Từ đầu năm đến nay, bệnh quai bị đã xuất hiện tại 14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với 330 ca mắc bệnh, tăng 116 ca so với cùng ký năm ngoái. Một số địa phương xảy ra dịch như TP. Tam Kỳ (97 ca, trong đó có ổ dịch xảy ra tại Trường Tiểu học Phan Thanh, xã Tam Thanh, với 48 lây bệnh quai bị); huyện Phú Ninh (61 ca), thị xã Điện Bàn (53 ca), huyện Thăng Bình (28 ca)... Huyện Phước Sơn nằm trong số các địa phương ít người mắc bệnh quai bị, với 6 ca.
Ông Huỳnh Công Quang - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc xin sinh phẩm - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết: Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp, thường xảy ra vào thời gian đông xuân. Trong cộng đồng, một người mắc thì sẽ lây sang người khác. Chính vì vậy, bệnh thường xảy ra ở nơi đông người, như trường học. Triệu chứng của bệnh quai bị là viêm tuyến mang tai, lúc đầu sưng một bênh, sau 1-2 ngày sưng tiếp bên kia nhưng thường không đối xứng. Biến chứng hay gặp của bệnh là viêm tinh hoàn xuất hiện từ ngày thứ 7-10 sau khi viêm tuyến mang tai. Bệnh nhân đau bìu và sưng to tinh hoàn (sưng nóng đỏ đau). Bệnh khỏi sau 8-10 ngày; 30-40% bị teo tinh hoàn, một số ít bị vô sinh. “Bệnh quai bị trên địa bàn tỉnh 5 tháng qua tăng đột biến, gấp 2,8 lần năm 2014. Đến thời điểm hiện nay, các ổ dịch trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, số ca mắc bệnh quai bị giảm mạnh so với khi mới bùng phát dịch” - ông Quang nói.
Bệnh quai bị được dự phòng đặc hiệu bằng vắc xin. Tuy nhiên, vắc xin phòng quai bị chưa được tiêm trong tiêm chủng mở rộng, mà phụ thuộc rất nhiều vào tiêm dịch vụ của người dân. Nơi nào tiêm vắc xin phòng quai bị nhiều thì dịch sẽ không xảy, nơi nào dân không chưa có điều kiện, không được tiếp cận các cơ sở tiêm dịch vụ thì dịch quai bị có nguy cơ xảy ra, nhất là các cơ sở trường học, khu dân cư... Mặc dù dịch bệnh quai bị trên địa bàn tỉnh được kiểm soát nhưng thời điểm nắng nóng kéo dài, nên người dân không chủ quan, tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh. Ông Huỳnh Công Quang khuyến cáo: “Bệnh quai bị được phòng bằng vắc xin đặc hiệu nên người dân, các phụ huynh cần đưa con em mình đến các cơ sở y tế để tiêm phòng vắc xin phòng quai bị. Phương pháp dự phòng không đặc hiệu khác, nếu cha mẹ phát hiện con bị quai bị thì không cho trẻ đến lớp, nếu nhà trường thì thầy cô giáo cho cháu nghỉ học để tránh lây lan cho các cháu khác. Hai là, tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang để phòng dịch cho bản thân và cộng đồng. Nếu phát hiện bệnh thì cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, chăm sóc đúng cách”.
Bài, ảnh: PHƯỚC LÊ