Đến nay nhiều tuyến đường giao thông nội đồng, đường vào khu sản xuất với tổng chiều dài hàng trăm ki-lô-mét đã được mở bằng nhiều nguồn vốn khác nhau cũng như sự đóng góp của người dân. Chính nhờ những con đường nối ruộng đồng, nương rẫy đó đã góp phần hạn chế tình trạng du canh du cư và tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương...
Ảnh: Tuyến giao thông nội đồng thôn 2 xã Phước Năng
Từ thôn 2 xã Phước Năng, không khó khăn để chúng tôi đến được tận cánh đồng trước mặt nơi bà con nông dân thôn 1,2, thôn 3 đang thu hoạch lúa vụ hè thu bởi đã có con đường giao thông nội đồng nối khu dân cư đến tận ruộng. Trên con đường cấp phối từng tốp người tỏa ra cánh đồng, từng chuyến xe bon bon chở lúa về nhà. Hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2013, con đường giao thông nội đồng này đã gắn bó và giúp ích rất nhiều cho người dân thôn 1, thôn 2 xã Phước Năng trong việc rút ngắn công sức, thời gian đi lại, vận chuyển và thúc đẩy giá trị hàng hóa nông lâm sản.
Anh Hồ Văn Đầu thôn 2 cho biết: “hầu hết diện tích lúa của nhà mình tập trung ở cánh đồng này. Trước không có đường đi, cách duy nhất là lội suối đi qua và vác lúa về nhà. Nhưng hễ mưa là dòng nước dâng lên việc đi thăm đồng, đi rẫy của bà con rất khó khăn, nguy hiểm. Chính vì thế một số chân ruộng mặc dù chủ động được nước nhưng đành bỏ hoang vì năng suất thu hoạch cũng chẳng đáng so với công đi lại, vận chuyển. Mấy hộ dân trong thôn có rẫy keo bên kia cánh đồng lúa cũng loay hoay mãi mới bán được, bị người ta ép giá vì không có đường để xe đi vào khai thác, vận chuyển. Nay có đường, cái gì cũng lấy xe máy chở, đỡ tốn sức lao động, mình không phải băn khoăn chuyện mưa nắng khi muốn đi thăm đồng nữa.”
Trước tình hình quỹ đất ngày càng thu hẹp do áp lực dân số, đất trồng lâm nghiệp, các địa phương trên địa bàn huyện đã bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng đường vào khu sản xuất, đường giao thông nội đồng và vận động nhân dân khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích gieo trồng lúa nước đảm bảo an ninh lương thực. Đặc biệt khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giao thông được đánh giá là tiêu chí quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, nguồn lực đầu tư cho giao thông được các địa phương ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đường giao thông liên thôn, liên xã, các tuyến đường vào khu sản xuất, giao thông nội đồng được chú trọng đầu tư nhằm hình thành những khu vực sản xuất tập trung, giúp người nông dân đi lại, thu hoạch và vận chuyển nông, lâm sản thuận tiện, nhanh gọn. Chủ trương thuận lòng dân nên việc huy động hiến đất, đóng góp ngày công tham gia góp sức trong quá trình thi công đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của người dân.
Ảnh: Vẫn còn nhiều con đường cần sự đầu tư
Nhìn chung với những chính sách ưu đãi về hỗ trợ khai hoang, phục hóa, đầu tư thủy lợi và đường giao thông, các khu sản xuất này đã được tái sản xuất trở lại, giải quyết một phần thiếu hụt đất nông nghiệp và nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển lúa nước-cây chủ đạo giúp ổn định lương thực. Có thể nói, các tuyến giao thông kết nối các khu sản xuất và giao thông nội đồng đã và đang được xây dựng, đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm sức lao động cho nông dân; thuận lợi vận chuyển nông-lâm sản; tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác...Dành nguồn vốn mở thêm nhiều tuyến đường nối khu sản xuất tập trung cũng là giải pháp để huyện ta thực hiện đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng và thu nhập bình quân đầu người trong xây dựng nông thôn mới.
Thanh Thúy