Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
Đảm bảo sinh kế bền vững cho người nghèo
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 16/12/2015 .Lượt xem: 25 lượt.
Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Phước Sơn được triển khai trên 5 xã vùng cao gồm xã Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc bao gồm 4 hợp phần:

Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã, thôn bản; Phát triển sinh kế bền vững; Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, nâng cao năng lực và truyền thông; Quản lý dự án. Trong hợp phần phát triển sinh kế bền vững có mô hình nuôi bò lai sinh sản đang hứa hẹn mang lại những tín hiệu tích cực, trao cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho người dân 5 xã vùng cao. Bài viết được thực hiện tại xã Phước Chánh

Để gặp được các hộ thuộc tiểu dự án sinh kế nuôi bò lai sinh sản thôn 1 xã Phước Chánh-một hình thức hỗ trợ  phát triển sinh kế cho người dân của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, chúng tôi phải nhờ cán bộ xã dẫn đường và mất nhiều thời gian chờ đợi vì hầu hết bò được chăn thả khá xa tối muộn mới về và đúng mùa cuốc ruộng chuẩn bị cho vụ đông xuân.

Vừa kết thúc công việc đồng áng cuối ngày, chị  Hồ Thị Nhiên, một trong 11 thành viên tham gia nhóm cải thiện sinh kế (LEG) chăn nuôi bò lai sinh sản dắt theo con bò lai mới nhận từ bãi chăn thả về chuồng nhốt. Cuộc sống gia đình khó khăn chỉ trông vào mấy đám ruộng và bỏ công đi phát nương rẫy thuê chỉ mong sao sống qua ngày. Thấy mấy người trong thôn nuôi trâu, nuôi bò rồi nó đẻ con bán kiếm tiền trang trải sinh hoạt chị cũng mong có con bò để chăn thả, vực dậy kinh tế gia đình. Cuộc sống cứ cuốn chị vào vòng luẩn quẩn của cái nghèo nên ước muốn đó cứ xa dần. Giờ đây khi có con bò gần 28 triệu đồng do dự án giảm nghèo Tây Nguyên cấp với chị Nhiên đó là tài sản đáng giá nhất mà gia đình có được, chị chăm sóc bò như một người bạn đồng hành với niềm mong mỏi giúp gia đình vượt qua đói nghèo.

Chị Nhiên chia sẻ: “Cảm ơn Dự án giảm nghèo Tây Nguyên đã hỗ trợ cho mình con bò này. Mình mừng lắm. Mình sẽ chăm sóc con bò thật tốt để nó mau đẻ con, sau này có thêm nhiều bò con, bán kiếm tiền trang trải kinh tế gia đình, thoát khỏi nghèo đói”.

Không chỉ chị Nhiên mà anh Hồ Văn Khoanh thôn 1 xã Phước Chánh cũng không giấu nổi niềm vui. Anh nói: “Nhận bò, bản thân tôi cũng như 11 hộ trong thôn rất mừng, cảm ơn Dự án giảm nghèo Tây Nguyên đã quan tâm đến đời sống của người dân nghèo như chúng tôi và hỗ trợ cho gia đình con bò lai. Ban đầu chúng tôi cũng khá lo lắng do giống bò lai này chưa quen với điều kiện chăn thả và thức ăn ở đây. Nhưng được sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ xã, cán bộ Dự án, con bò đang dần thích nghi và phát triển khỏe mạnh. Tôi mong con bò của mình khỏe mạnh, sớm sinh sản để ổn định kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo”.

