Ca nhạc

Diễn văn truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân
Người đăng: Quản trị .Ngày đăng: 23/07/2012 .Lượt xem: 5115 lượt.

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 50 NĂM LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN VIỆT NAM (20/7/1962 - 20/7/2012), CÔNG AN HUYỆN PHƯỚC SƠN MƯU TRÍ, DŨNG CẢM, VÌ NƯỚC VÌ DÂN, QUÊN THÂN PHỤC VỤ

(Diễn văn của đồng chí Phạm Thế Quyền - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phước Sơn tại lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam) 

-------------------------------

 

        - Kính thưa đồng chí Thiếu tướng Phan Như Thạch - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam;

        - Kính thưa đồng chí Đỗ Văn Xuân - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện;

        - Thưa các vị lão thành cách mạng; các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQVN huyện;

        - Thưa các vị đại biểu đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn;

        - Thưa toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Phước Sơn.

        Hòa chung với khí thế thi đua sôi nổi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và lập thành tích chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2012). Hôm nay, UBND huyện Phước Sơn long trọng tổ chức Lễ  kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam (20/7/1962- 20/7/2012), lời đầu tiên cho phép tôi thay mặt Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQVN huyện xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí cán bộ lão thành, quý vị đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Phước Sơn có mặt tại buổi lễ trọng thể này, xin kính chúc quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.  

        Kính thưa các đồng chí!

        Cách đây 67 năm, ngày 19 tháng 8 năm 1945, Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội, cùng với việc đập tan bộ máy đàn áp của địch và thiết lập chính quyền nhân dân, các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân ra đời: Ở Bắc Bộ, chính quyền Cách mạng đã thành lập Sở Liêm phóng Bắc Bộ; ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền có khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung một nhiệm vụ, đó là: Trấn áp bọn phản cách mạng, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Các tổ chức Cảnh sát cùng với lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân đã bảo vệ tuyệt đối an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 02 tháng 9 năm 1945 tại Thủ đô Hà Nội. Và kịp thời đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng và các phần tử xấu, bảo vệ chính quyền non trẻ của nhân dân, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ căn cứ về Thủ đô Hà Nội.

        Để tăng cường củng cố các công cụ chuyên chính của chính quyền nhân dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ trật tự trị an, ngày 21 tháng 02 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL hợp nhất các Sở Cảnh sát, Sở Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ. Đây là mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.

        Mặc dù mới thành lập, song lực lượng Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng đã phát huy mạnh mẽ vai trò lực lượng chuyên chính của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đẩy mạnh đấu tranh chống các thế lực phản động, tay sai và các phần tử xấu với mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng, làm mất trật tự trị an... Nổi bật nhất là ngày 12 tháng 7 năm 1946, lực lượng Công an đã tấn công vào trụ sở của Quốc dân Đảng, ở nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) và số 80 phố Quán Thánh, Hà Nội, phá tan tổ chức phản động đội lốt "Quốc gia dân tộc" cấu kết với thực dân Pháp hòng lật đổ chính quyền nhân dân; khám phá vụ thảm sát ở tiệm vàng Vĩnh Tường, thành phố Hải Phòng, ngày 03 tháng 8 năm 1946 do quân Pháp gây ra. Ngoài ra, lực lượng Công an nhân dân còn điều tra, khám phá hàng trăm vụ án cướp của, giết người, bắt cóc tống tiền và triệt phá nhiều tổ chức phản động với âm mưu chống phá, lật đổ chính quyền cách mạng nước ta.

        Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng là bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; tham gia chiến đấu; đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động của địch, chuẩn bị đưa người của ta trở về vùng địch tạm chiếm để hoạt động. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên, lực lượng Công an đã đẩy mạnh phong trào đấu tranh "Phá hội tề", đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng địch.

        Đầu năm 1950, tình thế chiến trường đang có lợi cho ta, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Công an. Từ đó, các cấp ủy Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác công an. Năm 1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định nhiệm vụ và tổ chức Nha Công an Việt Nam làm cơ sở để xây dựng ngành Công an phục vụ kháng chiến, kiến quốc và làm nền tảng xây dựng Lực lượng Công an sau này. Được sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường đấu tranh chống địch trong mọi tình huống, nhiều gương chiến đấu anh dũng, như Anh hùng liệt sỹ Trần Thành Ngọ, Nguyễn Văn Dưỡng, Bửu Đóa, Bùi Thị Cúc… đã tô thắm truyền thống vẻ vang của ngành Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

        Sau năm 1954, để xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân thành lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an, thừa hành pháp luật đấu tranh chống bọn phản cách mạng và các loại tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà ở miền Nam. Ngày 20 tháng 7 năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT, công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 20 tháng 7 hàng năm trở thành Ngày Truyền thống của Lực lượng Cảnh sát nhân dân.

        Để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, góp phần quan trọng cho cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, lực lượng Cảnh sát nhân dân cùng với các lực lượng khác trong Công an nhân dân tiến hành nhiều mặt công tác để thiết lập trật tự cách mạng; đấu tranh bóc gỡ mạng lưới gián điệp do Pháp cài lại; tiêu diệt thổ phỉ; đập tan âm mưu chiến tranh gián điệp của Mỹ; trấn áp kịp thời những hành động chống đối, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; vận động quần chúng bảo mật, phòng gian; chi viện hàng ngàn cán bộ chiến sỹ cho lực lượng an ninh miền Nam; bảo vệ các cuộc hành quân và vận chuyển vũ khí, phương tiện, lương thực ra tiền tuyến, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đánh bại các chiến lược: "Chiến tranh đơn phương", "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ" và "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Tổng tiến công và Nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

        Sau ngày thống nhất đất nước, các thế lực thù địch ra sức tìm cách phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình", "Bạo loạn lật đổ", lợi dụng các vấn đề "Dân chủ", "Nhân quyền", "Dân tộc", "Tôn giáo" để gây chia rẽ, chống phá cách mạng nước ta. Lực lượng Cảnh sát nhân dân cùng với các lực lượng khác trong Công an nhân dân đã kịp thời đấu tranh, phát hiện, bắt gọn toàn bộ mạng lưới gián điệp, tình báo do đế quốc Mỹ và bọn tay sai cài lại trong kế hoạch hậu chiến, bắt hàng trăm tên gián điệp, tình báo của các thế lực thù địch từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam; đập tan nhiều âm mưu gây rối, gây bạo loạn của địch; bảo vệ vững chắc an ninh chính trị đất nước; khám phá và ngăn chặn hàng ngàn vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, phá hoại kinh tế, gây rối thị trường, truyền bá văn hóa phẩm độc hại; bài trừ tệ nạn xã hội...

        Trong công cuộc đổi mới đất nước, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhất là việc đổi mới phương pháp công tác, dựa vào nhân dân để đấu tranh chống địch và các loại tội phạm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiêu biểu như vụ triệt phá băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen do Dương Văn Khánh cầm đầu; triệt phá tổ chức tội phạm đặc biệt nguy hiểm của Trương Văn Cam; bóc gỡ đường dây buôn lậu ma tuý của Vũ Xuân Trường; vụ tham ô tài sản của Epco - Minh phụng; vụ lừa đảo cố ý làm trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng của Lã Thị Kim Oanh... Trước sức ép từ mặt trái của kinh tế thị trường, nhất là sự cám dỗ về vật chất... Song, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân vẫn giữ vững lập trường quan điểm, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước; mưu trí, dũng cảm, tận tụy trong công tác, sẵn sàng xả thân vì sự bình yên của đất nước, đã có 150 đồng chí hy sinh và hơn 800 đồng chí bị thương hoặc bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

        Ghi nhận những chiến công anh dũng của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 01 Huân chương Sao vàng, 09 Huân chương Hồ Chí Minh; 118 tập thể và 74 cán bộ, chiến sỹ được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 20 tháng 7 năm 1992, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã tặng thưởng lực lượng Cảnh sát nhân dân bức trướng 16 chữ vàng Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ.

        Trải qua 50 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, được nhân dân thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã vượt qua muôn vàng khó khăn thử thách, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường và lập nên nhiều chiến công xuất sắc, viết tiếp truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam, đó là:

        1. Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

        2. Lực lượng Cảnh sát nhân dân vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ, dựa vào dân để công tác và chiến đấu thắng lợi.

        3. Cảnh sát nhân dân Việt Nam có bản lĩnh chính trị vững vàng, mưu trí, dũng cảm đấu tranh chống địch và các loại tội phạm; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tận tụy trong công tác.

        4. Đoàn kết, thống nhất, dân chủ, kỷ cương, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5. Không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, năng lực công tác; tiếp thu vận dụng sáng tạo, hiệu quả thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ phục vụ công tác, chiến đấu.

        6. Nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thuỷ chung, nghĩa tình.

        Kính thưa các đồng chí!

        Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thành công, nước Việt nam dân chủ cộng hòa đã ra đời, song nền hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp một lần nữa xâm chiếm đất nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Bác Hồ, cùng với cả nước, quân và dân Quảng Nam đã nhất tề đứng lên tiêu diệt quân thù. Để thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 20 tháng 10 năm 1948, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Nam quyết định chia tách châu Trà My để thành lập huyện Phước Sơn và huyện Trà My. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng và để bảo vệ Đảng, Mặt trận, chính quyền và nhân dân, đồng thời đập tan mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, Đội An ninh huyện Phước Sơn chính thức ra đời, đây là tổ chức tiền thân của Lực lượng Công an huyện Phước Sơn ngày nay. Mặc dù khi mới thành lập, Đội An ninh chỉ có vài ba đồng chí, hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, Đội an ninh đã thường xuyên bám sát bản làng, tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân đoàn kết kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ vùng hậu cứ cách mạng, vận động con em tham gia lực lượng vũ trang quần chúng, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

        Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam, Bắc. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ dựng lên bộ máy ngụy quyền tay sai và tiến hành cuộc chiến tranh hết sức tàn khốc, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Ở Phước Sơn, từ khi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, mọi hoạt động của Đảng và Đội An ninh đều rút vào bí mật. Năm 1955, ngụy quyền ở Quảng Nam cho dựng lên bộ máy cai trị Miền Phước Sơn, đưa hai tên Lý và Dầu lên làm Miền trưởng và Miền phó, tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Tước tình hình đó, Huyện ủy giao cho lực lượng An ninh huyện bám sát điạ bàn các xã Phước Gia, Phước Trà và Phước Hiệp; tuyên truyền, vận động nhân dân kết hợp đấu tranh hợp pháp và bất hợp pháp lật đổ hai tên Lý - Dầu và đưa người của ta vào nắm chính quyền.

        Năm 1959, để phục vụ cho công tác bố phòng, điều tra và trấn áp bọn tề điệp, lực lượng An ninh huyện đã vận động quần chúng đấu tranh đập tan bọn tề điệp ở làng ông Giàu - Phước Gia và làng Đăk-Plô, huyện Đăk Glie, tỉnh Kon Tum đưa đi cải tạo lao động. Tháng 3 năm 1961, Ban Bảo vệ An ninh tỉnh Quảng Nam được thành lập, với nhiệm vụ hướng dẫn, huấn luyện cho cán bộ chiến sĩ An ninh các huyện trong vùng giải phóng. Theo tinh thần đó, Đội bảo vệ An ninh huyện Phước Sơn được thành lập do đồng chí Lê Mạnh (Lê Hề) trực tiếp làm Đội trưởng, Đội bảo vệ An ninh huyện đã đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng gian, bảo mật, bảo vệ vững chắc vùng hậu cứ cách mạng; tổ chức cho quần chúng đánh trả các cuộc càn quét của địch lên vùng tự do. Năm 1962, Đội An ninh huyện do đồng chí Lê Văn Thành chỉ huy đã vây bắt gọn 5 tên làm tay sai cho địch và đưa đi cải tạo. Năm 1964, lực lượng An ninh huyện phối hợp với lực lượng vũ trang huyện vây bắt 8 tên biệt kích ở làng Cà Tôi - Phước Mỹ. Năm 1968, lực lượng An ninh huyện phối hợp cùng lực lượng Sư đoàn 2 - Quân khu 5 và lực lượng vũ trang địa phương, tiến công tiêu diệt Chi khu quân sự Khâm Đức, giải phóng hoàn toàn Phước Sơn ngày 12 tháng 5 năm 1968. Từ năm 1969 - 1972, lực lượng An ninh huyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương, tổ chức đánh trả nhiều cuộc càn quét của địch lên vùng giải phóng, bắn hạ 15 máy bay địch, bảo vệ an toàn vùng hậu cứ cách mạng và tính mạng của nhân dân. Riêng trong chiến dịch Tổng tiến công và Nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng An ninh cùng với quân và dân toàn huyện tích cực tham gia phục vụ chiến đấu, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

        Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an huyện Phước Sơn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm quần chúng, dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự; tham mưu giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm; Chương trình hành động phòng chống ma túy, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Chủ động phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm kinh tế, hình sự, ma túy... Đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các tệ nạn xã hội. Hàng năm, tỷ lệ điều tra, phá án nói chung đạt trên 80%; án chưa rõ thủ phạm đạt trên 70%; không để xảy ra oan sai, sót lọt tội phạm. Những vụ án lớn, điển hình được lực lượng Cảnh sát Công an huyện đã điều tra khám phá nhanh, như vụ án Dương Phước Quý giết thầy giáo Nguyễn Hồng Đào ở khối 7- Khâm Đức (2002); Vụ án Lô Văn Tỵ vận chuyển trái phép 136 gam hê rô in từ Nghệ An vào tiêu thụ trên địa bàn (2003); vụ án Lê Thị Hường cùng đồng bọn vận chuyển trái phép hơn 3 tấn xi a nua (2010), và mới đây lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội đã khám phá đường dây trộm cắp xe máy do Nguyễn Tấn Lực cùng đồng bọn thực hiện, thu giữ 06 xe máy các loại. Các biện pháp quản lý hành chính về trật tự xã hội, trật tự an toàn giao thông... được lực lượng Cảnh sát Công an huyện Phước Sơn đấu tranh ngăn chặn kịp thời, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế và nhân dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

        Kính thưa các đồng chí!

        Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện làm việc của lực lượng Cảnh sát Công an huyện Phước Sơn còn nhiều khó khăn, song cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát Công an huyện luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tận tâm, tận tuỵ với công việc, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhiều đồng chí đã mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì cuộc sống bình yên của nhân dân, để lại những ấn tượng tốt đẹp, tạo niềm tin trong cán bộ và nhân dân ở địa phương.

        Với những thành tích đóng góp to lớn của lực lượng Cảnh sát Công an huyện Phước Sơn qua hai cuộc kháng chiến, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, lực lượng Cảnh sát Công an huyện Phước Sơn vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất; năm 2001, Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm tặng Bằng khen. Từ năm 1998 - 2000, Bộ Công an tặng cờ thi đua xuất sắc phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; 20 năm được công nhận danh hiệu đơn vị quyết thắng; 9 năm được công nhận danh hiệu đơn vị giỏi và hàng trăm lượt tập thể và cá nhân cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Công an huyện được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen...

        Nhân dịp này thay mặt lãnh đạo huyện, tôi xin nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng và Công an huyện nói chung đã đạt được trong thời gian qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phước Sơn mãi mãi ghi nhớ công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thành tích của các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an huyện nói riêng và của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện nhà nói chung.

        Kính thưa các đồng chí!

        Trong những năm đến, tình hình quốc tế và khu vực có diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu "Diễn biến hòa bình", "Bạo loạn lật đổ" và sử dụng các chiêu bài "Tự do", "Dân chủ", "Nhân quyền", "Dân tộc", "Tôn giáo"; lợi dụng những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, điều của ta để kích động, lôi kéo, gây chia rẽ khối Đại đoàn kết; hiếu kiện đông người, vượt cấp... để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng; nguy cơ "Tự diễn biến", "Tự chuyển hóa" đe dọa đến sự ổn định của tình hình chính trị đất nước. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức lối sống, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, làm việc cầm chừng, thiếu tinh thần trách nhiệm và ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; còn có biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức và nhân dân; vẫn còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm mất lòng tin trong nhân dân.

        Để góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an huyện Phước Sơn trong sạch, vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới, tôi đề nghị lực lượng Công an huyện nói chung và lực lượng Cảnh sát nói riêng cần quán triệt nghiêm 6 điều dạy của Bác Hồ đối với Công an nhân dân và triển khai thực hiện nghiêm túc việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn lực lượng, cụ thể là:

        1. Chủ động tham mưu, giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện các chủ trương, biện pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, đấu tranh giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng vững chắc thế trận An ninh nhân dân gắn với thế trận Quốc phòng toàn dân; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

        2. Triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân; tổ chức phòng ngừa, đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Tập trung đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm về ma túy, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản trái phép... tạo bước chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

        3. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, quản lý chặt chẽ nhân, hộ khẩu, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn.

        4. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận, các ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh; làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân; đa dạng hóa các mô hình tự quản; động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào.

        5. Tập trung xây dựng lực lượng Công an huyện nói chung và lực lượng Cảnh sát nói riêng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh tư thế, lễ tiết, tác phong, lề lối làm việc, văn hóa giao tiếp, ứng xử, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả  Cuộc vận động "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ", gắn với các phong trào, các cuộc vận động lớn do Đảng và ngành Công an phát động. Đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong lực lượng Cảnh sát nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ.

        Với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong 50 năm qua, tôi tin tưởng rằng, lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an huyện Phước Sơn nỗ lực phấn đấu, trong bất cứ tình huống nào cũng phải giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

        Một lần nữa, xin kính chúc các vị đại biểu cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Phước Sơn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Chào thân ái và quyết thắng./.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Kỷ niệm 83 năm, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Thư cảm ơn của UBND huyện Phước Sơn
DIỄN VĂN LỄ KỶ NIỆM
43 NĂM TRẬN ĐÁNH SÂN BAY KHÂM ĐỨC (5/8/1970-5/8/2013) Phần I
43 NĂM TRẬN ĐÁNH SÂN BAY KHÂM ĐỨC (5/8/1970 – 5/8/2013) Phần II
Những thành tựu qua 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ
DIỆN MẠO MỚI PHƯỚC SƠN
Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tạo tiền đề để Phước Hiệp sớm thoát nghèo
PHƯỚC SƠN – CHẶNG ĐƯỜNG 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1975 – 2015)
    
1   2  
    

Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập