PGS.TS Phạm Ngọc Anh - Viện trưởng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS Bùi Đình Phong - chủ nhiệm đề tài về tiểu sử cụ Huỳnh Thúc Kháng và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ngô Văn Hùng đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo đã nghe nhiều tham luận từ các nhà nghiên cứu lịch sử của Quảng Nam, Đà Nẵng và ghi nhận các ý kiến từ địa phương Tiên Phước, quê hương cụ Huỳnh. Nhiều tham luận tiếp cận nghiên cứu dưới góc nhìn lịch sử, tiểu sử tập trung vào thời kỳ đầu cuộc đời cụ Huỳnh cũng như những yếu tố gia đình, gia tộc quê hương. Ngoài ra các phong trào yêu nước lúc bấy giờ tác động đến Huỳnh Thúc Kháng cũng đã được làm sáng tỏ thêm. Hội thảo cũng mở rộng nghiên cứu về những hoạt động yêu nước đầu tiên của cụ, những đóng góp của cụ trong phong trào Duy Tân, sức ảnh hưởng của cụ với thế hệ trẻ và sự học ở Tiên Phước. Việc nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục tiến hành trong 2 năm 2015 - 2016. Kết quả nghiên cứu sẽ được in thành sách với tên gọi “Huỳnh Thúc Kháng - tiểu sử” trong bộ sách Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Hội thảo là dịp để tìm hiểu sâu hơn, tôn vinh những đóng góp của cụ - một người con ưu tú của Quảng Nam, từ đó giáo dục thế hệ trẻ và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tại hội thảo, H. Tiên Phước đề xuất tỉnh nhanh chóng làm hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh là di tích cấp quốc gia đặc biệt và tiếp tục mở rộng khuôn viên nhà lưu niệm để xứng tầm với tên tuổi của cụ. Sau cuộc hội thảo tại Quảng Nam, những nội dung khác về cuộc đời cụ Huỳnh Thúc Kháng sẽ được tổ chức hội thảo ở Hà Nội vào năm 2016.
PHƯỚC LÊ