Ca nhạc

HUYỆN PHƯỚC SƠN, TẬP TRUNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN, ĐẨY MẠNH CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỪ NAY ĐẾN NĂM 2025
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 03/04/2014 .Lượt xem: 1137 lượt.

Nhìn lại chặng đường hơn 65 năm thành lập huyện, nhất là sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn thử thách giành được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, chuyển dần từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; thu kinh tế phát sinh trên địa bàn đạt khá, riêng năm 2012 Phước Sơn là 01 trong 05 huyện tự cân đối nguồn thu ngân sách, đạt 255,81 tỷ đồng, bằng 132%KH tỉnh giao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ; điện, đường trường, trạm cơ bản đảm bảo; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh quốc phòng được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4 – 5%/năm (năm 2013 hộ nghèo còn 53,72%).


Là một huyện miền núi vùng cao của tỉnh Quảng Nam cách trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ 115 km về phía Tây, cách thành phố Đà Nẵng 130km về phía Tây Nam. Toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên 114.127 ha, về đơn vị hành chính có 11 xã, thị trấn với 65 thôn, dân số 23.824 người, gồm nhiều thành phần dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Bhnong. Phước Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, di tích sân bay Khâm Đức, Ngok Ta Vat, di tích đồi E, khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, thác nước, đèo Lò Xo, suối Đắc Gà, núi Xuân Mãi, các hồ thủy điện, khu khai thác và chế biến vàng Đăksa…với nhiều tài nguyên du lịch văn hóa vật thể và phi vật thể. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cùng với chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ, huyện đã quan tâm đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch đạt một số kết quả quan trọng.

Năm 2012 giá trị thương mại dịch vụ đạt 92,055 tỷ đồng, trong đó ngành du lịch đạt 8,561 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm là 11% (giai đoạn 2008 – 2012), kết cấu hạ tầng phục vụ dịch vụ, du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Các dịch vụ lưu trú, ăn uống bước đầu đáp ứng nhu cầu. Toàn huyện có 03 khách sạn lớn, 235 phòng nghỉ, 06 nhà khách, 03 nhà nghỉ và nhiều nhà trọ bình dân khác, lượng khách du lịch đến Phước Sơn ngày càng tăng trong những năm gần đây (Năm 2012 có 6.120 lượt khách vãng lai, trong đó có 2.520 lượt khách quốc tế, khách nội địa 3.600). Hệ thống giao thông được nâng cấp, mạng lưới bưu chính, viễn thông, thông tin liên lạc phát triển khá mạnh.

Tuy nhiên nhìn tổng thể ngành du lịch trên địa bàn huyện vẫn còn kém phát triển so với một số huyện trong tỉnh; du lịch Phước Sơn vẫn chưa được chú ý nhiều trên bản đồ du lịch của cả tỉnh và chưa trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút các đoàn khách. Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế; số lượng khách còn ít, thời gian lưu trú ngắn (chủ yếu nghỉ qua đêm); các dịch vụ vui chơi, giải trí còn nghèo nàn, đơn điệu chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút khách ở lại lưu trú lâu ngày; nguồn thu ngân sách từ dịch vụ, du lịch đạt thấp, chưa đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là do vị trí địa lý chưa thật sự thuận lợi, cơ sở hạ tầng, giao thông còn hạn chế, thiếu đồng bộ; thu hút đầu tư chưa mạnh. Xuất phát điểm của nền kinh tế và trình độ của người dân còn thấp; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ lâm, nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch còn chậm tác động không nhỏ đến việc thu hút đầu tư du lịch

Về chủ quan do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; chưa ban hành các văn bản về chiến lược, đề án, quy hoạch phát triển du lịch mang tính khoa học. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa được quan tâm đúng mức; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, cơ sở lưu trú, nghỉ ngơi, ăn uống, bán hàng lưu niệm, dịch vụ thông tin cho khách du lịch...còn mỏng; hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên doanh, liên kết, giới thiệu và thu hút đầu tư phát triển dịch vụ du lịch còn kém và chưa hiệu quả. Chưa huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, trong nhân dân, các đối tác bên ngoài tham gia hoạt động du lịch. Cán bộ chuyên ngành du lịch chưa có, đội ngũ du lịch còn hạn chế, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động.

