THÀNH LẬP XÖ CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI,
LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TIẾN HÀNH CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC
(1945 -1954)
I. ĐỒNG BÀO CƠTU XÃ JƠ NGÂY VÀ VÙNG BẾN HIÊN CHÀO MỪNG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM - NĂM 1945
Từ nửa cuối năm 1944, cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai bắt đầu đi vào giai đoạn kết thúc với việc quân đội đồng minh tấn công quân phát - xít trên khắp các mặt trận. Ngày 9 tháng 5 năm 1945, phát xít Đức đầu hàng đồng minh.
Trong khi đó ở Đông Dương, thực dân Pháp đang trông chờ quân đồng minh tiến vào, sẽ nổi lên đánh Nhật, khôi phục quyền thống trị đã mất. Để trừ hậu họa và độc chiếm Đông Dương, ngày 9 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Trước tình hình đó, ngày 12 tháng 3 năm 1945, Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; đồng thời phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, thúc đẩy tình thế cách mạng trong cả nước nhanh chóng chín muồi. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, một cao trào cách mạng đã nổ ra trên khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam. Trước những thất bại của phát xít Nhật, nhất là việc chúng đầu hàng vô điều kiện quân đội Liên Xô và đồng minh. Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Ở Quảng Nam, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đêm 17 rạng ngày 18 tháng 8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã nổ ra ở tỉnh lỵ Hội An và nhanh chóng giành thắng lợi trong toàn tỉnh.
Vùng Bến Hiên lúc bấy giờ là một bộ phận miền núi thuộc huyện Đại Lộc. Ngày 21 tháng 8 năm 1945, trong khí thế chung của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và của tỉnh, sau khi giành được chính quyền ở huyện lỵ và ở các tổng, xã vùng đồng bằng, Ủy ban khởi nghĩa huyện Đại Lộc nhanh chóng huy động hơn một nghìn người đi tước vũ khí lính bảo an ở đồn Bến Hiên. Đến rạng sáng ngày 22 tháng 8, cuộc đấu tranh với bọn lính đồn trú bắt đầu và diễn ra hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, nhận thấy không thể nào áp đảo được lực lượng quần chúng và trước những lời lẽ sắc bén của các đồng chí lãnh đạo cuộc biểu tình, đồng thời nhận ra sự thất bại của quan thầy phát xít Nhật và sự thắng lợi tất yếu của cách mạng, binh lính bảo an đồn Bến Hiên đã giao súng, giao đồn cho cách mạng.
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam chính thức làm lễ tuyên thệ tại Hội An.
Lúc này, cũng giống như các xã khác của vùng Bến Hiên, đồng bào Cơtu trong xã chưa tham gia vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền như đồng bào ở các huyện đồng bằng. Do đó, ngay sau khi Tổng khởi nghĩa tháng Tám vừa thành công, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Đại Lộc nhanh chóng cử cán bộ lên vùng Bến Hiên và Bến Giằng vận động nhân dân tham gia cuộc biểu dương lực lượng nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết Kinh – Cơtu và chào mừng thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc. Cuộc biểu dương được tổ chức ngày 25 tháng 8 năm 1945. Đoàn đại biểu đồng bào Cơtu thuộc các làng trong xã ăn mặc trang phục truyền thống tham gia sự kiện này, cùng tập trung tại Đầu Gò (nay thuộc xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc). Sau đó, tham gia cùng Đoàn các địa phương bạn gồm hơn 200 người, đội ngũ chỉnh tề, chia thành hai hàng mang khiên, đao, giáo và tên ná nối tiếp nhau đi từ Đầu Gò đến Hà Nha, Ái Nghĩa, sau đó tiếp tục ra Quảng Huế, Giao Thủy (nay thuộc các xã Đại An, Đại Hòa huyện Đại Lộc) rồi trở về cơ quan huyện. Tối ngày 25 tháng 8, cuộc liên hoan đoàn kết được tổ chức tại cơ quan Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Đại Lộc. Tại đây, đồng chí Trần Hồng Chu, đại diện Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Đại Lộc đến dự và phát biểu ý kiến: “Đồng bào Kinh cũng như đồng bào Thượng đều có chung một nỗi khổ, cùng nhau chịu ách áp bức của giặc Pháp, giặc Nhật như nhau, cho nên đồng bào ta phải đoàn kết, sống chết có nhau, cùng nhau đánh giặc, giữ gìn độc lập tự do” .
Sáng ngày 26 tháng 8, đoàn đại biểu các làng trong xã ra về, mang theo lời nhắn nhủ của đại diện Mặt trận Việt Minh huyện Đại Lộc: Đồng bào về giữ núi rừng, đoàn kết một lòng, không để bọn phản động phá núi, phá rừng. hễ thấy thực dân Pháp, phát xít Nhật còn ẩn náu nơi đâu thì bắt giao cho Việt Minh. Đoàn biểu dương lực lượng chào mừng cách mạng tháng Tám mang niềm phấn khởi, tinh thần của cuộc thành công và niềm tin vào Đảng, Bác Hồ đến với đồng bào Cơtu tại các làng bản. Nhân dân xã Jơ Ngây lúc bấy giờ vui mừng đón ngày độc lập.
Cuộc biểu dương lực lượng đoàn kết dân tộc, đoàn kết Cơtu - Kinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa chính trị sâu sắt, thể hiện tinh thần đoàn kết và nhạy cảm với cách mạng của đồng bào. Từ đây, những hình ảnh về lá cờ đỏ sao vàng, về Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh,…đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào Cơtu, là cơ sở thuận lợi cơ bản cho công tác vận động, đoàn kết đồng bào tham gia phong trào cách mạng sau này.
II. XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN XÃ VÀ TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐANG ĐẦU TIÊN
Một trong những khó khăn trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng Bến Hiên nói chung, miền núi Quảng Nam nói riêng là chưa xây dựng được chính quyền cấp xã. Trong khi đó, ngày 23 tháng 9 năm 1945, theo chân quân đội Anh, thực dân Pháp nổ súng tấn công thành phố Sài Gòn, sau đó đánh dần ra các tỉnh Nam Trung bộ. Tiếp đó, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bắt đầu từ thủ đô Hà Nội vào đêm 19 tháng 12 năm 1946, rồi lan ra cả nước.
Ở tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, cho đến tháng 3 năm 1947, quân Pháp đã chiếm được một số huyện phía bắc sông Thu Bồn. Sau khi đánh chiếm được vùng đồng bằng Bắc Quảng Nam – Đà Nẵng, mặc dù không đủ sức đánh lên vùng núi phía Tây, nhưng thực dân Pháp tiến hành chính sách bao vây, triệt hạ hết các ngả đường nối đồng bằng với miền núi. Do đó, việc giao thương hàng hóa của miền núi với miền xuôi bị tắc nghẽn, làm cho đời sống của đồng bào, cán bộ và bộ đội gặp rất nhiều khó khăn. Lúc này, trước yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm đối phó với cuộc xâm lược của thực dân Pháp, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương phải tuyên truyền trong vùng đồng bào các dân tộc về Mặt trận Việt Minh, về cách mạng, nhất là vận động đồng bào tham gia chính quyền cách mạng, ổn định đời sống, góp phần xây dựng căn cứ địa miền núi. Trước yêu cầu đó, tháng 9 năm 1946, Tỉnh ủy quyết định thành lập Phòng Quốc dân thiểu số. Đến tháng 12 năm 1946, Phòng Quốc dân thiểu số Bến Hiên – Bến Giằng cũng được thành lập, do đồng chí Trần Tường phụ trách và được chia thành hai đoàn chuyên trách vùng. Đoàn cán bộ vùng Bến Hiên do đồng chí Trương Hề, Đỗ Nuôi phụ trách. Về sau, được tăng cường thêm một số đồng chí khác, như: đồng chí Trần Thiệt, Lê Như,…. Nội dung hoạt động của Phòng Quốc dân thiểu số Bến Hiên – Bến Giằng là:
Về chính trị: Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh, tuyên truyền về Bác Hồ, về đoàn kết đoàn kết Cơtu - Kinh.
Về kinh tế: Vận động và hướng dẫn đồng bào tăng gia sản xuất.
Về tổ chức chính quyền: Tuyên truyền và giải thích về lá cơ đỏ sao vàng, từng bước tiến tới xây dựng chính quyền,…
Việc thành lập Phòng Quốc dân thiểu số Bến Hiên – Bến Giằng thể hiện sự lãnh đạo nhạy bén, sáng suốt của Tỉnh ủy Quảng Nam trong lãnh đạo đồng bào dân tộc Cơtu. Và, đó là sự kiện lịch sử khởi đầu cho việc đồng bào Cơtu đến với cách mạng, Đảng, Bác Hồ; khởi nguồn cho quá trình phát triển truyền thống yêu nước truyền thống đến yêu nước hiện đại. Hay nói khác đi, đó là khởi nguồn cho tình yêu làng, bản đến tình yêu Tổ quốc, yêu cách mạng.
Vượt qua nhiều khó khăn, Đoàn cán bộ xây dựng vùng Bến Hiên đã tổ chức nhiều đợt công tác xuống các làng, kiên trì vận động đồng bào Cơtu đoàn kết, đẩy mạnh sản xuất, tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh, về Đảng, về Bác Hồ, đồng thời vận động xây dựng chính quyền ở cơ sở. Để đi sâu vào quần chúng nhân dân, với phương châm “Bốn cùng”, nhiều đồng chí thực hiện “Cơtu hóa” , cũng xâu tai, đóng khố, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng hòa cực khổ với dân. Bám sát từng gia đình, từng thôn để thực thi cuộc vận động, bày vẽ cho đồng bào xây dựng cuộc sống mới, xóa bỏ những hủ tục tập quán lạc hậu, những nghi lễ mê tín dị đoan; xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết với người Kinh làm cách mạng và tham gia kháng chiến. Chính nhờ những đóng góp và hy sinh to lớn của các đồng chí trong Phòng Quốc dân thiểu số Bến Hiên – Bến Giằng mà tinh thần đoàn kết Cơtu - Kinh được nảy mầm, phát triển không ngừng, quyết định đến phong trào cách mạng ở miền núi.
Từ năm 1947, tại các làng thuộc xã Zngêi, Đoàn cán bộ xây dựng vùng Bến Hiên đã tích cực tuyên truyền, vận động; đồng thời, giới thiệu những người có uy tín trong cộng đồng để giới thiệu ứng cử vào Ủy ban nhân dân thôn. Kết quả, đến đầu năm 1949, tại các thôn đã thành lập được chính quyền.
Sau một thời gian tích cực tuyên truyền vận động đầy sáng tạo, tháng 3 năm 1949, Ủy ban Kháng chiến – Hành chính xã vùng thấp như: Hiên Đươm, BhaCoong, Đhrêi, Ma Cooih, A Rầng. Đến cuối năm 1949, các xã vùng trung có chính quyền cách mạng. Từ đây, phong trào cách mạng của đồng bào Cơtu xã chuyển từ tự phát sang tự giác, có tổ chức và được đẩy mạnh.
Đầu năm 1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định thành lập bộ đội hành lang Hạ Lào, đồng thời mở tuyến đường từ Bến Giằng lên biên giới Lào nhằm vận chuyển người và hàng hóa sang Lào và ngược lại. Hàng trăm đồng bào Hiên Đươm cùng các xã vùng thấp Bến Hiên được huy động vào công tác dân công, vận chuyển trên tuyến đường này. Tiếp đó, trong tháng 8 năm 1949, các lực lượng vũ trang của tỉnh và Liên khu 5 mở chiến dịch Phạm Văn Đồng nhằm phá tan những mắt cứ điểm thuộc hệ thống phòng thủ Bắc Quảng Nam của địch. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, đồng bào Cơtu xã Hiên Đươm đã đóng góp hàng ngàn ngày công, vận chuyển lương thực và vũ khí cho chiến trường, góp phần cho thắng lợi chung của chiến dịch.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác vận động quần chúng giai đoạn này của Đoàn cán bộ xây dựng vùng Bến Hiên và chính quyền cách mạng xã…..là giải quyết mối hiềm khích do nạn “nợ đầu”, “trả đầu” vốn gây hận thù dai dẳng giữa các dân tộc ở vùng núi phía Tây Quảng Nam. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính – Kháng chiến tỉnh Quảng Nam và Ban Cán sự miền Tây chỉ đạo tổ chức Đại hội đoàn kết các dân tộc toàn vùng nhằm xóa bỏ những hận thù, hiềm khích giữa các dân tộc, trước tiên là giữa làng Lơtiah (xã Dang, huyện Hiên) và làng Ra ró (xã Chà Val, huyện Giằng); đồng thời qua đó tuyên truyền các chính sách đoàn kết của Đảng, động viên nhân dân theo Đảng, theo Bác Hồ đánh đuổi giặc Pháp xâm lược . Tháng 1 năm 1950, Đại hội đoàn kết được tổ chức tại vùng Cột Buồm (nay thuộc xã Ka Dăng, huyện Đông Giang) với sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, của các cán bộ chủ chốt vùng Bến Hiên, Bến Giằng, của hai làng Lơtiah và Raró cùng đại biểu các làng trong vùng Bến Hiên, Bến Giằng. Đoàn đại biểu xã Hiên Đươm tham gia Đại hội này.
