Đón chúng tôi từ sân là một phụ nữ da ngăm đen, tóc búi cao, trông khá trẻ. Trong ngôi nhà gỗ lát gạch mát rượi, sạch sẽ, chị bắt đầu câu chuyện thoát nghèo của gia đình mình. Sinh năm 1984 trong một gia đình nông dân ở Thị trấn Khâm Đức, học hết cấp 3, cô gái Bnong – Hồ Thị Hường lấy chồng về xã Phước Mỹ. Được sự đồng thuận của chồng, chị tiếp tục sự nghiệp học vấn của mình bằng việc theo học Trường ĐH Y khoa Huế. Nhưng phải bỏ giữa chừng vì cuộc sống quá khó khăn. Và Hồ Thị Hường bén duyên với công tác phụ nữ xã Phước Mỹ cũng từ đó. Nhờ có trình độ, tuổi trẻ nên chị được tín nhiệm bầu giữ chức phó chủ tịch hội phụ nữ xã. Chị luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được hội viên tín nhiệm và lãnh đánh giá cao. Có lẽ hình ảnh người phụ nữ đã quá quen thuộc trong các buổi sinh hoạt tuyên truyền chủ trương chính sách của đảng, nhà nước tại các thôn, tổ. Hường đến với bà con bằng sự nhiệt tình, đồng cảm, sẻ chia nên chị luôn được bà con yêu mến, kính trọng. Nhờ vậy, các quyền và lợi ích của phụ nữ như hôn nhân và gia đình, các kỹ năng “nuôi con khỏe, dạy con ngoan; CSSKSS/KHHGĐ; chăm lo phát triển kinh tế gia đình; phòng chống HIV/AIDS… được bà con tiếp thu nhanh chóng.
Qua câu chuyện ban đầu, chúng tôi còn biết Hồ Thị Hường là một phụ nữ đảm đang, mát tay với đàn gia súc, gia cầm của mình. Giải đáp những câu hỏi của chúng tôi, chị tiếp tục câu chuyện về cơ duyên đưa chị đến với đàn heo. Chị kể: Gia đình hai bên đều rất nghèo nên anh chị ra riêng với bàn tay trắng và một miếng đất nhỏ. Buổi sáng chị đến cơ quan, buổi chiều chị cùng chồng tìm kế sinh nhai nơi quê nhà bằng việc đi nương, đi rẫy. Tuy nhiên cái nghèo, cái đói vẫn cứ bám lấy đôi vợ chồng trẻ. Sau nhiều năm trăn trở, giữa năm 2010, chị bàn với chồng xin hỗ trợ heo Móng Cái từ Tổ chức Tầm nhìn thế giới. Anh chị vay thêm tiền đầu tư chuồng trại. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn thả, tận dụng thức ăn từ nương rẫy nên dần dần đàn heo sinh trưởng và phát triển tốt. Khi thấy nhu cầu về heo rừng trên thị trường ngày càng cao, chị lại mạnh dạn đầu tư nuôi thêm 3 con heo rừng thuần chủng. Từ số heo giống ban đầu, hiện chuồng của chị có gần 25 con gồm cả heo rừng và heo đen lai heo rừng. Chuồng trại được bố trí cẩn thận và khá quy mô. Heo Móng Cái giống thuần chủng, dễ nuôi. Còn heo rừng là loại vật nuôi có đặc tính hung dữ, ăn tạp nên nên chuồng nhốt cũng có gì đó “gần gũi với thiên nhiên”, không mái che, chỉ là tấm lưới bao quanh bãi đất trống.
Để đem lại hiệu quả, vợ chồng chị dùng phương pháp phối tinh bằng cách lấy tinh heo rừng phối cho heo Móng Cái tạo ra heo đen lai heo rừng đang được thị trường thực phẩm ưa chuộng. Cùng với đó, phương pháp “gối đầu” sinh sản xoay vòng sẽ tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, giúp heo nhanh lớn. Thông thường khoảng từ 5 tháng trở lên thì heo được xuất chuồng. Giá thị trường có thể dao động từ 50 đến 65 ngàn đồng một kilogam. Khi chúng tôi đến, chị mới xuất chuồng lứa heo đen lai heo rừng đầu tiên cho một nhà hàng ăn uống ở Thị trấn Khâm Đức. Vừa chỉ vào đàn heo con hơn tháng tuổi, chị cho biết: “Trước đây gia đình mình nghèo lắm. Dù phụ cấp cũng chẳng đáng là bao nhưng ý định nghĩ công tác Hội chưa bao giờ tồn tại trong suy nghĩ của mình. Buổi sáng mình đến cơ quan, buổi chiều cùng chồng đi nương, đi rẫy. Nhờ được sự quan tâm của huyện hội, chính quyền địa phương cộng với sự cần cù nên kinh tế gia đình mình cũng đỡ khổ, con cái được chăm sóc tốt hơn. Sắp tới mình tiếp tục học lên để nâng cao trình độ, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của công việc… ”.
Không chỉ nuôi heo, vợ chồng chị còn nuôi thêm một cặp nhím giống khoảng 15 triệu đồng, 5 con bò, khoảng chục con gà rừng, trồng thêm sắn, lúa … Mỗi năm thu nhập từ con vật nuôi của gia đình chị trừ chi phí cũng được khoảng 30 đến 35 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi heo rừng của chị được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Từ một hộ gia đình đặc biệt khó khăn của xã đến nay kinh tế gia đình chị ngày càng trở nên khấm khá. Anh chị có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm tiện nghi trong nhà, lo cho hai con nhỏ ăn học và trang trải cuộc sống. Và ý chí làm giàu vẫn đang thôi thúc vợ chồng Hường, khi chị chia sẻ với chúng tôi về việc sắp tới sẽ đầu tư thêm kinh phí để mở rộng chuồng trại, tăng số lượng đàn heo giống và nuôi thêm nhiều con vật nuôi mới.
Nhận xét về chị Hường, chị Hồ Thị Nhiên – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phước Mỹ cho biết: “Nhận thấy gia đình chị khó khăn, hội phụ nữ xã đã xin Tổ chức tầm nhìn cấp cho chị 3 con heo rừng để làm giống. Nhờ chăm sóc tốt nên mô hình này đang đem lại hiệu quả cao giúp gia đình chị cải thiện cuộc sống. Không chỉ là tấm gương điển hình chăm lo phát triển kinh tế ,chị còn là người cán bộ hội tận tụy, nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động Hội tại cơ sở..”.
Có thể nói, cùng một lúc Hồ Thị Hường đã đã phát huy tốt vai trò của người phụ nữ “giỏi việc hội, đảm việc nhà”, xứng đáng là “người cán bộ hội đảm đang”…/