UBND tỉnh Quảng Nam vừa đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT cử chuyên gia và hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu, có giải pháp bảo tồn cá thể bò tót (Bos gaurus) quý hiếm đang xuất hiện trên địa bàn H.Đông Giang.
Người dân bất an
Ngày 10.3, nhiều người dân thôn Phú Mưa, xã Jơ Ngây (H.Đông Giang) khiếp sợ khi phát hiện một con thú “lạ” xuất hiện tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Jơ Ngây, ATing và Sông Kôn. Theo người dân đó là con vật “nửa bò nửa trâu” rất to. Con thú này lảng vảng dọc bìa rừng và tiến về rẫy bắp sát khu dân cư để kiếm ăn. Không những vậy, qua mô tả người dân, phần đầu con thú còn có một cặp sừng rất nhọn và dài nên nhiều người lo ngại sẽ gặp nguy hiểm khi bị tấn công. Đến ngày 31.3, Trạm Kiểm lâm địa bàn số 1 (thuộc Hạt Kiểm lâm H.Đông Giang) phối hợp UBND xã Jơ Ngây đã tổ chức quan sát thì phát hiện con vật lạ có bộ lông màu đen, có nhiều đặc điểm giống bò tót. Những ngày kế tiếp, lực lượng Kiểm lâm Đông Giang, Vườn Quốc gia Bạch Mã, BQL Rừng phòng hộ Sông Kôn đã phối hợp với chính quyền xã Jơ Ngây phát hiện nhiều dấu vết của loài thú như: dấu chân, phân, chỗ nằm nghỉ…
Sự xuất hiện của thú “lạ” khiến người dân không khỏi bất an. Theo UBND xã Jơ Ngây, con thú này đã phá hàng chục hecta hoa màu, bắp trời… của người dân tại các thôn Brùa, Phú Mưa và Cloò. Để xác định chính xác con thú này là bò tót, lực lượng chức năng cũng mất nhiều thời gian để ghi hình ảnh, kiểm tra dấu chân cũng như nhận dạng bên ngoài. Đến khoảng 13 giờ ngày 4.4, con vật tiếp tục xuất hiện tại khu vực rừng trồng thuộc thôn Sông Voi (xã Jơ Ngây) và lần này đã được quan sát rõ. Thông qua đoạn phim ghi hình về con vật này, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và môi trường (CRES - thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, đây là cá thể bò tót (Bos gaurus) đã trưởng thành, giới tính đực. Con vật có bộ lông màu đen, 4 chân và trên trán có đám lông màu trắng, ước nặng khoảng hơn 1 tấn. Đây là loài thuộc nhóm IB của danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Tìm giải pháp bảo vệ bò tót
Theo đánh giá, việc xuất hiện cá thể bò tót hoạt động đơn lẻ tại khu vực rừng của tỉnh Quảng Nam là một thông tin mới. Trước tình hình này, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã có công văn gửi UBND H.Đông Giang đề nghị hỗ trợ và phối hợp chỉ đạo các ngành, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp để bảo vệ cá thể bò tót này. Trong đó, có các giải pháp như: tuyên truyền, vận động người dân không tấn công, gây kích động con thú, bố trí lực lượng tiếp tục theo dõi, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện Hạt Kiểm lâm Đông Giang, Khu Bảo tồn Sao la Quảng Nam phối hợp với kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã và chính quyền địa phương đang tổ chức tuyên truyền, vận động người dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ bò tót. Đặc biệt, chú trọng giải pháp xua đuổi bò tót vào vùng rừng và thường xuyên tuần tra, giám sát sự di chuyển và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến cá thể bò tót.
Quảng Nam chưa được ghi nhận có phân bố loài bò tót, vì vậy, theo ngành chức năng để bảo tồn cá thể này cần có giải pháp tái nhập đàn do hiện nay chỉ có 1 cá thể hoạt động đơn lẻ. Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Nam Phan Tuấn đã đề xuất nhiều giải pháp bảo tồn con bò tót “lạc đường” này. Trong đó có giải pháp đưa con bò về rừng quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai). Tuy nhiên, phương án này khiến nhiều người lo ngại khi liên tưởng cuộc “cứu hộ” khiến cá thể bò tót làm náo loạn sân bay Phú Bài bị chết vào năm 2012. Bên cạnh giải pháp này, lực lượng kiểm lâm Quảng Nam cũng bàn đến phương án xua đuổi bò tót vào vùng lõi rừng đặc dụng. Sau khi nhận được báo cáo của ngành kiểm lâm, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị được “hỗ trợ” chuyên gia cũng như kinh phí để đảm bảo cá thể này được bảo tồn an toàn.
Được biết, hiện con bò tót đang hoạt động tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Zơ Ngây, ATing và Sông Kôn. Kiểm lâm Quảng Nam cũng đã có văn bản đề nghị Cục Kiểm lâm, Vụ Bảo tồn thiên nhiên và các tổ chức quốc tế có giải pháp hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật để bảo tồn loài thú quý hiếm này.