Ca nhạc

LÀNG NGHỀ GẮN KẾT VỚI DU LỊCH Ở HỘI AN
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 22/07/2013 .Lượt xem: 1627 lượt.

    Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới VÀO THÁNG 12/1999 và từ đó đến nay, Hội An đã trở thành trung tâm du lịch của xứ Quảng. Tại đây, kinh tế du lịch phát triển đã tác động, thúc đẩy các ngành kinh tế địa phương, các làng nghề có môi trường và điều kiện khôi phục, phát triển,, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đất di sản này...

            Những bước đi ban đầu


            Để khôi phục làng nghề, thành phố Hội An đã chọn khối Trung Hà ( Phường Cẩm Kim) làm nơi lập đồ án quy hoạch Trung tâm làng nghề, làm điểm xuất phát cho quá trình khôi phục và phát triển lan rộng không gian làng nghề sau này. Công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề được thành phố tập trung thí điểm ở hai làng nghề truyền thống đặc sắc lâu nay là mộc Kim Bồng và gốm Thanh Hà. Với tổng mức đầu tư hơn 9 tỉ đồng, trong đó vốn trung ương và tỉnh là 7 tỉ đồng, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề mộc Kim Bồng, hoàn thành cơ bản các hạng mục như đường nội bộ, bến cập thuyền du lịch, cổng chào, nâng cấp mở rộng cầu tàu du lịch, thảm cỏ, cây xanh, nhà đón tiếp và trưng bày sản phẩm mộc truyền thống...Bên cạnh đó, thành phố đã vận động cư dân trên địa bàn đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng nhà xưởng sản xuất, trùng tu các nhà thờ họ tộc, chỉnh trang sân vườn...Các công trình này đã góp phần làm thay đổi diện mạo của làng mộc Kim Bồng và tạo điều kiện, môi trường thu hút nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ du lịch. Đối với làng gốm Thanh Hà, song song với quá trình thực hiện xoá các lò nung gạch ngói bằng thủ công, thành phố đã có phương án chỉnh trang và tạo cảnh quan môi trường làng nghề, phát triển nghề làm gốm. Hiện nay, ở làng gốm Thanh Hà, việc xây dựng 3 lò nung gốm có công suất 2,5m3/lò đã góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu ô nhiễm bụi và khói. Hơn thế, những lò nung mới này còn tạo ra sự đa dạng về màu sắc cho sản phẩm, tăng tầng suất quay vòng nung đốt. Ông Nguyễn Ngữ, một người theo nghề gốm lâu năm ở đây cho biết: "Công nghệ lò nung mới này không chỉ giúp chúng tôi rút ngắn được thời gian nung, giảm chi phí nhiên liệu mà còn "điều khiển" để tạo ra những sản phẩm đúng theo ý mình".  Với tổng kinh phí đầu tư hơn 3 tỉ đồng đã xây dựng và chỉnh trang cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội làng nghề, đưa vào sử dụng các công trình như: mương thoát nước vỉa hè, kè chống xói lỡ khu dân cư và làng gốm, tuyến đường chính dẫn vào làng gốm, nhà trung bày sản phẩm- đón khách...Ngoài ra còn hỗ trợ các hộ sản xuất nâng cấp, cải tạo nhà xưởng...

             Bằng nguồn kinh phí khuyến nông và sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, thành phố đã tổ chức được nhiều lớp đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng sáng tác mẫu mã sản phẩm, hỗ trợ kinh phí cho các hộ tham gia hoạt động lễ hội, hội chọ, hội thi trong và ngoài nước, tham quan học tập, quảng bá ...Đến nay, nhãn hiệu hàng hoá tập thể cho sản phẩm mộc Kim Bồng đã được cấp giấy chứng nhận. Hỗ trợ kinh phí cho hệ thống sấy gỗ  để nâng cao chất lượng sản phẩm tại làng mộc Kim Bồng và đầu tư xây dựng 6 lò gốm thủ công cải tiến. Những hoạt động của công tác khuyến công đã góp phần nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, về khả năng tổ chức quản lý sản xuất, năng lực sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường. Nhờ đó, chất lượng, kiểu dáng, chủng loại sản phẩm làng nghề gốm Thanh Hà và mộc Kim Bồng  từng bước được nâng lên, bắt đầu được thị trường chấp nhận. Và bước chân du khách trong và ngoài nước khi đến với Hội An sẽ về với làng nghề để được tận mắt khám phá sự sự độc đáo của mỗi sản phẩm nơi đây.

             Những tín hiệu vui

 Qua thời gian hơn 7 năm thực hiện dự án khôi phục và phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch, làng mộc truyền thống Kim Bồng đã thu hút được 11 cơ sở đầu tư sản xuất- kinh doanh các sản phẩm mộc điêu khắc chạm, hàng lưu niệm..., đào tạo được một đội ngũ thợ trẻ làm việc tại chỗ. Hơn nữa, thành phố Hội An phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam vận động thành lập Hợp tác xã dịch vụ - du lịch làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng. Hợp tác xã đã phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các tour đưa khách tham quan về làng nghề, tổ chức các dịch vụ cho thuê xe đạp, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm mộc. Đến nay có 22 hộ sản xuất, doanh thu ước đạt từ hoạt động sản xuất là 7,5 tỉ đồng và từ hoạt động thương mại du lịch là 4,5 tỉ đồng. Làng mộc Kim Bồng đã có một websile để quảng bá, giới thiệu thương hiệu. Hiện tại mỗi năm, mộc Kim Bồng xuất hàng đi nước ngoài có giá 3-4 tỉ đồng, thị trường chủ yếu là các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Thông qua các lễ hội, hội thi được tổ chức ở làng nghề và quảng bá trên các phương tiện thông tin, làng mộc Kim Bồng đã thu hút du khách tham quan ngày càng đông. Với nhiều khách quốc tế, khi về nước họ còn giới thiệu với bạn bè và gửi email qua để đặt hàng tiếp. Từ một xưởng nhỏ, giờ thì làng mộc Kim Bồng đã trở thành một tập đoàn gia đình với 3 công ty Tân An, Trường An và Kim Bồng, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động. Ngoài ra, các dịch vụ khác như ăn uống, kinh doanh hàng lưu niệm... đã được cộng đồng dân cư quan tâm, đầu tư và khai thác có hiệu quả kinh tế cao.

          Với làng gốm Thanh Hà, đến nay có 23 hộ sản xuất với 90 lao động, Doanh thu từ hoạt động sản xuất gốm và hoạt động thương mại - dịch vụ tăng lên từng năm lên đến hàng trăm triệu đồng, trong đó: hoạt động bán vé tham quan đón được hơn 12.000 lượt khách tham quan, đạt doanh thu gần 200 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hậu, chủ nhân một nhà sản xuất và trưng bày gốm Thanh Hà đã không giấu hết sự phấn khởi cho biết: chị đã tham gia nhiều hội chợ làng nghề tại Huế, Đà Nẵng... và sản phẩm gốm Thanh Hà được nhiều du khách ưa chuộng. Hoạt động du lịch đã tác động thúc đẩy các hộ sản xuất quan tâm cải tiến mẫu mã sản phẩm lưu niệm truyền thống cho phù hợp với thị hiếu của du khách hiện nay như đèn lồng, tượng, sản phẩm trang trí nội, ngoại thất phục vụ nhu câù trang trí cho các nhà hàng, khách sạn, sân vườn. Đặc biệt, khách quốc tế rất thích sản phẩm con thổi (con tò he) bởi sự độc đáo tinh xảo của nó. Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ - thương mại ở làng nghề được đầu tư phát triển, hoà nhập trong điều kiện mới để phát triển du lịch

             Vĩ thanh...

Từ hai làng nghề tiêu biểu của Hội An là mộc Kim Bồng và gốm Thanh Hà trong việc khôi phục và phát triển làng nghề gắn kết với hoạt động du lịch cho thấy một thực tế, "cú hích" quan trọng nhất là bắt nguồn từ việc đầu tư đúng hướng, có tầm chiến lược, vừa khôi phục vừa phát triển kết hợp với du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế của làng nghề. Ông Đỗ Đình Phô, Phó trưởng phòng kinh tế thành phố Hội An cho biết "Thành phố tiếp tục kêu gọi thu hút các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân đầu tư quan tâm hơn nữa cho việc quy hoạch, phát triển làng nghề, xúc tiến kết hợp du lịch". Trong kho tàng di sản văn hoá của Hội An, các làng nghề truyền thống từng bước được khôi phục và phát triển, trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, những tour du lịch thú vị  như  "Một ngày làm cư dân phố Hội" với nghề trồng rau Trà Quế, nghề làm đèn lồng, nghề chài làng Thanh Nam... ngày một hấp dẫn du khách. Đến với làng gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, làng rau Trà quế...  hôm nay, những du khách gần xa sẽ được tiếp cận, làm quen với toàn bộ quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống. Một du khách sau khi tham quan làng gốm Thanh Hà đã tâm sự: “Vào đây, chỗ nào tôi cũng thấy la liệt các sản phẩm gốm để xem, chụp hình, quay phim. Nhiều nhất là các con thổi đã thấy bày bán trước các Hội quán trong Phố cổ. Thú vị hơn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những thao tác điêu luyện từ đôi bàn tay của các nghệ nhân. Những thỏi đất sét vô hồn qua tay nhào nặn của người thợ bỗng trở thành những sản phẩm xinh xắn, đẹp mắt, tinh xảo và có hồn. Thật tuyệt vời”. Không chỉ được xem, mọi du khách còn có thể cùng ngồi vào bàn chuốt để nhào nặn ra những sản phẩm gốm đơn giản làm kỷ niệm".

Bây giờ, Hội An trở thành điểm phát triển du lịch nổi tiếng bởi bảo tồn và khai thác tốt những tiềm năng văn hóa đặc trưng của vùng đất di sản. Trong đó, làng nghề đóng vai trò quan trọng. Kim Bồng, Thanh Hà, Trà Quế... những cái tên bỗng trở nên thân thuộc mời gọi những bước chân du khách đến Hội An.

                                                     

                                                                                                                      THẢO NGUYÊN

[Trở về]
Các tin mới hơn:
VỀ PHÍA BÊN KIA ĐÈO LE CỦA XỨ QUẢNG…
QUẢNG NAM: HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 3 NĂM DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TẠI CÁC HUYỆN SÂU TRONG ĐẤT LIỀN Ở TỈNH QUẢNG NAM”
Quảng Nam : Đón vị khách quốc tế thứ 1,6 triệu vào dịp giao thừa 2014
QUẢNG NAM: HỘI THẢO GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ CÁC ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH
HUYỆN PHƯỚC SƠN, TẬP TRUNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN, ĐẨY MẠNH CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỪ NAY ĐẾN NĂM 2025
Quảng Nam tập trung phát triển hạ tầng du lịch vùng đông
CÚ HÍCH CHO VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI CÙ LAO CHÀM
NHỮNG NỖ LỰC NHẰM THU HÚT KHÁCH DU LỊCH.
QUẢNG NAM ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2015-2020
Quảng Nam đón hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú
    
1   2   3  
    
Các tin cũ hơn:
Khu du lịch sinh thái Suối ĐăkGà – một điểm đến hấp dẫn
SẴN SÀNG CHO FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM 2013
“DI SẢN NÔNG THÔN” XỨ QUẢNG…

Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập