Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
DU LỊCH CỘNG ĐỒNG MIỀN NÚI XỨ QUẢNG – CẦN “BÀN TAY” HỖ TRỢ...
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 12/06/2015 .Lượt xem: 802 lượt.
Những năm gần đây, trên những bản làng miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Nam đã có “cơn gió’ du lịch tràn qua, dù ít hay nhiều vẫn là dấu hiệu đáng mừng cho sự phát triển của du lịch cộng đồng.

Song để thực sự mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi thì cần lắm những “bàn tay” hỗ trợ nhiều hơn nữa...

Mặc dù mới phát triển trong vài năm trở lại đây song du lịch cộng đồng ở Quảng Nam, trong đó có vùng cao đã chứng tỏ được sức hấp dẫn với du khách bởi những tiềm năng các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam là vô cùng phong phú. Sở hữu nhiều danh thắng, di tích văn hóa – lịch sử cùng với những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Ca Dong, Giẻ - Triêng, Ve, Bhong... là “tài nguyên” làm động lực cho sự phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, các huyện phía Tây như: Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang... hay ở phía Tây Nam như Nam Trà My, Bắc Trà My... có nhiều cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, các suối nước nóng, thác nước và nhiều di tích cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, làng văn hóa của các dân tộc thiểu số, đường Hồ Chí Minh huyền thoại... Từ khi du lịch cộng đồng phát triển, có thể thấy mỗi địa phương đều có thế mạnh là điểm dừng chân yêu thích của nhiều du khách, trong đó đặc biệt khách quốc tế rất yêu thích trong hành trình du lịch khám phá đường Hồ Chí Minh,  các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như hồ Ban Mai, thác Năm tầng..., các di tích như sân bay Phước Sơn, Khu Hang Gợp, địa đạo A Nông... Các làng nghề dệt thổ cẩm ZơRa, làng Đhơ Rồông, Bhơ Hồông, nghề đan lát, rồi ẩm thực, chiêm ngưỡng điệu múa tân tung tung ya ýa của đồng bào Cơ Tu, các lễ hội... càng làm say lòng du khách. Thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng đã có hàng trăm người dân trực tiếp tham gia, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Họ thực sự là những “hướng dẫn viên” hồn hậu giới thiệu với du khách “đặc trung bản sắc” quê hương mình. Các sản phẩm, dịch vụ và giá trị tiềm năng văn hóa bản địa đã và đang được cung cấp cho du khách như: Hàng dệt thổ cẩm truyền thống, sản phẩm đan lát, biểu diễn văn hóa văn  nghệ, lễ hội, sản phẩm nông nghiệp, rượu cần… Mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi Quảng nam cũng được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm hỗ trợ, triển khai. Những năm gần đây, hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng được các tổ chức như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có dự án “Phát triển du lịch tại các huyện sâu trong đất liền”, dự án “Du lịch có trách nhiệm” của EU, Tổ chức FIDR (Nhật Bản) với dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu Nam Giang” ... đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng và chính quyền địa phương, tạo ra sinh kế và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Từ đó, sự ra đời của các mô hình hoạt động du lịch mới lạ dựa trên lợi thế tài nguyên văn hóa, thiên nhiên địa phương… có cùng mục tiêu hướng đến là cộng đồng cư dân được hưởng lợi, đã góp phần làm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp du lịch và dân cư bản địa. Đồng thời có sự tác động nhân cấp phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo khu vực vùng sâu, vùng xa.