Với quan điểm phát triển du lịch là nhiệm vụ lâu dài, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vì lợi ích của nhân dân và các mục tiêu phát triển của con người; gắn phát triển du lịch với các ngành kinh tế khác để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương; kết hợp du lịch với bảo vệ mội trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên niên; thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội; lấy lợi ích trực tiếp từ kinh tế du lịch để làm đòn bẩy cho sự phát triển. Tập trung khai thác tài nguyên du lịch của huyện, phải bắt đầu từ những cái đã có và từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp đồng thời phải biết chọn điểm đột phá, đi tắt đón đầu để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phước Sơn, khóa XIX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đã xác định mục tiêu: Xây dựng Phước Sơn trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có uy tín trên bản đồ du lịch của tỉnh Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung. Đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch để bắt nhịp với các huyện trong khu vực. Tăng dần tỷ trọng ngành du lịch trong GDP của huyện, trở thành ngành kinh tế trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huy động các nguồn lực đầu tư để tăng mạnh số lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí,các điểm du lịch theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Quy mô có thể đón 15.000 lượt khách vào năm 2020 và tiếp tục phát triển hơn trong tương lai sau đó. Phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ phụ trợ cho du lịch, hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Chú trong phát triển du lịch sinh thái, gắn với giao khoán, quản lý bảo vệ rừng và trồng cây nguyên liệu, cây công nghiệp (cao su) tạo điều kiện để người dân có cuộc sống ổn định và làm giàu từ rừng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX. Phấn đấu đến năm 2025, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng các khách sạn có chất lượng và các dịch vụ kèm theo như ăn uống, giải trí…đảm bảo phục vụ trong công tác du lịch.

Để hoàn thành và đạt được mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành trong huyện tập trung khắc phục tồn tại, vướng mắc để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò quan trọng của phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay; tạo sự đồng thuận và nhất quán về quan điểm xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế động lực, là một trong 03 khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010 – 2015.

 

2- Tổ chức tốt việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch: Hoàn thành việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của huyện, gắn với nghiên cứu thị trường khách, đối tượng khách, thị hiếu để lập dự án kêu gọi đầu tư.

Quy hoạch phát triển du lịch của huyện phải tuân thủ quan điểm phát triển bền vững và hiệu quả cao, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; giữa phát triển du lịch với phát triển văn hóa, con người và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường.

 

3- Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, bố trí ngân sách, lồng ghép với các chương trình dự án, tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA, ngân sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và đầu tư của các thành phần kinh tế để xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, ưu tiên xây dựng và nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, khu thu gom rác thải… tại các vùng có tiềm năng phát triển du lịch để thu hút các nhà đầu tư có năng lực vào tham gia các dự án du lịch của huyện.

Hằng năm xem xét dành một phần nguồn vượt thu ngân sách huyện cùng với tranh thủ nguồn khuyến công từ Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện để đầu tư làng nghề truyền thống; tập trung đào tạo năng lực, tiếp cận thị trường, sáng tạo mẫu mã, chủng loại sản phẩm làng nghề phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch

Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và tư nhân bằng chính sách thống nhất, cam kết đầu tư hạ tầng đồng bộ. Lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo năng lực về tài chính và chuyên môn, tránh tình trạng chia nhỏ, xé lẻ đất đai và chiếm giữ vị trí chờ cơ hội.

Xây dựng phải đồng thời thực hiện tốt việc đền bù thiệt hại, giải phòng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi ngành ngề cho nhân dân vùng phát triển du lịch. Coi đây là giải pháp quan trọng bậc nhất để tạo môi trường đầu tư tốt. Khẩn trương chuẩn bị mặt bằng để triển khai các dự án lớn về du lịch, dịch vụ. Chú ý tổ chức sắp xếp lại dân cư kết hợp phòng tránh thiên tai; từng bước hình thành các khu dân cư, đô thị sinh thái – văn minh, nhằm nâng dần chất lượng cuộc sống của nhân dân.

4- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch

Tiến hành điều tra cơ bản nguồn nhân lực du lịch hiện có, nhu cầu lao động của địa phương để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, từng bước tạo sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang lĩnh vực du lịch. Tổ chức tốt công tác thông tin về phát triển du lịch để nhân dân lựa chọn các ngành nghề đào tạo. Quan tâm bồi dưỡng kiến thức về du lịch, ngoại ngũ, kiến thức về quốc phòng, an ninh, kiến thức lịch sử, văn hóa ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ở vùng có tiềm năng phát triển du lịch. Phối hợp với các trường nghề du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh tiến hành tập huấn ngắn hạn, dài hạn hoặc cử tham gia các hội thảo, hội nghị, hội chợ về du lịch cho cán bộ làm làm công tác du lịch, đội ngũ quản lý nhà hàng, khách sạn, nhân viên, lễ tân…Có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài trong lĩnh vực du lịch. Phân công việc hợp lý gắn với trách nhiệm cá nhân mỗi cán bộ nhân viên trong ngành du lịch; có chế độ thưởng, phạt kịp thời để động viên và tạo nền nếp kỷ cương trong công tác.

5- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin quảng bá, xúc tiến đầu tư

Đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề du lịch, có định hướng đúng đắn và phù hợp tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch. Đẩy mạnh việc cung cấp các ấn phẩm như tờ rơi, tập gấp, sách hướng dẫn, bản đồ du lịch… đến với khách du lịch. Gắn quảng bá với nâng cao số lượng lưu trú và chất lượng dịch vụ du lịch

Triển khai hình thành hệ thống cổng thông tin điện tử bao gồm các giải pháp về công nghệ thông tin hiện đại để quảng bá các tiềm năng du lịch và kinh tế của huyện nhà, thông qua đó khách có thể tìm hiểu trao đổi trực tiếp và có thể mua vé tham quan, đặt chỗ, và đăng ký các dịch vụ khác…

Hợp tác với trung tâm du lịch trong nước, các tỉnh, huyện lân cận, nhất là với thành phố Đà Nẵng, Tam Kỳ, huyện Duy Xuyên, Hội An để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thông qua các tuyến du lịch liên vùng.

Lập trang web về du lịch Phước Sơn với nội dung phong phú, trong đó giới thiệu các danh lam, thắng cảnh, các khu du lịch, vui chơi, giải trí để du khách có thể tìm hiểu thông qua mạng, kích thích sự khám phá và thu hút số lượng khách ngày một tăng đến với Phước Sơn

Tăng cường công tác quảng bá và xúc tiến du lịch, làm cho du lịch Phước Sơn thực sự trở thành một bộ phận không thể tách rời của du lịch cả nước, trước hết là du lịch của tỉnh Quảng Nam.

6- Tăng cường các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với du lịch

Thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động có tầm quy mô nhân các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội lớn, nhất là các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các giải đấu thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân và du khách. Xây dựng, củng cố và tổ chức tốt các lễ hội mang bản sắc văn hóa đặc thù của địa phương phục vụ hoạt động du lịch. Gắn với việc bảo tồn và phát huy, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trong huyện để phát triển du lịch văn hóa

7- Tập trung phát triển thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện: Hoàn thiện các tuyến du lịch trên địa bàn huyện, khai thác có hiệu quả các loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái

Về du lịch lịch sử: Di tích cứ điểm Ngok Ta Vat – Di tích đồi E – Sân bay Khâm Đức

            Du lịch sinh thái: Khu bảo tồn tài nguyên Sông Thanh, Hồ thủy điện ĐăK Mi 4 – Thác nước – Suối nước Lang – Dốc lò Xo – Suối Đắc Gà – Đỉnh Xuân Mãi – Khu khai thác và nhà máy tuyển luyện vàng Đăksa.

            Du lịch mạo hiểm: leo núi, đi bộ trong rừng, bơi thuyền trên các hồ thủy điện.

            Du lịch văn hóa vật thể và phi vật thể: Nhà Làng truyền thống của đồng bào dân tộc ít người như Cơ tu, Ve, Giẻ Triêng, Xơ Đăng; Duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, đan đát chế biến rượu cần và các món ăn truyền thống của người Bhnong. Xây dựng chương trình du lịch văn hóa truyền thống, ẩm thực như Lễ hội mừng lúa mới của người Bhnong, lễ hội cồng chiêng…

Xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, du lịch sinh thái thân thiện với môi trường. Ưu tiên đầu tư khai thác hiệu quả các sản phẩm dịch vụ, du lịch tại các làng nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc, các sản phẩm đặc trưng từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Chú trọng mở rộng, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế đặc trưng của vùng như du lịch lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, hội nghị, hội thảo... Tập trung kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các siêu thị, cửa hàng thương mại ở trung tâm huyện và ở các khu du lịch có tiềm năng; xây dựng và đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng đồ lưu niệm mang thương hiệu Phước Sơn từ các sản phẩm làng nghề thủ công của địa phương, đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách.

Khuyến khích phát triển các hoạt động kinh doanh, dịch vụ liên quan đến du lịch, tạo cơ chế thông thoáng để các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu, tụ điểm vui chơi giải trí, các loại hình hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách

8- Phát triển các điều kiện đón tiếp và phục vụ khách

Phối hợp với Trung tâm xúc tiến Du lịch Quảng Nam, liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài địa phương để tạo được tour và thu hút được các hãng lữ hành.

- Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao thông ở các tuyến đường đi vào khu di tích, điểm tham quan và tuyến du lịch đã định hướng, hạn chế bê tông hóa sẽ phá vỡ cảnh quan đi vào các khu di tích.

- Đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư tại các khu quy hoạch xây dựng, nâng cấp các nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp và bền vững, cùng với các dịch vụ có chất lượng nhằm lưu giữ, kéo dài thời gian của du khách.

Kết hợp phát triển du lịch với việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả phương châm “Chung tay xây dựng Phước Sơn xanh, sạch, đẹp” nhằm từng bước xây dựng Phước Sơn thành địa phương có môi trường tự nhiện đẹp, môi trường xã hội thân thiện, lành mạnh, hấp dẫn và ổn định, an toàn, tạo ấn tượng đẹp cho du khách.

- Nâng cao chất lượng phục vụ khách được thực hiện ngay trong nội bộ của các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch: đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên trực tiếp phục vụ khách với phong cách chuyên nghiệp đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của khách.

9- Tổ chức bảo tồn và khai thác tài nguyên du lịch Phước Sơn: Gắn khai thác với bảo vệ, bảo tồn di tích, đặc biệt là di tích lịch sử: căn cứ điểm Ngok Tak Vat, đồi E, sân bay Khâm Đức

Khuyến khích khôi phục và phát triển làng nghề thủ công truyền thống, đặc trưng là nghề dệt thổ cẩm, đan đát, nấu rượu cần và chế biến các món ăn mang bản sắc văn hóa của người Bhnong thành tour tham quan của du khách.

Đồng thời xây dựng quy chế tham quan du lịch tại các di tích và thắng cảnh nhằm ngăn chặn sự xâm hại từ khách du lịch và người dân.

                                                                              --------Ký Sơn------

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Quảng Nam tập trung phát triển hạ tầng du lịch vùng đông
CÚ HÍCH CHO VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI CÙ LAO CHÀM
NHỮNG NỖ LỰC NHẰM THU HÚT KHÁCH DU LỊCH.
QUẢNG NAM ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2015-2020
Quảng Nam đón hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú
SUỐI NƯỚC LANG – MỘT VẺ ĐẸP
Hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng và 50% lãi suất vay cho các nhà đầu tư phát triển du lịch ở miền núi và xã đảo
ẨM THỰC XỨ QUẢNG – NHÌN TỪ DU LỊCH..
HƠN 3.7 TRIỆU LƯỢT KHÁCH THAM QUAN NĂM 2014
UBND TỈNH TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG DU LỊCH NĂM 2014 VÀ ĐỐI THOẠI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP
    
1   2   3  
    
Các tin cũ hơn:
Khu du lịch sinh thái Suối ĐăkGà – một điểm đến hấp dẫn
SẴN SÀNG CHO FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM 2013
“DI SẢN NÔNG THÔN” XỨ QUẢNG…
LÀNG NGHỀ GẮN KẾT VỚI DU LỊCH Ở HỘI AN
VỀ PHÍA BÊN KIA ĐÈO LE CỦA XỨ QUẢNG…
QUẢNG NAM: HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 3 NĂM DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TẠI CÁC HUYỆN SÂU TRONG ĐẤT LIỀN Ở TỈNH QUẢNG NAM”
Quảng Nam : Đón vị khách quốc tế thứ 1,6 triệu vào dịp giao thừa 2014
QUẢNG NAM: HỘI THẢO GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ CÁC ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH

Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập