi các danh nhân văn hóa – lịch sử, sự kiện lịch sử... với ý nghĩa lịch sử, tôn thêm nét văn hóa lịch sử của địa phương. Từ đầu tư xây dựng phát triển, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, nhiều công trình với kiến trúc mới được hình thành cùng với đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, nếp sống văn hóa văn minh đô thị từ đó sẽ dần hình thành. Bên cạnh đó, tất cả các địa phương trong toàn tỉnh cũng đang thực hiện mục tiêu “kép” là xây dựng nông thôn mới hướng đến xây dựng đô thị, nhất là ở vùng trung tâm, từ đó tạo nên vóc dáng đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai. Từ đó, nếp sông văn hóa văn minh đô thị của người dân cần được nâng cao hơn để thích ứng với không gian sống mới... Thực tế, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã nảy sinh nhiều tiêu cực về sự phát triển các dịch vụ giải trí, kinh doanh buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, ứng xử thiếu văn hóa nới công cộng, tệ nạn xã hội phát sinh nhiều hơn... làm ảnh hưởng đến diện mạo của mỗi địa phương. Vì vậy, trong những năm qua, nhiều địa phương như Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Phước Sơn... đã chỉ đạo và có những giải pháp quyết liệt nhằm xây dựng đô thị văn mình, tập trung công tác giáo dục tuyên truyền, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với xây dựng nông thôn mới, xã – phường đạt chuẩn văn hóa – văn minh đô thị. Trên tinh thần đó, việc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị luôn được chính quyền, các ngành, Mặt trận, đoàn thể... đến cơ sở, sự đồng thuận cao của mọi tầng lớp nhân dân. Hiện nay, nhiều xã, phường tiếp tục đăng ký xây dựng phường văn hóa, hoặc tổ chức Lễ ký kết xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và phường văn minh đô thị, chọn tuyến phố văn minh kiểu mẫu... Huyện Điện Bàn ban hành các tiêu chí công nhận Tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn huyện. Huyện Thăng Bình sơ kết thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2008 – 2015. Huyện Hiệp Đức đẩy mạnh triển khai mô hình khu dân cư tự quản về an ninh trật tự gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Huyện Quế Sơn đẩy mạnh xây dựng Xã, thị trấn phù hợp với trẻ em; xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội… Các huyện, thành phố tổ chức giao ban phong trào hằng quý, 6 tháng: Hội An, Đại Lộc, Phước Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn…
Nâng cao chất lượng xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, việc xây dựng xã, phường đạt chuẩn văn hóa - văn minh đô thị cần được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với nội dung xây dựng văn hóa – văn minh đô thị có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu và lan tỏa trong từng khu dân cư góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và được sự đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia của nhân dân. Nhiều mô hình xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị được triển khai và đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì vẫn còn nhiều địa phương chưa đạt tiến độ xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị, chưa tập trung thực hiện các tiêu chuẩn và chưa có giải pháp đột phá, đi sâu về thực chất, kết quả thiếu bền vững.... Trong thời gian đến, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiêu chuẩn các mô hình văn hóa, tập huấn kỹ năng hoạt động cho thôn, khu phố, tổ dân phố; công tác định hướng hoạt động để đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa- văn minh đô thị, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xây dựng tuyến đường văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường... Đồng thời, cần sự đầu tư tập trung và sáng tạo hơn, bám theo tiêu chí để xây dựng các mô hình văn hóa, nghiên cứu nội dung tuyên truyền phù hợp và bằng nhiều hình thức phong phú. Công tác xây dựng văn hóa – văn minh đô thị bao hàm nhiều nội dung liên quan đến các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể, đơn vị, địa phương cần phối hợp, nghiên cứu, chia sẻ tìm ra những giải pháp nâng cao hiệu quả của việc xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị hiện nay.
LINH CHI