Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm về đình làng Phước Sơn (thuộc thôn 4, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) – nơi vẫn còn lưu giữ 7 tấm bia đá viết bằng chữ Nho nói về việc chọn đất lập làng và sự đóng góp của các bậc tiền nhân trong việc xây dựng và phát triển làng Phước Sơn xưa kia. Theo nội dung những tấm bia đá này thì vào năm 1561, ông Nguyễn Phú Quân theo đường thuỷ ngược dòng sông Thu Bồn để tìm vùng đất tươi tốt khai cơ, lập nghiệp. Đến vùng đất thuộc làng Phước Sơn ông nhận thấy nơi đây đất đai trù phú lại thuận tiện trong việc đi lại bằng đường thuỷ nên quyết định dừng chân tại vùng đất này để khai cơ lập nghiệp và ông được xem là bậc Tiền hiền của làng. Cũng qua nội dung những tấm bia thì đình làng Phước Sơn được xây dựng vào năm 1740 và đã có ít nhất 6 lần trùng tu nhưng cuối cùng cũng bị chiến tranh tàn phá. Mãi đến năm 2001, nhân dân trong làng mới cùng chung tay góp công, góp của cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã xây dựng lại ngôi đình làng khá bề thế, khang trang ngay trên nền xưa của ngôi đình cũ để làm nơi thờ phụng các bậc tiền nhân, tiền bối, các anh hùng liệt sĩ và nơi đây cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân trong làng.
Công trình kiến trúc của vạn Phước Sơn xưa vẫn còn lưu lại đến ngày nay
Làng Phước Sơn từ lâu đã trở thành dấu ấn trong lịch sử phát triển của huyện Hiệp Đức - đây là nơi giao nhau giữa hai con sông Tranh và sông Trường (thuộc thượng lưu của dòng sông Thu Bồn). Sông Tranh phát nguyên từ núi Ngọc Linh, chảy qua các huyện Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức; đoạn sông chảy qua xã Quế Bình dài khoảng 5km. Sông Trường phát nguyên từ núi Ngọc Khay (xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn) đổ về Bà Xá, Bà Huỳnh, đến làng Phước Sơn nhập vào sông Tranh tại thác Lim tạo nên ngã ba sông rất thuận lợi trong giao thông đường thuỷ và người dân thường gọi là Vạn Phước Sơn. Từ đây có thể xuôi thuyền về bến Trà Linh, Trung Phước, Hội Khách và đến thẳng Hội An. Đặc biệt khi nguồn hàng lâm thổ sản ở miền Tây Quảng Nam trở thành mặt hàng xuất khẩu qua thương cảng Hội An thì Vạn Phước Sơn đã trở thành một trong những vị trí trung chuyển quan trọng trong mua bán, trao đổi giữa miền núi với miền xuôi dọc theo dòng sông Tranh, sông Trường. Làng Phước Sơn (xã Quế Bình) từ lâu đã trở thành dấu ấn trong lịch sử phát triển của huyện Hiệp Đức.
Theo tư liệu ghi trong những tấm bia thì thời kỳ thịnh hành nhất trong việc giao lưu, buôn bán ở vạn Phước Sơn từ là vào giai đoạn khoảng giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Hàng ngày thường xuyên có hàng trăm tàu bè từ khắp nơi trong tỉnh lui tới đến đây để trao đổi, buôn bán hàng hoá giữa miền ngược và miền xuôi. Không những thế nhiều thương nhân người Hoa ở Quảng Đông (Trung Quốc), Phước Kiến (Hội An) cũng đã đặt chân lên vùng đất này định cư buôn bán. Minh chứng cho điều này là hiện nay ở quanh vùng vạn Phước Sơn còn có những phế tích như Miếu Vạn, Miếu Mùn, chùa Phước Kiến, chùa Quảng Đông, trường làng, dinh Bà Nội... Những viên đá tảng kê cột cũng như nền móng các công trình kiến trúc còn lại đủ nói lên rằng tất cả đều được xây dựng với quy mô khá bề thế. Ngoài ra trong một tấm bia đá ở đình làng Phước Sơn còn cho biết trong một lần trùng tu đình làng vào năm Tự Đức thứ 33 (tháng 7/1880) thì có đến 5 cơ sở buôn bán được ghi tên lên bia đá, cụ thể như: Lý Trấn Long, Vạn Phát, Vĩnh Thắng, Hưng Tường, Vạn Thuỵ đồng cẩn 520 quan tiền. Điều này cho thấy quy mô và sự sầm uất của vạn Phước Sơn, Quế Bình nói riêng, vai trò của vùng đất Hiệp Đức nói chung đối với sự phát triển của xứ Quảng trong quá khứ... Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tuy không còn đóng vai trò giao thương hàng hoá như xưa nhưng thay vào đó vạn Phước Sơn trở thành nơi cất giữ lương thực, vũ khí và thường xuyên trở thành nơi tập kết đưa đón cán bộ, chiến sĩ trên đường hoạt động cách mạng. Trong giai đoạn này, những người dân làm nghề chài lưới ở vạn Phước Sơn đã dùng thuyền bè của mình để tiếp lương, tải đạn, đưa đón cán bộ, chiến sĩ...
Do nhiều yếu tố khác nhau con đường giao thương bằng đường thuỷ trên sông Trường và sông Tranh không còn phát huy tác dụng như ngày nào và vai trò của Vạn Phước Sơn đã đi vào dĩ vãng. Đã gần như thường lệ, hằng năm cứ vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch, tại đình làng Phước Sơn, nhân dân thôn 4, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công khai hoang, khẩn hoá, chọn đất lập làng... Qua đó mọi người ôn lại truyền thống tốt đẹp của làng và mong muốn các thế hệ con cháu đời sau noi gương các bậc tiền bối biết đem sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Truyền thống ấy dần dần đi vào nếp nghĩ, nếp làm của mỗi người dân làng Phước Sơn, vạn Phước Sơn khi xưa và vùng quê làng Phước Sơn hôm nay để tạo mối liên kết và làm nền tảng tạo đà cho sự phát triển của một làng quê.
@ Bài và ảnh: MAI LÂM