Ca nhạc

"Nguyên tiêu" - Sáng bừng ngày Thơ Việt Nam
Người đăng: Ngô Thị Hiền 01697536121 .Ngày đăng: 06/02/2013 .Lượt xem: 890 lượt.

                 “NGUYÊN TIÊU” – SÁNG BỪNG NGÀY THƠ VIỆT NAM…

                                                          
Từ một đêm trăng đẹp, và từ tình đồng chí, đồng đội thân thiết, gắn bó, tâm hồn người thi sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh đã thăng hoa cảm xúc… “Nguyên tiêu” được viết trong khoảnh khắc ấy, một khoảnh khắc đã trở thành vĩnh cửu….
Năm 1947, thực dân Pháp mở những trận càn lớn vào chiến khu Việt Bắc…. Song, chiến thắng Thu - Đông (sông Lô) và trận Bông Lau vang dội  vào tháng 10.1947 đã đập tan mưu đồ chớp nhoáng ấy của thực dân Pháp. Đầu xuân Mậu Tý (1948), tại “thủ đô gió ngàn”, Bác Hồ, vị Tổng tư lệnh tối cao của dân tộc đã cùng với Trung ương Đảng bàn bạc kế hoạch quân sự cho những chiến dịch tiếp theo. Sau cuộc họp ở chốn “yên ba thâm xứ”, Bác xuôi thuyền về căn cứ chiến khu Việt Bắc. Đêm về khuya, trăng sáng, vẻ đẹp huyền ảo thiên nhiên đại ngàn nơi này đã tạo nên cảm hứng trào dâng, Bác đọc bài thơ “Nguyên tiêu” bằng chữ Hán:

                                Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

                                Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

                                Yên ba thâm xứ đàm quân sự

                                Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyềnBản dịch của Xuân Thủy:     Rằm tháng giêng

Rằm xuân lồng lộng trăng xuân

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

Bài thơ là một bức tranh xuân với những nét vẽ và gam màu đậm chất “xuân” thanh thoát. Đêm nguyên tiêu trăng lồng lộng soi trên một không gian bao la của chiến khu Việt Bắc. Trăng rằm tháng giêng vừa tròn (nguyệt chính viên) mang vẻ đẹp trong sáng khác thường, cảnh thêm hữu tình. Nơi “thủ đô đại ngàn” đang huyền ảo một màu xanh của vạn vật. Màu xanh lấp lánh của “xuân giang”, màu xanh ngọc bích của “xuân thuỷ” tiếp nối với màu xanh thanh niên của “xuân thiên”. Trong câu thơ “Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”, ba từ “xuân” tiếp nối nhau như là những nét vẽ đặc sắc làm nổi bật cái “thần” của cảnh vật sông, nước và bầu trời. Bài thơ viết trong khoảnh khắc nhưng toát lên vẻ đẹp của ánh trăng rằm mênh mang giữa tiết trời xuân ấm áp hơi thở cuộc kháng chiến chống Pháp. Trăng nguyên tiêu là trăng ước hẹn, trăng viên mãn, đồng vọng với niềm hy vọng và tình cảm giao hòa giữa con người với đất trời vào xuân, với con người. Trong hoàn cảnh này, người đang thưởng trăng nguyên tiêu không chỉ mang cốt cách như các tao nhân mặc khách ngày xưa, mà còn là con người hành động, người chiến sĩ cách mạng, vị lãnh tụ đang “bàn bạc việc quân”. Đây là một trường hợp “ngắm” trăng rất đặc biệt: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”. “Yên ba” là khói sóng, một thi liệu cổ trong Đường thi được Bác vận dụng rất tinh tế và sáng tạo càng làm cho bài thơ mang đậm dấu ấn cổ điển. Và kết hợp với ba chữ “đàm quân sự” lại làm cho vần thơ mang màu sắc hiện đại và không khí lịch sử của thời đại. Bài thơ còn có một điểm thú vị nữa, hình ảnh trăng xuất hiện từ câu thơ đầu và kết thúc là hình ảnh “nguyệt mãn thuyền” đã trở thành thuyền thi tứ đong đầy ánh trăng. Ta nghĩ đến những ngày kháng chiến gian khổ, Bác đã hướng tới vầng trăng rằm tháng giêng, hướng tới bầu trời xuân với tâm hồn trong sáng và phong thái ung dung. Con thuyền chở đầy ánh trăng cũng là con thuyền kháng chiến đang hướng tới chiến công và niềm vui thắng trận. Cái đẹp của thiên nhiên hòa quyện với vẻ đẹp cốt cách, phong thái ung dung tự tại của Bác, hai con người chiến sĩ – thi sĩ hòa quyện nhau. Bài thơ không có từ sáng nào, nhưng tràn ngập ánh sáng của trăng, của sông nước, của niềm lạc quan và lãng mạn cách mạng. Cảm hứng của “Nguyên tiêu” là cảm hứng của niềm vui, hạnh phúc, tin tưởng và hy vọng.

“Nguyên tiêu” được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, man mác phong vị Đường thi. Đây là một bài thơ đứng hàng đầu trong một trăm bài thơ hay nhất thế kỷ XX, do Trung tâm văn hóa doanh nhân và Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn trong nền thi ca Việt Nam từ cổ chí kim. Hội nhà văn Việt Nam đã quyết định: Lấy rằm tháng giêng âm lịch hàng năm, ngày Bác Hồ viết bài thơ “Nguyên tiêu” nổi tiếng ra đời từ rằm tháng giêng Mậu Tý (1948) của Bác Hồ kính yêu làm “Ngày thơ Việt Nam”. Năm đầu tiên được tổ chức vào rằm tháng giêng Quý Mùi (15.2.2003). Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của “Nguyên tiêu” đã và sẽ mãi mãi vang vọng cùng non sông, đất nước và hiện hữu như một áng thơ tuyệt mỹ trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Từ đó đến nay, vào ngày rằm tháng giêng hàng năm, trên khắp mọi miền đất nước đều diễn ra nhiều hoạt động phong phú như kéo lá cờ Thơ, ngâm thơ, đọc thơ, bình thơ, sáng tác thơ, giao lưu giữa nhà thơ với công chúng, xem thư pháp thơ… Tất cả thể hiện một tình yêu với… thơ, một tâm hồn… thơ, đó là nét độc đáo trong văn hóa Việt nam, đặc biệt trong dịp Tết đến xuân về, trong dịp Tết Nguyên tiêu – ngày rằm đầu tiên của năm mới. Thơ là người bạn tri kỷ và làm tâm hồn bay bổng thăng hoa. Thơ là thú chơi tao nhã của người Việt từ xưa đến nay. Dịp Tết Nguyên tiêu năm 2013 này, người dân Việt Nam càng cảm nhận thêm ý nghĩa thiêng liêng của sự kiện đặc biệt kỷ niệm 11 năm Ngày thơ Việt Nam (2003-2013). Tất cả để nhớ về một người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một thi nhân của bài thơ “Nguyên tiêu” độc đáo đã khởi nguồn cho Ngày thơ Việt Nam hôm nay.

Từ bài thơ “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấm thía hơn ngày hội thơ của toàn dân tộc yêu thơ trên đất Việt vào ngày rằm tháng giêng – Ngày thơ Việt Nam… Qua 11 năm nay, Ngày thơ Việt Nam không chỉ là “của riêng” của các nhà thơ và những nguời yêu thơ nữa mà đã trở thành một lễ hội văn hóa, một lễ hội của tinh thần của người dân Việt. Đây là là dịp để những nguời yêu thơ đọc lại những áng thơ hay của thế hệ đi truớc, nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài thơ “Nguyên tiêu”, nhớ đến tinh thần của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ đó mới thấy đuợc tinh thần của nhân dân ta qua những buớc thăng trầm lịch sử. Một dân tộc “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”, qua những tháng ngày “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”,  dù có trải qua bao khó khăn vẫn luôn yêu đời, yêu tự do, hoà bình không chỉ trong những cuộc chiến đấu mà còn với cả những vần thơ.  

“Nguyên tiêu” – sáng bừng Ngày thơ Việt Nam…

                                                                                                                               Thảo Nguyên                                       
Nguồn tin: CTV
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Phước Sơn gặp mặt CBCC đầu năm Qúy Tỵ
“Dân vận khéo” – Hiệu quả cao trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới
Ủy ban kiểm tra đảng tổng kết hoạt động năm 2012
Trao quyết định ra mắt chi nhánh trợ giúp pháp lý số 1 tại huyện
Củng cố ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Phước Sơn 75 được cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng lý luận chính trị
Thị trấn Khâm Đức học tập chuyên đề tấm gương đạo đức HCM năm 2013
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH (Chuyên đề năm 2013)
Bồi dưỡng cảm tình đảng cho cán bộ giáo viên
HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO GIỮA NHIỆM KỲ (2010-2015)
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    
Các tin cũ hơn:
Khối 2A tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú
Cấp bổ sung kinh phí thực hiện công tác bầu cử
Cấp 65 bộ tài liệu hỏi đáp Nghị quyết của Đảng về cho các thôn bản
Hội thảo đề án khôi phục tên thôn theo truyền thống lần 2
HN lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với đại biểu HĐND các cấp NK 2011-2016
HN triển khai công tác QLBVR vùng giáp ranh Phước Sơn - Hiệp Đức
Hoạt động của CLB trợ giúp pháp lý xã Phước Năng
HN Hiệp thương lần 3 lập DS chính thức ứng cử ĐB HĐND huyện nhệm kỳ 2011-2016
Huyện ủy Phước Sơn mở hội nghị lần thứ 6
Kỳ họp thứ 20 HĐND huyện khóa IX kết thúc thành công
    
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10  
    

Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập