Ca nhạc

Chiến thắng Khâm Đức 12.5
Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 13/05/2011 .Lượt xem: 4498 lượt.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo Hiệp định, Việt Nam tạm thời chia thành hai iền Nam, Bắc, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết lực lượng.


I. TÌNH HÌNH CHUNG

          Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo Hiệp định, Việt Nam tạm thời chia thành hai miền Nam, Bắc, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết lực lượng. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; miền Nam tạm thời nằm dưới sự quản lý của Quốc gia Việt Nam, thực chất là nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Liên hiệp Pháp. Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định ngày 20 tháng 7 năm 1956, dưới sự kiểm soát của quốc tế, nhân dân hai miền Nam - Bắc sẽ tổ chức Tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước nhà. Song, do âm mưu và hành động can thiệp của Mỹ, làm cho tình hình nước ta diễn biến theo chiều hướng khác.

         

          1. Về địch: Với âm mưu thôn tính nước ta từ lâu, đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, ngày 07 tháng 7 năm 1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng của cái gọi là Chính phủ Quốc gia Việt Nam, Mỹ - Diệm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, dùng miền Nam làm bàn đạp tấn công quân sự miền Bắc, hòng ngăn chặn sự lớn mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam Việt Nam.

          Để đè bẹp tinh thần yêu nước của nhân dân ta, được sự giúp sức của đế quốc Mỹ, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm điên cuồng chống phá cách mạng, chúng mở các chiến dịch "tố công", "diệt cộng", kéo lê máy chém đi khắp miền Nam đàn áp cán bộ kháng chiến cũ. Với những khẩu hiệu cực kỳ phản động, như: "tố cộng là yêu nước, diệt cộng là an dân"; "giết lầm mười người còn hơn bỏ sót một tên cộng sản". Nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, tách cán bộ ra khỏi nhân dân, chúng thành lập Ủy ban tố cộng các cấp (từ Trung ương đến tỉnh, quận, khu, xã, thôn) và sử dụng những tên tay sai khét tiếng ác ôn để đàn áp nhân dân ta, đánh phá các cơ sở cách mạng, tiêu diệt cán bộ nằm vùng, đầu độc tư tưởng chống cộng, xây dựng bộ máy ngụy quân, ngụy quyền để kèm kẹp nhân dân ta.

         

          Ngày 02 tháng 02 năm 1955, ngụy quyền Sài Gòn chọn Quảng Nam - Đà Nẵng làm trọng điểm mở chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng". Ở vùng đồng bằng và đô thị, Diệm sử dụng bọn "ác ôn", "quốc dân đảng", "công dân vụ", cùng lính bảo an, cảnh sát hỗ trợ về từng thôn, xã, khu phố đánh phá, khủng bố, đàn áp hết sức dã man, thực hiện cái gọi là "quét sạch địa bàn", "tẩy não cộng sản". Chúng bắt hàng ngàn cán bộ kháng chiến cũ và quần chúng có quan hệ thân thích với những gia đình có con em tập kết ra Bắc hoặc đã tham gia kháng chiến và những người có tinh thần yêu nước, liên quan trong các tổ chức cách mạng vào các trại tập trung để "tố cộng". Bằng các thủ đoạn trên, nhiều cơ sở và đường dây liên lạc của ta bị chúng phá vỡ, hàng ngàn cán bộ, đảng viên bị chúng bắt tra tấn, tù đày, thủ tiêu, làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng lắng xuống. Đối với miền núi Quảng Nam, từ năm 1956 - 1959, chúng cho thành lập "Nha công tác miền Thượng", liên tục mở các chiến dịch "thượng du vận", tung các đoàn "công dân vụ", "bình định", lập bộ máy "ngụy tề" và dùng "thương lái" để theo dõi, tuyên truyền, xuyên tạc chính sách của Đảng ta, phủ nhận thành quả cách mạng Tháng Tám và Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Bắt dân ta ca ngợi cái gọi là "thế giới tự do", "chính nghĩa quốc gia", suy tôn "Ngô Tổng Thống", truyền bá "chủ nghĩa cần lao nhân vị"... Để lừa mị nhân dân, chúng tổ chức lễ "ăn yên" thúc ép đồng bào tham dự nhằm mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo quần chúng, đến thủ đoạn bao vây kinh tế, truy lùng cán bộ trụ bám trong dân làng để "tố cộng", khủng bố tinh thần yêu nước của nhân dân ta, gây chia rẽ đồng bào với Đảng, làm suy yếu khối đoàn kết dân tộc thống nhất. Để tăng cường sự kiểm soát lên miền núi, chúng cho thành lập nhiều đồn bót và khu quân sự từ Trà My, Khâm Đức, T.rao, Thành Mỹ...

          Ở Phước Sơn, địch cho thành lập bộ máy "ngụy tề" Miền Phước Sơn, đưa những tên tay sai, phản động vào nắm chính quyền, đổ quân xây dựng các đồn, bót ở Phước Gia, Phước Trà, Phước Hiệp, Khâm Đức; tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của cách mạng, nói xấu Đảng, Bác Hồ, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc trong vùng; tăng cường sự kiểm soát lên vùng cao, năm 1960 chính quyền Ngô Đình Diệm cho công binh và bắt đồng bào ta đi phu, mở đường 14, 16 phục vụ cho mục đích chiến tranh của chúng và thu hẹp vùng giải phóng của ta. Năm 1965, Mỹ - ngụy leo thang chiến tranh, áp dụng chiến lược "Chiến tranh cục bộ", ngày 07 tháng 5 năm 1965, chúng đổ 6.500 tên lính thủy đánh bộ Mỹ vào chiếm đóng hai xã Kỳ Liên và Kỳ Hà, huyện Nam Tam Kỳ. Sau đó, Mỹ - ngụy mở chiến dịch "tìm và diệt" vào vùng hậu cứ của ta, thành lập Chi khu quân sự quận Khâm Đức, biến nơi đây thành Cụm căn cứ quân sự liên hoàn (Khâm Đức - Ngok-Ta-Vat), có sây bay quân sự và Trung tâm Huấn luyện biệt kích; chúng bố trí ở đây nhiều đơn vị biệt kích (Hắc Hỗ, Long Hỗ), quân chủ lực và địa phương quân, có cả Cố vấn Mỹ. Từ đây địch liên tục mở các cuộc càn quét, vây ráp, đốt phá bản làng, sát hại đồng bào, cướp bóc tài sản; làm hoa tiêu, chỉ điểm để máy bay, pháo binh ném bom, bắn phá vùng giải phóng, cắt đứt hành lang chiến lược và sự chi viện của địa phương ra các chiến trường, gây biết bao tội ác với cách mạng và nhân dân. Vì vậy, Cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức - Ngok-Ta-Vat như một ung nhọt cần phải sớm được vứt bỏ.

          2. Về ta: Với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, ngày 04 tháng 3 năm 1956, Mỹ - Diệm tổ chức bầu cử Quốc hội ở miền Nam, nhằm hợp thức hóa chính quyền tay sai, biến miến Nam thành một quốc gia với tên gọi "Việt Nam Cộng hòa"; công khai "tố cộng", "diệt cộng", "đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật", "hô hào lấp sông Bến Hải", trắng trợn tướt bỏ mọi quyền tự do của người dân. Ngày 22 tháng 12 năm 1958, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một lần nữa đề nghị chính quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, không tuyên truyền chiến tranh gây chia rẽ Bắc - Nam; cho phép các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, phụ nữ, trẻ em tự do đi lại, hoạt động nhân đạo, thăm viếng bà con... Nhưng một lần nữa chính quyền Sài Gòn thẳng thừng cự tuyệt, đẩy dân tộc ta vào cuộc chiến mới.

          Trước tình hình đó, Trung ương Đảng ta nhận thấy phương châm đấu tranh chính trị đơn thuần đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ không còn thích hợp, vì vậy cần phải chuyển sang phương thức đấu tranh mới. Tháng 01 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở Hội nghị lần thứ 15, ra Nghị quyết khắng định: "Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân"; đường lối đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ sự can thiệp của đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay Sài Gòn, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Nghị quyết 15 của Đảng ra đời có ý nghĩa vô cùng to lớn, là mốc son lịch sử, chuyển hướng cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới, từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, tạo nên sự chuyển biến nhảy vọt trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc.

          Đón nhận Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc huyện Phước Sơn hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Một lần nữa Đảng bộ và nhân dân trong huyện sẵn sàng chia lửa với đồng bằng, nhường cơm, sẻ áo, chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới: Vừa tập trung củng cố thực lực cách mạng, vừa xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang quần chúng, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp để tiêu diệt quân thù, xóa bỏ ngụy tề tay sai, lập nên chính quyền nhân dân, xây dựng và bảo vệ vùng hậu cứ cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, ngày 13 tháng 3 năm 1960, Đội tự vệ và nhân dân làng Trà Nô (Làng Ông Tía) bí mật tổ chức khởi nghĩa vũ trang, tiêu diệt gọn một tiểu đội quân ngụy, thu toàn bộ vũ khí rồi kéo dân vào rừng thành lập làng chiến đấu, tiến hành chiến tranh du kích. Cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân làng Trà Nô không những chỉ gây tiếng vang lớn, mà còn có ý nghĩa sâu sắc về sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối cách mạng theo Nghị quyết 15 của Đảng, mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang của toàn tỉnh Quảng Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ.

          Tiếp theo cuộc khởi nghĩa vũ trang của dân làng Trà Nô, các xã Phước Hiệp, Phước Kim, Phước Thành, Phước Mỹ... tập trung phát triển lực lượng vũ trang quần chúng, tổ chức huấn luyện, trang bị vũ khí, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng làng chiến đấu và các trận địa chông thò, cạm bẫy sẵn sàng đánh địch. Ngày 23 tháng 12 năm 1960, Du kích làng Mô Lăng phối hợp với lực lượng vũ trang tiến công tiêu diệt đồn Khâm Đức, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của nhân dân huyện nhà. Ngày 30 tháng 01 năm 1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng huyện chính thức được thành lập, tiếp tục củng cố niềm tin chiến thắng vào Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Ngày 20 tháng 7 năm 1962, du kích làng Ka Nang, xã Phước Hiệp lập trận địa bẫy đá, cung tên phục kích đánh địch trên đường 14, tiêu diệt gọn nhiều tên địch (trong đó có một sĩ quan cấp tá). Cuối năm 1962, nhân dân các xã vùng cao vây bắt và xử tội 30 tên tề điệp làm tay sai cho địch, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Từ tháng 02 đến tháng 4 năm 1963, lực lượng vũ trang và nhân dân Phước Sơn tiếp tục bẻ gãy các cuộc càn quét Lam Sơn 7 & 8 của địch, giữ vững vùng giải phóng. Tháng 11 năm 1964, lực lượng vũ trang huyện và du kích xã Phước Chánh tổ chức tấn công diệt gọn một Trung đội biệt kích "Long Hỗ" tại Đồi 59, xã Phước Kim. Từ đây phong trào đấu tranh vũ trang ở huyện nhà phát triển mạnh mẽ, từng thôn, từng xã và mỗi một người dân, nơi đâu cũng có phong trào thi đua giết giặc lập công, bảo vệ bản làng và vùng giải phóng, góp phần làm thất bại hoàn toàn chiến dịch "Thượng du vận" của chúng lên miền núi.

          Bị thất bại nặng nề trên khắp chiến trường miền Nam, đẩy ngụy quyền Sài Gòn vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, nội bộ mâu thuẫn. Để cứu nguy cho ngụy quyền Sài Gòn, giữ miền Nam trong quỹ đạo của Mỹ, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", với ý đồ bình định miền Nam trong vòng 12 tháng. Tháng 8 năm 1964, Mỹ cho tàu chiến Hải quân xâm phạm vùng biển miền Bắc nước ta và dựng lên cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", tạo cớ mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta trên cả hai miền của Tổ quốc. Ngày 08 tháng 3 năm 1965, Mỹ đổ quân viễn chinh chiếm đóng Đà Nẵng, ngày 07 tháng 5 năm 1965, tiếp tục đổ quân chiếm đóng Chu Lai, Quảng Nam, sau đó tiếp tục đưa quân Mỹ và chư hầu tràn vào miền Nam, chuyển chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" bằng chiến lược "Chiến tranh cục bộ", dùng không quân ném bom đánh phá miền Bắc; mở rộng chiến dịch "tiềm diệt" và "bình định" ở miền Nam; đánh phá ta trên cả ba vùng chiến lược, gây biết bao tội ác với cách mạng và nhân dân. Ở Phước Sơn sau năm 1965, Mỹ - ngụy liên tục mở các cuộc càn quét cấp Trung đoàn, Lữ đoàn hòng tiêu diệt lực lượng quân giải phóng và lấn chiếm vùng hậu cứ cách mạng. Cùng với lực lượng vũ trang của tỉnh và Quân khu, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Phước Sơn chiến đấu ngoan cường, chặn đánh và bẻ gẫy các cuộc càn quét, tiêu diệt hàng trăm tên địch, buộc chúng phải tháo chạy, bảo vệ an toàn các cơ sở cách mạng và vùng tự do.

          Nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của chiến trường, đầu tháng 3 năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 2 hành quân ngược về phía Tây, phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Phước Sơn tiêu diệt Chi khu quân sự Khâm Đức, nhằm khai thông đường 14, mở tuyến vận chuyển cơ giới từ hành lang chiến lược Đông Trường Sơn xuống đồng bằng, mở rộng căn cứ địa Khu 5 và vùng giải phóng tỉnh Quảng Nam. Huyện ủy Phước Sơn được cấp trên giao nhiệm vụ điều  động lực lượng vũ trang địa phương và du kích chiến đấu làm nhiệm vụ dẫn đường, giúp bộ đội cơ động vào các hướng, các mũi tiến công; tổ chức chốt chặn trên các trục đường và phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu chặn đánh quân tiếp viện và quân tháo chạy, áp giải tù binh. Huy động lực lượng quần chúng, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tuyến sau, phục vụ chiến đấu, tải thương, chuyển đạn, tiếp tế hậu cần... đảm bảo cho Sư đoàn 2 hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức, giải phóng huyện Phước Sơn trong thời gian ngắn nhất.

         

          II. TÌNH HÌNH CHIẾN TRƯỜNG KHÂM ĐỨC

          1. Về địa hình:

          Khâm Đức là một thung lũng bằng phẳng nằm trên triền Đông của dãy Trường Sơn, rộng chừng 500 ha, độ cao trung bình trên 400 mét so với mặt biển, có nhiều núi cao từ 500 - 800 mét, chiều dài trên 3 km, rộng trên 1,5 km, cách thành phố Đà Nẵng 135 km về phía Tây Nam, cách thành phố Tam Kỳ 120 km về phía Tây Bắc. Phía Nam giáp suối Nước Chè, bên kia suối là rừng già 48 có điểm cao 676 Tà Dê, chệch về hướng Tây Nam có điểm cao 738 Ngok-Ta-Vat; phía Đông giáp suối Nước Trẻo và sông Đăk My; phía Tây là những dãy núi cao, rừng già, có đường 14 chạy từ Hòa Cầm lên Đại Lộc, Thượng Đức, Nam Giang, ngược theo dòng sông Đăk My gặp Ngã ba đường 16, băng qua thung lũng Khâm Đức, thẳng lên Tây Nguyên rồi nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

          2. Tình hình quân địch:

          Sau năm 1954, ngụy quyền tay sai ở Quảng Nam - Đà Nẵng, đẩy mạnh chính sách "tố cộng", "diệt cộng" lên miền núi, chúng mở chiến dịch "Thượng du vận", thiết lập hệ thống đồn, bót từ T.rao - Bến Hiên, Trung Mang, Thượng Đức, Thành Mỹ - Bến Giằng, Khâm Đức, Tân An, Phước Lâm, Trà Đốc... và đổ quân chiếm đóng, tăng cường kiểm soát lên vùng miền Tây của tỉnh. Ngày 24 tháng 6 năm 1958, ngụy quyền Sài Gòn ra Nghị định số 335-NĐ/CP, thành lập quận Phước Sơn[1], sau đó tách Hiệp Đức khỏi Phước Sơn; chọn Khâm Đức làm Trung tâm Huấn luyện biệt kích, làm bàn đạp để đánh phá phong trào cách mạng miền núi Quảng Nam nói chung và Phước Sơn nói riêng. Sau nhiều lần củng cố, mở rộng, chúng tiếp tục nâng cấp Khâm Đức thành Cụm cứ điểm quân sự liên hoàn và cho thành lập Chi khu quân sự quận Khâm Đức, bố trí tại đây một lực lượng quân địch gồm 7 Đại đội biệt kích, có sân bay, trận địa pháo, hầm ngầm, công sự kiên cố, đặt dưới sự chỉ huy của các Cố vấn Mỹ và bố trí thành 10 cứ điểm, gồm: Khu Trung tâm có 5 cứ điểm, gọi theo mật danh tác chiến A, B, C, V, Z; Khu Ngoại vi gồm 5 cứ điểm, D, E, H, I, K. Do được xây dựng nhiều năm và nhiều lần được mở rộng, nên các công sự của địch ở đây hết sức kiên cố, có hậu cần và hỏa lực mạnh. Trước Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, năm 1968, kẻ địch đã nhận thấy rõ xu thế phát triển của cách mạng giải phóng miền Nam và nguy cơ Cụm cứ điểm Khâm Đức - đang nằm sâu trong vùng giải phóng chắt chắn sẽ bị quân giải phóng tiêu diệt để khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam, nối với đồng bằng và mở rộng vùng giải phóng.

          Giữa tháng 02 năm 1968, địch dùng trực thăng đổ bộ 2 Đại đội quân chủ lực thuộc Trung đoàn 6, Sư đoàn số 2 ngụy xuống Ngok-Ta-Vat hình thành một chốt tiền tiêu hướng Tây Nam Khâm Đức, đây là hướng duy nhất bộ đội ta có thể triển khai lực lượng để tiêu diệt Cụm cứ điểm này. Để ngăn chặn mọi hoạt động của ta, địch thường xuyên tung quân lùng sục, càn quét khắp nơi trong vùng và quanh từng cứ điểm từ 10 - 15 km. Chúng gấp rút cho sửa chữa sân bay, kéo dài đường băng để máy bay quân sự C130 hạ cánh, đồng thời chúng khẩn trương cho xây dựng tại Ngok-Ta-Vat một sân bay trực thăng để đổ quân tăng viện trong trường hợp cần thiết. Tuy quân địch đông, hỏa lực mạnh, công sự kiên cố, vững chắc, nhưng là một cứ điểm cô lập, nằm sâu trong vùng căn cứ địa của ta, mọi hoạt động tiếp tế hậu cần, chi viện quân... đều phụ thuộc vào đường không. Trong thế bố trí lực lượng quân sự của địch như trên, cho thấy lực lượng chi viện cho Khâm Đức của chúng chỉ có thể là Sư đoàn lính thủy đánh bộ American của Mỹ.

          3. Về ta:

          Với vị trí chiến lược quan trọng, do vậy khi giao nhiệm vụ giải phóng Khâm Đức, khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam, mở toan cửa ngõ xuống vùng đồng bằng, bảo vệ an toàn vùng hậu cứ cách mạng của Quảng Nam và Khu 5 cho Sư đoàn 2 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương thực hiện, Tư lệnh Quân khu yêu cầu: Việc kìm giữ không cho địch tiếp viện quân lên Khâm Đức, chủ động tiến công tiêu diệt địch là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi, đồng thời phải chuẩn bị tốt mọi mặt cho tuyến sau nhằm hạn chế thương vong cho bộ đội và nhân dân khi chúng tháo chạy sẽ liều lĩnh ném bom hủy diệt. Nhận mệnh lệnh của cấp trên, sau một thời gian trinh sát, nắm bắt quy luật hoạt động của địch, Tư lệnh Quân khu 5 đồng ý cho Sư đoàn 2 quyết định tổ chức một khu chiếm mới tại Núi Ngang, do Trung đoàn 31 nổ súng tiến công trước khi khai hỏa trận đánh Khâm Đức từ 7 - 10 ngày, với mục đích tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; thu hút, căn kéo và giam chân Sư đoàn lính thủy đánh bộ American của Mỹ, không cho chúng chi viện lên chiến trường Khâm Đức và nếu có thì cũng không đáng kể.

          Đánh hơi được hoạt động quân sự của ta, quân địch ở Khâm Đức tăng cường phòng ngự, tung quân lùng sục, bắn phá suốt ngày đêm và khắp mọi nơi trong vùng có bán kính từ 10 - 15 km. Tuy quân ta vẫn giữ được yếu tố bí mật bất ngờ, nhưng việc tổ chức đánh chiếm một Cứ điểm quân sự lớn, quân số đông, hỏa lực mạnh, có hệ thống đồn bót, công sự kiên cố là điều còn mới mẽ đối với lực lượng của ta. Để giành thế chủ động trên chiến trường, liên tục tiến công tiêu diệt địch, Đảng ủy Sư đoàn mở Hội nghị quyết định tiến công giải phóng Khâm Đức theo hai bước:

          + Bước một: Trung đoàn I, phối hợp với quân giải phóng huyện và du kích các xã vùng cao tiêu diệt gọn cứ điểm Ngok-Ta-Vak và chặn đánh quân chi viện của chúng từ Khâm Đức lên.

          + Bước hai: Trung đoàn 21, phối hợp với Bộ đội đặc công của Sư đoàn và quân giải phóng huyện tổ chức đánh bóc vỏ các cứ điểm ngoại vi, khống chế hoàn toàn sân bay Khâm Đức và cắt đứt mọi chi viện của chúng cho chiến trường. Trung đoàn I, tiếp tục phát triển tiến lên tiêu diệt lần lược từng cứ điểm khu trung tâm.

          III. DIỄN BIẾN TRẬN ĐÁNH

          Để tập kết lực lượng vào vị trí chiến đấu, Sư đoàn 2 được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang huyện tiến công tiêu diệt cứ điểm Ngok-Ta-Vat trước khi tấn công Chi khu Khâm Đức. Ngok-Ta-Vat là một cứ điểm tiền tiêu, địa hình vách núi đứng, cách Khâm Đức 7 km về hướng Tây Nam, địch bố trí tại cứ điểm này gồm 3 khu, có 01 Đại đội biệt kích, 01 Đại đội bộ binh thuộc Tiểu đoàn số 4, Trung đoàn 6, Sư đoàn số 2 ngụy, 01 Trung đội pháo 105 ly và 02 Cố vấn Mỹ. Trên đỉnh là Trung tâm chỉ huy, khu thông tin và trận địa pháo, xung quanh từng khu và toàn cứ điểm có hàng rào kẽm gai dày đặt bom mìn. Lực lượng quân địch tập trung đông nhất ở cứ điểm Ngok-Ta-Vat là khu vực sân bay trực thăng, gồm 01 Đại đội bộ binh. Phía Bắc sân bay trực thăng có 4 lô cốt và 01 Trung đội biệt kích bảo vệ, vòng ngoài có 2 lớp hàng rào kẽm gai xen kẻ với bãi mìn sát thương chống bộ binh; phía Đông Nam cứ điểm là khu gia binh có 01 Trung đội biệt kích bảo vệ; phía Tây Ngok-Ta-Vat có 01 Trung đội biệt kích chốt giữ sát đường 14, chung quanh cứ điểm có hệ thống đường cơ động, hàng rào kẽm gai xen kẻ với các bãi mìn, hệ thống cảnh báo, pháo sáng... Nhiệm vụ cứ điểm Ngok-Ta-Vat được giao cho Trung đoàn I phối hợp với lực lượng vũ trang huyện và du kích xã Phước Mỹ đảm nhiệm.

          Ngày 07 tháng 5, Chỉ huy Trung đoàn cùng với cán bộ, chiến sĩ Đại đội 71 bộ đội huyện đi trinh sát chuẩn bị chiến trường. Đêm ngày 8 tháng 5 lực lượng ta hành quân đến vị trí tập kết; 16 giờ 30 phút ngày 9 tháng 5, một Đoàn cán bộ gồm: Chủ nhiệm Pháo binh, 3 Đại đội trưởng của Tiểu đoàn 40, do quân giải phóng huyện dẫn đường kiểm tra khu vực trận địa và hiệp đồng tác chiến thì bị địch phát hiện, bắn pháo cối làm một số cán bộ trong Đoàn bị thương. Mặc dù bước đầu triển khai lực lượng vào vị trí chiến đấu có gặp khó khăn. Song, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn I, Tiểu đoàn 40 và lực lượng vũ trang huyện hạ quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Ngok-Ta-Vat như phương án đã duyệt. Sau khi kiểm tra các mũi, các hướng tiến công và hợp đồng tác chiến đảm bảo, trưa ngày 09 tháng 5, các đơn vị hoàn tất công tác hiệp đồng Thực hành nổ súng tiến công như kế hoạch chung, là; Đại đội đặc công của Trung đoàn I đánh chiếm Khu Chỉ huy và Trung đội pháo binh; Tiểu đoàn 40 tổ chức 2 đại đội thành 2 mũi đánh chiếm sân bay trực thăng, khu gia binh và điểm cao ở phía Tây Ngok-Ta-Vat. 18 giờ 30 phút ngày 9 tháng 5, lực lượng ta triển khai chiếm lĩnh trận địa thì vướng phải mìn của địch, trước nguy cơ bị lộ, Trung đoàn I ra lệnh cho Tiểu đoàn 40 nổ súng tiến công. Nhanh như chớp, các hướng, các mũi đã đột nhập vào bên trong, dùng thủ pháo, lựu đạn đánh chiếm các mục tiêu; khi gặp chướng ngại vật, các chiến sĩ đặc công đã mưu trí, dũng cảm tổ chức lực lượng vòng qua hướng Đông để áp sát mục tiêu, chiến sĩ Trần Như Quỳnh mặc dù bị thương nhưng vẫn dũng cảm đánh 2 quả thủ pháo trúng mục tiêu, dập tắt ngay ổ đại liên kháng cự của địch để đơn vị nhanh chóng triển khai đánh chiếm trung tâm chỉ huy và trận địa pháo. Sau 8 phút chiến đấu ngoan cường, Đại đội đặc công đã làm chủ hoàn toàn Trung tâm chỉ huy Ngok-Ta-Vat.

          Cùng lúc đó, hai mũi chính diện cũng đã tiêu diệt nhiều tên địch ở vòng ngoài, nhưng khi triển khai đột phá vào bên trong thì bị hỏa lực quân địch chống trả quyết liệt. Chiến trận diễn ra vô cùng ác liệt, trước tình huống đó, Trung đoàn trưởng ra lệnh cho Tiểu đoàn 40 sử dụng đại đội dự bị chiếm lĩnh trận địa. Đại đội 3 triển khai lực lượng vào vị trí chiến đấu, các chiến sĩ đã kiệu nhau vượt qua hàng rào, phối hợp với Đại đội 2 phát triển đánh chiếm khu gia binh, nhưng vẫn chưa đánh chiếm được khu sân bay trực thăng. Quân địch ở khu sân bay đông, có hầm ngầm và lô cốt kiên cố mà khi trinh sát chuẩn bị chiến trường ta không phát hiện được, do đó địch cố thủ và chống trả quyết liệt. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng khốc liệt, bộ đội ta bám từng đoạn chiến hào, tiêu diệt từng mục tiêu và từng tên địch. Du kích xã Phước Mỹ triển khai lực lượng chốt chặn và truy kích tiêu diệt địch tháo chạy theo đường 14 qua Đăklây. Du kích xã Phước Công, Phước Chánh kịp thời ứng cứu, tải đạn và đưa thương binh, tử sĩ về tuyến sau an toàn. Du kích xã Phước Năng và Đại đội V71 quân giải phóng huyện chốt chặn đánh địch tháo chạy từ Ngok-Ta-Vak xuống Khâm Đức và chặn đánh quân địch chi viện từ Khâm Đức lên. Khoảng 8 giờ 30 phút, ngày 10 tháng 5, máy bay địch tiếp tục ném bom vào trận địa của quân ta, lợi dụng lúc đối phó với máy bay ném bom, địch dùng trực thăng đổ quân tăng viên xuống vùng Phước Năng, phát hiện kịp thời địch đổ quân chi viện bằng máy bay trực thăng, Khẩu đội trưởng Lê Hữu Thời, chỉ huy khẩu đội ĐKZ75 nổ súng bắn tan xác 2 máy bay CH47 khi chúng vừa chạm đất, Du kích xã Phước Năng tiếp tục truy kích tiêu diệt gọn 01 tiểu đội quân địch chi viện. Trước nguy cơ Ngok-Ta-Vak bị tiêu diệt, bọn chỉ huy ở Khâm Đức ra lệnh cho bọn sống sót tháo chạy, quân ta truy kích bắt sống một số tên, số còn lại bị B52 của Mỹ quyết định số phận. Đến 15 giờ ngày 10 tháng 5, quân ta làm chủ hoàn toàn Ngok-Ta-Vak, tiêu diệt và làm tan rã 01 đại đội biệt kích, 01 đại đội bộ binh, 01 trung đội pháo binh, tiêu diệt và làm bị thương gần 200 tên, bắn cháy 2 máy bay, tịch thu 2 khẩu pháo 105 ly, 01 khẩu pháo 106 ly và thu toàn bộ vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng của chúng tại cứ điểm Ngok-Ta-Vat.

          Thừa thắng xông lên, các đơn vị lực lượng vũ trang Sư 2 cùng quân và dân huyện nhà chuyển sang thế tấn công Bước 2, Trung đoàn I nhanh chóng cơ động lực lượng xuống hướng Tây Nam sân bay Khâm Đức, phối hợp với Trung đoàn 21, Đại đội đặc công của Sư đoàn, cùng các lực lượng vũ trang địa phương tiến công Cụm cứ điểm Khâm Đức. Lúc này, mặc dù Sư đoàn lính thủy đánh bộ American Mỹ bị Trung đoàn 31 kiềm chân ở Núi Ngang, nhưng chúng cũng đã điều động 01 tiểu đoàn tăng viện lên chiến trường Khâm Đức. Ngày 10 tháng 5, máy bay địch đổ Tiểu đoàn 2, thuộc Lữ đoàn 196 xuống sân bay Khâm Đức, tăng số quân trên chiến trường lúc này lên trên 1.000 tên Mỹ, ngụy. Tuy đội quân tăng viện đã đến chiến trường, nhưng địch không giám tung quân ra đánh chiếm lại các khu ngoại vi đã mất. Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn theo dõi diễn biến trận đánh, phân tích tình hình và kết luận: Quân địch đang giao động mạnh, lực lượng phòng ngự của chúng suy yếu hoàn toàn; thế chủ động trên chiến trường hoàn toàn thuộc về ta. Tư lệnh Sư đoàn chỉ thị: Đẩy nhanh tốc độ tiến công tiêu diệt địch trên toàn chiến trường. Ngày 11 tháng 5, các mũi, các hướng tiến công của lực lượng Sư đoàn 2, cùng lực lượng vũ trang huyện Phước Sơn, thần tốc tiến công tiêu diệt các điểm ngoại vi từ các mõm đồi: D đến đồi K và san bằng các mục tiêu khu Trung tâm trong một thời gian rất ngắn. Du kích các xã Phước Hiệp, Phước Năng, Phước Mỹ, Phước Chánh và lực lượng thanh niên xung phong huyện tiếp tục cơ động, bám sát chiến trường phục vụ chiến đấu; lực lượng du kích nhanh chóng triển khai chốt chặn trục đường khu 14 đoạn Nước Trẻo, trục 16 đoạn qua sông Đăk My, trục đường mòn qua suối Nước Chè, sẵn sàng chặn đánh khi chúng tháo chạy; bắt và áp giải tù binh, chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau.

          Đêm ngày 11 rạng sáng ngày 12 tháng 5, các chiến sĩ đặc công Sư đoàn, cùng Đại đội đặc công thuộc Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 21 và bộ đội địa huyện phối hợp tác chiến tiêu diệt toàn bộ các cứ điểm ngoại vi, gồm: Đồi phía Tây Nam sân bay; Đồi E; Đồi Trường bắn; Đồi hồ Mùa Thu và Đồi Nghĩa Trang (theo mật danh tác chiến gọi là D-E-H-I-K). Cũng ngay trong đêm 11 tháng 5, các đơn vị pháo tăng cường, gồm: Tiểu đoàn pháo nòng dài 85 mm, Đại đội pháo cao xạ 23 mm, cùng các hỏa lực khác của Sư đoàn 2 do bộ đội huyện dẫn đường đã chiếm lĩnh toàn bộ các cứ điểm ngoại vi D-E-H-I-K và nã pháo dữ dội vào sân bay Khâm Đức. Các mũi, các hướng nhanh chóng triển khai lực lượng chiếm lĩnh trận địa khu trung tâm. 6 giờ sáng ngày 12 tháng 5 năm 1968, thế trận bao vây của quân ta đã siết chặt, pháo cao xạ của ta đã khóa chặt bầu trời Khâm Đức không cho máy bay địch cất, hạ cánh ứng cứu. Lúc này toàn bộ khu trung tâm Khâm Đức bị quân ta bao vây, siết chặt không còn lối thoát. Quân Mỹ - ngụy hoảng hốt kêu cứu máy bay, pháo binh yểm trợ và dốc toàn bộ lực lượng ra chống trả hòng mở đường chạy trốn, nhưng quân ta đã khóa chặt các cửa ngõ ra vào thung lũng.

          Để giải vây cho đội quân sắp bị tiêu diệt, Mỹ - ngụy đã cho máy bay phản lực và trực thăng vũ trang ào ạc ném bom, bắn phá dữ dội vào trận địa quân ta; pháo đài bay B52 liên tục rải thảm phía sau đội hình của các đơn vị, hầu như khu rừng già 48, các dãy núi cao và rừng già dọc đường 14, khe Cà Nang đều bị B52 phát quang từng vệt dài. Biết không còn cứu vãn được Khâm Đức, Bộ Chỉ huy tác chiến Sư đoàn American ra lệnh cho Tiểu đoàn 2 - Lữ đoàn 196 quân Mỹ và quân ngụy ở Khâm Đức nhanh chóng rút lui, nhưng toàn bộ thung lũng Khâm Đức đang trong bão lửa, các ngã đường đều bị khóa chặt, sân bay bị khống chế. Mỹ - ngụy chỉ còn một cách duy nhất là ra lệnh cho máy bay oanh tạc dữ dội vào các đường mòn xung quanh Khâm Đức hòng mở đường máu cho quân Mỹ, ngụy trốn thoát. Lúc này trên chiến trường hết sức ác liệt, bộ đội ta vừa đánh trả máy bay, vừa nhích đội hình lên phía trước và đồng loạt tiến công dũng mãnh vào khu trung tâm, lợi dụng lúc khói bom đạn mù mịt cả thung lũng và bầu trời Khâm Đức, số quân địch còn lại ở khu trung tâm đã rời bỏ trận địa, xuyên rừng chạy trốn về hướng Đông Nam sân bay, men theo đường 14 chạy về Thượng Đức, một số thì bị quân ta truy kích tiêu diệt, số khác cũng bị máy bay B52 của Mỹ quyết định số phận.

          Như vậy, sau 4 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh ngoan cường, đến 12 giờ trưa, ngày 12 tháng 5 năm 1968, quân và dân ta đã làm chủ hoàn toàn chiến trường Khâm Đức - Ngok-Ta-Vat, tiêu diệt và làm tan rã 01 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, 2 đại đội bộ binh ngụy và 7 đại đội biệt kích Long Hỗ và Hắc Hỗ, tiêu diệt trên 500 quân Mỹ, ngụy[2] (chưa kể hàng trăm tên khác bị B52 Mỹ quyết định số phận trên đường trốn thoát), làm bị thương hàng trăm tên, bắt sống 104 tên biệt kích Nùng, 02 Cố vấn Mỹ làm tù binh; bắn rơi 02 máy bay CH47, 02 máy bay C130 và 09 máy bay trực thăng chiến đấu; phá hỏng nhiều xe quân sự, tịch thu toàn bộ vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng[3]. Chiến thắng Khâm Đức - Ngok-Ta-Vát, giải phóng hoàn toàn

huyện Phước Sơn là chiến thắng lớn nhất trên chiến trường miền núi Quảng Nam lúc bấy giờ, nó đã khai thông hành lang chiến lược Đông và Tây Trường Sơn, mở toan "cánh cửa thép" vào Đường mòn Hồ Chí Minh, nối hậu phương lớn miền Bắc với Khu 4, Khu 5, Tây Nguyên, Hạ Lào về các tỉnh miến Đông Nam Bộ, mở ra con đường vận tải cơ giới xuống vùng giáp ranh đồng bằng, làm nức lòng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ toàn huyện, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của toàn tỉnh và Khu 5; động viên Đảng bộ, nhân dân và chiến sĩ các lực lượng vũ trang huyện nhà quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc vùng hậu cứ cách mạng, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.



[1] Quận Phước Sơn được thành lập trên cơ cơ nâng cấp đơn vị hành chính khu III do ngụy quyền Sài Gòn thành lập năm 1954, gồm vùng Sơn Mỹ (huyện Hiệp Đức ngày nay) và miền Phước Sơn (huyện Phước Sơn ngày nay).

[2] Trên chiến trường Ngok-Ta-Vat, quân ta đã làm tan rã 01 đại đội biệt kích, 01 đại đội bộ binh ngụy và 1 trung đội pháo binh; tiêu diệt và làm bị thương trên 200 quân địch, bắn rơi 2 máy bay CH47; tịch thu 2 đại bác 105 ly, 1 khẩu pháo 106,7 ly và toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

[3] Trên chiến trường Khâm Đức, ta đã làm tan rã 01 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, 7 đại đội biệt kích, 01 đại đội pháo binh. Tiêu diệt trên 300 tến quân ngụy, bát sống 104 tên biệt kích Nùng và 02 cố vấn Mỹ làm tù binh (trên 100 tên tháo chạy bị B52 Mỹ quyết định số phận); bắn rơi 2 máy bay C130, 9 máy bay trực thăng, phá hủy và tịch thu nhiều xe quân sự, hàng ngàn tấn khí tài, đạn dược, quân trang, quân dụng.


[Trở về]
Các tin mới hơn:
Kỷ niệm 83 năm, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Thư cảm ơn của UBND huyện Phước Sơn
DIỄN VĂN LỄ KỶ NIỆM
43 NĂM TRẬN ĐÁNH SÂN BAY KHÂM ĐỨC (5/8/1970-5/8/2013) Phần I
43 NĂM TRẬN ĐÁNH SÂN BAY KHÂM ĐỨC (5/8/1970 – 5/8/2013) Phần II
Những thành tựu qua 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ
DIỆN MẠO MỚI PHƯỚC SƠN
Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tạo tiền đề để Phước Hiệp sớm thoát nghèo
PHƯỚC SƠN – CHẶNG ĐƯỜNG 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1975 – 2015)
    
1   2  
    

Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập