Các dự án lớn được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương; các chính sách an sinh xã hội gắn liền với mục tiêu giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được cải thiện về nhiều mặt, quốc phòng - an ninh luôn được đảm bảo ổn định, vững chắc.
(Quang cảnh thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn - ảnh Tư liệu)
Công tác định canh - định cư có vai trò đặc quan trọng đối với địa phương, ngày 14/8/2008 Huyện ủy Phước Sơn đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU của Huyện ủy về tiếp tục thực hiện công tác định canh – định cư giai đoạn 2008-2010 và đến năm 2015. Ngay sau khi có Nghị quyết số 06-NQ/HU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng, Chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các cơ quan, ban ngành của huyện tổ chức quán triệt, tuyên truyền nghị quyết trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, chỉ đạo xây dựng chương trình cụ thể sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách ĐCĐC cho đồng bào dân tộc thiểu số được các địa phương thực hiện tốt như triển khai bình xét đối tượng thụ hưởng chính sách, chọn điểm ĐCĐC cũng như những nội dung chính sách được hỗ trợ cho nhân dân. Cùng với chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp đã vận động, tuyên truyền các hộ dân trên địa bàn có dự án ĐCĐC hiến đất, hỗ trợ các hộ đến ĐCĐC phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Trong 7 năm, với nguồn vốn các chương trình dự án như Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, Nghị quyết 30a...được đầu tư, đã thực hiện 10 điểm tái định cư tập trung với diện tích mặt bằng san ủi hơn 94.000 m2, bố trí cho 219 hộ làm nhà ở ổn định, 78 hộ đã nhận mặt bằng đang chuẩn bị di dời trong năm 2015 và hỗ trợ định cư xen ghép cho 67 hộ làm nhà ổn định. Với tổng kinh phí san ủi tạo mặt bằng 13,25 tỷ đồng, cơ sở hạ tầng (điện, nước) 6,45 tỷ đồng, hỗ trợ xen ghép hơn 1,01 tỷ đồng. Các điểm bố trí sắp xếp dân cư đều đúng quy hoạch đã phê duyệt, đáp ứng được các điều kiện nhà ở ổn định không bị sạt lở, ngập lụt, giao thông đi lại thuận lợi, gần trường học, trạm xá, có điện, nước sinh hoạt, thuận tiện trong sản xuất, sinh hoạt cho nên bà con an tâm ổn định cuộc sống. Sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp hàng năm đều tăng, năm 2015 ước đạt 110 tỷ đồng. Tổng diện tích khai hoang ruộng nước 495 ha, năng suất bình quân 45tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2015 ước đạt 5.417 tấn, đạt 98,4% so với nghị quyết huyện Đảng bộ (Khóa XIX). Từ năm 2008 đến nay, đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện tăng mạnh; vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 1.300 tỷ đồng (không tính các dự án thủy điện và nhà máy Vàng Phước Sơn); trong đó đầu tư từ NSNN các cấp 1.100 tỷ đồng, cộng đồng dân cư đầu tư khoảng 220 tỷ đồng; xây dựng nhiều công trình phục vụ sản xuất và dân sinh như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt...Đến nay, hệ thống giao thông đã thông suốt đến trung tâm các xã vùng cao với tổng chiều dài trên 80km; giao thông liên xã, liên thôn hầu hết đã được bê tông hoặc láng nhựa với tổng chiều dài hơn 40km; Văn hóa – xã hội có chuyển biến tích cực, giáo dục – đào tạo đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập. Tổng số học sinh hiện có 7.178 em, chất lượng giáo dục được nâng cao, học sinh tốt nghiệp các cấp học đạt trên 97%, học sinh đỗ đại học, cao đẳng hằng năm đạt từ 25-26%. Công tác phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi, phổ cập THCS được duy trì và giữ vững; phổ cập giáo dục mần non 5 tuổi đạt 12/12 xã. Đến cuối năm 2014, toàn huyện có 06/27 trường đạt chuẩn quốc gia; đội ngũ giáo viên đạt chuẩn 100%. Mạng lưới y tế được củng cố, đáp ứng yêu cầu khám và chữa bệnh của nhân dân. Đã đầu tư xây dựng mới 02 Trạm y tế xã, nâng tổng số 12/12 xã, thị trấn có Trạm y tế kiên cố, 08/12 xã, thị trấn có Bác sĩ. Toàn huyện có 26 Bác sỹ, bình quân 900 dân có 01 bác sĩ. Bình quân khám chữa bệnh 55.000 nghìn lượt người/năm. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai đồng bộ, đúng kế hoạch. Các chính sách y tế đối với người nghèo, người cao tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi được triển khai thực hiện. Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em luôn được quan tâm; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 17,1%.
Tuy nhiên, là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; việc bố trí dân cư ở một số xã không phù hợp, trình độ dân trí còn thấp; địa hình có độ dốc cao không thuận lợi cho bố trí dân cư tập trung, phong tục tập quán còn lạc hậu. Định mức hỗ trợ thấp, thiếu cân đối giữa vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp; một số dự án tiến độ thực hiện chậm, công tác quy hoạch của dự án chưa gắn công tác quy hoạch nông thôn mới và phù hợp với tập quán của người dân; việc san ủi mặt bằng để bố trí đất ở cho các hộ dân ở các khu tái định canh - định cư gặp khó khăn do điều kiện địa hình đồi núi, độ dốc cao. Mặt khác do nguồn vốn còn hạn chế nên việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các điểm tái định cư chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Để thực hiện tốt công tác định canh – đinh cư từ nay đến năm 2020 cần tập trung một số nhiệm vụ, như sau:
- Thứ nhất: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh hơn nữa trong công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác định canh - định cư, các chính sách về dân tộc và miền núi cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản. Đẩy mạnh việc quy hoạch dân cư, sắp xếp, bố trí hợp lý dân cư nhằm ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
- Thứ hai: Chú trọng công tác quy hoạch và bố trí dân cư: Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển Nông-Lâm-Ngư nghiệp và bố trí sắp xếp dân cư huyện Phước Sơn giai đoạn 2011-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Rà soát những điểm bố trí sắp đã thực hiện và còn lại đưa vào kế hoạch thực hiện hằng năm, ưu tiên đầu tư trước những nơi cần thiết. Công tác dãn dân tái định cư phải gắn liền với qui hoạch phát triển KT-XH của huyện, qui hoạch xây dựng nông thôn mới của xã và gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng. Bố trí dãn dân tái định cư phải đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và phù hợp với văn hóa, tập quán sinh hoạt của người dân.
- Thứ ba: Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án như NQ30a, Chương trình 135, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, dự án của các tổ chức khác để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân như đường giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường học..., ưu tiên xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ ở những nơi có điều kiện, hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên thôn tạo thuận tiện cho việc giao lưu hàng hoá và đi lại của người dân. Ngoài nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và của huyện thì cần phải huy động tài trợ từ các cơ quan, đơn vị, các tập thể và cá nhân trong và ngoài huyện. Có giải pháp tích cực kêu gọi thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế. Quản lý và sử dụng nguồn vốn chặt chẽ, tiết kiệm; không đầu tư dàn trải, kéo dài gây thất thoát nguồn vốn. Thường xuyên thực hiện công tác quản lý giám sát của Nhà nước và giám sát nhân dân thông qua Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội theo cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư.
- Thứ tư: Quan tâm lĩnh vực sản xuất nông-lâm nghiệp. Tổ chức lại sản xuất ở vùng tái định canh - định cư, xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình. Trước hết bảo đảm đất sản xuất cho các hộ trong diện tái ĐCĐC, tạo điều kiện cho họ định canh, làm cơ sở vững chắc cho định cư. Tiến hành khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho nhân dân quản lý. Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo phương thức nông - lâm kết hợp, chú trọng kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi. Tận dụng tốt diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện để nuôi cá nước ngọt. Khai thác lâm sản phụ và rừng trồng theo đúng qui định của Nhà nước. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư các công trình thuỷ lợi, hoàn chỉnh bê tông hoá hệ thống kênh mương.
- Thứ năm: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh trong độ tuổi đến trường đi đôi với xây dựng trường lớp, tăng cường đội ngũ giáo viên để duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức; nhất là lực lượng cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác định canh định cư từ huyện đến cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ. Phân định rõ trách nhiệm của cấp xã và cấp huyện trong việc thực hiện chính sách định canh - định cư. Đội ngũ làm công tác này phải thực sự trách nhiệm và tâm huyết với công việc, thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Lê Văn Thực
Phó Trưởng ban TGHU Phước Sơn