Cũng như những địa phương khác, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có kinh tế đặc biệt khó khăn ở các huyện miền núi nói chung, huyện Phước Sơn nói riêng, nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn thấp, tập tục lạc hậu vẫn còn. Thế nên, trong công tác tuyên truyền vận động, giáo dục chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đòi hỏi cần có sự khéo léo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành tại địa phương để định hướng, xây dựng nhận thức tiến bộ trong các tầng lớp Nhân dân. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động của Ủy ban Mặt trận TQVN các cấp trong huyện, nhiều địa bàn khu dân cư đã không ngừng việc vận động nổ lực xây dựng mô hình điểm tham gia thực hiện tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Các mô hình điểm từ khi xây dựng tại các thôn đến khi nhân rộng ra toàn xã đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh làm thay đổi diện mạo của các Khu dân cư miền núi, tạo mối đoàn kết giữa các hộ dân trong thôn, phấn đấu đẩy mạnh phong trào của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc tham gia“Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trong năm 2015, nhiều xã trên địa bàn huyện Phước Sơn đã xây dựng nên những mô hình thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Điển hình như mô hình “Sạch từ nhà ra ngõ” của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN xã Phước Năng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tác động trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày của mỗi hộ dân. Qua đó, các hộ đã chủ động quét dọn nhà cửa định kỳ, thu gom rác thải quanh khu vực nhà ở tạo cảnh quang xanh – sạch – đẹp. Từng người dân đã ý thức được việc giữ gìn vệ sinh nhà ở, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, ý thức bảo vệ môi trường được nâng lên. Đặc biệt là kế hoạch xây dựng mô hình điểm tại thôn 2 – xã Phước Năng về “Xử lý chất thải rắn” được triển khai có hiệu quả, mỗi hộ dân đã tự nguyện nộp 10.000đ/tháng để tập trung rác thải tại thùng rác thôn để xử lý; mô hình “Ngày chủ nhật xanh” tại xã Phước Xuân đã huy động hơn 230 hộ trên cả 03 thôn tham gia đào hố rác, thu gom rác và tập trung xử lý tại hố rác theo qui định; mô hình “Quang cảnh sạch đẹp” tại xã Phước Hòa huy động được khoảng 343 hộ dân tham gia.
Không chỉ tạo nên sự thay đổi trong nhận thức, các mô hình điểm đã có tác động tích cực tạo nên bộ mặt mới cho các khu dân cư. Đến nay, ngoài các mô hình điểm tại các xã đã nêu, nhiều mô hình khác của 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đang được triển khai như mô hình “Phát quang thôn xóm” của xã Phước Chánh, mô hình “5 không 3 sạch” của xã Phước Mỹ, mô hình “Đóng phí dọn rác vì một môi trường xanh” của xã Phước Đức, mô hình “Sáng đẹp đường giao thông liên thôn” của xã Phước Công… hứa hẹn cũng sẽ mang đến những đổi thay đáng kể cho các khu dân cư nói riêng, cho huyện Phước Sơn nói chung.
Là cuộc vận động của thời kỳ đổi mới đất nước và đổi mới công tác Mặt trận – Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã thể hiện được sự kết hợp hài hòa giữa Nhà nước và Nhân dân cùng làm, với chủ trương huy động sức dân mà xây dựng cuộc sống cho dân, thống nhất được ý Đảng - lòng dân, tất cả vì lợi ích Nhân dân. Các mô hình trong công tác bảo vệ môi trường với việc cụ thể hóa nhân rộng mô hình“Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường” ở từng địa phương là một trong những công việc có tác động tích cực đến nhận thức việc làm hàng ngày của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.