Sau Đại hội, theo phong tục, một buổi lễ đâm trâu được tổ chức; đại diện của xã Đhrêi đã cùng đại biểu các làng uống chén rượu, thề từ đây xóa bỏ hận thù giữa các dân tộc, các làng; đồng bào Cơtu từ đây một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ cùng xóa bỏ hận thù, một lòng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tích cực tham gia kháng chiến để đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
Song song với việc vận động xây dựng chính quyền, Đoàn cán bộ xây dựng vùng Hiên cũng hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng và kết nạp đảng viên mới trong đồng bào dân tộc Cơtu thuộc vùng Bến Hiên, trong đó có địa bàn xã Hiên Đươm
Tháng 10 năm 1949, theo chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy Đại Lộc quyết định thành lập một Chi bộ ở vùng Bến Hiên, lấy tên là Hùng Sơn, mang ý nghĩa của một chi bộ Đảng hoạt động ở vùng núi non hùng vĩ, giữa lòng đồng bào các dân tộc thiểu số . Chi bộ Hùng Sơn gồm 7 đồng chí, gồm những đảng viên tham gia trong Đoàn cán bộ xây dựng vùng Bến Hiên, do đồng chí Trần Thiệt làm Bí thư, đồng chí Lê Như làm Phó Bí thư. Ngay sau khi thành lập, Chi bộ Hùng Sơn đẩy mạnh công tác phát triển Đảng tại chỗ, nhằm xây dựng lớp đảng viên mới là người Cơtu, đi sâu vào quần chúng nhằm phát hiện những nhân tố tích cực để tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ về Đảng, qua đó lựa chọn và giới thiệu lên Huyện ủy Đại Lộc và Tỉnh ủy Quảng Nam kết nạp những đối tượng ưu tú vào Đảng. Tháng 4 tháng 1949, đồng chí Conh Nía (Alăng Nơới) ở làng Kèng, là người Cơtu đầu tiên của xã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng . Đến đầu năm 1950, tiếp tục có thêm 02 quần chúng ưu tú người Cơtu của xã BhaCoong được kết nạp Đảng là đồng chí Alăng Pấc (Tờng) ở thôn Sơn và đồng chí Hới ở thôn Bền.
Từ đây, phong trào cách mạng ở xã Jơ Ngây được củng cố. phát triển về mọi mặt. Chi bộ Hùng Sơn tập trung tuyên truyền, giác ngộ về Đảng, Điều lệ Đảng, mục đích đấu tranh của Đảng và nhiệm vụ của đảng viên. Chỉ trong thời gian ngắn, Chi bộ Hùng Sơn đã kết nạp đảng viên người Cơtu, như: ALăng Quang (Cónh Đhứ), ALăng Tháy (Cónh Thar), A Lăng Xvơơ (Cónh Vơi), ALăng Nước (Cónh Nía). Về sau, phát triển thêm các đồng chí Cónh Bhéc, Cónh Xong (ALăng Xá), Cónh Tòng, Cónh Mơới, Cónh Dâng, Cónh Rơơe, Cónh Ruôi, Cónh Hành, Cónh Ngôn và Cónh Đầm.
Tháng 1 năm 1950, thực hiện chủ trương của Huyện ủy và Ủy ban Kháng chiến huyện Đại Lộc, Chi bộ Hùng Sơn tổ chức Đại hội đoàn kết toàn vùng tại Cột Buồm, nhằm xóa bỏ hiềm khích, “nợ đầu” giữa đồng bào Lơtiah (Bến Hiên) và Rarô (Bến Giằng)
Sự phát triển đảng viên người Cơtu chứng tỏ Đảng đã bước đầu bám rễ vào trong đồng bào. Đây là lớp đảng viên người Cơtu đầu tiên ở huyện Hiên. Và, chính từ sự phát triên đó, vào tháng 2 năm 1950, tại làng Trging (Tu núc), hội nghị thành lập Chi bộ Hiên Đươm được tổ chức. Lúc mới thành lập, Chi bộ có 4 đảng viên người Cơtu và 1 đảng viên người Kinh là: Cónh Nho, Cónh Xáy, Cónh Ram, Cónh Xam và đồng chí Trương Hề. Đồng chí Trương Hề làm Bí thư và đồng chí Cónh Nho làm Phó Bí thư. Đây là Chi bộ tiền thân của Đảng bộ xã sau này.
Cũng trong tháng 2 năm 1950, cùng với Chi bộ Hiên Đươm, Chi bộ BhaCoong cũng được thành lập tại nhà Cónh Dâng ở làng Ngật dưới. Lúc mới thành lập, Chi bộ có 5 đảng viên, gồm: Cónh Dâng, Cónh Quang, Cónh Ngôn, Cónh Mai và đồng chí Hung. Đồng chí Cónh Dâng làm Bí thư, đồng chí Cónh Quang làm Phó Bí thư
Như vậy, đến tháng 2 năm 1950, ở Bến Hiên, ngoài Chi bộ Hùng Sơn, còn có thêm hai Chi bộ: Chi bộ xã Hiên Đươm và Chi bộ xã BhaCoong; là những Chi bộ thành lập sớm nhất, tạo cơ sở để thành lập Đảng bộ huyện Hiên sau này .
Với sự ra đời của các Chi bộ Đảng, phong trào cách mạng trong vùng đồng bào Cơtu xã nói riêng, vùng Bến Hiên nói chung đã có những bước phát triển mới. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, nhân dân bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, đồng thời hăng hái tham gia kháng chiến, đóng góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Sau khi thành lập huyện, để đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng căn cứ địa miền núi, đồng thời với việc thành lập huyện Bến Hiên, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập Đảng bộ huyện Bến Hiên. Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Bến Hiên họp vào ngày 7 tháng 10 năm 1950 tại thôn I, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tỉnh ủy chỉ định Uỷ viên Ban Chấp hành, gồm: 9 đồng chí, Ủy viên Ban Thường vụ gồm: 3 đồng chí, đồng chí Huỳnh Thiện được chỉ định làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Hữu Phán được chỉ định làm Phó Bí thư Huyện ủy đầu tiên Huyện ủy Đông Giang lúc bấy giờ .
Đồng chí Trương Hề - Bí thư Chi bộ xã Hiên Đươm được chỉ định tham gia Ban Chấp hành đầu tiên của Đảng bộ huyện.
Nhiệm vụ trọng tâm của Huyện ủy lúc này là: củng cố chính quyền thôn, xã; đoàn kết trong đồng bào Cơtu, giải quyết nạn “giặc mùa”; chăm lo sản xuất và lưu thông hàng hóa; xây dựng lực lượng vũ trang huyên, du kích xã và chăm lo công tác xây dựng Đảng.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử lớn, đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng của nhân dân trong huyện, tạo điều kiện cho việc chỉ đạo cuộc vận động cách mạng ở vùng Bến Hiên được tập trung, sâu sát, kịp thời hơn. Đảng bộ huyện được thành lập đã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở địa phương, đặc biệt là xây dựng huyện thành vùng căn cứ vững chắc, làm hậu cứ sản xuất, quốc phòng, đặt kho tàng, nơi trú quân, làm bàn đạp của chủ lực ta tiến công địch; là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của các phong trào cách mạng huyện nhà trong các giai đoạn lịch sử sau này.
Từ đây, Chi bộ xã luôn được Đảng bộ huyện Bến Hiên lãnh đạo, phong trào cách mạng đồng bào Cơtu trong xã được phát triển mạnh mẽ.
III. LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THAM GIA KHÁNG CHIẾN, GÓP PHẦN ĐƯA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP ĐẾN THẮNG LỢI (1950 - 1954)
1. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo khắc phục khó khăn, ổn định đời sống
Ngay sau khi thành lập, một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với Chi bộ và chính quyền cách mạng Hiên Đươm là lãnh đạo nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định đời sống kinh tế, xã hội và đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước sang giai đoạn quyết liệt nhất.
Đầu năm 1950, Liên Khu ủy V triển khai cuộc vận đồng “Chỉnh Đảng”. Đây là phong trào tiêu biểu của Đông Giang nói chung, xã Hiên Dươm nói riêng lúc bấy giờ. Theo chủ trương này, các đồng chí Huyện ủy viên đã được tập trung về huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định để dự lớp “Chỉnh Đảng”. Đối với các đồng chí cán bộ, lãnh đạo chủ chốt tham gia học tập tại xã và huyện. Chi bộ xã Hiên Đươm triển khai cuộc vận động này trong toàn Chi bộ
Qua “Chỉnh Đảng”, nhìn chung trình độ lý luận chính trị của cán bộ chủ chốt từ xã đến huyện được nâng lên, đồng thời nâng cao nhận thức về đường lối cách mạng của Đảng, nhất là về giai cấp, về liên minh công nông, về sách lược của Đảng ở nông thôn, về đường lối kháng chiến, qua đó nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình, khắc phục những lệch lạc về tư tưởng ngại gian khổ, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, sai trái với lập trường quan điểm của giai cấp công nhân .
Tháng 8 năm 1950, Chi bộ Hùng Sơn tổ chức Hội trại Tháng Tám tại Làng Tu Núc, xã Cramlo (Hiên Đươm) chào mừng 5 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9 nhằm phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, nâng cao uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền đoàn kết Kinh - Cơtu, chuẩn bị thành lập Huyện. Lớp đảng viên đầu tiên của vùng Bến Hiên tham dự. Đây là sự kiện tuyên truyền quan trọng, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và thể hiện vai trò lãnh đạo quần chúng của lớp đảng viên đầu tiên của vùng Bến Hiên.
Tháng 9 năm 1950, Huyện uỷ phát động phong trào “Rèn cán, chỉnh quân” và mở các lớp bồi dưỡng lý luận ngắn hạn cho đảng viên với nội dung: Đảng tính, giai cấp tính, quan điểm quần chúng, tinh thần quốc tế vô sản. Thực hiện hướng dẫn của Huyện ủy, Chi bộ xã triển khai tổ chức học tập nội dung: Cần kiệm, liêm chính, sửa đổi lề lối làm việc, lãnh đạo kiểm tra… để nâng cao trách nhiệm cho mỗi cấp ủy viên và đảng viên trong việc xây dựng “Chi bộ tự động công tác”. Chi bộ đặc biệt nhấn mạnh đến vị trí vai trò của cán bộ, đảng viên người Kinh phụ trách cơ sở, xem đó là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh các mặt hoạt động, đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng thấm nhuần trong đồng bào dân tộc Cơtu.
Ngày 1 tháng 10 năm 1950, Đại hội thành lập huyện Hiên chính thức được tổ chức tại thôn 1, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. Đồng chí Quách Xân- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Kiều- Bí thư Huyện ủy Đai Lộc tham dự. Đai hội bầu ra Ủy ban Kháng chiến- Hành chính huyện gồm 7 đồng chí là: Trần Thượng Cao, Cónh Quang, Cónh Càng, Cónh Nhung, Cónh Bhéc và Cónh Bhrưnh.
Để sâu sát, lãnh đạo nhân dân, tháng 1 năm 1951, các cơ quan Huyện ủy, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính huyện chuyển lên Cột Buồm (trước đây là thôn Tu Núc, xã Hiên Đươm; nay thuộc về xã Kà Dăng, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).
Sau hai tháng chuyển lên, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, tháng 3 năm 1951, Đại hội Đảng bộ huyện Hiên lần thứ Nhất được tổ chức tại Cột Bườm, với hơn 40 đảng viên tham dự. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí, Ban Thường vụ 03 đồng chí. Đồng chí Huỳnh Thiện Bí thư lâm thời tiếp tục được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Đồng chí Trương Hề- Bí thư Chi bộ Hiên Đươm được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa I.
Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Bến Hiên, cuối tháng 3 năm 1951, Chi bộ Hiên Đươm tiến hành hội nghị sát nhập Chi bộ BhaCoong; đưa tổng số đảng viên trong Chi bộ lên 10 đồng chí, gồm các đồng chí: Pấc (Tờng), Hới, Chơrơ, Tri, Quang, Dâng, Ngôn, Mai, Đầm, Hùng . Đồng chí Alăng Pấc (Tờng) làm Bí thư Chi bộ.
Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hiên lần thứ I, với các nhiệm vụ trọng tâm là: Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và sự nghiệp, công lao của Bác Hồ, giải quyết kịp thời tình trạng mất đoàn kết giữa các làng; tăng cường củng cố chính quyền cơ sở. Đẩy mạnh xây dựng và kiện toàn tổ chức lực lượng vũ trang. Nâng số lượng bộ đội địa phương tập trung lên một trung đội; động viên nhân dân tham gia dân quân, rào làng, trước hết là bảo vệ hoa màu, chống “giặc mùa” và sẵn sàng chiến đấu khi giặc Pháp càn quét. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tổ chức giao ước thi đua giữa các thôn, đồng thời làm thử giống lúa Ba trăng. Xây dựng phong trào giáo dục, bình dân học vụ, xây dựng làng “ba sạch”, làng kiểu mẫu, tuyên truyền xóa bỏ các tập tục có hại đến sản xuất và đoàn kết. Tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy, xây dựng tổ chức cơ sở; tích cực đưa cán bộ về bám cơ sở; chú ý xây dựng và phát triển đảng viên người địa phương .
Quán triệt Nghị quyết của Huyện ủy, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế của xã, Hội nghị Chi bộ xã đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương thời gian tới, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Củng cố chính quyền thôn, xã; tổ chức đại hội đoàn kết nhằm giải quyết nạn chia rẽ dân tộc và hạn chế nạn “giặc mùa”; tổ chức giao lưu hàng hóa, tiếp tế và tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là tiếp tế các mặt hàng thiết yếu như muối, vải, rựa cho nhân dân; động viên và hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh sản xuất để bảo đảm lương thực tại chỗ; tổ chức lực lượng du kích xã để giữ gìn an ninh, trật tự và để huy động dân công phục vụ chiến trường; đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển đảng viên.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hiên và Nghị quyết Hội nghị sát nhập Chi bộ BhaCoong vào Chi bộ Hiên Đươm đã mang lại khí thế phấn khởi trong đồng bào Cơtu toàn xã, động viên nhân dân hăng hái tham gia các hoạt động thiết thực, góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi. Nhân dân trong xã tích cực tham gia các phong trào, như: phong trào đoàn kết, xóa bỏ những tập tục có hại cho sản xuất, đời sống; phong trào tăng gia sản xuất, ủng hộ cách mạng, giúp đỡ cán bộ, bộ đội người Kinh lên hoạt động, công tác ở miền núi; cung cấp lương thực, thực phẩm, giúp che giấu và chỉ đường cho cán bộ khi có địch vào làng.
Cuối năm 1950, Huyện ủy và Ủy ban Kháng chiến- Hành chính huyện Bến Hiên quyết định thành lập tổ chức kinh tế Kinh - Cơtu, do đồng chí Nguyễn Vũ phụ trách. Nhiệm vụ của tổ chức này là:
- Tiếp tế nông cụ, muối, vải và các mặt hành thiết yếu khác cho nhân dân.
- Tiêu thụ các mặt hàng lâm thổ sản của địa phương.
- Hướng dẫn đồng bào tăng gia sản xuất, giúp đỡ đồng bào nghèo, nhất là giúp nông cụ.
Đây là hình thức sáng tạo của Huyện ủy huyện Bến Hiên. Từ đây, dưới sự chỉ đạo của tổ chức kinh tế Kinh - Cơtu, Chi bộ lãnh đạo đồng bào Cơtu xã tăng gia sản xuất nhằm ổn định đời sống.
Tháng 10 năm 1953, chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 chuẩn bị mở màn. Cả miền Trung chuẩn bị thế trận bước vào cuộc quyết chiến cuối cùng. Khu ủy V quyết định tách 4 huyện miền núi (Trà My, Phước Sơn, Giằng và Hiên) khỏi Tỉnh ủy Quảng Nam để trực thuộc Ban cán sự miền Tây Quảng Nam. Phong trào cách mạng do Chi bộ xã nói riêng, cả huyện Bến Hiên nói chung lãnh đạo được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự miền Tây Quảng Nam.
Chi bộ lãnh đạo xây dựng đời sống mới
Trong một thời gian dài thống trị đất nước ta, thực dân Pháp và tay sai đã thi hành chính sách “chia để trị” nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, lập gum, tề và lôi kéo đồng bào chạy theo chúng. Dưới ách thống trị của chính quyền thực dân, các hủ tục “Đầu tôi”, “Trả đầu”, “Giặc mùa” có cơ hội sống dậy, kìm hãm sự phát triển của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam nói chung, xã Đhrêi nói riêng. Do đó, việc thực hiện xóa bỏ hận thù giữa các dân tộc, tiến tới xóa bỏ tục “Đầu tôi”, “Trả đầu” và nạn “Giặc mùa” đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ Hiên Đươm. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Chi bộ đã tập trung lãnh đạo nhằm triển khai thực hiện xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ những tập quán có hại cho sản xuất và đời sống nhân dân cũng như không có lợi cho cuộc kháng chiến, như các tục kiêng cữ khi trong làng có người chết, tệ cúng bái khi ốm đau, gả con gái chưa đến tuổi trưởng thành để lấy của hoặc trả của cải vay...
Cùng với cuộc vận động xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, phong trào ăn, ở theo nếp sống mới theo chỉ đạo của Đảng được nhân dân hưởng ứng tích cực. Phong trào xây dựng làng “ba sạch”, phong trào “đau uống thuốc”, “ăn cơm bằng chén đũa” … được phát động và lan rộng. Đặc biệt, cuộc vận động cắt tóc ngắn và mặc trang phục theo lối người Kinh được đồng bào hưởng ứng. Trước đây, đồng bào Cơtu của xã phổ biến các kiểu trang phục truyền thống, trong đó nam giới thường đóng khố, ở trần hoặc khoác tấm choàng, để tóc dài, xâu tai, cưa răng. Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là giai đoạn từ năm 1950, đồng bào tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kháng chiến, như du kích, dân công vận tải nên việc mặc các loại trang phục truyền thống nêu trên gây ra những bất tiện, do đó đồng bào chuyển sang mặc trang phục như đồng bào Kinh.