Với tiềm năng sẵn có, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành và các tổ chức, người dân ở các điểm du lịch này đã chủ động trong việc tổ chức các hình thức kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch. Không những vậy, tại một số khu, điểm du lịch cộng đồng miền núi - nơi thường xuyên thu hút khách nước ngoài, một bộ phận người dân đã tự học ngoại ngữ để thuận tiện trong giao tiếp, đáp ứng nhu cầu của du khách. Chị A Viết Bớt, người dân xã Tà Bhing (huyện Nam Giang) cho biết: “Từ khi làm du lịch đến nay, chị và bà con được học tiếng Anh, tập huấn kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn du khách trải nghiệm... khi đến đây du lịch”. Với sự cần cù, chịu khó đến nay chị đã có thể giao tiếp với khách nước ngoài bằng tiếng Anh… Bên cạnh đó, người dân bản địa cũng đã tự sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống, món ăn đặc sản để phục vụ khách du lịch. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đặc biệt tạo nên một nét đặc trưng rất riêng, để lại ấn tượng cho du khách.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng, hoạt động du lịch cộng đồng ở miền núi Quảng Nam còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ nên việc phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch cộng đồng còn nhiều hạn chế. Kinh tế du lịch vẫn chưa thể hiện được vai trò một cách rõ nét trong đời sống cộng đồng. Tiềm năng lớn nhưng việc đầu tư, khai thác du lịch miền núi mới chỉ là bước khởi đầu. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã nhìn thấy tiềm năng kinh tế nhưng cũng chưa thực sự mặn mà. Tuy loại hình du lịch dựa vào cộng đồng đang có xu hướng phát triển phù hợp với tiềm năng, song chưa được nghiên cứu, phân tích đầy đủ để đánh giá về vai trò, hiệu quả để có chiến lược, chính sách khuyến khích phát triển. Trên cơ sở lý thuyết, dựa vào các điều kiện tự nhiên độc đáo sẵn có và các giá trị văn hóa truyền thống đặc thù để làm du lịch cộng đồng thì có vẻ không quá khó khăn. Nhưng căn cứ từ thực tế thời gian qua, nhìn từ phía cộng đồng làm du lịch, để đạt được mục đích là nâng cao thu nhập, xa hơn là bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc… thì du lịch cộng đồng ở miền núi Quảng Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu và cần phải được rà soát lại một cách thấu đáo. Trong thời gian qua, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, tỉnh Quảng Nam đã huy động các nguồn lực và tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh lưu trú du lịch dưới nhiều hình thức như: tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tổ chức du lịch cho cộng đồng dân cư,… Ngoài ra, một số địa phương còn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ đầu tư xây dựng các công trình phụ và trang thiết bị cho các nhà nghỉ du lịch cộng đồng… Tuy nhiên, thực tế cho thấy khả năng tiếp thu kiến thức, phát huy giá trị tài sản được đầu tư và vận dụng của người dân chưa được nhiều. Trong khi đó, du lịch cộng đồng nếu không được tổ chức tốt và người làm du lịch không được trang bị kiến thức, kỹ năng một cách đầy đủ thì rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng hủy hoại môi trường và văn hóa truyền thống. Thậm chí nếp sống, bản sắc văn hóa của cư dân bản địa có thể bị biến dạng do ảnh hưởng từ du lịch.

Từ thực tế phát triển du lịch cộng đồng trong những năm vừa qua, đặc biệt là một số bài học từ những địa phương trong nước thì trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam cần có những giải pháp đồng bộ và đột phá hơn nữa để loại hình du lịch cộng đồng miền núi phát triển theo hướng bền vững. Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh Quảng Nam nêu rõ: “Phát triển du lịch miền núi nhằm khai thác triệt để tiềm năng du lịch lịch sử - sinh thái - văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc các cộng đồng dân tộc miền núi”. Như vậy, du lịch cộng đồng miền núi ở Quảng Nam tiếp tục đang rất cần những “bàn tay” hỗ trợ từ nhiều nguồn, nhiều phía, để phát triển và cần có sự kết nối được với du lịch đồng bằng đang trên đà phát triển mạnh như hiện nay.

                                                                                                                          LINH CHI

[Trở về]
Các tin mới hơn:
KHAI TRƯƠNG PHỐ ĐI BỘ NGUYỄN PHÚC CHU
Các tin cũ hơn:
Khu du lịch sinh thái Suối ĐăkGà – một điểm đến hấp dẫn
SẴN SÀNG CHO FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM 2013
“DI SẢN NÔNG THÔN” XỨ QUẢNG…
LÀNG NGHỀ GẮN KẾT VỚI DU LỊCH Ở HỘI AN
VỀ PHÍA BÊN KIA ĐÈO LE CỦA XỨ QUẢNG…
QUẢNG NAM: HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 3 NĂM DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TẠI CÁC HUYỆN SÂU TRONG ĐẤT LIỀN Ở TỈNH QUẢNG NAM”
Quảng Nam : Đón vị khách quốc tế thứ 1,6 triệu vào dịp giao thừa 2014
QUẢNG NAM: HỘI THẢO GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ CÁC ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH
HUYỆN PHƯỚC SƠN, TẬP TRUNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN, ĐẨY MẠNH CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỪ NAY ĐẾN NĂM 2025
Quảng Nam tập trung phát triển hạ tầng du lịch vùng đông
    
1   2   3  
    


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO