Những ngày đầu tháng 3 này, đi khắp các cơ quan, đơn vị, các bản làng, đâu đâu cũng nghe cán bộ, nhân dân nói với nhau về ngày kỷ niệm quốc tế phụ nữ 8.3; về lịch sử ra đời, về truyền thống tham gia đánh giặc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của bao thế hệ phụ nữ Việt Nam. Ở huyện Phước Sơn, trong không khí kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ mồng, có các hoạt động hướng đến 2 ngày lễ lớn của huyện đó là kỷ niệm 65 năm ngày thành lập huyện (20/10/1948 – 20/10/2013), 45 năm chiến thắng Khâm Đức 12/5/1968 – 12/5/2013.
Không biết chính xác hội liên hiệp phụ nữ huyện ra đời vào thời gian nào nhưng những đóng góp của phụ nữ huyện nhà trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước là không nhỏ và không ai có thể cân đo, đong đếm được.
Khi mới thành lập huyện tháng 10 năm 1948, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phước Sơn nói chung, phụ nữ nói riêng biết về đảng, về Bác rất ít nhưng hễ nói đến cán bộ cách mạng, nói đến Bộ đội cụ Hồ thì ai cũng dành tình cảm thân thương nhất. Với những con người đã từng làm cách mạng ở Phước Sơn trong giai đoạn đầu này sẽ không quên những hành động sẵn sàng nhường lon gạo, củ sắn cuối cùng cho cán bộ cách mạng, sẵn sàng gặt lúa non để nuôi quân của chị em phụ nữ người đồng bào dân tộc Phước Sơn.
Dưới sự chỉ đạo của khu ủy khu V, xây dựng miền núi, trong đó có huyện ta thành căn cứ địa cách mạng vững chắc, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Thời điểm này, nhiều phong trào xây dựng kinh tế, bảo vệ xóm làng được phát động rộng rãi trong toàn dân để phục vụ cách mạng. Đồng bào, đặc biệt là phụ nữ đã sẵn sàng sẻ chia, nhường cơm xẻ áo cho cách mạng. Tin theo đảng, nghe theo cán bộ, nhiều chị vai điệu con ngày làm rẫy cách mạng, tối về giả gạo, xay lúa, vót chông phục vụ đánh giặc.
Đến giai đoạn 1954, khi chiến trường Khâm Đức bức vào giai đoạn ác liệt cùng với tham gia che dấu, nuôi dưỡng cán bộ, phụ nữ Phước Sơn tiếp tục đẩy mạnh các phong trào làm rẩy cách mạng, tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực ra mặt trận. Ngoài ra còn tham gia vào các đội quân du kích, đội tự vệ bảo vệ xóm làng.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, huyện ta là một trong những trọng điểm tấn công bằng không lực, nhiều bản làng đã bị tàn phá bởi máy bay địch. Trong trận đánh giải phóng Khâm Đức 1968, cùng với bộ đội chủ lực, giới nữ huyện ta đã đóng góp nhiều công sức cho chiến thắng Ngọt Ta Vat, chiến thắng Khâm Đức 12 tháng 5 năm 1968, giải phóng hoàn toàn huyện lỵ Phước Sơn. Trong đấu tranh tiêu biểu có chị Hồ Thị Đồng nữ du kích Phước Gia căm thù bọn giặc trời đánh phá bản làng, cuối năm 1968, chị đã dũng cảm bắn rơi máy bay địch bằng khẩu súng trường. Chị Y Poi ở làng ông Viên xã Phước Mỹ người đóng góp nhiều công sức và lập thành tích xuất sắc trong chiến dịch vận chuyển phục vụ trận đánh 1968 ở huyện, tuy mới cưới chồng nhưng xung phong phục vụ liên tục trong 6 tháng.
Từ ngày thành lập huyện 1948 đến nay, những cái tên tham gia đánh giặc như chị Đông, Y Poi, đi học về làm cán bộ huyện như Y Hoa, Y Cất (xã Phước Công), Y Trà (Phước Chánh), … và biết bao người đã ngã xuống cho nền độc lập của quê hương đất nước.
Sau ngày đất nước dành độc lập, cùng với cả nước, phụ nữ Phước Sơn bắt tay vào công tác xây dựng và bảo vệ đất nước, việc tập hợp và thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt thông qua tổ chức hội được huyện ủy chỉ đạo các cấp hội phụ nữ từ huyện đến cơ sở tập trung thực hiện. Theo đó, qua các kỳ đại hội, nhiều thế hệ cán bộ hội phụ nữ đã đóng góp nhiều công sức xây dựng phong trào phụ nữ, tham gia xây dựng huyện nhà như Đinh Thị vân (Y Vân) cán bộ làm công tác phụ nữ lâu năm nhất ở huyện.
Đến nay, hội phụ nữ huyện đã duy trì hoạt động 12 cơ sở hội phụ nữ, với 4.634/ 5.744 hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt đều đặng 6 nội dung chương trình công tác trọng tâm.
Viết tiếp truyền thống anh hùng bất khuất trung hậu đảm đảng, phụ nữ huyện nhà tiếp tục cống hiếng sức mình góp phần trong sự nghiệp xây dựng quê hương Phước Sơn ngày càng giàu mạnh.
Hồng Năm