Mode:         
Chào mừng các bạn đến với cổng thông tin điện tử Huyện Phước Sơn!
45 NĂM CHIẾN THẮNG KHÂM ĐỨC - NGOKTAVAT (Trên quê hương Khâm Đức-Phước Sơn hôm nay)
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 13/05/2013 .Lượt xem: 2628 lượt.

Trên quê hương Khâm Đức-Phước Sơn hôm nay

 

Khâm Đức - Phước Sơn nằm về phía Tây Nam TP. Tam Kỳ - tỉnh lỵ Quảng Nam và giáp với Kom Tum vùng đất Tây Nguyên nắng gió, có đường Hồ Chí Minh đi qua. 45 năm sau chiến thắng Khâm Đức - Ngoktavat, những người con đồng bào Bhơnoong, Cadong, Giẻtriêng, Cơtu... cùng với người Kinh ở Phước Sơn đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương bừng lên bao sức sống nơi miền Tây xứ Quảng.


 

Chiến trường xưa đã đổi thay

Theo đường Hồ Chí Minh đến thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn - Quảng Nam), sẽ thấy Tượng đài Chiến thắng Khâm Đức, nơi tưởng nhớ đến những người con ưu tú đã ngã xuống trong chiến dịch giải phóng Khâm Đức - Phước Sơn cách đây 45 năm trước. Tượng đài nằm trên quả đồi mật danh đồi D, bên đường Hồ Chí Minh, nơi cửa ngõ vào trung tâm huyện lỵ Phước Sơn hôm nay. Từ Nghĩa trang Liệt sỹ Phước Sơn nhìn sang, tượng đài lung linh in bóng mặt hồ quanh năm xanh biếc.


Lần đầu tiên theo các bác là đồng đội của người thân trong gia đình đến Khâm Đức - Phước Sơn, Nguyễn Thị Tứ (quê ở Bắc Giang) có những đêm bồn chồn không  ngủ vì rất mong tìm được hài cốt của người bác ruột hi sinh tại chiến trường Khâm Đức năm xưa. Đó là liệt sỹ Nguyễn Văn Ứng, một trong 16 chiến sỹ đặc công Tiểu đoàn 404, đã nằm lại đâu đó bên sân bay Khâm Đức sau trận tập kích vào đây rạng sáng ngày 5-8-1970. Sơ đồ nơi chôn 16 lính “đặc công Bắc Việt” đã được một cựu binh Mỹ cung cấp, nhưng khi đối chiếu với thực địa hiện nay thì rất khó xác định. Tuy nhiên, đến Khâm Đức nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến dịch giải phóng Phước Sơn, Tứ và đồng đội người bác ruột của em cũng được an ủi rất nhiều. Nguyễn Thị Tứ tâm sự: “Là thế hệ trẻ, lại là người sinh ra ở miền Bắc, nhưng em rất vinh dự được theo các bác về thăm lại chiến trường xưa, được nghe nhiều câu chuyện kể về trận đánh Ngoktavat, sân bay Khâm Đức cách đây 45 năm. Em càng thấy tự hào gia đình mình có người bác đã từng sống, chiến đấu anh dũng như thế nào trên mảnh đất Khâm Đức - Phước Sơn”.

Về thăm chiến trường xưa Khâm Đức - Ngoktavat, đại tá Trần Như Tiếp - nguyên Trưởng Ban tác chiến Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) cùng các đồng đội từng vào sinh ra tử trên chiến trường Khâm Đức - Phước Sơn, đã không khỏi bồi hồi xúc động. Thời gian trôi qua đã 45 năm, sân bay Khâm Đức vẫn còn đó, điểm cao Ngoktavat vẫn còn đây với những vết đạn bom, giao thông hào hằn sâu trên đất. Ông Tiếp bồi hồi nhớ lại, thời điểm triển khai chiến dịch, ta dự kiến tiêu diệt cụm cứ điểm Khâm Đức - Ngoktavat trong vòng 3 tháng. Để huy động cho chiến dịch, ta cũng đã huy động sức người, sức của rất lớn của đồng bào các dân tộc ở khắp núi rừng Phước Sơn tham gia. Cuộc sống còn rất khó khăn nhưng bà con chở che nuôi giấu bộ đội, tham gia lực lượng dân công tải lương thực, vũ khí và tải thương khi chiến dịch đang diễn ra ác liệt. “Hôm nay chúng tôi trở lại Khâm Đức, thấy một phố núi với những con đường rộng mở, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, bệnh viện, trường học rất khang trang... Xã Phước Mỹ, vùng đất có cứ điểm Ngoktavat năm xưa cũng đổi thay ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi” - đại tá Tiếp nói.   

Phố núi Khâm Đức - Phước Sơn hôm nay

Ngày 21-3-1986, TT. Khâm Đức, H. Phước Sơn được thành lập. Hơn 27 năm xây dựng và phát triển, Khâm Đức hôm nay đã có bước chuyển mình khá toàn diện, xứng tầm là trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa xã hội của huyện mền núi cao này. Ông Lê Đình Hương - Bí thư Đảng ủy thị trấn Khâm Đức cho biết, dân số toàn thị trấn hiện có trên 6.000 người, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 10 đến 11%. Trong đó, TM-DV-TTCN là một trong những ngành chủ lực đóng góp cho ngân sách địa phương hàng tỷ đồng mỗi năm. Trên địa bàn thị trấn đã có hơn 400 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi, hơn 150 nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ sẳn sàng đón khách. Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách thuận lợi với hơn 200 đầu xe các loại, lưu thông thường xuyên theo yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, VH-XH của thị trấn đạt những kết quả quan trọng với 4/5 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% học sinh trong độ tuổi ra lớp. Là địa phương giữ vững kết quả hoàn thành phổ cập THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi sớm nhất huyện Phước Sơn. “Ngoài việc tập trung nổ lực phát triển KT-XH, Đảng bộ thị trấn Khâm Đức chú trọng củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tạo sự đồng thuận trong đảng và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Từ mộtt địa phương nghèo, heo hút, kinh tế chậm phát triển, Khâm Đức ngày nay đang trở thành một đô thị sầm uất nhất miền núi Quảng Nam” - ông Lê Đình Hương tự hào.


Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phước Sơn không khỏi tự hào khi huyện nhà vươn lên đứng trong tốp 5 huyện, thành phố thu ngân sách cao của tỉnh và tự cân đối ngân sách. Trong năm 2012, Phước Sơn thu đạt 255,8 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần năm 2008; năm 2013 phấn đấu đạt 525,4 tỷ đồng. Từ nguồn thu phát sinh khá lớn, ngân sách huyện đã chủ động bố trí chi đảm bảo được các nhu cầu hoạt động thường xuyên của huyện; ngoài ra ưu tiên dành một phần ngân sách để đầu tư phát triển, nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển KT-XH, đảm bảo giữ vững ANQP.


Ông Phạm Thế Quyền - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn “khoe”: Nhờ đầu tư đồng bộ và hiệu quả cao trong việc chọn cây-con phù hợp với điều kiện địa phương, nhất là trồng cây keo lai, cây cao su, cây bời lời đỏ, trồng và quản lý rừng nên giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp từ 42 tỷ đồng năm 2008 tăng lên 74 tỷ đồng vào cuối năm 2012, tăng bình quân 12%/năm. Lĩnh vực sản xuất CN và TTCN phát triển mạnh. Đặc biệt là công nghiệp điện và khai thác vàng. Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 nộp ngân sách nhà nước 130 tỷ đồng/năm; 13 DN khai thác vàng nộp ngân sách 330 tỷ đồng. Về cơ sở hạ tầng, đến nay có hơn 150 km đường liên xã đã được thảm nhựa hoặc cấp phối, đi lại thuận lợi đến được 100% các xã trong 4 mùa; 100% trường học, trạm y tế xã được kiên cố hóa; 95% thôn, cụm dân cư có công trình nước sinh hoạt, 93% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia... Phước Sơn có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, với nhiều di tích lịch sử như đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đường Đông Trường Sơn, chiến thắng Khâm Đức - Ngoktavat… cùng với các di tích lịch sử, các hoạt động lễ hội cồng chiêng, đâm trâu của người Bhnoong và các thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ và kỹ vĩ. “Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Phước Sơn đã và đang tạo dụng cho thế và lực tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH theo hướng toàn diện và bền vững, đưa Phước Sơn trở thành huyện vùng cao phát triển kinh tế năng động của tỉnh Quảng Nam trong tương lai” - ông Phạm Thế Quyền khẳng định.

Tháng 5 này đến Phước Sơn, nghe vang tiếng hát trên những bản làng. Hoa tươi khoe sắc trên rừng nắng vàng. Điệp trùng núi cao, đường về bản xa. Từng chuyến xe xuống lên xuôi ngược. Về với vùng cao Phước Sơn hôm nay, để thấy đổi thay trời đất cỏ cây. Xưa gian lao với bao tự hào. Nay chung tay xây dựng ngày mai. Vùng cao nơi ấy - Phước Sơn yêu thương gọi ta. Những câu hát của nhạc sỹ Hoàng Bích viết về Phước Sơn đã khái quát về những đổi thay trên quê hương Khâm Đức - Phước Sơn hôm nay.

                                                                     Bài và ảnh: Trịnh Ly Lan

[Trở về]
Các tin mới hơn:
45 NĂM CHIẾN THẮNG KHÂM ĐỨC - NGOKTAVAT Trận “Làng Vei thứ 2” kinh hoàng của Mỹ-ngụy
Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khâm Đức - Ngok TaVat
Hội thảo khoa học lần 2 về đề tài lịch sử LLVT
Các tin cũ hơn:
Phước Sơn là một huyện miền núi vùng cao
Phước Sơn tiềm năng phát triển du lịch đường Hồ Chí Minh
Thiên nhiên, Con người và truyền thống yêu nước
KỶ NIỆM 45 NĂM CHIẾN THẮNG KHÂM ĐỨC - NGOK-TA-VAT
Đánh Ngot ta vat đòn quyết định thúc vào mạng sườn căn cứ quân sự ở Phước Sơn của Mỹ


Thư viện hình ảnh

Đăng nhập

Tài khoản








QUẢNG CÁO