Ca nhạc

43 NĂM TRẬN ĐÁNH SÂN BAY KHÂM ĐỨC (5/8/1970-5/8/2013) Phần I
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 30/07/2013 .Lượt xem: 13943 lượt.

Bài 1: Anh dũng hi sinh trên sân bay Khâm Đức

              

Cách đây 43 năm, rạng sáng ngày 5-8-1970, 16 chiến sỹ Tiểu đoàn Đặc công 404 (D404 - Quân khu 5) đã tấn công vào sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn - Quảng Nam. Và, các anh đã anh dũng hi sinh trên đường băng sân bay Khâm Đức.


 

Ngày 24-2-2013, cựu phóng viên chiến trường Mỹ Christopher Jesen đã công bố trên youtube video clip dài hơn 6 phút về trận đánh vào sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, diễn ra rạng sáng ngày 5-8-1970, với đề từ: “Thanh niên của Việt Nam đã rất dũng cảm! Tôi xin lỗi vì mất mát của bạn và những người đồng đội của tôi. Giống như các chàng trai của chúng tôi, người thân của bạn là những người đàn ông trẻ rất dũng cảm”. Video clip được công bố đã gây chấn động cộng đồng mạng, bởi sự tàn khốc và rùng rợn của cuộc chiến tranh. Những hình ảnh về sự hy sinh của 16 chiến sỹ quân giải phóng thuộc Tiểu đoàn Đặc công 404 (D404 - Quân khu 5) thật sự gây sốc người xem.

Sân bay và cứ điểm Khâm Đức được Mỹ ngụy xây dựng năm 1960, nhằm án ngữ vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, cắt đứt con đường 14 nối Tây Nguyên với Hạ Lào và con đường Hồ Chí Minh chi viện vào miền Nam. Từ sân bay Khâm Đức, biệt kích và viễn thám của Mỹ ngụy nhiều lần xâm nhập vào Hạ Lào và vùng hậu cứ của ta, gây tổn thất lớn. Bằng mọi cách phải nhổ bằng được cái chốt của địch tại Khâm Đức, đánh đòn chí mạng, cảnh cáo ý đồ lấn chiếm của kẻ địch, D404 nhận nhiệm vụ tổ chức trận đánh theo lệnh của quân khu. Ông Phạm Công Hưởng, cựu chiến binh D404, hiện sống ở Hà Nội nhớ lại: “Đây là một trận đánh vô cùng quan trọng, quả cảm, quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Mục tiêu tấn công là sở chỉ huy và trận địa pháo địch tại sân bay Khâm Đức. Lực lượng được lấy từ cán bộ chiến sỹ Đại đội 3, các đồng chí chọn đi đánh trận này đều là cán bộ, đảng viên, đoàn viên ưu tú là đối tượng cảm tình Đảng, là hạ sỹ quan trở lên, có tinh thần dũng cảm mưu trí, có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu. Do tính phức tạp và ý nghĩa vinh quang, đồng thời là nhiệm vụ rất nặng nề của trận đánh nên trước khi ra trận có làm lễ ra quân giao nhiệm vụ, tuyên thề xác định cảm tử trước khi xung trận”.

Đêm 4-8-1970, mũi tấn công của ta vượt qua sông Nước Chè, mật tập qua hàng rào sân bay Khâm Đức. Quá trình tiếp cận mục tiêu gặp nhiều khó khăn nên thời gian tác chiến bị chậm lại. Sau khi khắc phục chướng ngại vật, các chiến sỹ đặc công D404 tiếp cận mục tiêu. Đúng 4 giờ sáng ngày 5-8-1970, tiếng bộc phá lệnh nổ xé tung màn đêm thung lũng Khâm Đức. Ngay lập tức bộc phá, B40, thủ pháo của ta dồn dập nổ, pháo sáng của địch cũng bắn lên sáng rực cả bầu trời Khâm Đức. Quá trình giao tranh, giành giật vô cùng ác liệt. Đến những phút cuối, các chiến sỹ được lệnh rút quân ra cửa mở, nhưng đã bị 2 máy bay trực thăng Mỹ từ trên cao bắn đạn 12 ly và phóng pháo xối xả xuống cửa mở, bịt lối rút quân của ta. Trong khi đó, tổ đánh nghi binh không áp đảo thu hút được kẻ địch. Cả 16 cán bộ chiến sỹ D404 đã chiến đấu quả cảm đến phút cuối cùng và đã anh dũng hy sinh trong đồn địch, không lấy được xác. Tất cả cán bộ chiến sỹ D404 tham gia trận đánh đều hy sinh, nhưng trận này ta tiêu diệt hàng trăm lĩnh Mỹ, trong đó có hàng chục sỹ quan chỉ huy, phá hủy trận địa pháo và nhiều vũ khí, hỏa lực của địch.


Theo báo Stars and Stripes I/1970, trong trận đánh vào hệ thống bảo vệ đường băng sân bay Khâm Đức, 16 lính đặc công Bắc Việt Nam tử vong. Về phía Mỹ, có Khẩu đội A (Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn pháo 82), Đại đội E (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1) và Đại đội A (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Lữ đoàn 196 - Sư đoàn Americal Lục quân Mỹ). Thông tin từ trang website lịch sử Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo binh 83 Mỹ thừa nhận: Tháng 7-1970, Tiểu đoàn 1 pháo binh Mỹ được huy động để hỗ trợ cho Sư đoàn 1 và các đơn vị bộ binh khác của Mỹ tại Khâm Đức gần biên giới Lào. Trong một cuộc chiến, Tiểu đoàn 1 bị thiệt hại nặng nhất trong lịch sử chiến tranh. Vào ngày 5-8-1970, Việt Cộng tấn công trận địa pháo sân bay. Việt cộng được trang bị vũ khí nhỏ, thủ pháo, lựu đạn, cảm tử xâm nhập vào bên trong trận địa...

Về trận đánh này, báo Quân đội nhân dân số 3311, ra ngày 7-8-1970, đưa tin trên trang nhất: Quảng Nam đánh quân Mỹ thuộc Sư đoàn A-mê-ri-cơn ở Khâm Đức, diệt nhiều tên. Theo thông tin từ phương Tây, đêm 4 rạng ngày 5-8-1970, lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng tỉnh Quảng Nam tiến công quân Mỹ thuộc Lữ đoàn 196, Sư đoàn A-mê-ri-cơn đóng ở Khâm Đức (Đắc-Nhé). Địch thú nhận nhiều tên giặc Mỹ bị diệt và đây là trận tiến công lớn nhất của Quân giải phóng đánh vào quân Mỹ kể từ ngày 23-7-1970, khi các đơn vị thuộc Sư đoàn lính nhảy dù 101 bị đánh thiệt hại nặng buộc phải rút bỏ điểm cao 935 ở phía tây TP. Huế.

Ông Hoàng Sơn Lâm (SN 1950, hiện trú tại đường Đồng Cửa, phường Lê Lợi, TP. Bắc Giang) là bộ đội công binh Tiểu đoàn 236, Trung đoàn 230, Cục Hậu cần Quân khu 5, hoạt động ở Phước Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1970, ông làm nhiệm vụ tại đài quan sát A5, đóng trên điểm cao 1599, theo dõi địch ở Khâm Đức. Theo ông Lâm, trong thời điểm trận đánh xảy ra và buổi sáng mà phóng viên chiến trường Jensen ghi hình, ông đã theo dõi diễn biến tình hình qua ống nhòm... Nhiều lần ông cùng đồng đội trở lại sân bay Khâm Đức để tìm kiếm các chiến sỹ hi sinh trong trận đánh 43 năm trước. Khi được hỏi về cảm xúc sau khi xem video clip về sự hi sinh anh dũng của 16 chiến sỹ D404, ông Lâm chia sẻ: “Tôi và các đồng đội hôm nay rất biết ơn cựu phóng viên chiến trường Mỹ - Christopher Jensen khi công khai video. Qua những thước phim chân thực đó, tôi chứng kiến giây phút cuối cùng đồng đội mình hiện hữu trên mảnh đất Khâm Đức, nơi mà họ sẵn sàng dâng hiến trọn cuộc đời! Tôi quặn lòng xót xa và kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả ấy! Vô cùng khâm phục, tự hào trước sự oanh liệt quả cảm ấy!”.


Nhiều ý kiến chia sẻ của cộng đồng mạng sau khi xem video clip do Christopher Jesen công bố đều cho rằng, rất nhiều người dân trên khắp thế giới cảm thấy nghẹn ngào bởi cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà họ muốn quên đi nhưng không thể. Tất cả họ đều muốn làm một cái gì đó để bù đắp cho quá khứ...

                                                                                                              Trịnh Ly Lan

Ảnh kèm theo bài 1:

- TRAN SAN BAY KD 1:   Sơ đồ trận đánh vào sân bay Khâm Đức 5-8-1970.

- TRAN SAN BAY KD 2:   Ảnh cựu chiến binh Mỹ cung cấp địa điểm hố chôn 16 chiến sỹ hi sinh.

- SAN BAY KHAM DUC 02:   Tượng đài chiến thắng Khâm Đức.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
43 NĂM TRẬN ĐÁNH SÂN BAY KHÂM ĐỨC (5/8/1970 – 5/8/2013) Phần II
Những thành tựu qua 45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ
DIỆN MẠO MỚI PHƯỚC SƠN
Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tạo tiền đề để Phước Hiệp sớm thoát nghèo
PHƯỚC SƠN – CHẶNG ĐƯỜNG 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1975 – 2015)
Thực hiên công tác Định canh - Định cư trên địa bàn huyện Phước Sơn
CÒN ĐÓ MỘT HÀNH TRÌNH…
Các tin cũ hơn:
Chiến thắng Khâm Đức 12.5
Thư chúc Tết Xuân Nhâm Thìn năm 2012 của Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn
Thư mời viết bài
Đăng ký Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Diễn văn truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân
Hội thi thể thao miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ VII năm 2012
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS HCM huyện Phước Sơn nhiệm kì 2012-2017
Kỷ niệm 83 năm, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Thư cảm ơn của UBND huyện Phước Sơn
    
1   2  
    

Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập