Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và Chính phủ, ngành Văn hóa đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay. Tại Quảng Nam, tháng 9/1945, Ty Thông tin- Tuyên truyền tỉnh được thành lập do đồng chí Phan Thao - Đại biểu Quốc hội khóa I làm Trưởng ty. Ngay sau khi được thành lập, Ty đã xây dựng tờ báo của tỉnh lấy tên là Chiến Thắng nhằm động viên tinh thần khánh chiến của quân và dân; thành lập Đội Tuyên truyền xung phong với mạng lưới tuyên truyên rộng khắp địa bàn. Giai đoạn này, nhiều tác phẩm phẩm văn học, ca khúc cách mạng có giá trị ra đời, tiêu biểu như “Đoàn vệ quốc quân”, “Mùa đông binh sĩ” (Phan Huỳnh Điểu)…Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều cán bộ tuyên truyền là nhà văn, nhà báo, vừa là chiến sĩ, vừa chiến đấu vừa sáng tác. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đã có gần 80 cán bộ ngành Văn hóa - Thông tin Quảng Nam- Đà Nẵng hy sinh anh dũng.
Sau ngày tái lập tỉnh, ngành Văn hóa- Thông tin Quảng Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Qua hơn 20 năm đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến nay đã thực sự trở thành một phong trào cách mạng rộng lớn của toàn dân. Công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa đã thu được những thành quả đáng khích lệ; công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa được chú trọng; thành tích thể thao được nâng lên qua các kỳ thi cấp quốc gia, khu vực Đông Nam Á; ngành du lịch được chú trọng đầu tư và xem như là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà…Hiện nay, toàn tỉnh có 300 di tích cấp tỉnh, 60 di tích cấp quốc gia, có 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn; 1 di vật được công nhận là Bảo vật quốc gia và 6 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều sự kiện lớn với các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao được tổ chức. Theo thống kê, cuối năm 2014, tổng lượt khách tham quan và lưu trú đạt gần 3,7 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt khảng 1,7 triệu lượt; thu nhập xã hội từ du lịch đạt 5.170 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH,TT& DL đã khẳng đinh: Phát huy những truyền thống hào hùng của ngành Văn hóa- Thông tin, trong thời gian tới, toàn ngành tập trung vào việc nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - văn nghệ, tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ văn hóa, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa; chú trọng công tác bảo tồn- bảo tàng, sưu tầm vafp hát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể lồng ghép văn hóa và du lịch; đẩy mạnh phong trào thể dục-thể thao trong toàn dân nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể dục thể thao; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh…
Dịp này, Sở VH,TT&DL cũng đã tổ chức lễ công bố Bảo vật quốc gia hiện vật Ekamukhalinga và danh mục các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội rước cộ Bà chợ Được, nghệ thuật hát bài chòi, Hát bả trạo, dệt thổ cẩm, điệu múa tân tung - da dá, phong tục dựng cây nêu và bộ gu của người Cor.
LINH CHI