Trước năm 1950, đồng bào Cơtu nói chung và đồng bào Hiên Đươm nói riêng hầu chưa biết đến cái chữ. Phải đến cuối năm 1951 đầu năm 1952, sau khi một số đồng bào Cơtu ở các làng giáp ranh với làng người Kinh tại thôn Tr’ghinh (trước đây thuộc xã Hiên Đươm, nay là thôn Tu Núc, xã Ka Dăng) bắt đầu tìm hiểu và học chữ phổ thông; đồng thời Tỉnh ủy Quảng Nam điều động một số giáo viên lên công tác tại địa bàn huyện thì cuộc vận động dạy và học văn hóa ở Bến Hiên và xã Hiên Đươm bắt đầu được mở ra. Ở xã Hiên Đươm, theo chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy, lớp học văn hóa được tổ chức và đặt tại thôn Bền. Trong điều kiện còn khó khăn buổi đầu, lớp học chỉ tổ chức giảng dạy cho một số lượng hạn chế, với khoảng 15 học sinh được tuyển chọn từ các thôn. Trường ở xã tổ chức dạy cả ban ngày lẫn ban đêm. Lớp ban ngày dạy theo hệ phổ thông, lớp ban đêm dạy theo chương trình xóa nạn mù chữ .
Việc tổ chức dạy chữ đã dần xóa bỏ được quan niệm cho rằng “cái chữ là của Giàng, chỉ giành cho (con) Kinh”. Các cuộc vận động nói trên đã chứng tỏ sự đúng đắn của đường lối của Đảng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tiếp nhận và tích cực làm theo. Phong trào dạy học góp phần đưa công tác văn hóa phát triển lên một bước mới.
Chi bộ xã lãnh đạo giải quyết nạn đói, đau, lạt muối,..,của đồng bào Cơtu trong xã
Trước đây, do tập quán canh tác du canh du cư cùng nhiều nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng đói, đau, lạt muối thường xuyên xảy ra với đồng bào Cơtu xã Hiên Đươm. Từ sau năm 1950, được sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ, nạn đói, đau và lạt muối dần được đẩy lùi. Tuy nhiên, bước sang năm 1953, vùng núi Quảng Nam, trong đó có địa bàn xã xảy ra nạn đói, đau trầm trọng. Nguyên nhân là do liên tiếp trong hai năm 1952 và 1953 hạn hán, mất mùa liên tiếp xảy ra, mùa bắp tháng 3 năm 1954 cũng bị mất trắng; cộng vào đó là thói quen sử dụng lương thực không có kế hoạch nên nạn đói có phần trầm trọng hơn các năm trước. Xã Hiên Đươm cùng với các xã Za Hung, A Roong, Ma Cooih... bị đói nặng nhất . Đi cùng với nạn đói là nạn đau, phổ biến là các bệnh sốt rét kinh niên và bệnh ghẻ cóc, sâu quảng... . Hầu như tất cả nhân dân trên địa bàn huyện Bến Hiên đều bị lạt muối.
Trước tình hình trên, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện Bến Hiên về việc động viên toàn lực lượng tập trung vào cuộc vận động cứu đói, cứu đau và cứu lạt, Chi bộ xã đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, trong đó chú trọng trồng các loại lúa rẫy như ba trăng, nhe mùa và các loại ngô, sắn, đồng thời thực hiện vần công, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Việc thực hiện nhiệm vụ cứu đói, cứu đau và cứu lạt được coi như một nhiệm vụ chính trị lớn, cấp bách mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm thực hiện.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt và sự hỗ trợ kịp thời của Khu ủy, Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam , Huyện ủy, sự lãnh đạo sâu sát của cấp ủy, tình trạng thiếu ăn, lạt muối đã cơ bản được giải quyết. Chi bộ xã vận động nhân dân phát rẫy làm nương trồng lúa, trồng bắp và trồng sắn, đồng thời phát huy tinh thần tương trợ, làng đủ ăn giúp làng thiếu ăn, làng thiếu ăn ít giúp làng thiếu ăn nhiều … Với sự hỗ trợ của huyện, mỗi người được cấp từ 1 - 3 kg muối, tùy mức độ lạt nặng hay nhẹ thông qua bình nghị. Sau khi bình nghị xong, xã cử người xuống Cột Buồm nhận muối về phân phối cho bà con. Nhờ đó, tình trạng lạt muối kéo dài triền miên trong đồng bào Cơtu xã đã chấm dứt.
Nạn đau được giải quyết bằng việc vận động nhân dân dùng thuốc Nam chữa bệnh. Cán bộ do Huyện ủy cử về đã đến tận các làng để phát thuốc và chữa bệnh. Mỗi cán bộ, đảng viên bấy giờ đi đâu cũng mang theo một ít thuốc và các bài thuốc Nam để sẵn sàng chữa trị cho nhân dân.
Bên cạnh đó, đứng trước đời sống người dân còn rất lạc hậu, chủ yếu dựa trên các phong tục, tập quán dẫn đến bệnh tật xảy ra thường xuyên, trong khi đó điều kiện chăm sóc sức khỏe như thuốc men chưa được đảm bảo, nhận thấy tình hình trên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân, từ đầu năm 1952, Đảng bộ huyện Bến Hiên phát động phong trào xây dựng “Làng 3 sạch”, “Đau uống thuốc”, “ăn cơm bằng chén đĩa”. Từ đó, Chi bộ xã đẩy mạnh phong trào, được nhân dân hưởng ứng tích cực, các phong trào tiếp tục được nhân rộng ra các làng. Đặc biệt, cuộc vận động cắt tóc ngắn ở vùng cao đã thành công. Cán bộ mỗi đợt xuống cơ sở đều mang theo dao kéo và lược để cắt tóc giúp dân
Cuộc vận động cứu đói, cứu đau, ăn ở sạch sẻ, cứu lạt muối,… đã đem lại tác dụng chính trị rất lớn, không những có tác dụng giải quyết được yêu cầu cấp thiết của nhân dân, mà còn tăng cường hơn nữa lòng tin của đồng bào vào Đảng, vào Bác Hồ, tạo thuận lợi cho các cuộc vận động cách mạng về lâu dài.
Đến cuối năm 1952, cuộc vận động đoàn kết dân tộc ở xã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, do điều kiện đề tự nhiên khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến đi lại, nên việc tuyên truyền không thường xuyên, nên đây đó vẫn còn tình trạng phân biệt Kinh - Cơtu. Nhận thức được tình hình, Chi bộ xã đã kịp thời chấn chỉnh, không để xảy ra tình trạng đáng tiếc nào. Từ đó, phong trào tiếp tục phát triển, tạo điều kiện chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi vào kết thúc.
Đặc biệt, Huyện ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chính huyện phát động phong trào ăn, ở theo nếp sống mới. Phong trao mở từ năm 1952 đến năm 1953, đã thu nhiều kết quả quan trọng.
Tính đến tháng 7 năm 1954, phong trào tăng gia sản xuất phát triển mạnh mẽ. Đồng bào Cơtu trong xã Hiên Đươm đã biết làm ruộng lúa nước bằng giống lúa Ba Trăng, lập Tổ sản xuất với sự tham gia của nhiều hội viên, giúp nhau sản xuất.
2. Lãnh đạo nhân dân tham gia bảo vệ căn cứ địa và đóng góp cho kháng chiến chống thực dân Pháp
Ngay từ năm 1947, sau khi thực dân pháp đánh chiếm các huyện phía bắc sông Thu Bồn, một yêu cầu đặt ra là phải tổ chức các đường dây liên lạc, nối tỉnh Quảng Nam với các địa phương khác trong cả nước và với Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc.
Trước yêu cầu trên, từ đầu năm 1948, đường dây liên lạc giữa Quảng Nam với tỉnh Thừa Thiên được nối thông tại Dốc Bút, thuộc xã Đhrêi. Từ Dốc Bút ở phía bắc, đường dây liên lạc Bắc – Nam qua tỉnh Quảng Nam được nối với trạm Bến Hiên và kéo dài đến Dốc Sỏi, giáp tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, đoạn Dốc Bút – Bến Hiên được coi là hiểm trở nhất trên con đường giao liên Bắc – Nam, dốc cao đi cả ngày trời mới qua hết. Dưới chân núi trời nắng, nhưng lên đến đỉnh núi lại mưa, mây phủ nhiều ngày trong năm. Đó là chưa kể những khó khăn, hiểm nguy do thú dữ và điều kiện sinh hoạt mà mỗi cán bộ đường dây phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Góp phần đảm bảo an toàn cho các trạm và đường dây giao liên, đồng bào Cơtu xã Hiên Đươm đã giúp đỡ, che chở, giữ bí mật và cung cấp lương thực thực phẩm cho cán bộ, nhân viên trạm. Một thời gian sau, do trạm đầu mối phía tỉnh Thừa Thiên chuyển lên Axơờ, trạm Dốc Bút được xóa bỏ và chuyển lên Atép thuộc huyện Tây Giang ngày nay .
Để đảm bảo an toàn cho tuyến giao liên Bắc – Nam cũng như vùng căn cứ địa của cuộc kháng chiến, thực hiện chủ trương của Huyện ủy và được sự giúp đỡ của Huyện đội, lực lượng dân quân của xã được xây dựng và thường xuyên tham gia huấn luyện nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ các cấp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Bến Hiên, Chi bộ xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó tập trung chỉ đạo công tác củng cố hầm hào, công sự chiến đấu, đề phòng địch càn quét, đánh phá; phát động phong trào phòng gian, bảo mật; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, huy động nhân lực tham gia mở tuyến hành lang lên Tây Nguyên.
Bước sang năm 1953, trên chiến trường Đông Dương, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động, đối phó; âm mưu giành thế chủ động trên chiến trường không những không thực hiện được mà còn liên tiếp nhận những thất bại trên các mặt trận Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào; tinh thần chiến đấu của quân đội viễn chinh Pháp ngày càng sa sút nghiêm trọng; chi phí cho cuộc chiến tranh Đông Dương đã trở thành gánh nặng đối với nước Pháp. Trong khi đó, phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương lan rộng sang cả nước Pháp và nhiều nước Bắc Phi.
Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp vẫn chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhằm tạo ra một thế mạnh về quân sự, làm áp lực cho cuộc đàm phán. Để duy trì cuộc chiến, Pháp buộc phải dựa vào Mỹ. Tháng 5 năm 1953, với sự đồng ý của Mỹ, Pháp cử tướng Nava, Tổng Tham mưu trưởng khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Với tham vọng sớm kết thúc cuộc chiến tranh, Nava đã vạch ra kế hoạch quân sự gồm 2 bước, hy vọng giành thắng lợi trong vòng 18 tháng để buộc ta phải đàm phán theo những điều khoản có lợi cho chúng. Thực hiện kế hoạch Nava, từ tháng 5 cho đến cuối năm 1953, quân Pháp mở hàng loạt cuộc tấn công vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hóa và vùng tự do Liên khu 5 thuộc 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi. Âm mưu của chúng là nhằm tiêu diệt chủ lực và phá kế hoạch Đông – Xuân của ta.
Trước những âm mưu và thủ đoạn mới của địch, tháng 9 năm 1953 tại căn cứ địa Việt Bắc, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông – Xuân (1953 – 1954). Hội nghị khẳng định, mặc dù kế hoạch Nava có gây cho ta những khó khăn nhất định nhưng bản thân nó chứa đựng nhiều mâu thuẫn và nhược điểm lớn. Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình địch – ta trên chiến trường Đông Dương, Bộ Chính trị đề ra chủ trương chiến lược trong Đông – Xuân 1953 – 1954 là: Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ, do phải phân tán binh lực mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực của chúng. Phương châm tác chiến là “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt; đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”. Đồng thời, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Đông – Xuân 1953 – 1954 nhằm tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng Tây Bắc; phối hợp với quân đội cách mạng Lào giải phóng Phông xa lì, tiến xuống Trung, Hạ Lào và đông bắc Campuchia; tiến công và giành lấy địa bàn Tây Nguyên; phá âm mưu bình định miền Nam của địch.
Để lãnh đạo nhân dân kháng chiến, tháng 3 năm 1953, Đảng bộ huyện Hiên tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ II tại Cột Buồm. Trên cơ sở phân tích tình hình và căn cứ Nghị quyết xây dựng miền núi của Tỉnh ủy Quảng Nam, Đại hội quyết nghị tập trung lãnh đạo nhân dân vạch trần âm mưu, thủ đoạn của địch; giáo dục đoàn kết Kinh - Cơtu, xóa bỏ nạn “giặc mùa”; tăng gia sản xuất, phong chống đói; phục vụ kháng chiến, nhất là hành lang Quảng Nam - Thừa Thiên. Đại hội bầu 9 đồng chí vào Ban Chấp hành, đồng chí Huỳnh Thiện được bầu lại làm Bí thư Huyện ủy.
Sau Đại hội, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ xã tiến hành vận động nhân dân tham gia xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tăng gia sản xuất và tham gia kháng chiến.
Đóng góp vào thắng lợi chung của các lực lượng vũ trang ta trong các chiến dịch Hạ Lào và Bắc Tây Nguyên, chỉ riêng các tháng cuối năm 1953 và đầu năm 1954, nhân dân xã đã tham gia hàng trăm ngày công vận chuyển lương thực, vũ khí.
Tháng 4 năm 1954, trước tình hình “giặc mùa” nổi lên trên khắp địa bàn, trong đó có vụ một nhân viên bưu điện ở dốc Bút thuộc xã bị giết hại, Huyện ủy Bến Hiên tổ chức Đại hội đoàn kết toàn huyện tại làng Tơuôih (nay thuộc xã Ka Dăng). Hơn 500 đại biểu các làng, xã trong huyện về dự Đại hội. Đoàn đại biểu của xã, cùng đại diện các thôn trong xã cũng về tham dự.
Đại hội ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân cho cuộc kháng chiến; nhờ đó, phong trào cách mạng trong huyện từng bước được xây dựng và không ngừng lớn mạnh, thể hiện được lòng dân đối với cách mạng, với Đảng và Bác Hồ. Đại hội đi sâu phân tích các biện pháp nhằm chấm dứt nạn “giặc mùa” và nhận định: nạn “giặc mùa” ngày một trầm trọng khiến cho nhân dân giữa các làng, các vùng, giữa địa phương này và địa phương khác thù hiềm, xa cách, nghi kỵ lẫn nhau, gây không khí lo sợ, căng thẳng trong nhân dân; quần chúng không yên tâm sản xuất và phục vụ kháng chiến. Vì vậy, Đại hội đi đến nhất trí tổ chức lễ ăn thề đoàn kết, quyết tâm xóa bỏ “giặc mùa”, nghe theo lời Đảng, lời Bác Hồ kính yêu, tích cực tham gia kháng chiến.
Đại hội đoàn kết Tơuôih thành công rực rỡ. Từ Đại hội đoàn kết lịch sử này, nạn “giặc mùa” ở Bến Hiên căn bản được chấm dứt.
Sau Đại hội, theo chủ trương của Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam và Đảng bộ huyện Bến Hiên, Chi bộ Hiên Đươm phát động phong trào và tổ chức Lễ rước ảnh Bác Hồ đến từng thôn. Ảnh Bác được đưa về xã, nhân dân từng thôn lên đón ảnh về đặt giữa nhà làng, mỗi thôn đều có một ảnh Bác.
Qua việc tuyên truyền và qua các buổi lễ rước ảnh Bác Hồ, đồng bào càng hiểu thêm về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nguyện một lòng theo Bác đánh đuổi giặc Pháp; phong trào quần chúng nhờ đó càng phát triển cao hơn, sâu sắc hơn. Từ đó, phong trào đẩy mạnh công tác phát triển văn hóa, tăng gia sản xuất, xây dựng Tổ sản xuất,…phát triển mạnh.
Cũng trong thời gian này, trên chiến trường chính Tây Bắc, từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau 56 ngày đêm bao vây tấn công, ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên. Thắng lợi này đã buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương vào ngày 21 tháng 7 năm 1954; cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, kéo dài 9 năm của nhân dân ta kết thúc.
Tuy nhiên, theo Hiệp định, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Huyện Bến Hiên nói chung, xã Đhrêi nói riêng thuộc vùng do đối phương tạm thời quản lý và ta phải hoàn thành chuyển quân tập kết trong vòng 30 ngày.
Lúc này, thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự miền Tây Quảng Nam và Huyện ủy Hiên, Chi bộ xã Đhrêi tổ chức thông tin chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng trên các chiến trường và truyền đạt tinh thần Giơnevơ cho toàn cán bộ, nhân dân toàn xã. Đồng bào Cơtu xã vui mừng và thực hiện chủ trương của Đảng trong xây dựng lại sản xuất và đời sống.
*
* *
Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) là giai đoạn cách mạng đầy sinh động của nhân dân xã Hiên Đươm. Có thể nói đây là giai đoạn khởi đầu cho phong trào cách mạng của đồng bào Cơtu đến với Đảng, Bác Hồ. Chính nhờ phong trào cách mạng của nhân dân, mà xã Hiên Đươm là địa phương sớm thành lập Chi bộ Đảng và chính quyền cách mạng.
Trải qua 9 năm theo Đảng, kháng chiến chống thực dân Pháp, được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện Đại Lộc (giai đoạn chưa thành lập Đảng bộ huyện Hiên) và Đảng bộ huyện Hiên, Chi bộ xã Hiên Đươm đã vượt qua bao khó khăn, bao ràng buộc của phong tục tập quán,…lãnh đạo nhân dân ổn định cuộc sống, tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống mới và đóng góp cho kháng chiến. Nhiều phong trào diễn ra sôi nổi, thu nhiều kết quả, biết sản xuất lúa nước. Đởi sống nhân dân được cải thiện, không xảy ra tình trạng đói, các hủ tục lạc hậu cơ bản được đẩy lìu. Tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên từng bước trưởng thành; luôn sâu sát với nhân dân, “Cơtu hóa”, có vai trò quan trọng trong phong trào cách mạng; là người dẫn đắt đồng bào đến với Cách mạng, Đảng, Bác Hồ.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đã có 50 thanh niên xã Đhrêi là người Cơtu thoát ly và gia nhập bộ đội, du kích. Quân và dân Hiên Đươm đã đánh và phối hợp đánh 75 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu trên 100 tên địch, bắt sống 4 tên, thu 6 khẩu súng các loại. Đồng bào Cơtu còn góp công chở che, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội; góp 5.000 ngày công phục vụ chiến đấu và chiến trường. Với những thành tích đạt được trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Đảng bộ và nhân dân Đhrêi được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương các loại .
Kinh nghiệm lãnh đạo và những thử thách qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp là cơ sở, nền tảng vững chắc để Đảng bộ lãnh đạo nhân dân xã bước vào cuộc chiến đấu lâu dài hơn, ác liệt hơn trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới.