Qua các lớp học, cái được lớn nhất là để bà con nơi đây có được một cái nghề và từ nguyên liệu sẵn có ở địa phương họ có thể làm ra sản phẩm dùng trong gia đình và ước muốn xa hơn là sản phẩm của họ sẽ có mặt ở thị trường.
Cho con cá không bằng cho cái cần câu, học để lận lưng cho mình một cái nghề điều đó ai cũng muốn. Tuy nhiều người vẫn băn khoăn, thắc mắc liệu học xong có được phát huy nghề đã học, song khi tham dự một lớp học bổ ích như thế này nhiều học viên của lớp làm chổi đót của xã Phước Năng cảm thấy rất thích thú. Bởi từ trước đến giờ họ chưa được tiếp cận với một nghề nào ngoài làm nương rẫy. Đồng thời với nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, khẳng định đây là một cơ hội có thể giúp bà con có một nghề phù hợp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Cũng như các học viên khác theo học làm chổi đót do huyện tổ chức mới đây, chị Hồ Thị Thơ, thôn 3 xã Phước Năng rất hăng hái đến lớp. Ngày nào chị cũng sắp xếp công việc nhà thật sớm để đến lớp cho kịp. Nhờ chịu khó lắng nghe và tỉ mỉ trong từng khâu se dây, cắt cán, quấn chổi và đóng đinh nên chị được giáo viên đánh giá làm sản phẩm đẹp nhất. Chị Thơ cho biết: gia đình chị có 4 người, thu nhập phụ thuộc vào trồng trọt lúc có lúc không, là hộ nghèo của thôn nhiều năm nay. Nghe tin xã mở lớp làm chổi đót, thấy hợp với điều kiện ở địa phương nên chị đăng ký theo học. Với nguồn đót sẵn có, đến mùa chị sẽ đi lấy đót về phơi, làm chổi dùng trong gia đình và cho họ hàng. Trong tương lai chị hy vọng sẽ có thêm thu nhập từ sản phẩm của mình.
Bà Từ Thị Thu Trinh, chủ cơ sở làm chổi đót Trinh Lúc huyện Duy Xuyên, giáo viên trực tiếp đứng lớp cho biết: lớp học đa phần là người dân tộc thiểu số nhưng cho thấy một thái độ, tinh thần học tập hăng say hiếm thấy. Lớp học luôn đảm bảo sĩ số 100%, giờ học sôi nổi với sự tham gia thảo luận giữa giáo viên và học viên.
Từ khi huyện ta triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn từ xã đến huyện thay đổi, đẹp lên từng ngày. Nhiều công trình phúc lợi được quan tâm đầu tư như: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, cùng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới, các lớp đào tạo nghề được triển khai đã và đang dần đáp ứng được các tiêu chí nông thôn mới. Điều đó khẳng định đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân mà còn là chìa khóa thành công thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Dù hiệu quả từ các lớp đào tạo chưa cao, nhưng bà con đã ý thức được việc cần có một cái nghề để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình và lớp học làm chổi đót là một minh chứng.
Với việc mở lớp dạy nghề bám sát nhu cầu của người lao động và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đồng thời gắn với nhu cầu thị trường, hy vọng người lao động có thể sống được bằng nghề mà mình đã chọn, tránh lãng phí thời gian, tiền của của nhà nước./.
Thanh Thảo