Ảnh: Anh Hồ Văn Nhanh, thôn 1 xã Phước Chánh bên con bò của mình

          Triển khai hợp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân,  Phước Chánh đã thành lập Ban Phát triển xã tổ chức thực hiện các hoạt động của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên do cấp xã làm chủ đầu tư. Ngay khi khảo sát và lựa chọn địa hình, xã Phước Chánh đã chọn thôn 1 triển khai thí điểm mô hình nuôi bò lai sinh sản dựa trên những lợi thế về điều kiện bãi chăn thả, ý thức người dân. Theo đó, các hộ khi tham gia vào nhóm cải thiện sinh kế (gọi tắt là nhóm LEG) sẽ được dự án hỗ trợ: giống bò lai (nặng trên 200 kg), trồng cỏ, thức ăn bổ sung, thuốc thú y, tập huấn kiến thức chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho bò, vật liệu làm chuồng với tổng kinh phí cho mỗi hộ khoảng 35 triệu đồng. Các thành viên khi tham gia vào nhóm LEG sẽ cùng nhau họp lại, thống nhất bầu ra Trưởng nhóm, Phó trưởng nhóm, thủ quỹ và đưa ra Điều lệ nhóm bắt buộc mọi thành viên trong nhóm phải tuân theo. Như vậy, các thành viên trong nhóm LEG nuôi bò lai sinh sản sẽ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau cách chăm sóc bò cũng như gắn bó với nhau hơn trong cuộc sống từ đó hỗ trợ, giúp nhau cùng phát triển. Đối tượng được chọn là người dân có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo và ít nhất 70% là hộ nghèo, cận nghèo. Không giống như các chương trình hỗ trợ khác ưu tiên cho người nghèo, việc lựa chọn đối tượng là hộ nghèo-cận nghèo-thoát nghèo của tiểu dự án nuôi bò lai sinh sản sẽ giúp các hộ trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau cách chăm sóc bò cũng như gắn bó với nhau hơn trong cuộc sống từ đó hỗ trợ, giúp nhau cùng phát triển.

Cùng với việc hỗ trợ  đầu vào cho người dân, tiểu dự án sinh kế nuôi bò lai sinh sản của hợp phần phát triển sinh kế bền vững tại các xã chú trọng nhiều hơn đến hiệu quả sau hỗ trợ. Định kì hàng tháng cán bộ Ban phát triển xã phối hợp với cán bộ CF (hướng dẫn viên cộng đồng Dự án Giảm nghèo) sẽ đi thăm và hướng dẫn người dân về công tác chăm sóc, trồng cỏ và giám sát, theo dõi hoạt động của nhóm LEG, phát hiện kịp thời những khó khăn của người dân đồng thời đưa ra được các phương án xử lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của Dự án, mang lại hiệu quả.

Ảnh:Cấp bò là một trong những hình thức hỗ trợ sinh kế bền vững hứa hẹn mang lại tín hiệu tích cực cho người nghèo 5 xã vùng cao.

Theo ông Võ Hưng- Phó chủ tịch UBND xã đồng thời là Trưởng ban phát triển dự án giảm nghèo Tây Nguyên tại xã Phước Chánh, tiểu dự án sinh kế nuôi bò lai sinh sản bước đầu đã có những tín hiệu đáng mừng và nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân. Qua đó tạo cơ hội và góp thêm nguồn lực để địa phương tập trung triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tại địa bàn. “Thôn 1 là thôn có nhiều lợi thế về khu vực chăn thả gia súc, bà con rất có ý thức trong việc lấy chăn nuôi làm thế mạnh phát triển kinh tế gia đình. Do đó sau khi Dự án giảm nghèo Tây Nguyên triển khai tiểu dự án sinh kế cấp bò lai sinh sản, Phước Chánh đã chọn thôn 1 làm mô hình điểm về chăn nuôi bò theo hình thức có chuồng trại kết hợp trồng cỏ, cung cấp thức ăn bổ sung, thuốc thú y. Nếu đem lại hiệu quả chúng tôi sẽ nhân rộng ra toàn xã. Đây là một hình thức để đẩy mạnh việc đảm bảo sinh kế cho người dân, từ đó giúp họ có cuộc sống ổn định, góp phần cùng địa phương phấn đấu đạt các tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất trong chương trình giảm nghèo bền vững. ”- ông Hưng cho biết thêm.

Giờ đây chị Nhiên, anh Khoanh thôn 1 xã Phước Chánh và 53 hộ dân của 5 xã vùng cao đã có trong tay “cần câu” để tự “câu cá” cho mình. Hy vọng họ sẽ nắm chắc cơ hội, tự sinh lợi nguồn hỗ trợ, biết chăm lo lao động sản xuất, xua đuổi nghèo đói và trở nên khấm khá. Đồng thời các địa phương cũng cần nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong các phần việc nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. /              Thanh  Thúy

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Sơ kết 5 năm chương trình xây dựng nông thôn mới
Các tin cũ hơn:
Phước Chánh sơ kết 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo
Tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2015
Phấn đấu xây dựng nông thôn mới phù hợp thực tế của địa phương
Hoàn thành phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển sản xuất:
Phước Chánh đang làm thủ tục xin công nhận đạt thêm hai tiêu chí môi trường và y tế


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO